Category Archives: Truyện ngắn

Ba lần lấy chồng, ông thứ hai hỉ chưa sạch mũi

Khi bỏ chồng đầu con Tím mới ba hai tuổi, còn giòn lắm. Có một kinh nghiệm xưa nay, đàn ông đàn bà đều vậy, vừa ly dị phải lo kiếm vợ lấy chồng ngay, để lâu mất hết nhuệ khí, cái duyên cũng mất đi, càng để lâu càng khó bước thêm bước nữa. Biết vậy nên bạn bè gặp nó ở đâu cũng hỏi nó léo nhéo, nói chồng chưa.. chồng chưa. Con Tím nhăn răng cười, nói chưa. Lập tức cả bọn xúm lại rối rít bày cách kiếm chồng cho nó. Con Tím đá cho mỗi đứa một phát, nói cút cả đi, tao ớn chồng con đến tận cổ rồi, cấm tụi bay nói chuyện đó.

3 lần lấy chồng
3 lần lấy chồng – Ảnh minh họa -Ảnh Dương Quốc Định

Nó ớn chồng thật, bất kì đâu vào ra cũng chỉ dắt díu lấy hai đứa con, tuyệt không ăn diện trang điểm gì. Khốn nỗi gái xinh có mặc áo tơi đội nón rách vẫn xinh. Đàn ông vẫn đeo lấy nó cả đàn, bám như đỉa đói. Đối phó với đám này lắm khi mệt bở hơi tai, con Tím nhiều lần phải cầu cứu đến mình. Chẳng phải mình tài giỏi gì, chẳng qua mình diễn kịch được và hay có mẹo cứt gà.

Một hôm mình vừa cơ quan ra cổng, bỗng nhiên con Tím lao xe đạp đâm thẳng tới mình, nói anh đi mô em tìm không ra? Chồng con chi lạ, bỏ người ta đi một mình. Nhác thấy sau nó một thằng trai lơ mình hiểu ngay vấn đề. Mình tiến về phía thằng đó giữ chặt ghi- đông xe đạp của nó, nói tao là Lập, Lập sẹo chợ Đông Ba đây. Thằng kia mặt mày tái mét, mình hất hàm về phía con Tím, nói cô kia là vợ tao, nhớ lấy mặt tao…tránh xa con vợ tao nhé. Thằng kia lí nhí dạ dạ rồi chuồn thẳng.

Hôm khác vào nửa đêm nó gọi điện về nhà, nói mi sang nhà tau ngay. Mình hỏi sao. Nó nói có một thằng cứ ở lì không chịu về, mi sang đuổi hắn về cho tau với. Mình cười, nói đuổi được thằng đó về thì tau ở lại nha. Nó cười, nói ông cố nội mi, sang mau lên. Mình sang, ngó qua cửa thấy thằng bạn nhậu của mình. Thằng này chết vợ, nó mê con Tím thật chứ không phải dân Đông Gioăng nhưng con Tím ghét nó cực kì. Mấy lần con Tím tìm mình, lạy lục phúc bái mình giải tán thằng này giùm nó. Mình nói thằng này công an khôn như cáo không lừa được, muốn giải tán mi phải cho tau nói xấu mi. Nó gật đầu cái rụp, nói thoái mái đi, kể cả việc nói tau không bướm.

Mình giả đò say gõ cửa nhà con Tím, thằng kia mở cửa, mình một hai nằng nặc rủ nó ra quán. Uống được một hai chén mình hỏi thằng này, nói mày mê con Tím thật à. Nó nói thật, tao muốn lấy nó làm vợ. Mình hỏi mày biết con Tím mấy chồng không. Nó bảo thì nó vừa bỏ thằng Lam đẹp trai, có đâu mà mấy chồng. Mình kéo đầu nó rỉ tai, nói chuyện bí mật ông đừng cho ai biết nhé. Nó bảo sao. Mình nói trước đây nó yêu ba thằng chết cả ba, toàn chết trên bụng nó. Đến lượt thằng Lam lấy nhau được ba năm mới bị, lần này nó rút kinh nghiệm cứ để yên vậy kêu hàng xóm tới khiêng cả cặp tới bệnh viện, nhờ thế thằng Lam mới thoát chết. Sau vụ đó thằng Lam mới biết trước đó đã có ba thằng chết vì vợ nó rồi, thằng Lam hãi quá bỏ của chạy lấy người. Thằng này mắt trợn mồm há, mình càng kể cái miệng nó càng há dần ra, hi hi. Hết chuyện nó ngồi chậc lưỡi ba bốn tiếng, nói rứa à rứa à… nguy hiểm quá nguy hiểm quá. Từ đó thằng này lặn một hơi không sủi tăm, he he.

Sau vụ đó bẵng đi một thời gian dài mình không gặp con Tím, rồi chia tỉnh chia teo lạc nhau cả mấy năm trời. Cuối năm 1992 mình từ Quảng Trị vào Huế, đang nhậu với thằng Ngọc Bình ca kịch Huế thì con Tím trờ tới, nói vô khi mô không báo tau thằng tê. Mình kéo nó vào mâm nhậu, nó nói chờ tí rồi chạy ra lôi một thằng cu con vào, nói đây là con trai chị Điểm. Mình à và cười, nhắc lại chuyện anh Đoàn chị Điểm ngày xưa. Lôi cả chuyện con Tím cầm cu anh Đoàn, con Tím lườm mình hai ba lần, nói thằng ni vô duyên chưa, nhắc chi ba chuyện đó hè.

Vì thằng cu là con chị Điểm nên mình gọi nó là cháu xưng chú. Thằng cu chừng hai lăm hai sáu tuổi cười cười nhìn mình không nói gì. Gần cuối bữa nhậu mình đã ngà ngà say, con Tím chắc cũng thế. Nghe mình cháu cháu chú chú với thằng cu nhiều quá nó chỉ thằng cu con, nói đây là chồng tau đó, mi đừng có lộn xộn. Mình ngạc nhiên quá trời.

Sáng sau con Tím rủ mình đi cà phê để nó trần tình vụ ông chồng hỉ chưa sạch mũi của nó. Té ra chị Điểm có đứa con học trường âm nhạc Huế 5 năm rồi mà mình không biết, chị gửi thằng cu cho con Tím cho nó ăn ở cùng. Suốt 5 năm không có việc gì xảy ra, vẫn cô cô cháu cháu rất ấm cúng, cho đến ngày nó tốt nghiệp ra trường vẫn cô cô cháu cháu rất ấm cúng. Chẳng may thằng cu không xin được việc làm, nó chạy hai ba chỗ không nơi nào nhận, suốt năm trời nó vẫn ăn ở nhà con Tím. Rồi đụng nhau ở cầu thang, ở bếp, ở buồng tắm… rồi dính vào nhau từ lúc nào không biết nữa.

Con Tím tỉnh hơn, nó nói với thằng cu, nói ông không lấy tôi được mô, tôi hơn ông một giáp lấy răng được mà lấy. Bây giờ nếu ông thích cứ lặng lẽ ăn ở với tôi, khi nào chán tôi ông cứ thoải mái đi lấy vợ, thế là tiện nhất. Nhưng thằng cu không chịu. Không chấp nhận kiểu chơi ngoài mặt cô cô cháu cháu, đóng cửa buồng mới được anh anh em, nó dứt khoát đòi cưới con Tím cho bằng được. Mình hỏi con Tím, nói thằng cu yêu mi thiệt à, con Tím nói thiệt. Mình hỏi mi có yêu nó không, con Tím nói yêu. Mình hỏi thiệt không, con Tím nói thiệt. Rồi bưng mặt khóc.

Mình biết con Tím “ đau” không phải việc nó lấy một thằng cu con, cu nào cũng là cu, tình yêu đâu có phân biệt cu con cu lớn, hi hi. “ Đau” nhất, cũng điều con Tím nghĩ nó không thể vượt qua được, chính là thằng cu là con trai của bạn nó, công nhận “đau” cực, hu hu. Đành rằng chị Điểm bậc chị nhưng dù sao cũng là bạn học thiếu thời, nó với chị Điểm thân nhau con chấy cắn đôi, xảy ra chuyện này làm sao nhìn được mặt nhau, còn bảo nó với chị Điểm gọi nhau là mẹ con thì thật quá đắng.

