Từ xưa đến nay, việc con cái lớn lên, đi làm, hàng tháng biếu tiền cho cha mẹ chi tiêu hay đóng góp vào quỹ sinh hoạt chung của gia đình đã trở thành thói quen và được coi là một cách thể hiện trách nhiệm của người con trong gia đình… Thế nhưng không phải ai cũng làm như vậy và họ đã có lý do riêng.
Anh Minh, 26 tuổi thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Chừa một khoản xài cho nhu cầu cá nhân, số tiền còn lại anh dồn hết vào một quyển sổ tiết kiệm. Anh lý giải: “Tôi chưa nghĩ đến việc phải đưa tiền phụ giúp gia đình vì theo dự định khoảng hai năm nữa tôi dùng số tiền tiết kiệm đó để đi du học ở nước ngoài”.
Không xài tiền cha mẹ
Hùng Văn, 24 tuổi, hiện là nhân viên công ty kinh doanh máy tính cho rằng, hiếu thảo với cha mẹ có nghĩa là người đó có thể tự làm việc nuôi sống bản thân, tự khẳng định việc qua thăng tiến trong nghề nghiệp, tự chứng minh khả năng cạnh tranh của mình trong xã hội là cách đền đáp cho cha mẹ thiết thực nhất. Theo Văn thì để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh trong công việc hiện nay, lớp trẻ phải không ngừng đầu tư cho việc trang bị kiến thức. Văn đặt vấn đề: “ Nếu tôi không đủ tiền để học thêm các khoá ngoại ngữ, marketing, vi tính, mua sắm các trang thiết bị cho cá nhân – mục đích cũng chỉ phục vụ cho công việc (như điện thoại di động, máy tính, máy ảnh) – rồi thua sút bạn bè, bị đào thải khỏi “sân chơi” thì cha mẹ có vui không?”. Chính vì thế mà theo Văn, không thể đo trách nhiệm đối với cha mẹ bằng việc đưa tiền phụ giúp gia đình mỗi tháng.
Cho bản thân là trên hết
Mỹ An, 20 tuổi làm nghề trang điểm cô dâu có mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Nhưng từ lúc đi làm đến nay, An chưa hề đưa về cho mẹ tháng lương nào ngoài món quà tặng là chiếc áo dài lúc An nhận tháng lương đầu tiên. Bản thân An sống rất tiết kiệm và mọi khoản kiếm được cô để dành theo học trang điểm và thiết kế thời trang ở Úc. An nói: “Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải làm được điều mình ưa thích mà không phiền đến cha mẹ. Khi bản thân tôi tự đạt được mong ước và trên hết là có thể sống tốt và đi lên với nghề nghiệp của mình thì chắc chắn cha mẹ tôi sẽ thích hơn là mỗi tháng tôi đưa tiền chợ cho mẹ”.
Có nhiều người cho rằng không lấy tiền cha mẹ là tốt lắm rồi, trách nhiệm với gia đình không nhất thiết là phải góp tiền hàng tháng… không chỉ có ở những gia đình khá giả, cha mẹ có của ăn của để, không đặt vấn đề tiền bạc thành gánh nặng. Nhưng thực tế những suy nghĩ này có thể gặp ở cả những gia đình có mức thu nhập khá lẫn sống theo kiểu ăn đong từng bữa. Chẳng hạn như bạn Huỳnh Thanh Tùng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng marketing chỉ tính toán đến việc đi làm thêm kiếm tiền để mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân, thậm chí gầy dựng tương lai sau này mà chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ phải đi làm kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ dù Tùng luôn được người thân đánh giá là ngoan ngoãn và biết suy nghĩ.
Ðúng hay sai?
Bà Ngọc Mỹ luôn than thở với hàng xóm về cậu con vô trách nhiệm. Theo bà, dù con trai làm giám đốc một công ty lớn, đi xe hơi hàng ngày, chăm lo khá tốt đời sống cho gần 300 công nhân nhưng chẳng thèm đưa về cho cha mẹ đồng nào đã làm cho bà thất vọng. Trong khi đó, anh Ngọc Quang, con trai bà lại có suy nghĩ khác: “Ba má tôi nội cái việc cho thuê nhà mặt tiền, ngoài chi dùng hàng ngày, ông bà còn có thể đi du lịch nước ngoài hàng năm, do vậy tôi cảm thấy việc mình thành đạt và được nhiều người yêu mến tin tưởng sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn. Theo anh, chính sự thành công của con cái mới là món quà xứng đáng để đền công dưỡng dục sinh thành chứ không phải là một ít tiền hàng tháng. Chính sự khác nhau trong suy nghĩ này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng, có lúc bà Mỹ đã giận không thèm nói chuyện với anh gần một năm. Bà Mỹ luôn cho rằng: con đem tiền bạc về biếu cha mẹ chi tiêu hàng tháng là trách nhiệm, cho dù bà có nhiều tiền đến đâu chăng nữa thì con cái phải thực hiện nghĩa vụ này. Còn tiền của bà dư nhiều thì sau này cũng để lại cho con cái mà thôi.
Bà Sáu, mẹ của Mỹ An cũng vậy, khi con gái đi làm không đưa tiền chi tiêu hàng tháng, bà rất buồn nhưng không nói ra. Bản thân bà cũng biết Mỹ An đang dành dụm để đi du học. Bà nói: “Thấy con tự biết dành dụm để phấn đấu cho tương lai là rất tốt, nhưng đôi lúc tôi vẫn cảm thấy buồn”. Thương con, hiểu ý nghĩa của con làm nhưng bà vẫn muốn gia đình theo thói quen từ xưa đến nay: con lớn đi làm hàng tháng góp tiền cho cha mẹ.
Ngọc Thy, quản lý nhãn hiệu của một công ty khá bề thế luôn coi việc con cái trưởng thành, dù đã lập gia đình ra ở riêng hay còn độc thân sống chung với cha mẹ thì việc góp chi phí là bắt buộc. Bởi theo Ngọc Thy, sống cùng một nhà nếu ai cũng không góp tiền cho sinh hoạt chung không lẽ để cha mẹ già lo mãi. Ðồng tình với quan điểm của Thy, anh Minh Hiếu cho biết: “Cha mẹ thương con có thể hy sinh mà không đòi hỏi con cái phải có trách nhiệm lại với mình nhưng không vì thế mà con cái ỷ lại lơ là trách nhiệm với gia đình. Bởi theo tôi hễ là con người sống là phải có trách nhiệm, trách nhiệm đối với gia đình và đối với xã hội”.
Minh Thành