Tag Archives: chồng vũ phu

Bị chồng đánh ngay trên giường mổ đẻ

Mặc dù nhiều lần bị anh tát nhưng lần này tôi sốc vô cùng, suy nghĩ rất nhiều và bị trầm cảm sau sinh một thời gian dài. Mãi sau, tôi lại được nghe từ miệng mẹ chồng nói bà không ra lúc tôi sinh vì gặp gái đẻ đen đủi, bà kiêng.

Chồng vũ phu
Chồng vũ phu – Ảnh minh hoạ

Chồng hơn tôi năm tuổi, là kỹ sư xây dựng, yêu nhau từ khi tôi là sinh viên năm hai, cưới nhau sau bốn năm, hiện con trai tôi sắp hai tuổi. Gia đình tôi ở ngoại thành Hà Nội, có quyền thế và địa vị tầm cỡ; gia đình chồng ở miền Trung, rất nghèo, mọi công to việc lớn từ cưới xin, thủ tục, kinh tế, công việc đều một tay gia đình tôi lo liệu, gia đình chồng gần như bỏ mặc. Tôi sinh con, mẹ chồng lấy lý do bố chồng ốm nên không ra thăm cháu, cũng không được một lời gọi điện hỏi thăm con dâu và cháu. Chính vì điều này nên hai vợ chồng lời qua tiếng lại và chồng đã tát tôi ngay khi tôi còn trên giường mổ.

Mặc dù nhiều lần bị anh tát nhưng lần này tôi sốc vô cùng, suy nghĩ rất nhiều và bị trầm cảm sau sinh một thời gian dài. Mãi sau, tôi lại được nghe từ miệng mẹ chồng nói bà không ra lúc tôi đẻ vì gặp gái đẻ đen đủi, bà kiêng. Mẹ chồng tôi bề ngoài mới tiếp xúc thì thấy hiền lành, chân chất, qua thời gian thấy bà không đơn giản, có phần không thật, đơm đặt; bà hay để ý, thì thầm to nhỏ với con trai về cả hai con dâu (tôi là con dâu thứ).

Không biết có phải do điều kiện gia đình nhà tôi khá hơn không mà bà xử sự với con tôi và cháu trai cả của bà khác hẳn. Mọi quan tâm bà dành hết cho cháu nhà anh trai chồng, còn con tôi bà bỏ mặc. Dịp đầy tháng, sinh nhật con, tôi mời bà ra cho biết chỗ ăn chỗ ở của con cái và gặp gỡ gia đình thông gia nhưng bà chưa lần nào ra. Bất kể sinh nở, đầy tháng, đầy năm, ốm đau đi viện bà cũng kệ. Tôi gọi điện về thì gọi, còn bà chưa gọi cho tôi lấy một lần, nhiều khi tôi gọi bà cũng chả buồn nghe. Chồng luôn nghe theo và bênh mẹ, bất kể bà đúng hay sai.

Bà chính là nguyên nhân trong những lần vợ chồng tôi mâu thuẫn, đánh chửi. Tôi là người sống thẳng thắn, biết điều, ngoại hình xinh xắn, có trình độ học vấn, công việc được xã hội trọng vọng. Trước đây, quanh tôi có nhiều người thành đạt, hơn hẳn anh về mọi mặt nhưng tôi gạt tất cả để đến với anh. Bản thân chúng tôi cưới nhau vì tình yêu dành cho nhau quá lớn. Bố mẹ tôi cũng đồng cảm và ủng hộ cho hai đứa rất nhiều, vì lẽ ấy nên hoàn cảnh nhà anh cũng không làm tôi nhụt chí mà càng thương và yêu anh hơn.

Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, tôi lấy chồng lại rơi xuống đáy mà chẳng hơn được ai. Sau khi cưới, chồng tôi trở nên hoàn toàn khác, lộ rõ là người hay chấp vặt, để bụng, thù dai và giả tạo. Chồng chửi tôi ngay khi vừa ngồi lên xe hoa, đánh tôi nhiều lần tại nhà riêng, giữa đường, thậm chí ở ngay tại nhà bố mẹ tôi. Mâu thuẫn vợ chồng âm ỉ bắt đầu từ khi tôi mang thai ở những tháng đầu, câu nói đầu tiên chồng dành cho tôi khi mang bầu mà đến chết không thể quên là “Bỏ nó đi”. Thai yếu, có nguy cơ bị sảy cũng phần lớn do tôi bị yếu tố tâm lý từ mẹ chồng và chồng gây ra.

Tôi mang bầu nhưng cứ nói gì đến chuyện gia đình nhà chồng là anh thẳng tay tát, giúi cổ. Tôi bất mãn, stress liên tục và tiêu cực mỗi khi bế tắc; cắt tay, thuốc ngủ đủ cả nhưng số tôi dai dẳng, chưa thể giải thoát được. Tôi lấy chồng vì tình cảm sâu đậm, hết mực yêu thương chồng nên sau mỗi lần tôi như thế anh lại khóc lóc van xin hứa thay đổi, tôi nguôi ngoai và cho qua.

Mọi chuyện xảy ra tôi đều giấu kín, gia đình bạn bè người thân không hề biết được bản chất chồng tôi thế nào. Vợ chồng tôi trước kia sống riêng nhưng vừa rồi anh đã chuyển công tác nên vợ chồng về nhà tôi sống. Từ đây, mọi chuyện mới vỡ lở. Công việc, sự nghiệp của anh đều do gia đình tôi tạo dựng. Cơ hội kiếm tiền rất nhiều, nếu tu chí lo làm ăn, vợ chồng yêu thương nhau thì cuộc sống sung túc đủ đầy. Đằng này, mỗi khi vợ chồng to tiếng anh lại không nói không rằng, phớt hết vợ con, qua mặt gia đình tôi, đùng đùng bỏ nhà, bỏ việc đi. Từ đầu năm đến giờ không dưới bốn lần anh bỏ đi như thế.

Cách đây hơn một tháng, tại nhà bố mẹ tôi, vì một chuyện nhỏ nhặt giữa vợ chồng con cái, chồng xưng mày tao, chửi tôi là mất dạy và sấn sổ tát tôi nảy đom đóm mắt. Tai tôi ù đi, nước mắt giàn giụa, mọi uất ức lâu nay như được dịp trào ra, bùng nổ. Tôi nấc nghẹn lên mà hét vào mặt chồng “Xưa nay tôi có tiếng ăn học tử tế, từ khi về nhà chồng mới phải chịu tiếng ác là đứa mất dạy. Anh có dạy mà tồi tệ thế à”.

Lúc sau trước mặt bố mẹ tôi, anh vẫn giả tạo như không có chuyện gì (phòng bố mẹ tôi ngay đó nhưng ông bà vướng khách không biết chuyện). Kể từ giây phút đó, tình cảm vợ chồng trong tôi như đã chết. Chồng tôi sau đấy vẫn đi làm bình thường được mấy hôm thì bỏ. Nhà tôi cũng không rõ anh đi đâu vì anh không nói, khi biết cách anh hành xử với tôi gia đình tôi rất giận, cũng không muốn biết anh đi đâu. Sau này, tôi mới biết chồng về nhà bố mẹ đẻ.

Tôi có gọi nói qua với mẹ chồng nhưng thái độ bà bàng quan, dửng dưng. Vợ chồng tôi từ hôm đấy đến giờ không liên lạc gì. Cuộc hôn nhân tồi tệ, tất cả những cú va chạm đã làm tôi cùn và chai lỳ đi quá nhiều. Trước đây, tôi hết lòng vì chồng, huỷ hoại bản thân quá nhiều mà quên mất sống cho mình. Thật sự đến giờ tôi muốn rũ bỏ dứt khoát, tôi căm ghét và không còn cần gì người chồng này nữa. Vấn đề trước mắt nếu ly hôn, bố mẹ tôi sẽ khổ tâm nhiều bởi gia đình nhà tôi vẫn muốn hàn gắn lại vì nhiều lý do. Vì nặng lòng với bố mẹ mà lúc này ly hôn hay hàn gắn tôi vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng cho mình. Xin nhận được những lời chia sẻ.

