Tag Archives: rúng động

Thương…và nhớ

Trời không mưa, không nắng mà những chiếc lá vẫn cứ úa màu phai. Em không vui, không buồn mà cứ ở lưng chừng nỗi nhớ. Có khi nhớ quay quắt, có khi miên man gọi về miền ký ức không màu, nhẹ hẫng.

Thương nhớ
Thương nhớ – Ảnh minh họa

Sợ mùa mưa sẽ trở thành mùa nhớ, nên đôi khi bỗng thấy cần một chút nắng nhàn nhạt lúc chiều tàn. Để nhuộm tím nỗi buồn và đôi chút cô quạnh. Thấy đời mình cũng như ly café đắng chảy tràn trong cơn mưa lạc mùa. Cô liêu đến hoang tàn, nhàu nhĩ một bờ vai và một cái xiết tay vội vã, rồi buông, ơ hờ trong hoang hoải mùa mưa. Thương… và nhớ.

 

Người ta vẫn thường nói: xa thương gần thường. Em không cố phân biệt đúng sai, đôi khi, chẳng biết vô tình hay hữu ý, ta cứ nhớ nhau quay quắt, cứ lục tung những kỷ niệm cũ mèm để hong ấm lòng mình, để khỏa lấp khoảng trống cứ ngày càng rỗng rễnh phía không anh, và không em. Vậy mà… khi ta gần nhau lắm, khi ta cố với bàn tay mình trong gió, sẽ chạm vào bàn tay kia, lại cứ thấy xa vời, lại cứ thấy khoảng cách giữa hai đứa càng rộng dài thêm nữa. Có lẽ, em sợ nhìn vào ánh mắt anh, sợ chạm vào những khắc khoải trong chiều đông ủ dột. Em sợ chạm vào đồi dã quỳ vàng thẫm trong nắng sớm cao nguyên. Sợ không thoát ra được rẫy cà phê chín bói, thi thoảng lại đỏ lên những khoảng lặng như màu máu tim đau. Có lẽ, anh sợ chạm vào mong manh trước cơn gió cuối mùa. Sợ chạm vào giọt nước mắt rớt xuống đời còn ấm nóng. Có lẽ, ta… sợ chạm vào nhau.

Tình yêu… như trò cút bắt. Càng gần thì càng xa, càng xa lại càng gần. Càng cố nắm bắt thì càng thấy mơ hồ. Càng cố thoát khỏi lại càng bị trói chặt như vô thức. Thi thoảng, em vẫn ngược về miền nhớ, tìm trong đó đôi chút bình yên đã đi qua, cũng chẳng biết để làm gì. Có lẽ, để thấy lòng ấm lại khi Sài Gòn đã vào mùa mưa, lạnh, và trống trải. Thi thoảng, em vẫn một mình lên cây cầu không tên – nơi ngày xưa anh đã đứng đó, cười với em nụ cười chao chát nắng Tây Nguyên. Em thả rơi lòng mình trong gió. Gió nhiều lắm. Gió của những ngày chớm thu. Gió của chút heo hắt đông về. Gió thổi tóc em bay theo những vụn vỡ trong lòng.

Ngày xưa, ta đã đứng đây, ngay chỗ em đang đặt bàn chân mình lên những kỷ niệm. Ngày xưa, em đã giấu đi giọt nước mắt yếu mềm vào màn đêm đặc quánh, và… lặng im. Em đã không òa lên rằng tim em đang ồn ào, đang mệt mỏi, đang ngổn ngang lắm. Em đã không bật khóc thành lời để nhạt nhòa gọi anh ôm em đi, ôm chặt thêm chút nữa. Em dựa vào vai anh và nhắm mắt, để mặc bao cảm xúc cứ hằn lên những vệt xước trong lòng. Em đã gạt đi tất cả, để lòng mình rỗng lặng, để nghe hơi thở mềm của anh đang chảy nhẹ vào đêm. Em chẳng đan tay mình vào tay anh để khỏa lấp khoảng trống đang dần đầy lên, chỉ lặng nhìn anh đánh rơi đáy mắt ở phía xa xa chân trời, nơi đó, có vì sao nhỏ nhoi và cô độc, như anh, và như em khi quay quắt tìm hoài phía không nhau…

 

Nhớ thương
Nhớ thương – Ảnh minh họa

 

 