Con Tím kể nó đã mấy lần đuổi thằng cu ra khỏi nhà nhưng không được, mấy lần nó xách con bỏ nhà đi khỏi Huế cũng không được. Té ra xưa nay con Tím chưa bao giờ yêu, nó cũng chẳng ngờ tình yêu lại khủng khiếp như vậy. Nhưng với bản tính lì lợm nó vẫn hy vọng có ngày tình sẽ vơi đi, thằng cu sẽ nghĩ lại, nó sẽ cắt được khối tình đắng ngắt này. Con Tím cố tránh không có con với thằng cu, hai ba lần dính thai nó đều bí mật vào viện xổ ra hết. Lần cuối cùng thằng cu phát hiện ra, nó chặn lại và tuyên bố cưới nhau, bất kể con Tím có chịu làm giấy kết hôn hay không nó cũng làm lễ cưới để tuyên bố với thiên hạ con Tím là vợ nó.

Giây phút thằng cu gọi điện về nhà mới rùng rợn. Chị Điểm cầm máy, bao giờ thằng cu gọi điện về chị cũng mừng rỡ, nói mạ đây mạ đây…. Nghe nó bảo sẽ cưới vợ chị mừng rú lên, hét vang vang, nói cưới ai con… cưới ai con? Nó bảo vợ con là cô Tím đó mạ, chị vẫn hồ hởi phấn khởi, nói Tím à Tím à, khi mô đem về cho mạ coi mặt. Thằng cu nhắc lại mấy lần chị mới hiểu vợ con trai mình chính là bạn học của mình, khủng khiếp hơn nữa đó là người đàn bà 37 tuổi đã có hai con. Chị đứng cứng ngắc mặt tái dại. Mấy phút sau chị rú lên một tiếng kinh hoàng, nói ôi con ôi!… Và ngã lăn ra bất tỉnh.

Mấy hôm sau thằng cu nhận được điện tín: Về nhà với mạ ngay, từ nay mạ con mình no đói có nhau. Mấy hôm sau thằng cu nhận thêm một điện tín nữa: Nếu con không về mạ sẽ tự tử. Thế cùng con Tím phải theo thằng cu về nhà chị Điểm.

Chị Điểm cấm cửa không cho con Tím vào nhà, con Tím lặng lẽ nhìn chị Điểm rồi quì sụp xuống, nó cứ quì trước cửa nhà chị Điểm, quì từ trưa ngày hôm trước cho đến sáng ngày hôm sau thì ngã vật ra trước ngõ. Chị Điểm chạy ra ôm lấy con Tím, họ ôm nhau khóc, vừa khóc vừa gọi nhau mạ ơi con ơi nghẹn ngào cay đắng, như kiếp trước họ đã từng nghẹn ngào cay đắng gọi nhau như thế.

còn tiếp … xem phần 2: https://goctamsu.com/?p=2633

Nguyễn Quang Lập

Mẹ tôi

Lại một mùa phượng vĩ, bằng lăng, mùa lũ học trò xốn xang vì sắp được nghỉ học rong chơi ba tháng dài, những đứa phải đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp thì lo ngay ngáy, học ngày học đêm đến quên ăn quên ngủ. Sau lưng chúng không bao giờ thiếu bóng dáng mẹ với đôi bàn tay chăm sóc, tảo tần.

Mẹ tôi
Mẹ tôi

Mẹ có bao giờ nhớ, cũng trong tháng này, còn có một ngày vô cùng ý nghĩa – Ngày của Mẹ không? Tôi tin đến 90% các bà mẹ Việt Nam không nhớ đến ngày này, bởi nó bắt nguồn từ phương tây, mẹ Việt Nam lam lũ, hy sinh quen rồi, mẹ chẳng bao giờ nghĩ gì cho mẹ cả.

Anh Hai tôi đã lấy vợ và ra ở riêng, hôm trước đưa vợ con về chơi cuối tuần vui mồm bảo mẹ: “Thế giới người ta đang kỷ niệm ngày của mẹ ầm ầm, nhà mình cũng ra nhà hàng kỷ niệm đi bà ạ!”.

Mẹ chép miệng đúng điệu muôn thủa: “Ôi dào vẽ chuyện, chúng mày về đây mẹ nấu cho mà ăn, lại chả ngon gấp mấy nhà hàng!”.

Chủ đề ăn nhà hàng nhanh chóng bị dập vùi không thương tiếc. Ai cũng biết là chẳng lay chuyển, thuyết phục nổi mẹ đâu. Mẹ lúc nào cũng vậy, chỉ quen chăm sóc, luôn tay luôn chân vì người khác. Hình như mẹ thích nhất là lúi húi trong bếp làm cho con, cho cháu những món ngon. Tôi có nhảy vào phụ một tay cũng bị mẹ đuổi ra, mẹ sợ tôi không có thời gian ôn thi tốt nghiệp. Từ bé đã được mẹ lo cho vào trường chuyên, lớp chọn, đôi bàn tay tôi quen cầm bút hơn là nhặt mớ rau, thái miếng thịt. Tay con gái vừa thon, vừa mịn, tay mẹ thì nhăn nheo vết thời gian, có khi móng còn cáu nhựa rau rửa mãi chẳng sạch. Thế nhưng đôi bàn tay ấy lại như có phép diệu kỳ tạo ra những món ngon mà chỉ nghĩ đến thôi mọi thành viên trong gia đình đã ứa nước miếng. Cũng đôi bàn tay ấy mỗi khi đưa lên trán anh em tôi đang ốm, là đã xoa dịu đi những đau đớn, khó chịu rất nhiều.

Mẹ tôi có một cái uy mà chẳng ai trong nhà có được, ấy là mẹ… quát cháu thật khủng khiếp! Mấy đứa con nhà anh Hai mỗi tuần về chơi ông bà đều sợ bà nội nem nép. Chơi thì thích đấy, nghịch thì nghịch đấy, nhưng vẫn phải dòm thái độ bà. Hôm thằng nhóc nhà anh hai chạy chơi trước cửa cùng bọn trẻ trong xóm, la hét ủm tỏi chẳng ai nói được, đã vậy còn ngã xướt chân rồi giở thói mè nheo, bà chẳng nựng còn “điên tiết” đét cho mấy cái vào đít, vừa đét vừa quát: “Nói mày không nghe! Đau phải nhớ! Đau phải nhớ, nhé!”.

Mẹ chuyên gọi con cháu là “mày”, đúng kiểu người chân chất, ít học, có lúc còn ác khẩu. Mấy ai biết, sau những lời có phần thô lỗ, lạnh lùng ấy, có đêm mẹ thao thức ôm áo cháu hít hà rồi ứa nước mắt vì nhớ nó những ngày nó mới chuyển ra.

Năm nay rồi cũng sẽ lại như mọi năm, chẳng có lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ nào ở gia đình nhà tôi sất. Chỉ có tôi sau khi tan lớp học thêm buổi tối sẽ quẹo vào mua cho mẹ món bánh sầu riêng mà mẹ thích. Mẹ sẽ lại bảo “để phần cho con Tũn về ăn cùng”. Đoạn mẹ sẽ gọi điện cho anh cả và chị dâu: “Cuối tuần này chúng mày nhớ về, mẹ nấu bún ngan, nhá!”.

HA

Đúng là đồ khùng!

Nhìn vẻ mặt hớn hở của Khang sau khi nhận điện thoại của cô bồ cũ rồi hấp tấp xin phép đi ngay, tôi sôi gan. Đúng là đồ khùng!

Chẳng hiểu tại sao trên đời này lại có một gã si tình như vậy. Đã hai lần bị bồ “đá” để chạy theo thằng khác, vậy mà khi cô ta quay lại, anh vẫn hồ hỡi, phấn khởi y như thể mới được người ta nhận lời yêu.

Ngọc Hân, người yêu của Khang làm việc cho một công ty quảng cáo. Cô rất đẹp. Có lần Khang đưa người yêu đến công ty chơi, ai cũng trầm trồ khen anh chàng “lù đù vác cái lu mà chạy”. Khỏi phải nói, lúc đó mặt Khang vênh váo cỡ nào…

Được chừng 2 tháng thì một bữa nọ, Khang cáo bệnh xin nghỉ. Anh em đến thăm về bảo tôi: “Hắn bị bồ đá, bệnh thất tình”. Cái bệnh ấy coi vậy mà rất nguy hiểm. Khang nghỉ làm ở nhà, sau đó đi nhậu, tự té xe gãy tay, phải nghỉ thêm 1 tháng. Tôi đến thăm, anh ta bảo: “Xin lỗi chị… Tôi có thể đem công việc về nhà làm. Cũng may là bị gãy tay trái”.

