Tự Long: ”Chưa dám nghĩ đến đứa thứ hai”

Vừa làm biên chế trong quân đội lại vừa chạy sô ngoài nên Tự Long thú nhận một cậu con trai cũng khiến vợ chồng anh vất vả lắm rồi.

>>Tự Long: ”Tôi nhịn Xuân Bắc như… cơm sống”
>>Tự Long: “Vợ tôi không tránh khỏi thiệt thòi…”
>>Tự Long làm ca sĩ?

Tình cờ gặp Tự Long cùng vợ và cậu con trai tinh nghịch Gia Anh tại Hội thảo hướng dẫn thực hiện mô hình Ý tưởng trẻ thơ tại Hà Nội ngày 11/7, sau nụ cười “bắng nhắng”, chàng diễn viên hài tâm sự, công việc bận rộn khiến anh hiếm có ngày nghỉ nào được ở bên gia đình.

Tự Long tâm sự: “Sau này tôi muốn con tôi làm gì cũng có chữ sĩ đằng sau: bác sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, võ sĩ”.

Anh cho rằng đâu là lý do cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ mời anh xuất hiện bên cạnh các giảng viên, kiến trúc sư hướng dẫn các em nhỏ về chuyển động và lắp ghép mô hình?

– Có lẽ, những người tổ chức chương trình nhìn thấy sự gần gũi của tôi với các em nhỏ. Tôi tham gia hướng dẫn các em thuyết trình để giúp các em có kỹ năng nghe nói, biểu đạt trước đám đông, trả lời ban giám khảo về ý tưởng và những sản phẩm của mình. Các em nhỏ tỏ ra rất hào hứng trước sự xuất hiện của tôi, nhận ra tôi ngay từ ngoài hành lang và xếp hàng xin chữ ký chú Tự Long.

Thời gian gần đây anh xuất hiện nhiều trong những chương trình dành cho trẻ em. Vì sao anh lựa chọn hướng đi này?

– Sau Gala cười, các nghệ sĩ hài ít có cơ hội xuất hiện trên truyền hình. Nhiều người chuyển sang làm MC cho các game show, còn tôi vẫn chuyên tâm diễn hài, không chỉ cho người lớn mà cho cả trẻ con. Tôi và Xuân Bắc bắt đầu diễn hài cho thiếu nhi từ cách đây 4-5 năm rồi. Ở Hà Nội, những chương trình dành cho thiếu nhi thường chỉ tập trung vào những dịp bế giảng, khai giảng, 1/6, Trung thu. Chúng tôi cho ra những show như Năm anh em siêu nhân, Alice ở xứ sở diệu kỳ hay Người dơi giải cứu công chúa và được các em nhiệt tình ủng hộ.

Người lớn ai cũng có thể nói là “tôi rất yêu trẻ con”, nhưng thể hiện tình yêu ở mức độ nào lại thuộc vào cá tính mỗi con người. Gần gũi với trẻ, đưa ra những tiêu chí, ý tưởng hay làm cho trẻ em thích thú có lẽ không dễ dàng với bất cứ nghệ sĩ nào. Tôi yêu trẻ từ lúc tôi chưa có con. Đối tượng khán giả của tôi không bao giờ già vì lứa này lớn lên, lứa khác lại ra đời. Có những nghệ sĩ tồn tại chỉ với một vai diễn, khi 20 tuổi là Alibaba, 49 tuổi vẫn hát “Vừng ơi, mở ra”. Tuy nhiên trẻ em bây giờ không như trẻ em ngày xưa nữa. Chúng thông minh, nhạy bén, rất cập nhập với thông tin, xem hoạt hình suốt ngày trên tivi nên để làm được những điều các em thích cũng không đơn giản.

Anh chàng chuyên đóng vai quái vật và tướng cướp được các em nhỏ yêu mến xếp hàng xin chữ ký.

Phản hồi của các em bé cũng như các bậc phụ huynh tác động ngược lại thế nào đến công việc của anh?

