Vợ chồng sống với nhau cả đời, anh hãy khéo léo lựa theo tính vợ. Tính khí này khó thay đổi lắm, anh chịu khó sống chung với lũ vậy. Và tôi khẳng định, vợ rất yêu anh (kết luận từ bản thân tôi mà ra) và gia đình anh sẽ hạnh phúc.
>Tôi như thầy tu trên chiếc giường chung
From: TD342
Sent: Wednesday, October 06, 2010 10:56 AM
Tôi chưa bao giờ có ý tưởng rằng một ngày nào đó sẽ lên mặt báo để nói lên ý kiến cũng như suy nghĩ của mình. Nhưng khi tôi đọc bài “Tôi như thầy tu trên chiếc giường chung”, tôi thấy có thể chia sẻ một phần nào suy nghĩ của tôi để anh Mai Huu Chau có thể hiểu hơn về vợ mình và tôi cảm thấy anh Chau là một người cũng khá gia trưởng, đúng không anh?
Anh Mai Huu Chau ạ, tôi cũng có lúc như vợ anh, nên tôi rất hiểu cảm giác cũng như suy nghĩ của chị. Có lẽ ở thế giới phụ nữ toàn sự vị tha, bao dung chỉ có chúng tôi là những người ích kỷ thôi, tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì điều này, vì tôi không bao dung được như những phụ nữ khác.
Anh Mai Huu Chau ạ, chúng tôi (tôi và vợ anh) có rất nhiều điểm chung với nhau, cùng tôn sùng chủ nghĩa bình đẳng nam nữ và tôi khẳng định chị cũng có tính ích kỷ như tôi. Anh Chau ạ, khi yêu cũng như khi cưới, chúng tôi luôn muốn đứng vị trí số một trong trái tim các anh (vợ là nhất), và không bao giờ muốn san sẻ tình yêu của các anh cho bất cứ ai, kể cả những người thân của anh.
Tôi biết như vậy là sai, nhưng tính ích kỷ đã ngấm vào máu rồi. Nếu anh tinh ý, anh sẽ biết cách dung hòa được tính khí thất thường của vợ. Ví dụ: Khi anh đưa con về nhà nội, anh nên nói trước với vợ anh, khi vợ anh nhất trí với ý kiến của anh, anh hãy mang cháu về. Nếu chồng tôi mà tự ý đưa con về bên nội, tôi cũng sẽ xử sự như vợ anh, chỉ có điều tôi không kiên trì được đến 6 tháng mà thôi.
Còn nếu vợ anh không đồng ý thì anh hãy thuyết phục kiểu như, tuần này đưa con về bên nội cho ông bà nội đỡ nhớ, tuần sau đưa con về ông bà ngoại cho ông bà ngoại đỡ mong. Hãy luôn đối xử hai bên nội ngoại song song. Hơn nữa việc anh coi trọng ý kiến của vợ anh như vậy sẽ làm thỏa mãn được “chủ nghĩa bình đẳng nam nữ” trong lòng chị ấy và hơn hết chị ấy biết anh luôn coi trọng chị ấy.
Còn tình huống xung đột thứ hai như anh nói là khi bạn bè anh đến chơi, tôi không biết anh như thế nào nhưng tôi xin nói cảm xúc của tôi trong tình huống của vợ chồng tôi. Chồng tôi, bạn bè đến chơi là sẽ phải làm cơm, tôi cũng phải đi làm, cũng rất mệt mỏi, cuối tuần là dịp nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần cho tuần mới vậy mà lại phải cơm nước, cơm nước xong còn khâu dọn dẹp nữa chứ, làm sao tôi vui được. Trong lòng cảm thấy như mình là osin vậy, có lẽ vợ anh cũng “lười” giống tôi.
Theo tôi, để xử lý tình huống này, khi bạn bè anh đến chơi mà có mời cơm, anh hãy mời bạn bè ra quán (tất nhiên là phải có vợ con anh nữa, chủ nghĩa bình đẳng mà). Còn những dịp đặc biệt, anh muốn mời bạn bè đến nhà dùng cơm, anh hãy trao đổi trước với vợ (nói thẳng là xin ý kiến vợ) và có kế hoạch trước (vợ đồng ý hãy mời nhé) và hãy thực hiện cùng vợ (hãy luôn tôn trọng chủ nghĩa bình đẳng, vợ anh làm những việc gì thì anh cũng phải làm những việc như vậy). Tôi tin vợ sẽ vui vẻ cùng anh tiếp đón bạn anh, anh vừa không mất mặt mà không khí gia đình luôn êm ấm.
Còn tính huống xung đột thứ 3 như anh nói là khi anh giúp đỡ anh em nhà anh, tôi nghĩ nếu như anh trao đổi với vợ trước và lắng nghe suy nghĩ của vợ sẽ không có chuyện như vậy. Như tôi đã nói từ trước, chúng tôi rất ích kỷ, mặc dù là tiền anh kiếm ra nhưng người xưa có câu: “Của chồng công vợ”, anh hãy tôn trọng vợ anh. Nếu anh em nhà anh không quá quắt (đòi hỏi sự giúp đỡ quá nhiều), tôi tin vợ anh sẽ không phản đối việc anh giúp đỡ các anh em (bởi yêu nhau yêu cả đường đi lối về huống hồ là người thân của người mình yêu), tất nhiên giúp đỡ phải “có giới hạn” thôi.
Anh phải luôn nhớ rằng anh đã có vợ và gia đình nhỏ của anh luôn là số một. Còn nếu muốn êm ấm thì ngoài phần công khai, hãy giấu vợ khéo léo giúp đỡ các anh em. Nếu để vợ anh biết thì sẽ to chuyện hơn đấy, lúc đó tính ích kỷ, chủ nghĩa bình đẳng sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần. Và anh hãy luôn nhớ, khi giúp đỡ nhà nội thì cũng phải giúp đỡ nhà ngoại song song, mặc dù có thể nhà ngoại không cần nhưng anh hãy luôn thể hiện anh coi nhà vợ cũng như nhà mình. Bất kể hành vi ứng xử nào cũng phải “song song”, tất nhiên là hành vi tốt thôi nhé.
Nói thật với anh, nếu tôi là vợ anh tôi cũng sẽ luôn là người gây xung đột trong gia đình như vậy. Nhưng anh ạ, chính anh lại là người châm ngòi cho những xung đột ấy. Việc anh phải mưu sinh cho gia đình không có nghĩa “anh là number one”, vợ anh luôn phải theo ý của anh. Thực tình mà nói, đàn ông trên thế giới này đều phải vất vả mưu sinh cho gia đình nhỏ của mình như anh, anh không phải trường hợp duy nhất đâu, nên công trạng cũng bình bình thôi. Khi vợ anh không thoải mái với anh (đang giận anh) thì vợ anh cũng chẳng thèm quan tâm xem anh vất vả như thế nào đâu. Chỉ khi nào vợ lại yêu anh (hết giận anh), vợ mới lại quan tâm và thương anh “đã vất vả” thôi. Có lẽ lúc đó anh sẽ lại được chăm sóc như một ông hoàng ấy chứ.
Vợ chồng sống với nhau cả đời, anh hãy khéo léo lựa theo tính khí vợ. Tính khí này khó thay đổi lắm, anh chịu khó sống chung với lũ vậy. Và tôi khẳng định, vợ anh rất yêu anh (kết luận từ bản thân tôi mà ra) và gia đình anh sẽ hạnh phúc.
Chúc anh tìm được hướng giải quyết để giữ lửa cho tổ ấm bé nhỏ của mình.