Quỳnh

Chồng dùng bạo lực để nói chuyện với tôi và con

Chồng không những đánh tôi mà còn làm như vậy để dạy dỗ con gái. Con bé hơn 2 tuổi, đi chơi bên hàng xóm không biết giờ về. Lúc cháu về đang uống sữa, anh tức giận lấy chân giúi lên đầu con bé.

Lúc viết những dòng này vợ chồng tôi đã không nói chuyện với nhau được ba tháng dù vẫn ở chung trong một ngôi nhà, vẫn ngủ chung trên một chiếc giường. Tôi không muốn nghĩ nhiều đến chuyện này, bởi những cuộc chiến tranh cả nóng và lạnh đã xảy ra trong nhà tôi không phải ít lần. Nhưng chả lẽ cứ để cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị ấy kéo dài ra mãi? Chúng tôi vẫn còn trẻ, tôi trân trọng hạnh phúc của mình nhưng nếu không có hạnh phúc thì biết phải trân trọng cái gì đây?

Tôi, một người phụ nữ vừa bước qua tuổi 30, anh hơn tôi 6 tuổi. Chúng tôi có học thức và đều là viên chức nhà nước, đồng lương tuy ít ỏi, nhưng cuộc sống không đến mức thiếu thốn. Anh là mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của tôi. Tôi chọn anh, tin tưởng anh vì thấy anh là người đàn ông mạnh mẽ, hiếu thảo, có trách nhiệm. Tôi nghĩ người đàn ông như thế nhất định sẽ không bỏ rơi vợ con, không phải kẻ hèn nhát. Trong mắt tôi, anh là một người tuyệt vời.

Nhưng cuộc sống gia đình đã không như tôi tưởng. Ngày cưới anh gắt gỏng, cằn nhằn với tôi chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt. Tôi đã không có hạnh phúc trọn vẹn trong ngày lẽ ra là hạnh phúc nhất của đời người. Khi có thai 5 tháng, trong ngày mồng 2 Tết, anh đi đến đâu cũng nửa đùa nửa thật chê vợ mang bầu con gái. Con gái có tội tình gì chứ? Tôi thấy thương mình, thương con, nước mắt tuôn rơi, nhưng cố kìm nén. Đến khi vừa bước về nhà tôi òa khóc, anh hỏi, tôi không nói được, chỉ nước mắt tuôn trào. Anh đạp tôi, một vết bầm tím dưới bắp chân. Tôi đã lờ mờ nhận thấy viễn cảnh cuộc đời sau cú đạp đó của anh. Người đàn ông này đã nói sẽ không bao giờ đánh vợ, giờ đã làm điều ngược lại.

Rồi tôi tha lỗi cho anh. Sinh con được một tháng, anh đi học xa nhà vì đó là cơ hội. Tôi không cản dù lúc này cần anh nhất. Con vừa được hơn 2 tháng, tôi đi làm để không mất cơ hội việc làm, có thể trang trải cuộc sống gia đình. Quãng đường 50 km mỗi ngày tuy có vất vả nhưng đó không phải là trở ngại lớn nhất cho tôi. Mẹ anh, rồi mẹ tôi (có khi không có ai) thay phiên nhau chăm sóc cháu đến khi được 11 tháng rưỡi.

Bắt đầu từ đó, cuộc sống của tôi chỉ có 2 mẹ con. Có hôm đi làm về đã hơn 18h, thấy con sốt, tôi lại đi nhờ người chở hai mẹ con đi khám. Bố mẹ chồng ở xa, không thông cảm, lại trách tôi không thường xuyên gọi điện về thăm hỏi ông bà (dù chồng tôi đi học tuần nào cũng về giúp đỡ ông bà, và ông bà thì quan niệm chỉ con cái mới phải thăm hỏi cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ thăm hỏi con).

