Chồng không xứng đáng được nhận sự hy sinh của Ngân

Chị không đáng phải lao tâm khổ tứ, phải hy sinh nhẫn nhịn hết điều này đến điều nọ để cuối cùng chẳng có được kết quả gì. Chị đã dành tất cả tình yêu thương cho người chồng của mình mà anh ấy vẫn ngựa quen đường cũ thì thật quá đáng. (Hiếu Nguyễn)
>Tôi như ni cô trong ngôi nhà của mình

From: Hiếu Nguyễn
Send:Thu 10/7/2010 10:42 AM


Thân chào chị Ngân!


Hôm nay không hiểu sao tôi lại đọc được bài viết của chị trong những ngày đâu đâu trong thành phố cũng âm vang lên những tiếng thở hào hùng của đất nước, của thủ đô những ngày kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dường như ai ai cũng háo hức, cũng như chờ đợi, như vui quên đi mọi khó khăn vất vả của cuộc sống này.


Tôi cũng vậy, nhưng bất chợt đọc bài viết của chị xong, tôi vẫn thấy trong muôn ngàn số phận vẫn còn có những số phận đang phải vật lộn, lo lắng, đau khổ cho suốt cả trong cuộc sống mưu sinh gian khổ này.

Người phụ nữ Việt Nam từ bao nhiêu đời nay vẫn vậy, vẫn gắng mình chịu nhiều thiệt thòi để nuôi con chăm sóc cho gia đình. Có những người phụ nữ chồng làm nhiệm vụ, công tác, phải chờ hàng năm trời để một mình vò võ nuôi con, chăm sóc cho bố mẹ chồng, vun vén gia đình mà không một lời kêu ca oán thán.


Lại có những người phụ nữ mang hết sức lực, tình yêu thương để chăm sóc cho người thương binh gầy úa kiệt quệ khi trở về quê nhà với hai bàn tay trắng mà không đòi hỏi phải có một ngôi nhà, có một chiếc xe đẹp hay một tấm áo đắt tiền.

Xã hội hiện nay đã đổi mới, người phụ nữ cũng không phải chịu quá nhiều thiệt thòi và cam chịu như ngày xưa nữa. Họ có quyền được mơ một mái ấm gia đình và những đứa trẻ. Người phụ nữ cũng không phải chịu nhiều điều tiếng cổ hủ như thời “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.


Họ có quyền bình đẳng, có quyền được làm việc và hưởng thụ như tất cả người đàn ông khác. Nói thế để chị hiểu rằng sự cam chịu trong một người phụ nữ là cần thiết, nhưng không phải để biến mình thành một người vô hồn vô cảm với xã hội, với cuộc sống.

Chị Ngân ạ, chị có một mái ấm gia đình, một người con. Nhưng như chị nói trong bài viết về người chồng của chị, chị không đáng phải lao tâm khổ tứ, phải hy sinh nhẫn nhịn hết điều này đến điều nọ để cuối cùng chẳng có được một kết quả gì. Chị đã dành tất cả tình yêu thương cho người chồng của mình mà anh ấy vẫn ngựa quen đường cũ thì thật quá đáng.


Người phụ nữ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nếu anh ấy thực sự không có thay đổi và không còn trách nhiệm với gia đình nữa thì chị níu kéo chẳng có ích gì. Cuộc sống như ngục tù với chị liệu có làm cho anh ấy quay trở lại hay dẫn bước cho anh ấy phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Coi thường chính chị và gia đình của mình.

Khi người phụ nữ đã lập gia đình, có được người con là điều làm cho họ hạnh phúc nhất. Chị đã có được điều đó, chị hy sinh là để cho con và con lại chính là sợi dây yêu thương và trách nhiệm với gia đình cho cả hai anh chị. Nếu anh ấy cũng không thấy được trách nhiệm và sợi dây yêu thương đó thì thật là đáng trách.

Trong cuộc sống vợ chồng, chuyện quan hệ vợ chồng là vấn đề bình thường và hết sức cần thiết, nó là thứ để nuôi dưỡng và làm cho hai người gần gũi, yêu thương nhau. Chị phải nín chịu hàng chục năm trời để giữ gia đình nhưng lại không thỏa mãn về cuộc sống này thì chị thật là một người phụ nữ kiên cường. Nếu chị đã khuyên bảo anh ấy và có những chứng cứ để chứng minh anh có lỗi với chị mà anh vẫn chứng nào tật ấy thì anh là người đáng bị chê cười, không còn xứng đáng với chị nữa.

Chị Ngân ạ, cuộc sống này khó khăn về vật chất người ta có thể vượt qua được nhưng nếu khó khăn về tinh thần thì cực khổ đến tột cùng. Chị Dậu ngày xưa đã không khổ vì đói nghèo nhưng dám vác đòn gánh đánh lại bọn lý hào là vì chị bị áp bức chèn ép về tinh thần đến mức chị không coi như đã chết rồi.

Chị hãy thật bình tĩnh để nói chuyện với anh ấy, hãy dùng tình yêu thương và chăm sóc để nuôi dưỡng, để làm một mái ấm cho anh ấy biết rằng nó quan trọng thế nào. Nếu cần chị có thể nhờ cả hai bên nội ngoại nói chuyện và khuyên bảo anh ấy, cho anh biết được gì và mất gì khi không còn gia đình nữa. Còn nếu không thể cứu vãn được thì việc giải thoát để có cuộc sống mới là một việc làm có thể có điều tiếng nhưng nó là điều nên làm ở hoàn cảnh của chị.

Hãy thật bình tĩnh và cương quyết để có một cuộc sống thật ý nghĩa cho đứa con và cho tâm hồn của chị.


Chúc chị sáng suốt tìm ra sự lựa chọn cho mình.

Nguyễn Hiếu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.