Khang kể với tôi là Ngọc Hân yêu một anh chàng người mẫu làm chung công ty. Cô nói, hai người làm chung nghề, dễ cảm thông hơn. “Nói vậy thôi chớ tôi biết Ngọc Hân yêu tên kia vì hắn là con ông giám đốc một hãng phim”- Khang nói mà không nhìn tôi. “Thôi, ráng tĩnh dưỡng cho khỏe. Đàn bà con gái thiếu gì, hơi đâu bận tâm vì người không thương mình”- tôi an ủi Khang.

Lành bệnh, Khang đi làm trở lại. Khoảng 3 tháng sau, anh ta đột ngột hỏi tôi: “Nếu chị là tôi thì khi Ngọc Hân quay lại, chị sẽ đối xử như thế nào?”. Tôi tròn mắt: “Có chuyện đó nữa sao?”. Khang kể, Ngọc Hân quay lại, khóc lóc xin tha lỗi. “Cô ấy nói không hợp với tên kia nên đã chia tay và muốn quay lại với tôi. Mấy hôm trước, tôi có sang giúp Ngọc Hân sơn lại nhà. Cô ấy chăm sóc tôi từng li, từng tí…”.
Đồ khùng tình yêu
Đồ khùng tình yêu

Nghe Khang kể, tôi rất bực mình. Vậy là anh chàng đã xiêu lòng, còn hỏi tôi làm gì? “Tôi nghĩ chị là sếp, chị có kiến thức, có kinh nghiệm… những lời góp ý của chị thường đúng…”. Nhìn vẻ mặt tươi rói của Khang, tôi sẵn giọng: “Nè, lần sau mấy chuyện như vầy, tự quyết định và đừng có nói cho tôi biết nghen. Nếu là tôi, tôi không bao giờ yêu một gã đàn ông không biết tự ái, không có lòng tự trọng như anh. Cái thứ đàn ông như anh, có cho tôi cũng không thèm… Cả công ty đều nói anh khùng…”.

Nói xong, tôi chợt nhận ra hình như trong giọng nói của mình có điều gì đó giống như là sự hờn ghen. “Thì đàn ông vốn yếu đuối, khùng điên mà chị. Có anh hùng nào qua nổi ải mỹ nhân đâu?”- Khang chống chế bằng nụ cười thật hiền.

Lại còn thế nữa. Thôi, mặc xác anh ta đi.

Cái phòng thiết kế sáng tạo của tôi có 12 nhân viên, tôi rất quý mọi người vì anh em làm việc hết lòng, lại đùm bọc thương yêu nhau. Trong đó, không hiểu sao tôi đặc biệt chú ý tới Khang. Có lẽ vì anh ta là người rất giỏi chuyên môn nhưng lại “khờ ệch” chuyện đàn bà, con gái… Làm việc với nhau đã lâu, tôi chứng kiến cuộc tình của Khang từ đầu đến cuối.

Họ quay lại với nhau được khoảng 6 tháng thì Khang lại nhậu xỉn và té xe. Nhưng lần này chỉ bị trầy trụa sơ sơ chớ không gãy tay, gãy chân như trước. Anh em đến thăm về bảo: “Cô Ngọc Hân lại nói lời chia tay anh ấy nữa rồi”. Tôi ngồi thừ người, nghĩ ngợi: Không hiểu nổi cô gái kia và cũng không hiểu nỗi gã khùng này…

“Nè, mấy người yêu đương kiểu gì vậy? Hoặc là yêu, hoặc là không chớ sáng nắng, chiều mưa như vậy là sao? Bộ mấy người… khùng hết rồi hả?”- tôi nói với Khang khi đến thăm anh ta. Khang rót nước mời tôi và lại cười hì hì: “Ai mà biết được lại có thằng đẹp trai hơn, giàu có hơn… Chị là sếp, chị có kiến thức, có kinh nghiệm thì chị phải biết rõ, con người ta sống ở đời luôn vươn tới những điều tốt đẹp mà. Nếu cô ấy muốn kiếm một người đàn ông có thể bảo bọc cho mình thì điều đó cũng chính đáng chớ sao!”.

Tôi thấy miệng Khang cười mà ánh mắt buồn rười rượi nên không nỡ la rầy.

Thú thật, làm việc với Khang lâu năm, tôi quý con người này vô cùng và thèm được ở vào vị trí của Ngọc Hân. Thế nhưng, trong mắt Khang, tôi đơn thuần chỉ là sếp trưởng phòng, là một người “có kiến thức, có kinh nghiệm” nhờ đi học ở nước ngoài về và là em ruột của giám đốc công ty! Trong mắt Khang, tôi như một người chị dù tôi nhỏ hơn anh ta 4 tuổi…

Lần thứ 3 tôi thấy Khang “hồ hỡi, phấn khởi” trở lại là cái hôm mẹ Ngọc Hân bệnh. Cô nàng gọi điện cho anh. Khang bỏ mọi thứ chạy tới đưa mẹ Ngọc Hân vào bệnh viện, chăm sóc tận tình; ngày nào cũng xin về sớm để lo cơm cháo cho cả người bệnh lẫn người không bệnh. Thế là họ lại vui vẻ bên nhau. Tôi bó tay với Khang rồi. Trên đời này sao lại có kẻ yêu mê muội, mù quáng đến như vậy?

Ăn mày tình yêu
Ăn mày tình yêu

 

Bẳng đi một thời gian, tôi chợt thấy Khang rất lạ. Anh ít nói, ít cười; không vừa làm vừa huýt sáo và ca hát vang mỗi khi có ý tưởng mới như trước. Các nhân viên trong phòng cũng nhận ra điều này. Họ thậm thụt bảo tôi: “Chắc là bị cô Ngọc Hân cho ăn đá nữa rồi!”. Tôi cũng nghĩ vậy và lặng lẽ quan sát cũng như chờ xem khi nào thì Khang lại tự té xe!

Rồi sự chờ đợi của tôi cũng đến. Sáng thứ bảy tuần trước, Khang gọi điện: “Xin phép chị hôm nay tôi không tới công ty. Hôm qua tới giờ tôi sốt cao và nhức đầu quá”. Giọng Khang đúng là của người đang bệnh. Chẳng hiểu sao, tôi bỗng thấy lo lo. Khang ở nhà trọ một mình, đau bệnh gì cũng phải tự lo. Hồi nào tới giờ, có nóng sốt, nhức đầu thì Khang cũng mò tới công ty để anh em chăm sóc, còn lần này… Tôi nghi ngờ: “Anh lại nhậu xỉn và té xe nữa phải không?”. Khang bảo: “Tôi bệnh thiệt mà”.

Tôi buông điện thoại, nghĩ thầm, chắc lần này bệnh thiệt.

Buổi chiều, tôi về sớm, tự tay nấu cháo và xách tới. Vừa thấy tôi mở gà mên cháo ra, Khang hít hít mũi rồi phì cười: “Cháo hành…”. Tôi lườm anh: “Ăn đi, đừng có lộn xộn”. Khang nhìn tôi không nói thêm gì mà chậm rãi múc từng muỗng cháo nhấm nháp y như thể một thực khách thanh tao đang thưởng thức cao lương mĩ vị chớ không phải một người bệnh đang ăn cháo giải cảm!

Tôi không bỏ qua một cử chỉ nào của Khang từ cái nhíu mày đến động tác liếm môi… Đã mấy lần anh định nói gì đó nhưng lại thôi. Chờ Khang ăn xong, tôi lấy thuốc cho anh uống rồi bảo: “Nằm nghỉ đi, tôi rửa chén xong sẽ về cho anh nghỉ ngơi”.

