Tag Archives: người cha

Đừng mong chờ điều gì ở bất cứ ai, hãy đứng lên và tìm lấy bát cơm cho chính mình

“Đừng mong chờ điều gì ở bất cứ ai, hãy đứng lên và tìm lấy bát cơm cho chính mình”
Đây là câu nói khắc cốt ghi tâm đối với tôi trong cuộc đối thoại lần đầu tiên giữa 3 đứa con cùng người Cha đáng kính.
20 năm về trước Ông là một người con có hiếu, người anh có trách nhiệm, người chồng hoàn hảo, người Cha mẫu mực. Ông gánh trên đôi vai mình biết bao nhiêu con người, ra đời lập nghiệp với đôi bàn tay trắng và xây dựng lên cơ ngơi của chính ông.
Có thể nói lúc bấy giờ không điều gì là ông không thể đạt được,không thể có được. Thời điểm này chúng tôi gọi đó là thời kỳ “Huy Hoàng” của Ông.

cha


Ông là mẫu người đàn ông mà có lẽ k cần phải thắc mắc tại vì sao Mẹ tôi lại ghen nhiều như thế. Ngoại hình đẹp trai, phong độ, hào hoa, hát hay, đàn giỏi, nấu ăn ngon, làm ra tiền… Phụ nữ theo ông, vây quanh ông rất nhiều… Cv lại cuốn ông đi khiến ông chẳng còn thời gian cho gia đình, cho chúng tôi… Thế nên ông cũng làm Mẹ buồn phần nào. Nhưng Ông lại thuộc tuýp người tình cảm, không thích thể hiện bộc bạch ra bên ngoài.. Vì thế chỉ có Mẹ mới hiểu, chịu đựng đc và chấp nhận Ông trong suốt bao năm.


Tôi thường trách ông sao Ba không cho chúng con thứ gì hết vậy? ( vì lúc tôi 8 tuổi mới nhận đc con búp bê đầu tiên do ông mua sau 3 năm chờ đợi).


Ông gọi 3 đứa vào và bảo với chúng tôi rằng: “Những gì Ba có hôm nay là do đôi tay này làm ra, do đôi chân này bước đi, do bộ não này phán đoán và do con người này kiên trì cố gắng. Hôm nay Ba có tất cả nhưng biết đâu ngày mai Ba không còn nữa những thứ này cũng sẽ không còn nữa, các con đừng mong chờ vào những thứ này. Hãy đón nhận cái Ba dành cho các con đó là sức khoẻ, cuộc sống, tri thức và gia đình. Để dựa vào đó các con có thể kiếm lấy bát cơm cho chính mình, chỉ có của mình các con mới ăn ngon mà không sợ bị người khác cướp mất”…


Quả nhiên Ông nói không sai? 1 time sau đó biến cố lớn xãy ra đối với gia đình chúng tôi. Ông không còn bên cạnh chúng tôi nữa… Nhưng những bài học, những lời nói của ông luôn dõi theo chúng tôi. Cho đến ngày hôm nay tôi thầm cảm ơn ông đã cho tôi những hành trang rất giá trị để bước vào đời, để trưởng thành và để bảo vệ gia đình mình.


Nơi tôi có thể chia sẽ mọi thứ, có thể dựa vào bất cứ lúc nào. Vui buồn gì tôi cũng nghĩ đến đầu tiên. Cùng nhau trải qua sóng gió mà tưởng chừng như chúng tôi không thể gượng dậy được nữa…đó là gia đình tôi. Tất cả nằm trong sự yêu thương, thấu hiểu, lắng nghe, gắn kết, nghị lực mà chúng tôi có được từ Cha. Thầm hứa với lòng, với ông đứa con gái nhỏ bé này sẽ làm hết sức có thể để bảo vệ gìn giữ gia đình luôn tràn ngập tiếng cười, sự yêu thương, hạnh phúc và sẽ chia.
Con yêu Ba!
-Sg 03/03/16-

Trần Mỹ Linh

Câu chuyện của người Cha sáng sớm phát hiện ra con gái ngủ với trai lạ trong phòng khách

CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI CHA SÁNG SỚM PHÁT HIỆN RA CON GÁI NGỦ VỚI TRAI LẠ TRONG PHÒNG KHÁCH

Câu chuyện của ông bố người Nga đang được phát tán mạnh trên mạng xã hội Reddit. Có ai dám làm như ông bố này? Góc Tâm Sự đồng cảm xin chia sẻ lại câu chuyện cảm động này.