– Phản hồi của các em bé là ngay lập tức trên sân khấu và ngay sau buổi diễn. Nhờ thế chúng tôi biết được cái gì hay để giữ lại, cái gì dở phải bỏ ngay. Mỗi tiểu phẩm là đứa con tinh thần của chúng tôi và chúng tôi mong làm những điều thật tốt, nhưng không thể tránh được những hạt sạn. Đôi khi không khí vẫn còn rùng rợn quá hay có một vài từ ngữ vẫn chưa thực sự mịn màng. Có những người thầy, những đạo diễn tài ba vẫn không tránh được sai sót, quan trọng là chúng tôi biết lắng nghe. Một tác phẩm làm ra để hay được phải qua thực tế, nhận được sự phản ánh, phê bình của người xem và người trong giới mới có thể tròn trĩnh hơn.

Fan của tôi tầm 4-12 tuổi. Trong những tiết mục của chúng tôi, Xuân Bắc bao giờ cũng đóng siêu nhân đỏ, người dơi, hoàng tử, còn tôi bao giờ cũng vào những vai như tướng cướp, đại vương, đầu mấu. Xuân Bắc luôn có những cánh tay giơ lên ủng hộ cuồng nhiệt vì đại diện cho cái thiện, còn tỷ lệ em bé ủng hộ Tự Long thì rất ít nhưng không phải không có. Có lần tôi hỏi ai muốn làm đệ tử của đại vương, rất nhiều em chạy lên sân khấu, đuổi mãi mới xuống. Đôi khi các em thích xem chúng tôi không phải vì vai diễn mà bởi các em yêu chú Xuân Bắc, Tự Long.

Bận rộn với những chương trình, anh nghĩ sao khi mình đi mang nụ cười cho các em bé khác còn em bé của mình lại thiếu sự chăm sóc của bố?

– Hàng tuần tôi chỉ ăn cơm ở nhà một, hai bữa là chuyện thường. Bố đi vào lúc 7h30 khi con chưa dậy, về vào lúc đêm khuya khi con đã ngủ say nên tôi ít có thời gian chăm sóc con. Nhưng những lúc rảnh rỗi, tôi thường đánh xe đưa con đi chơi, thả diều. Nhiều chương trình của bố, con trai tôi cũng được mẹ đưa đến xem. Gia Anh thấy đại ma vương vẫn cười khanh khách vì nhận ra bố, nhưng lại rất sợ các đệ tử của đại ma vương. Con tôi có điểm giống tôi là rất bắng nhắng. Ở nhà tôi gọi cháu là Teppi siêu quậy. Quậy nhưng nhát.

Không hẳn vì có con mình mới hiểu tâm lý của trẻ, nhưng khi có con tôi ngộ ra được nhiều điều. Trẻ con tựu chung lại rất ngây thơ, ngộ nghĩnh, sự tìm tòi của các em cũng đơn giản nhưng lắm khi người lớn mình cứ hay phức tạp lên. Mang lại những góc nhìn thật sự lành mạnh cho trẻ em là điều mà tôi mong muốn làm được.

Bà xã anh nói gì về việc anh ít dành thời gian chăm lo cho gia đình, con cái?

– Đôi lúc vợ tôi phàn nàn mình vất vả hơn những người khác, không được đi chơi, không được đi nghỉ mát hay chồng bỏ bê nhiều việc gia đình, họ tộc như giỗ chạp, cưới xin. Tôi vừa có biên chế trong quân đội, vừa tranh thủ làm ngoài nên rất khó bố trí về thời gian. Thôi thì mình được mặt này thì gia đình mình thiệt mặt khác. Tôi đành an ủi vợ chứ không thể làm khác được. May là vợ tôi làm hành chính ở nhà xuất bản, 8h sáng đi, 18h tối về. Cô ấy cũng hiểu tâm lý của tôi nên không kêu ca nhiều, tự chăm sóc gia đình và con cái. Chính vì thế chúng tôi chưa có ý định sinh cháu thứ hai. Một đứa cũng đã vất vả quá rồi.

Tự Long hạnh phúc với gia đình nhỏ có người vợ cảm thông cho chồng và cậu con trai “bắng nhắng” y như bố.