Tôi gom chén muỗng ly tách trên bàn đi xuống bếp. Nói là bếp cho sang chứ thật ra chỉ có cái bếp gas mini, 1 cái nồi và mấy cái chén, 2 cái muỗng, 2 đôi đũa… Đàn ông độc thân là vầy sao? Bất giác tôi thấy chạnh lòng, giá mà người đàn ông này không thuộc về người khác thì tôi có thể yêu anh và mang đến cho anh nhiều thứ hơn là một cái bếp lạnh lẽo như vầy…

Tôi mở nước trong lavabo và vì không tìm thấy miếng rửa chén nên tôi cứ lấy tay kỳ cọ mãi mọi thứ bám trên ly tách. Tôi đứng bên vòi nước đủ lâu để có người sốt ruột mò xuống. Khang đứng sau lưng tôi nhưng không nói gì. Tôi chột dạ, có cảm giác cơn sốt của Khang đã truyền sang mình. Người tôi nóng ran. Tôi không dám quay lại cho đến khi có người lên tiếng: “Tháng này tiền nước nhà anh tăng gấp đôi là vì em đấy”.

Tôi tưởng mình nghe nhầm. Khang gọi tôi là “em” và xưng “anh”, điều mà từ trước đến nay, chưa bao giờ anh dám. Tôi run bắn người, không dám quay lại. Khang thò tay tắt nước rồi bất ngờ cầm lấy tay tôi xiết nhè nhẹ: “Cám ơn em vì tất cả… Em biết không, hôm trước Ngọc Hân cũng đã đứng chỗ này và khóc khi nghe anh nói rằng, giờ đây khi nghĩ về cô ấy, anh không còn thấy trái tim mình đau nhói hay đập rộn ràng như trước. Lâu rồi, trong những giấc mơ của anh không còn hình bóng cô ấy… Lần đầu tiên kể từ khi yêu nhau, anh thấy mình kiên quyết, mạnh mẽ như thế trước Ngọc Hân… Thế nhưng anh cũng thấy, để từ bỏ một tình yêu thật không dễ dàng…”.

Tôi nghe không sót một lời nào của Khang nhưng tôi không hiểu hết những gì chứa đựng trong đó. Tôi gỡ tay anh ra và ngạc nhiên khi thấy mắt mình nhòe đi. Tôi không biết nói gì với anh bởi tôi không muốn là kẻ đi ăn mày tình yêu. Tôi yêu anh, điều đó là chắc chắn nhưng tôi cũng có đủ niềm kiêu hãnh để từ chối nếu anh chỉ dành cho tôi một nửa trái tim.

Tôi đã nhắn cho anh như vậy sau khi về đến nhà. Và từ hôm đó đến nay, đã 1 tuần lễ trôi qua mà anh vẫn chưa hết sốt, nhức đầu; vẫn nằm lì ở nhà và “xin phép làm việc qua mạng”. Anh em đến thăm về bảo tôi: “Anh Khang nói chừng nào chị tới thăm anh ấy mới khỏi bệnh”.

Mọi người đâu biết là tôi nóng lòng muốn gặp anh đến thế nào. Nhưng tôi nhất quyết không đi đâu cả bởi tôi không muốn là kẻ thay thế trong trái tim anh… Lần này không phải anh mà chính tôi mới là đồ khùng…

Thùy Mai / NLD

 

 

Cảm ơn anh đã cùng em đi qua thương nhớ

Anh là gió, là mây, là những gì to lớn để em không kịp đưa tay ra ôm trọn thì đã bay xa. Đành khép lại một quá khứ không anh, để em lại là em của ngày xưa, mạnh mẽ như em muốn thế và vẫn thế.

Ngày mình chia tay, anh còn nhớ không? Kỷ niệm tình yêu của hai đứa không đủ dài để viết nên tiểu thuyết, nhưng với em nó lại quá sâu để có thể xoáy vào con tim bé nhỏ đang rỉ máu từng đêm. Để bao đêm, em như rơi vào cơn mưa tuyệt vọng, nắng không còn giòn tan mỗi lần em nhẹ nhàng lang thang góc phố một mình.

Trái tim mang đầy yêu thương, nhưng giờ sao em thấy mọi thứ xa xôi quá. Mùa hè, mà sao em thấy buốt lạnh con tim, tái tê lòng trong mớ cảm xúc hỗn độn. Một, hai, ba… ngôi sao em đếm trong đêm, em như người cóp nhặt những mảnh vỡ tình yêu còn lại giữa chúng ta, góp nhặt những hy vọng mong manh, bởi tận sâu trong trái tim em vẫn mong cho tất cả không là dấu chấm kết thúc.

Đến giờ, nhiều khi em vẫn còn mường tượng mình đang trong một giấc mơ thôi anh ạ, không tin mình đã chia tay, sau bao yêu thương ngọt ngào như vậy. Nỗi đau như cào xé, vậy mà em quá đau để chai sạn với mọi thứ, vô cảm trong mong manh của sự vỡ tan.

Em quen anh trong một ngày nắng hạ, em nhớ con đường mình sánh bước bên nhau trong ánh mắt ngập ngừng, nhưng em biết trong trái tim em và anh đang có một cái gì đó khó hiểu xảy ra, một chút hạnh phúc. Em thích nhìn anh xuyên qua tia nắng, mặt trời buổi chiều như thách thức, anh như mờ ảo hơn, nhưng nụ cười rạng rỡ hơn bao giờ hết dưới tia nắng hạ. Gió vờn tóc hai đứa rối tung lên, em thích bao câu chuyện anh kể, để em cười. Sâu thẳm trong trái tim, anh có biết em hạnh phúc lắm không?

Cũng có lúc em nghi ngờ trong bao nỗi lo sợ không tên, liệu có từng tồn tại tình yêu mà anh dành cho em không? Hay với anh, em chỉ là cảm xúc thoáng qua, trên con đường dài anh chinh phục tình yêu cho riêng mình. Em ích kỷ quá không anh? Khi em luôn muốn anh là của riêng em, muốn anh thuộc về em mãi mãi. Em có quá ích kỷ không khi luôn yêu anh nhiều như thế, dường như không để cho ai giành lấy anh của em cả.

Em, cô gái nhẹ nhàng, đa cảm, yêu hết mình và cháy hết mình cho nó. Nhưng yêu anh, em yêu trong lo sợ, vì quá nhiều cảm xúc hay là nó vốn dĩ như vậy? Kỷ niệm tình yêu của hai đứa không đủ dài và nhiều sự kiện để viết tiểu thuyết nhưng với em nó lại quá sâu để có thể xoáy vào con tim bé nhỏ của em, để nó nằm lại trong đó, lâu dần thành nỗi đau không tên. Bởi anh là mối tình đầu của người con gái như em. Anh là gió, là mây, là những gì to lớn để em không kịp đưa tay ra ôm trọn thì đã bay xa.

Giờ em biết mọi thứ đã quá khứ, sao yêu thương lại là những ngọn cỏ để vô tình bị giẫm nát dưới chân ai, sao lại có một sự kết thúc sau dấu chấm như vậy, nhưng nỗi niềm của em lại vô hạn. Anh có biết? Đành khép lại một quá khứ không anh, để em lại là em của ngày xưa, mạnh mẽ như em muốn thế và vẫn thế. Bước đi của em sẽ không còn anh như ngày xưa, nhưng cảm ơn anh, tình yêu đầu của em. Cảm ơn anh đã cho em biết được thế nào là hạnh phúc, niềm vui, nụ cười, nước mắt, khổ đau trong tình yêu. Cảm ơn anh, người đã cùng em đi qua thương nhớ.

Trang

Chuyện đàn bà

Thực ra ở cái nhà cao tầng phân chia cho các “xóm liều” lấn chiếm để bây giờ nhà nước mở đường này, chỉ lọt vào vài căn hộ có chủ là cán bộ, như cô Vân đây, còn lại phần lớn là dân nghèo. Họ cũng đi suốt ngày. Nào lái xe ôm, bán rau, bán thịt ngoài chợ. Nào sửa khóa ở góc đường, mở quán ăn ở ngã tư… Vân tôn trọng họ và tránh làm phiền mọi người. Cô nghĩ ai cũng bận rộn cả, ai có việc của người ấy. Riêng Vân, con còn nhỏ, chồng lại đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, ở cơ quan cô phụ trách phòng vi tính, tiếng Anh kha khá rồi nhưng bây giờ còn phải học thêm tiếng Nhật. Vân không còn thời gian để quan tâm đến chuyện gì khác. Cô phải đón một đứa cháu ở quê ra để nó bế em, trông nhà và dọn dẹp giúp. Sau một ngày bù đầu với công việc ở cơ quan, Vân về nhà nấu cơm, tắm giặt và chơi với con một lúc rồi lại phải ngồi vào bàn. Đến khuya trước khi đi ngủ bao giờ cô cũng có thói quen viết cho chồng những cảm xúc trong ngày. Và những “nhật ký thư” ấy mấy hôm lại được gửi đi một lần. Bây giờ Vân còn mơ mua vi tính riêng, nối mạng internet để có thể gửi email (thư điện tử) cho anh ấy hằng ngày. Thực ra ở cơ quan cô cũng thỉnh thoảng sử dụng “trộm” máy để gửi thư cho chồng. Nhưng làm thế rồi có người biết, phiền lắm. Vân cặm cụi đi làm, đi học, chăm con và chăm tâm sự với ông xã ở xa. Cô chẳng để ý gì đến xung quanh.