Con gái ôm trai lạ ngủ trong nhà sáng sớm
Con gái ôm trai lạ ngủ trong nhà sáng sớm – Ảnh minh hoạ

Sáng đó, tôi đi xuống cầu thang và đập vào mắt tôi cảnh tượng này – đứa con gái 17 tuổi của tôi đang nằm ngủ với một chàng trai lạ. Chắc chúng đã trải qua một đêm “lao động nặng nhọc”. Tôi lặng lẽ làm bữa sáng, quay lên gác nói với vợ, con trai và con gái út của tôi giữ trật tự vì có người đang ngủ.

Bàn ăn của chúng tôi ở đầu kia của căn phòng, cách chiếc xa lông chừng 6 thước. Chúng tôi ngồi xuống và tôi kêu: “Này chàng trai” – chưa bao giờ tôi thấy ai vùng dậy từ trạng thái nằm sang trạng thái đứng nhanh như vậy. “Bữa sáng đã dọn ra rồi”. Tôi nói bằng giọng vui vẻ như thể tôi muốn hút hết linh hồn nó ra khỏi cơ thể. Tôi kéo chiếc ghế bên cạnh tôi: “Ngồi xuống đây”! Cả nhà tôi im lặng, ai nhìn vào đĩa người ấy, thậm chí không nhúc nhích.

Thật khó khăn cho chàng trai mông trần bước hết cái khoảng cách 6m ấy, cố gắng che giấu tình trạng “chào cờ buổi sáng”. Con gái út của tôi và và vợ tôi lộ rõ vẻ sợ hãi. Mặc xong mớ quần áo để cạnh bàn ăn, chàng trai ngồi xuống. Con trai tôi vỗ vai nó, nhìn thẳng vào mắt nó thở dài và lắc đầu. Chàng trai thực sự căng thẳng.

Tôi cất giọng: “Anh bạn này, tôi sẽ hỏi anh một câu hỏi. Câu trả lời của cậu sẽ rất quan trọng…đối với cậu”. Mồ hôi chàng trai úa ra như tắm.

“Cháu có thích mèo không?”

Chàng trai thật dễ mến và thân thiện. Rõ ràng cậu ít học, nhưng không ngu. Cậu có điều gì đó rất lạ. Con gái tôi cam đoan với tôi rằng cậu là người tốt, rất quan tâm săn sóc nó. Hai đứa quen nhau được gần một tháng.

Kể từ buổi sáng hôm đó ngày nào cậu cũng qua nhà tôi, nhưng không ở lại qua đêm. Cứ mỗi sáng nó qua chở con gái tôi đến trường trên chiếc xe đạp của nó, tan học nó lại chở con bé về nhà, giục giã con bé làm bài tập. Nó chăm sóc khi con bé ốm mà chúng tôi thì phải đi làm. Nó đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực. Mỗi khi con bé dở người, nó bộc lộ sự kiên nhẫn của một thiên thần.

Nó nói nó không có gia đình, không được học hành, không có việc làm tử tế. Nhưng con gái tôi yêu nó, nó yêu con gái tôi. Tôi là ai mà ngăn cản con gái tôi học từ những sai lầm của mình?

Sau hôm đó, mọi sự diễn tiến bình thường khoảng 8 tháng. Một hôm con trai tôi kể rằng nó đi điều tra và vỡ lẽ ra chàng trai không có nhà cửa gì cả. Bố nó là kẻ nát rượu đã tự sát. Ba tuần sau, người mẹ rạch giời rơi xuống của nó cũng biến mất.

Khi ấy nó mới 15 tuổi. Suốt 3 năm sau đó nó sống vất vưởng trên phố, ngủ trong công viên với đám bạn bè lang thang như nó. Rồi nó kiếm được việc ở công trường xây dựng.

Nó – một chàng trai tầm 18-19 tuổi, lễ phép, khi đến cũng cười mà khi đi cũng cười, biết chăm sóc, biết giúp đỡ mà không cần phải nhờ. Nó khiến con gái tôi hạnh phúc. Chàng trai ấy đã không có cơ hội được làm con.

Thỉnh thoảng nó bận việc không đến, chúng tôi thấy nhớ nó. Mặc dù không phải là bạn bè nhưng con trai tôi rất hợp với nó. Con gái út của tôi thì tin nó vô điều kiện, còn bản năng người mẹ của vợ tôi thì dường như đã trở nên lớn hơn. Nhiều khi tôi thấy lo cho nó. Tôi muốn nó được hạnh phúc.