Một diễn viên thường rất phóng khoáng trong khi môi trường quân đội lại đòi hỏi tính kỷ luật, nghiêm khắc. Anh dung hòa hai điều này thế nào?

– Tôi luôn phải tìm cách giải quyết những mâu thuẫn do sự xung đột của hai điểm trái chiều này. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, trong khi nghệ sĩ yêu thích sự tự do. Tự do ở đây là tự do về giờ giấc, muốn ngủ thật muộn, uống bia rượu đến đêm mới về hay hát nói thoải mái, thích cười lúc nào cũng được, nhưng một chiến sĩ phải đi đúng giờ và nghiêm túc. Có hôm tôi đi diễn ở Quảng Ninh, 4h sáng mới về vẫn phải mắt nhắm mắt mở đến cơ quan có mặt lúc 7h30. Bình thường một nghệ sĩ nếu cơ quan không có việc có thể thoải mái nghỉ ngơi.

Một năm, trong đoàn văn nghệ quân đội, chúng tôi diễn từ 120 đến 150 đêm, ngoài ra tôi còn diễn cùng Xuân Bắc, làm một số chương trình truyền hình. Người tôi lúc nào cũng căng như sợi dây đàn vì phải cố gấp đôi những nghệ sĩ khác. Căng ra để sống vì ngoài công việc còn có trách nhiệm của người đàn ông với gia đình. Tôi cố gắng vì tôi không phải là nghệ sĩ của gia đình hay nghệ sĩ của một đoàn mà là một người của công chúng, ngoài kiếm sống còn là ham muốn được biểu diễn, cống hiến cho khán giả.

Nhiều người cho rằng thành công của anh ngày hôm nay có sự đóng góp lớn của Xuân Bắc vì đã có công đưa anh đến với duyên hài. Anh nhìn nhận ra sao về ý kiến này?

– Đó không phải là sự thật. Mỗi người đều có con đường của mình. Chúng tôi có xuất phát điểm giống nhau: Cùng trường, cùng phòng, cùng tầng, cùng chơi. Xuân Bắc không phải là người diễn hài trước tôi. Điều hạnh phúc nhất với chúng tôi là thương hiệu Xuân Bắc – Tự Long không chỉ được biết ở trong nước mà khán giả hải ngoại cũng rất ưu ái.

Thường xuyên đi diễn cùng Xuân Bắc, anh cảm nhận thế nào về tính cao su của “anh Núi”?

– Không phải tôi chưa bao giờ thấy bực mình vì tật cao su của Bắc nhưng tôi cho rằng để thay đổi tính một người thì không phải dễ dàng. Bản thân tôi có nhiều nhược điểm trong đó có tật nói nhiều. Nói phải đúng lúc đúng chỗ, mình không thể nói ít được nhưng đến chỗ nào cũng nói thành ra nhiều lúc khó kiểm soát bản thân. Nhiều người gặp tôi ở ngoài bảo tôi còn bắng nhắng hơn trên sân khấu.

Chủ nhân của 60 ý tưởng xuất sắc được lựa chọn từ 37 nghìn bức tranh tham gia cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” đã bước vào vòng 2 làm mô hình. Để chia sẻ những khó khăn lo lắng của các em, Ban tổ chức cuộc thi tổ chức hội thảo hướng dẫn thực hiện mô hình giúp các em trao đổi kiến thức, kỹ năng trong việc tạo dựng mô hình. Trong hai ngày hội thảo tại Hà Nội và TP HCM vào ngày 11 – 12/7, có bốn nội dung được truyền tải tới các em nhỏ: Giới thiệu mô hình của các em nhỏ Nhật Bản, giới thiệu các làm một số chuyển động đơn giản, tạo hình và lựa chọn vật liệu, hướng dẫn kỹ năng thuyết trình. Phần kỹ năng thuyết trình do nghệ sĩ Tự Long và Thanh Bạch đã mang đến cho các em nhỏ không khí vui vẻ và sinh động.

Theo VnExpress

Source: Zing

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.