Truyen dan ba
Truyen dan ba

Nhưng cái Thủy cháu của Vân ở quê ra bế thằng cu, thì tối nào cũng mách đủ chuyện:

– Cô ơi, cháu nghe người ta nói cô chẳng ra gì, sợ lắm cô ạ.

Vân chau mày:

– Thế à, họ nói gì?

– Bà Tư Còm bảo cô có chồng đi xa mà diện quá. Nào váy ngắn, quần bò, áo Hàn Quốc, chẳng biết để làm gì. Hôm chủ nhật cháu bế em cu ngồi ở quán nước chơi, có chú Minh ở cơ quan cô đến. Gửi xe máy xong chú ấy lên cầu thang vào nhà mình. Thế là cháu thấy bà Cả Toét bán nước chạy ngay sang bên kia đường nhìn lên rồi thầm thì với bà Tư Còm: “Không mở đâu chị ạ”. Cháu nghĩ mãi không hiểu là mở cái gì.

Cô Vân cười rũ ra:

– Ái chà. Mở cửa đấy cháu ạ. Chả là các bà theo dõi cô, xem đàn ông vào nhà thì cô có mở cửa ra không. Rồi sao nữa cháu?

Cái Thủy hồn nhiên:

– Rồi các bà ấy giục cháu bế em về ngay.

Tối hôm ấy cô Vân viết ngay cho chồng: “Anh biết không, anh có cả một đội đặc nhiệm “công an nhân dân” chuyên theo dõi em để bảo vệ hạnh phúc cho anh đấy. Chắc chắn là em không thể nào hư được đâu, vì họ không thể để cho em hư mà”. Cô kể tỉ mỉ mọi chuyện với chồng kèm theo lời bình: “Báo hại anh trước khi đi cứ nằng nặc đòi mắc điều hòa cho thằng cu mà không thông báo cho hàng xóm dưới tầng một biết là đã điều hòa thì phải đóng cửa. Nhưng nói để anh biết nhá, dù chưa có điều hòa thì bốn năm học ở xứ lạnh cũng tạo cho em thói quen đóng cửa suốt ngày rồi, có khách hay không cũng vậy nghe!”.

Sáng hôm sau, Vân trang điểm kỹ hơn, diện bộ váy ngắn màu vàng chanh, xức chút nước hoa ông xã mới gửi về và phấn son rực rỡ, trông cứ như đi thi hoa hậu. Lúc lấy xe máy, cô dừng lại nói chuyện với bà Tư Còm và bà Cả Toét:

– Hai bác trông em có được không? Ấy ông xã mới gửi bộ váy mốt về, cứ bảo phải ăn mặc đàng hoàng.

Hai bà xuýt xoa:

– Cô còn trẻ, chưa đến 30 mà, mặc thế này trông được lắm. Xinh quá!

Nhưng cô vừa đi khỏi hai bà lắc đầu nhìn nhau:

– Khiếp. Trông cứ như…

Họ chỉ nói thế thôi, không nói hết câu, mặc ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Buổi tối cái Thủy lại mách:

– Bà Tư Còm bảo, cô nói thế chứ lâu nay có thấy chú thư từ gì đâu, mà còn gửi váy với chả áo. Bà Cả còn bảo, chú đi những mấy năm, cứ cung cách này khéo lại chả bỏ nhau sớm.

Cô Vân ngạc nhiên:

– Thư chú gửi ở cơ quan cô, làm sao các bà ấy biết được?

Rồi cô lại phá ra cười.

– À, cô nhớ ra rồi, dạo mùng 8 tháng 3 năm ngoái chú có gửi bưu thiếp về thẳng nhà, bà Cả nhận hộ. Chắc bà tưởng cái gì cũng phải qua bà cô mới nhận được! Mặc các bà ấy cháu ạ. Rõ là ngồi lê.

Và sáng sáng đi làm, chiều chiều về gửi xe, Vân vẫn vui vẻ trò chuyện với hai bà cũng như với các bà hàng xóm khác. Cô thấy mình cách xa họ quá, và không muốn làm khoảng cách ấy lớn hơn.

Một hôm cô Vân hơi mệt, nhưng buổi tối cơ quan có việc họp không bỏ được. Làm việc buổi chiều xong, cô nhờ bác trưởng phòng đưa về xem thằng con thế nào, ăn qua loa rồi lại đến cơ quan họp tối.

Vào đến nhà cô rót nước mời khách, rồi sai cái Thủy đi mua thêm thức ăn. Cô vừa bế thằng cu vừa loay hoay pha sữa cho con. Bác trưởng phòng ân cần:

– Cô đưa cái phích đây để tôi pha giúp cho.

Đúng lúc bác đang lúi húi tay cốc tay phích nước trông rất là bận rộn và thân thiện, thì bà Tùng hàng xóm đẩy cửa bước vào rất tự nhiên và nói oang oang:

– Cô Vân ơi, cho tôi mượn cái kéo. A, chào ông. Ông đây là thế nào với cô Vân ạ? Cái Thủy đâu rồi cô?

Bà nhìn bác trưởng phòng dò xét. Cô Vân nhăn mặt:

– Lần sau bác nhớ gõ cửa kẻo cháu nó giật mình. Kéo ở trên bàn kia kìa, bác cầm giúp, tôi đang bận.

Bà Tùng liến láu:

– Ấy chết tôi vô ý quá. Nhưng tôi hỏi khí không phải, bác đây đã có gia đình chưa ạ?

Bác trưởng phòng trạc ngoài bốn mươi bật cười:

– Bà định gả con gái cho tôi hay sao mà hỏi kỹ thế ạ.

Bà Tùng đỏ bừng mặt, quay người đi thẳng, quên cả cái kéo trên bàn.

Cô Vân và bác trưởng phòng nhìn nhau, bụm miệng cười. Ông khách nói thêm:

– Suýt nữa thì tôi bảo là “Bà định lấy tôi hay sao”, may kịp sửa thành “Bà định gả con gái cho tôi”, nếu không chắc bà ấy tức chết.

Cô Vân thở dài:

– Không khéo ông xã cháu về đến ngõ đã muốn bỏ vợ ngay vì nghe quá nhiều tiếng xì xèo về cháu mất.

– Mặc họ cô ạ, các bà già rỗi việc ấy mà, mình đông khách thì họ bảo đàn đúm, ít khách thì họ bảo chẳng ai thèm đến chơi. Lưỡi không xương mà cô.

– Nhưng cháu còn trẻ, chồng lại ở xa. Họ có để yên cho đâu.

Quả nhiên tối hôm ấy họp xong, cô Vân về đến nhà muộn, chưa kịp tắm rửa thay quần áo đã thấy một bà lạ hoắc ngồi đợi trong nhà. Bà nhìn lên đồng hồ:

– Mười giờ hai mươi. Sao cô về muộn thế? Có con nhỏ phải về sơm sớm chứ!

Cô Vân nén giận, bình tĩnh hỏi:

– Bác có việc gì ạ? Nếu không gấp lắm xin bác để mai.

Bà lạ mặt làm vẻ ân cần:

– Em thông cảm, chị phải gặp em ngay, phải góp ý chân thành với em vì bà con trong xóm xì xào về em nhiều quá. Chồng đi vắng lâu rồi, mà còn vắng mấy năm nữa kia, con thì nhỏ, em phải ý tứ hơn, đừng để hàng xóm nói này nói nọ, chị nghe được không thể yên tâm.

Cô Vân vừa kéo rèm thay quần áo vừa nói vọng ra, bình thản:

– Cháu xin lỗi nhưng cháu chưa biết bác là ai.