Tôi kể cho vợ và con gái út những điều mà tôi biết về chàng trai. Cả hai đều khóc. Khó khăn lắm tôi mới kể được cho họ câu chuyện ấy. Tôi thấy thất vọng về con gái lớn của tôi. Nó biết chuyện, lẽ ra nó phải nói cho chúng tôi biết. Nó yêu thằng ấy, vậy mà đêm đêm nó vẫn để thằng ấy ra về. Về đâu???

Hôm sau, tôi đưa cho thằng bé chìa khoá nhà. Tôi bảo nó tôi chờ nó về nhà mỗi tối. Về nhà. Suốt mấy tuần sau đó, chúng tôi sửa lại căn phòng lâu nay vẫn bỏ không, tôi đưa nó đi mua đồ gỗ. Nó tỏ ra thạo công việc này. Nó thích xây cất và muốn làm chủ cuộc sống của nó. Chúng tôi thấy cần giúp nó học để có thể thực hiện được ước mơ của mình.

Đó là năm 2000. Giờ đây khi 15 năm đã trôi qua, đứa con trai nhặt được của tôi và con gái tôi đang làm chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra. Vợ chồng chúng đã tặng chúng tôi ba đứa cháu ngoại, trong đó có một bé trai và một bé gái sinh đôi hồi năm ngoái.

Vũ Mạnh Cường dịch

Tô mì

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh..

Tô mì bò
Tô mì bò – Ảnh minh họa

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: “Cho hai bát mì bò!”, cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm 1 bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “An đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội.” Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt.” Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này. ” “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy.”

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thịt bò.” Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. ” Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏ quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, Tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.”

(ST)

“Chọn người như ba mà lấy”

So với nhiều người đàn ông khác, ba tôi không bằng một góc của người ta, không chức quyền, không giàu sang, không thành đạt, không to cao vạm vỡ. Nhưng ít ra, với những người phụ nữ trong gia đình tôi, ba là người đàn ông vĩ đại nhất thế gian này.

Ba chở con
Ba chở con – Ảnh minh họa

 

Cái hồi ba mẹ còn tán nhau, nghe đâu ba hay phì phèo điếu thuốc để làm thơ, đến lúc lấy mẹ về, tôi mon men ra đời thì ba bỏ hẳn thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con nhỏ. Đã vậy, rượu bia ba không đụng đến một giọt, ba minh chứng ngược lại cho cái lý “nam vô tửu như cờ vô phong.”

 

Lúc gặp gỡ ban đầu, mẹ chẳng thèm để ý tới ba, mẹ cao ráo xinh đẹp trong khi ba nom già nua và xấu trai lắm. Thế mà, duyên số đưa đẩy thế nào, ba gặp ông bà ngoại, lọt vào mắt xanh của hai người. Ông ngoại nhất nhất nói với mẹ “chỉ có thằng này là được”. Mẹ chẳng hiểu cái “được” mà ông ngoại chấm là sao, khi mà ba chẳng có gì nổi trội so với đám trai làng dập dìu trước ngõ.

 

Có ông bà ngoại hỗ trợ, ba dần dần chinh phục trái tim mẹ. Mẹ nhận ra, ở con người ấy có khối điều hay ho, tài giỏi mà những người cùng trang lứa không có. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn bảo, ba là chọn lựa đúng đắn nhất trong cuộc đời của mẹ.

 

Nhờ sự lựa chọn tuyệt vời đó, chị em tôi lần lượt ra đời.

 

Nhà nội vốn có truyền thống học giỏi nhưng không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Ba học lực xuất sắc, văn hay chữ đẹp nhưng phải nghỉ học từ năm lớp mười. Thi thoảng gặp bạn ba, mấy chú vẫn hay đùa “Ba con không học, chứ học hành tới nơi chắc phải làm to.” Nhìn ánh mắt đầy tôn trọng của họ dành cho ba, tôi thấy tự hào lắm lắm.

 

Ba ở nhà phụ nội mấy năm rồi xung phong đi bộ đội. Khi trở về, ba đã hơn ba mươi tuổi và mang theo một vết thương ở đầu. Huân chương kháng chiến treo ở góc nhà chẳng giúp được gì trong cuộc mưu sinh nhưng nó là minh chứng cho những năm tháng tuổi trẻ sống hết mình.

 

Lập gia đình, ba lại bắt đầu gồng gánh cho gia đình nhỏ. Ba làm đủ nghề để kiếm sống từ rà tìm phế liệu, xay gạo, buôn bán…

 

Ba vốn cẩn thận, đặc biệt trong việc chăm con. Mùa hè miền Trung nóng nực, tối đến cái nóng còn theo sát. Chị em tôi nằm ngủ thường để quạt ở đầu giường từ hôm đến sáng. Có lúc nằm ngủ mê man, chợt nghe tiếng lục đục, hóa ra, ba bê mấy chậu nước đặt trước quạt vì sợ con gái khô da.