Những chiếc lá tiễn mùa đã nhạt phai đời mình một nửa. Chẳng còn xanh nổi đêm nay khi những cơn gió đã gọi mùa mới đến, và… mùa cũ đi qua. Em ngồi đây, lặng nghe lòng mình trống vắng. Nhặt sợi tóc vô ý rơi trên áo, bỗng thấy thương vai mình gầy. Đừng xa nhau nữa được không? Đừng tự dối lòng mình để nỗi đau lại vỡ òa tiếng khóc. Người ta vẫn thường nói “Có những sai lầm sẽ mãi là sai lầm và ta đau khổ khi nhận ra mình sai lầm, nhưng nhờ có nó ta bỗng giật mình: điều sai lầm duy nhất của ta là phủ nhận những gì trái tim ta thật sự cảm nhận…”. Đừng phủ nhận những rung động của con tim, ở đâu đó quanh đây, em vẫn nhìn thấy nụ cười anh lấp nắng, như những chiếc lá đang nắm tay nhau tiễn mùa đi.

Thương, và nhớ….

 

NGÔ THÚY NGA

Được tin chồng cũ bỏ vợ…

… Nó chẳng thấy mảy may rung động hay hả hê, chỉ thương cho đứa trẻ. Âu cô vợ hai cũng là kẻ nhìn xa trông rộng, rời bỏ gã chỉ sau có hơn một năm chung sống, còn nó thì phải nhùng nhằng mất những ba năm.

Chồng cũ bỏ vợ
Chồng cũ bỏ vợ – Ảnh minh họa

Ngày ấy giá nhà chồng được một ai đó đứng về lẽ phải thôi, nó chẳng cần họ đứng về phía nó, chỉ mong họ nghĩ cho con cháu mình, chống lại cái điều xấu xa ngày ngày vẫn hiển hiện, cố gạt bỏ đi, làm thui chột đi những giả tạo, vô học ấy, thì nó đã gắng ngậm đắng nuốt cay, nỗ lực hết mình để vực dậy gia đình nhỏ trên bờ vực thẳm.

 

Nhưng không, lúc nào anh ta cũng được cưng chiều vì có học hơn thằng em mải chơi, có công ăn việc làm hẳn hoi nhất nhà. Khi bắt được quả tang anh ta qua lại với một người, lừa họ là vẫn “độc thân vui vẻ”, nó chỉ ra, những mong người lớn phân giải, khuyên nhủ, thì họ quát nó “làm mất mặt chồng”. Mẹ anh ta bênh con, mắng nó xối xả: “Nó có trăng hoa thật thì cũng chỉ là ong bướm qua đường, tìm thú vui và những thứ ở nhà bị thiếu, còn cô đã trọn đạo làm vợ của mình hay chưa?” những lời cay nghiệt ấy nó chẳng thể quên.

 

Bởi lúc nào anh ta cũng huênh hoang, nói rằng nỗi đau khổ lớn nhất đời là không bỏ được vợ, vì thương con, nên giờ ước nguyện chắc thỏa gấp đôi…

 

Hồi đang yên đang lành ở thành phố, anh ta bắt nó về quê với bố mẹ chồng, hàng ngày bắt xe buýt đi làm, để có người trông con, dù nó gắng phản đối. Nó về đó càng thêm cám cảnh về người chồng độc đoán, lười biếng và người thân của anh ta.

 

Cô vợ hai này thì “có chết cũng không về làm dâu”, dù ở thành phố cô ấy chẳng có việc làm, cưới về cũng chửa đến năm tháng rồi. Nó cho rằng cô nàng can đảm, cương quyết hơn nó, thế là tốt, vậy mà rốt cục vẫn chung số phận bỏ chồng.

 

Giờ nó hiểu, ở chung hay riêng không quan trọng bằng việc người chồng của mình thế nào. Bố mẹ chồng tốt hay xấu chỉ là điểm để cộng hoặc trừ thôi, không hề có ý nghĩa tiên quyết.

 

Nghe nói anh ta cũng chẳng thèm nuôi đứa con thứ hai này để còn rảnh thời gian rong chơi, cặp kè với một chị cứng tuổi cũng hai đời chồng và hai đứa con, chung chí hướng “già nhân ngãi, non vợ chồng”, đỡ lằng nhằng về pháp luật. Có lẽ anh ta đã hiểu, chỉ tờ giấy mỏng manh đâu thể giúp được hai con người khác biệt cùng chung sống.

Thủy Hường / DanTri

Lý Tự Trọng – người truyền lửa (*)

TT – Hơn 100 năm trước, để tránh sự truy sát của kẻ thù, những người Việt yêu nước theo phong trào Quang Phục hội đã phải di tản sang Xiêm La – tức Thái Lan bây giờ – để lánh nạn và nuôi chí phục thù. Continue reading Lý Tự Trọng – người truyền lửa (*)