Bà lạ mặt nhảy dựng lên:

– Ô, ra cô lại không biết cả ai là trưởng ban phụ nữ của phường ta sao? Thảo nào mà cô dám ngồi lên dư luận, không coi ai ra gì. Cô ra đây. Mời cô

ngồi xuống nói chuyện cho đàng hoàng.

Cô Vân đã mặc bộ quần áo trong nhà, vẫn bình thản:

– Vâng, bác đợi một chút để cháu rửa mặt mũi tay chân đã.

Cô vào nhà vệ sinh một lát rồi ra kéo ghế ngồi trước mặt bà trưởng ban phụ nữ, mệt mỏi:

– Nào, có việc gì thì mời bác cứ nói.

Cái Thủy đã đặt em ngủ ở phòng trong, ra pha nước cho khách vì thấy cô Vân nó chẳng mời như mọi khi, rồi lại vào với em. Nhưng nó vẫn lắng nghe.

Bà khách nghiêm giọng:

– Tôi nghe bà con phàn nàn về cô nhiều rồi. Nhưng hôm nay tôi mới đến gặp, vì hôm nay cô đã xúc phạm đến hàng xóm, là bà Tùng, bên cạnh đây. Có đúng là cô có khách lúc bà Tùng vào hỏi mượn cái kéo, nhân thể hỏi thăm ông ấy một câu, mà ông ấy dám chế giễu, rồi bà ấy đi ra, hai người lại bịt miệng cười sau lưng người ta, làm sao người ta không biết?

Vân chưa kịp nói gì, bà khách đã nghiêm nghị răn dạy tiếp:

– Cô đừng tưởng chồng đi vắng, ở nhà muốn thế nào cũng được đâu. Ai lại để đàn ông đèo xe máy về, ăn uống xong lại đèo xe máy đi, đến đêm mới trở lại nhà. Rồi phấn son ăn diện, cười cười nói nói chẳng coi ai ra gì…

Vân mệt quá, ngán quá. Cô tưởng như mình đang ngồi trước quan tòa, hoặc trước một bà mẹ chồng ác nghiệt. Cô đứng lên:

– Thôi được rồi. Cháu sẽ rút kinh nghiệm. Bác về đi. Cám ơn bác.

Đêm hôm ấy nằm bên con, Vân đã ứa nước mắt. Cô không tài nào ngủ được, phải ngồi dậy, viết thư cho ông xã. Cô kể mọi chuyện rồi kết luận: “Em đến phải chuyển nhà thôi. Bởi vì em không chỉ bị theo dõi mà còn bị phê phán góp ý từng ngày. Em không thể nào chịu nổi nữa. Anh có hiểu không?”.

Và chồng cô viết thư về: “Chịu khó nuôi con chờ anh về nhất định sẽ đủ tiền mua nhà riêng. Mà ngay cả lúc ấy em cũng không thể nào tránh khỏi con mắt dò xét cùng miệng lưỡi kinh hoàng của các bà hàng xóm đâu, bé ạ. Nhưng lúc ấy có anh bên cạnh, may ra chỉ đỡ hơn thôi. Còn bây giờ, em chỉ có thể đến ở một khu tập thể, mà khu năm tầng nào cũng có một bà giữ xe, một bà bán nước, hai bà hàng xóm cạnh nhà, một bà phụ trách chị em, một ông tổ trưởng… Bé chịu khó làm lành với mọi người và viết thư kể mọi chuyện cho anh. Anh rất thích những chuyện bực mình của em, vì nó chứng tỏ là em rất ngoan. Hãy cứ xinh đẹp, ăn diện, giỏi giang và đảm đang như anh đã biết. Đừng khóc nhè. Hôn em và con”.

Vân đọc thư chồng và nghĩ thầm, không có anh chắc mình chết mất. Cô nhìn ra ngoài trời và thốt lên:

– Ô, đã mưa bụi rồi. Xuân lại về.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Xin hãy quay về khi vẫn còn yêu

Có những điều mà người ta tưởng chừng như thật vô lý, ấy vậy mà theo một cách đặc biệt nào đó nó vẫn cứ xảy ra đối với tình yêu. Có hề chi, bởi muôn đời nay tình yêu vẫn là thứ tình cảm vô hình và không tuân theo bất kỳ một quy luật nào cả, hôm nay yêu lắm đấy nhưng chỉ ngày mai thôi đã có thể xa rời. Giống như hai đứa mình cũng vậy, tại sao vẫn yêu dù biết rằng thế nào ngày chia xa cũng tới, tại sao vẫn để cho nửa kia của mình ra đi, dù không chắc chắn về ngày mà họ quay trở lại với mình?!

Vậy là cái điều mà từ trước tới nay anh lo sợ nhất cuối cùng đã xảy ra, em bắt đầu chuyến đi đã được lập trình sẵn của cuộc đời mình và dĩ nhiên là bỏ anh ở lại. Lúc ở sân bay, nhìn theo bóng dáng người con gái mình yêu thương đang kéo chiếc vali từng bước, từng bước một rời xa, anh bỗng thấy lòng quặn thắt. Anh biết, hiểu theo một ý nghĩa nào đó thì hai đứa mình đã chính thức xa nhau. Một cuộc đưa tiễn thật đặc biệt mà ở đó người ra đi không hẹn ngày trở lại, còn kẻ ở lại là anh cũng chẳng hề hứa hẹn câu nhất định sẽ đợi em về.

 

Trong suốt cả khoảng thời gian mình quen nhau thì có lẽ đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy em khóc. Từng giọt nước mắt nóng hổi lã chã rơi xuống bờ vai anh lúc mình ôm chào tạm biệt nhau giữa phi trường. Những giọt nước mắt hiếm hoi của một người con gái vốn mang trong mình những suy nghĩ cứng rắn khiến cho bao thương yêu trong trái tim anh tan chảy. Tâm trí anh đang van xin, gào thét rằng em hãy ở lại, nhưng khi đối diện với sự tim lặng ấy, anh chỉ dám khẽ khẽ thốt lên câu: “Đi đường may mắn, sang bên đó nhớ học hành chăm chỉ nhé em!”.

Quay về nếu còn yêu
Quay về nếu còn yêu

Em ngước đôi mắt ầng ậng nước của mình lên nhìn anh đầy lưu luyến, quả thực lúc đó anh đã toan chạy lại để níu lấy tay em. Nhưng rồi sau ánh mắt lưu luyến ấy, em nắm chặt lấy chiếc tay cầm vali, quay lưng vội vàng và bước đi dứt khoát. Vậy là anh đành ngậm ngùi im lặng nhìn người con gái mình yêu cất bước ra đi chinh phục những giấc mơ chỉ là của riêng mình. Không có thề nguyền mà cũng chẳng có lời hứa hẹn, bởi em không dám chắc sau khi học xong sẽ trở về hay cùng gia đình ở lại, còn tôi thì chẳng muốn ràng buộc cánh chim nhỏ ấy bằng một lời hứa giống như sợi dây trói vô hình.

Bốn năm không phải là ngắn, liệu trên đời này mấy ai có thể giữ trọn vẹn yêu thương sau từng ấy thời gian đằng đẵng sống cách xa nhau. Anh không muốn níu kéo, bởi anh tin rằng nếu thật sự yêu thương nhau thì nhất định sẽ có ngày em quay trở về. Anh vốn thích những điều tự nhiên, bởi vậy nên anh cũng dẽ để cho mọi thứ diễn ra theo cái cách tự nhiên nhất. Dù cho mọi chuyện có diễn ra theo hướng nào thì anh cũng chẳng bao giờ hối hận, thay vào đó chắc chắn rằng anh sẽ mãn nguyện vì ít ra thì cả hai chúng mình cũng đã yêu rất thật trong từng khoảnh khắc có nhau.

Lúc từ sân bay trở về anh thấy trong lòng mình hẫng hụt. Anh cứ thế lái xe đi qua bao hàng cây, góc phố đã gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào của hai đứa chúng mình, rồi lại bùi ngùi chợt nhớ ra rằng vậy là từ nay bầu trời của anh đã chẳng còn bóng hình em nữa. Một thứ cảm giác gì đó vô cùng khó chịu cứ cố tình chen ngang vào tâm trí, thôi đúng rồi, hình như người ta vẫn gọi tên nó bằng hai chữ “cô đơn”.