 

Thời tiết chỉ hơi se lạnh, con cái nhà hàng xóm tung tăng đi ngoài đường, chị em tôi buộc phải ở trong nhà, áo ấm khăn quàng kín mít. Ba sợ mấy đứa bị cảm.

 

Lúc học tiểu học, hai chị em tôi thường dắt tay nhau đi bộ. Mỗi lúc trời mưa, ba lấy mảnh áo mưa che vội vào người rồi hốt hoảng đi đón chúng tôi. Dù ở cách xa mấy, tôi vẫn có thể nhận ra dáng đạp xe của ba, trên đầu đội chiếc nón tơi, tay cầm chiếc áo mưa cho hai chị em, khuôn mặt lo lắng, thất thần. Về đến nhà, thể nào ba cũng ướt nhẹp trong khi hai chị em tôi khô ráo.

 

Thế nhưng, ba cực kỳ nghiêm khắc và khó tính. Nếu làm một phép so sánh, có lẽ ba là người cha nghiêm khắc nhất so với những người cha của bạn bè từ nhỏ đến lớn của tôi.

 

Lúc nhỏ tới giờ, ba luôn hạn chế chị em tôi đi chơi, nhất là buổi tối. Ba khó tính đến nỗi bạn bè của chúng tôi đều e ngại khi đến chơi nhà. Tôi đã từng mường tượng trẻ con rằng, ước gì ba của mình được như ba của bạn này bạn kia, chiều con như vầy. Để rồi càng lớn, càng nhận ra rằng, chính sự nghiêm khắc của ba đã rèn giũa chúng tôi nên người, rèn sự bản lĩnh và tỉnh táo trước mọi điều không hay trong cuộc sống.

 

Ba hay vì người khác, hay thương người quên cả mình, nhiều độ mẹ giận lắm vì lòng tốt của ba. Ví như, năm nào đó ba đi khám bệnh, có người bệnh cần máu kịp thời, ba chẳng ngần ngại hiến máu cho người ta. Về nhà, ba giấu mẹ vì sợ mẹ lo, nhìn vẻ mặt xanh xao của ba, mẹ chẳng nỡ trách cứ.

 

Lúc trước, khi điện đài còn chập chờn, chưa có mạng lưới như bây giờ, mỗi lần cúp điện, nguyên cả xóm ngồi chờ ba. Chẳng hiểu sao, thanh niên trai tráng không thiếu nhưng chẳng ai đủ dũng cảm và hiểu biết để trèo lên sửa. Mỗi lúc thấy ba lúi húi trèo thang sửa điện, tôi đứng từ xa, mắt dõi theo không yên, giận luôn mấy anh mấy chú trong xóm.

 

Ba không bao giờ trau chuốt vẻ ngoài cho mình và cũng không hề khuyến khích chúng tôi điều ấy. Tôi từng có cảm giác xấu hổ khi ba xuất hiện trước mắt bạn bè tôi với vẻ nhàu nhĩ, xộc xệch. Tự hỏi sao ba chẳng thơm phức và chỉnh chu, bóng láng như ba của người ta. Hỏi rồi cũng tự trả lời, vì chị em mình nên ba như thế. Ba luôn bảo, vẻ ngoài chẳng quan trọng, người ta tôn trọng mình vì cái bên trong mình có chứ không phải bộ đồ bên ngoài. Càng lớn, tôi càng tự hào về ba.

 

Nếu được vẽ một bức tranh về ba, tôi không thể vẽ hình ảnh một người cha bác sĩ mặc áo blu trắng tinh, một người cha giáo viên mực thước, một người cha thành đạt chức cao vọng trọng. Tôi chỉ vẽ người cha chân thực với bàn tay thô ráp, gương mặt khắc khổ, mái tóc điểm màu thời gian, sẽ điểm tô nhiều nhất là mồ hôi. Mồ hôi ướt áo mỗi khi ba chở hàng cho người ta, mồ hôi lấm tấm khi ba hì hụi ngồi sửa đồ, mồ hôi chảy dài khi hai cha con ngồi đợi tàu tiễn tôi lúc tôi vào thành phố… Có nhiều lắm mồ hôi ba đã rơi, cũng nhiều lắm yêu thương ba dành cho cả gia đình, cho mẹ và mấy chị em tôi. Tất thảy đều không đong đếm được.

 

Mẹ chỉ nói với chúng tôi một câu ngắn gọn rằng, lấy chồng, hãy chọn người như ba mà lấy.

 

Diệu Ái