Chồng tôi, để vừa lòng bố mẹ cũng quay ra trách móc tôi. Thậm chí, nếu tôi không làm vừa lòng ông bà thì “tôi cho cô tự do luôn”. Anh nói thương tôi đi làm vất vả, chăm con vất vả, nhưng khi con bệnh anh bảo: “Làm cái gì mà để cho nó bệnh”, rồi giận dỗi, cả tháng trời không hỏi thăm mẹ con tôi một câu. Năm đầu tiên khi anh đi học, vì có mẹ ở chăm sóc cháu nên anh phải gửi thêm tiền về cho tôi.

Năm thứ hai, chỉ hai mẹ con nên tôi nói anh không cần gửi tiền về nữa. Khi con được 2 tuổi, anh học xong, về nhà, tôi giao số tiền ít ỏi tiết kiệm được để anh sửa nhà. Ai cũng nói chồng tôi đi học, vậy mà về còn có tiền sửa nhà. Tôi những tưởng như thế là đã qua cơn bĩ cực để tới hồi thái lai, vậy mà hơn 3 năm qua, chúng tôi đã có không biết bao nhiêu những giận hờn, cãi cọ. Đau đớn nhất là việc chồng tôi không chỉ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ mà còn thường xuyên làm như vậy để dạy dỗ con gái.

Con bé hơn 2 tuổi, đi chơi không biết giờ về, ba mẹ chạy bổ đi tìm, mãi mới thấy con đang ở bên nhà hàng xóm. Tôi đem cháu về, đang cho uống sữa thì anh về, tức giận lấy chân giúi lên đầu con bé. Tôi phản đối, nói “Nó còn nhỏ, biết gì đâu mà đánh nó như vậy”, anh ta thẳng tay tát vào mặt tôi. Tôi đi làm xa, trời mưa, đường ngập, về đến nhà than thở với chồng, anh không an ủi mà còn gắt: “Ngu, đi đường kia không đi còn kêu cái gì”. Tôi nói: “Đường kia cũng ngập, lại toàn xe tải, đi sao được mà đi”. Thế là qua vài câu nói đi nói lại, anh ta xông vào phòng tắm giữa lúc tôi không có mảnh vải che thân, đánh tôi. Đó là lần đầu tiên tôi chống cự, sau 3-4 lần bị chồng đánh, một nỗi nhục nhã, ê chề, là nỗi đau mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ quên được.

Vào mùa hè, khi con tôi 4 tuổi, gia đình về thăm quê, trước mặt bố mẹ anh, anh lại đánh tôi. Tôi nấu cơm không ngon, trước mặt bố mẹ anh, anh cằn nhằn mắng chửi. Ngồi xuống mâm cơm, con bé ăn chậm, anh đánh mắng con. Tôi giận không ăn, anh chửi đuổi mẹ con tôi đi. Tôn trọng bố mẹ anh, tôi đã nín nhịn tất cả. Đi tàu, tôi say tàu, lấy dầu gió ra bôi, anh cằn nhằn “Bôi dầu thì ra ngoài mà bôi”. Tôi chán nản không muốn nói gì, chiến tranh lạnh lại xảy ra. Có lần, ức quá, tôi mua thuốc ngủ về uống hơn chục viên, không phải để chết mà để ngủ một giấc cho dài, sâu.

Có lần, không sao ngủ được, tôi lấy rượu ra uống rồi nói ra tất cả những đắng cay, uất ức phải chịu, tất cả những gì tôi đã không muốn nói, muốn kể. Anh xin lỗi, thừa nhận sai nhiều hơn tôi, rồi kể tội tôi: “Em cũng phải xem lại, em còn gọi tôi là lão trước mặt bạn, như thế có được không”. Tôi hỏi còn gì nữa không, anh ta không kể được gì mà nói “Em tự xem lại mình đi”. Sau lần nói chuyện cởi mở đó, tôi tưởng đã hiểu nhau, nghĩ anh sẽ không bao giờ còn sử dụng vũ lực trong gia đình nữa.