Không có em bỗng nhiên anh trở thành người cô độc, chỉ còn lại một mình anh ở nơi này ngậm ngùi, tiếc nuối về nụ hôn chia xa vội vã lúc ban chiều. Tất cả giống như vừa mới diễn ra thôi bởi anh vẫn còn cảm nhận rõ bờ môi em thơm mềm hòa cùng vị mặn mòi của nước mắt. Bất chợt anh thấy mình đang lẩm bẩm trong miệng rằng: “Dù thế nào thì anh cũng sẽ đợi, bởi vậy nên nếu còn yêu thì em nhớ quay trở về!”

Nguồn eva.vn

Những vòng xe ký ức

Chiếc xe đạp cũ như một kỷ vật mà bố để lại. Nó theo mẹ trên những nẻo đường không có bố. Nó để tôi chập chững những vòng xe đầu đời, những lần biết ngã đau nhưng vẫn phải đứng lên tiếp tục.

19 tuổi xa nhà đi học đại học, tôi quen dần với cái cảnh đường phố đông người với phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy và ô tô, đôi khi mới bắt gặp một vòng quay xe đạp chầm chậm, thong dong trên đường. Mỗi lần như thế, tôi như hòa vào trong cái vòng quay ấy, vòng quay đưa tôi trở về với những tháng ngày chưa xa với hình ảnh gia đình và chiếc xe đạp cũ.

Miền Trung nắng gió, cơ cực và những vòng quay xe đạp của mẹ là một dấu ấn khó quên trong ký ức tôi. Từ những câu chuyện mẹ kể mỗi đêm, ngày xưa bố mẹ lấy nhau trong cảnh khó khăn, mẹ chẳng có váy áo lung linh như người ta, bố chẳng có xe đẹp đến đón mẹ về, bố đạp xe hơn 30 cây số đón mẹ về bằng chiếc xe đạp cũ. Ấy thế mà bố mẹ vẫn sống với nhau hạnh phúc, thậm chí còn hơn nhà người ta nữa.

Tôi còn nhớ như in những lần cả nhà đi chơi trên chiếc xe đạp ấy, mẹ ngồi sau ôm anh trai tôi, còn tôi ngồi trên yên xe cùng với bố. Bố chỉ đạp những vòng xe chầm chậm, đi qua những con đường gió lộng, những cửa hàng ăn rồi bảo với tôi, với cả mẹ và anh trai: “Sau này có tiền nhà mình sẽ còn đi ăn ở những nhà hàng đẹp hơn thế, được không con gái”. Cả nhà cười lên thật vui, tiếng cười trẻ thơ của tôi và anh trai, tiếng cười của bố và mẹ thảnh thơi một chút sau bao nhiêu lo lắng cuộc đời. Tôi nhớ! Hạnh phúc 7 năm, rồi vì bệnh tật, vì cảnh nghèo mà bố đành bỏ mẹ lại một mình với hai đứa con thơ dại, bố về với thiên đàng.

Gạt đi nước mắt, mẹ từ một người yếu đuối bỗng trở nên thật mạnh mẽ. Mẹ từ chối những lời giới thiệu sang bên nước ngoài làm ăn, những công việc thật tốt với thu nhập ổn định vì thương hai đứa con còn quá nhỏ dại. Ngày nào mẹ cũng đạp xe đi qua không biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu con phố để kiếm việc làm.
Ngày ấy, vì gia đình khó khăn nên tôi không đi học ở nhà trẻ, ngày nào tôi cũng bị nhốt ở trong nhà, anh trai thì đi học, còn mẹ tôi dong duổi trên đường. Mỗi lần mẹ về tôi lại leo lên xe, đòi mẹ lai tôi đi một vòng phố. 3 tuổi, nụ cười của tôi vẫn vô tư và hồn nhiên, ôm mẹ thật chặt từ đằng sau cho khỏi ngã, la lớn lên mỗi lần đánh rơi dép trên đường. Còn mẹ, có lẽ, mẹ đang khóc. Khóc thầm.

Chúng tôi sống chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp xã hội và sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, và lớn dần lên theo những vòng quay xe đạp của mẹ. Những tháng ngày đạp xe dong duổi tìm việc làm của mẹ được đáp trả bằng một công việc phù hợp, mẹ được người ta nhận vào làm may, mẹ xin về nhà làm để tiện trông coi nhà cửa và được chấp nhận.

Công việc vất vả và không ổn định lắm, mẹ phải cố gắng hết sức mới lo được cho tôi và anh trai ăn học. Dù bây giờ mẹ không phải ngày nào cũng đạp xe hàng chục cây số tìm việc làm nữa nhưng đôi khi tôi thấy mẹ lặng lẽ dắt xe ra đường, mẹ lại chầm chậm đạp những vòng xe, chầm chậm đi qua những nẻo đường ngày xưa, nơi mà bố mẹ vẫn đến.

Chiếc xe đạp cũ như một kỷ vật mà bố để lại. Nó theo mẹ trên những nẻo đường không có bố. Nó để tôi chập chững những vòng xe đầu đời, những lần biết ngã đau nhưng vẫn phải đứng lên tiếp tục. Mẹ đã chở tôi đi học, ngày đầu tiên đến trường ngồi sau xe mẹ, nghe rõ những vòng quay mệt nhọc mà đầy hy vọng về tương lai. Lên cấp 2, tôi tự mình đạp xe đến trường, bằng chiếc xe đạp ấy. Cấp 3, vẫn chiếc xe ấy, tôi thướt tha trong tà áo dài đến lớp. Mẹ không lai tôi được nữa, tôi là người lai mẹ trên chiếc xe đạp ấy.

Tôi không thể đếm được hết mẹ đã đi bao nhiêu vòng xe, đã đạp bao nhiêu cây số trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng không biết được mình đã gửi gắm vào những vòng xe bao nhiêu ước mơ, khát vọng về tương lai. Những vòng xe cứ nối tiếp nhau ngoài kia, những vòng đời cũng cứ thế trôi đi. Chẳng biết được sẽ có bao nhiêu lần nữa tôi có thể ngồi hồn nhiên mà nghĩ suy, mà hoài niệm. Nhắm mắt lại muốn mình còn bé thơ, ngồi sau lưng mẹ, nghe rõ tiếng bánh xe chầm chầm, tiếng đời cũng chầm chậm theo

Nguyễn Thị Hà

Giáng sinh cô đơn

Mùa đông rét mướt, đúng Noel mưa phùn bay bay, hôm đó cũng là ngày lĩnh lương, mấy anh em chơi thân trong công ty tổ chức liên hoan cuối năm. Anh là bạn một anh phòng thiết kế, vô tình gặp nên ghé vào, đương nhiên anh là vị khách quý của nhóm khi luôn thể hiện mình là người hoạt náo, vui tính.

Giáng sinh cô đơn
Giáng sinh cô đơn

Ăn uống xong ra đường thấy đông nghịt người. Con phố này người ta gọi là phố ăn đêm và cũng là phố nhà thờ luôn. Thế là, mới hơn 8h, thay vì đi hát, cả bọn rủ nhau ra nhà thờ cho vui, cô cũng tò mò không biết họ đón giáng sinh ra sao.Có tiếng ai đó hô: “Đề nghị các bạn nắm tay nhau kẻo lạc nhé”, đột nhiên bàn tay ai đó nắm lấy tay, làm cô thốt lên “Ơ” nhìn lên thấy anh nhìn cô rồi vờ ngó lơ đi chỗ khác, giọng thản nhiên: “Cẩn thận vẫn hơn, lạc là bị bắt cóc đấy”. Cô buồn cười, người đâu mà tự nhiên như ruồi, và vẫn để tay mình trong tay người lạ.

Có thằng nhóc cầm chùm bóng trái tim màu hồng chạy qua gạ anh mua, anh cười: “Bọn anh lớn rồi ai còn chơi trò này nữa”, thế mà quay đi quay lại đã thấy anh cầm hai quả bóng đó đưa cô. “Nó đánh rơi, anh nhặt được”. Lát sau gặp cậu bán bóng nọ, cậu ta cười khì: “Hay anh mua hộ em hết cả chùm này tặng chị đi”, anh rối rít đưa tay suỵt suỵt, cô mới phì cười, ra là anh lẻn đi mua của cậu bé, mang lại ngạc nhiên cho mình. Mỗi ngày anh lại mang đến cho cô một niềm vui và bất ngờ khác nhau, khiến cô đắm chìm trong hạnh phúc.

Song, những hiểu nhầm, những khác biệt, những sai lầm trong quá khứ bị phát giác… tất cả gom lại cùng lúc tạo nên mâu thuẫn sâu sắc giữa họ. Cô ngày càng trở nên cố chấp, bịt tai không muốn nghe bất cứ gì từ anh, họ dần xa nhau.

Anh nói, anh vẫn còn yêu nhưng cảm thấy chia tay là việc nên làm. Vì không muốn níu người khác ở lại chịu day dứt, cực khổ với mình, giờ những lời đó khiến cô đau đớn khi nghĩ lại, cô đã khiến anh phải nhọc lòng rồi.

Cô từng thầm ước anh sẽ luôn là người ở bên, thực hiện những ước mơ họ cùng hăng hái vẽ nên. Cô mơ được cùng anh đón thêm sáu mươi cái giáng sinh nữa, và vui vẻ đùa: “Ước mơ ấy có đơn sơ, mộc mạc quá không nhỉ?”. Họ cười, tiếng cười ấy trong như pha lê và tan vào không gian.

Hôm trước cô gặp anh trên phố, anh đi một mình với dáng liêu xiêu, cô muốn khóc òa lao đến với anh, nhưng phố giăng mắc cửi, cô chẳng thể chạy sang, chẳng thể vượt được qua những rào cản nườm nượp ấy, giọng cô lạc đi đứt quãng, hay là lúc đó lòng cô vẫn trăn trở… Anh còn yêu cô không, sao nỡ hờ hững vậy. Tim cô lại run lên khổ sở, cô trở nên dễ vỡ như chiếc ly thủy tinh.

Từ ngày chia tay, cô thường rẽ lối khác mà không dám đi trên con đường ngày nào. Cô đã ngấm nỗi cô đơn, cái lạnh đang muốn choán toàn tâm trí rồi. Anh hiểu không và anh có bị day dứt như cô?

Cô thấy tim mình vẫn còn rung động, vẫn cảm thấy nhói đau khi nghĩ về hành động nông nổi xưa kia, vẫn nhớ thương và yêu anh thật nhiều. Cô chỉ muốn nói với anh rằng, cô đã sai và thực sự muốn thử lại một lần nữa. Nhưng giờ cô chỉ còn biết khóc nấc lên, chịu bất lực, khi mỗi lần nghe tiếng chuông ngân vang, lại nhớ… Mùa Giáng sinh kia ơi, nếu không có anh thì đến làm gì?

TSL

Truyện ngắn:Chuyến xe đêm giáng sinh

Đêm Giáng sinh, tôi rời văn phòng khá muộn. 7 giờ tối tôi mới xuống gara lấy xe để về nhà. Bước vào gara, tôi gặp một cậu bé gầy gò, ăn mặc rách rưới đang đi vòng quanh chiếc xe của tôi với vẻ mặt đầy mê say.
Đêm giáng sinh
Đêm giáng sinh
Thấy tôi đến gần, cậu bé cất tiếng: “Đây là xe của cô ạ ?”.
Tôi khẽ gật đầu: “Đó là quà Giáng sinh anh cô tặng”.
Cậu bé nhìn tôi sửng sốt: “Ý cô là…anh trai cô tặng cô chiếc xe này?”.
Tôi gật đầu.
Cậu bé thốt lên: “Ôi! Cháu ước gì…”.Tôi hiểu cậu bé muốn nói gì tiếp theo. Cậu muốn có một người anh như tôi .

Nhưng bất ngờ, sau một lúc ngập ngừng, cậu bé nói tiếp : “ Cháu ước… cháu có thể trở thành một người anh trai giống như vậy”.
Tôi nhìn cậu bé ngạc nhiên. Rồi tôi đề nghị cậu bé : “ Cháu nghĩ sao nếu chúng ta đi một vòng quanh thành phố bằng chiếc xe này?”.
“Thật tuyệt! Cháu thích lắm ạ!” – cậu bé trả lời nhanh nhảu như sợ tôi đổi ý.Sau chuyến đi vòng quanh thành phố, cậu bé quay sang tôi hỏi: “Cô có thể lái xe đến trước nhà cháu không?”. tôi bật cười và gật đầu. tôi nghĩ chắc cậu bé muốn cho những người hàng xóm thấy cậu đã về nhà trên chiếc xe đẹp như thế nào.

Nhưng, lại một lần nữa tôi nhầm. “Cô chỉ cần dừng lại ở đây, và đợi cháu một lát thôi ạ” – cậu bé nói rồi chạy nhanh vào con hẻm sâu hun hút, tối om. Một lát sau, cậu bé quay lại, nhưng không phải một mình. Cậu đẩy một chiếc xe lăn cũ kỹ,ngồi trên đó là một cô bé nhỏ nhắn. Chiếc xe từ từ tiến về phía tôi…

‘Cô ấy đây, người mà lúc nãy anh đã nói với em đấy. Anh trai cô ấy đã tặng một chiếc xe hơi cho cô nhân dịp Giáng sinh. Và một ngày nào đó anh cũng sẽ tặng em một món quà như vậy. Hãy nghĩ xem, em có thể tận mắt thấy những món quà, những cảnh vật ngoài đường phố trong đêm Giáng sinh, và anh sẽ không phải cố gắng miêu tả nó cho em nghe nữa!” – cậu bé nói với em gái.

Nước mắt tôi rơi từ bao giờ, tôi cũng không rõ nữa. Tôi bước ra khỏi xe, bế cô bé với đôi chân bị liệt lên xe mình. Ba chúng tôi lại bắt đầu một chuyến đi vòng quanh thành phố, khi những bông tuyết giá lạnh của đêm Giáng sinh bắt đầu rơi…

Bài học ý nghĩa về tình yêu thương và lòng thù hận.

Vào ngày đầu tiên của năm học, cô giáo đã hướng dẫn học sinh của mình chơi một trò chơi. Giáo viên nói với mỗi đứa trẻ trong lớp hãy mang theo một túi nhựa có chứa một vài củ khoai tây. Mỗi củ khoai tây sẽ được viết tên một người mà các con không thích.Vì vậy, số lượng khoai tây mà mỗi đứa trẻ mang trong túi sẽ phụ thuộc vào số lượng người mà các cô bé, cậu bé không ưa.

Vào ngày kế tiếp, khi những đứa trẻ mang khoai tây đến lớp. Một số em chỉ có 2-3 củ khoai tây, trong khi vài em khác lại đem tới 5 củ. Sau đó, cô giáo đề nghị các em hãy mang bên mình những củ khoai tây này bất cứ lúc nào, kể cả khi đi ngủ hay làm vệ sinh cá nhân trong vòng một tuần.

Ngày lại ngày trôi qua, khi mà những đứa trẻ bắt đầu phàn nàn và thấy khó chịu với mùi của khoai tây bị hỏng. Nhất là những em có đến 5 củ khoai thì luôn cảm thấy mệt nhọc vì chiếc túi rất nặng. Sau một tuần, trò chơi kết thúc và chúng đều cảm thấy thoải mái vô cùng.
Cô giáo hỏi: “Các con cảm thấy thế nào khi mang túi khoai tây bên cạnh mình trong vòng một tuần?” Các học sinh đều đồng ý và cho rằng chúng thực sự khó chịu khi phải xách chiếc túi nặng. Nhưng ghét nhất là mùi khó chịu phát ra từ chiếc túi.

Sau đó, cô giáo đã giải thích cho các học sinh biết về ý nghĩa của trò chơi này. Cô nói: “Đây chính xác là lòng thù hận khi các con không ưa một ai đó. Mùi khó chịu cộng với sức nặng của chúng sẽ làm ảnh hưởng xấu tới trái tim của các con. Và chúng sẽ là bạn đồng hành của các con ở khắp mọi nơi vào bất cứ thời gian nào. Chỉ cần một tuần, các con cũng có thể tượng tưởng những gì không tốt sẽ tác động lên trái tim của mình trong suốt quãng đời còn lại?”.

Đó là bài học đầu tiên mà cô đã dạy cho chúng ta biết về lòng yêu thương con người. Vứt bỏ mọi sự thù hận trong trái tim để chúng ta không phải hối tiếc suốt cả cuộc đời. Hãy thứ tha và mang yêu thương để hàn gắn những trái tim lại với nhau. Tình yêu đích thực là việc yêu thương một người không hoàn hảo bằng cách hoàn hảo nhất.

Sưu tầm