Con tôi 5 tuổi, anh bắt cháu học, tối nào cũng bắt viết bài. Con bé thông minh, nhanh nhẹn, nhưng nó không kiên trì và viết không được đẹp lắm, anh ngồi kè kè bên con, quát mắng, rồi tiện tay đập con bất cứ chỗ nào. Anh còn đâm đầu nhọn bút chì vào tay con rỉ máu. Anh lấy thành tích đó ra dọa con: “Nhanh lên nào, có muốn ba đâm bút chì vào tay con không”. Con bé nước mắt ngắn dài trong suốt 2 tiếng được ba dạy.

Tôi nói: “Con mới 5 tuổi, đâu cần thiết phải học nhiều như vậy. Bé ở lớp bị nhốt trong phòng cả ngày, tối về phải được chơi chứ”. Anh không nghe, nói “Chơi nhiều hư ra, mai mốt lên lớp một không theo kip”. Tôi nói: “Viết chữ đâu phải là tất cả, con cần nhiều kỹ năng khác nữa: nhận thức, kỹ năng sống, những cái đó quan trọng hơn, sao anh không dạy”. Dù không muốn con học sớm, nhưng tôi vẫn phải giành lấy việc dạy con, để con đỡ bị đánh.

Ấy vậy mà tôi cho con nghỉ sớm anh nhảy vô bắt con học tiếp. Tôi cho con tự viết, anh lại bảo để ba dạy. Tôi can, không cho anh đánh con, anh xô tôi ngã sấp xuống nhà, giận dữ, tôi xé cuốn tập của con, nói: “Học để sống hay học để chết”. Anh làm con bị tổn thương ghê gớm, đến mức cho con đi chơi mà nhất định không cho mẹ rủ ba đi cùng. Con tưởng tượng chuyện: “Bé học thật giỏi, nên được cô khen, bé múa cũng đẹp, nên cô cho quà. Bé mang về nhà, tặng cho mẹ, mẹ đi mua quà, cho bé đồ nhỏ, cho mẹ đồ to”. Tôi hỏi: “Đồ của ba đâu”, con nói “Không có đồ của ba vì ba đánh con, ba đâm bút chì vào tay con chảy máu, ba còn ném mẹ ngã nữa nè”.

Ba tháng qua, vì chuyện đó mà chúng tôi không nói chuyện. Anh không góp tiền xài chung nữa mà giữ lương xài riêng. Các khoản tiêu trong gia đình ai thấy thiếu, ai cần tự đi mua bằng tiền của mình. Gia đình anh có chuyện, dù giận nhau nhưng tôi vẫn đưa tiền, giục anh phải về. Anh không lấy tiền cũng không về. Chúng tôi cũng không có chuyện gì để nói nữa, tôi đã nghĩ đến chuyện dọn ra ngoài sống để đi làm cho gần hơn, cho cuộc sống bớt ngột ngạt. Nhưng như thế có tốt hơn không nhỉ? Cuộc sống của chúng tôi sẽ đi về đâu đây?

Yên

Chạy trốn

“… Bên anh cô mới cảm nhận được dư vị của tình yêu. Đêm như ngắn lại, khắc khoải, mùi khăm khẳm của lũ vịt, mùi tanh tanh của bùn đất, mùi mô hôi khen khét… tất cả quyện vào nhau trong không gian chật chội của lều vịt…”

 Chiếc xe tốc hành lao nhanh dưới cơn mưa nặng hạt. Nhìn qua ô cửa kính, những cánh đồng ngập ngụa, lênh láng một màu trắng xóa, gương mặt Quyên cũng nhạt nhòa nước trong mưa.
“Tình yêu, tôi biết sức mạnh của nó nhưng cũng là thứ mơ hồ nhất và khi nó qua đi thì chỉ còn lại nghĩa vụ, sự chán nản và trống rỗng ghê gớm…”. Tiếng người đàn bà ấy như vẫn còn văng vẳng khiến trái tim cô buốt nhói. Chỉ ngày mai thôi cả cái xóm bãi bồi sẽ có vô khối chuyện để đàm tiếu về cô. 

Tại sao ông trời lại bất công thế? Cho cô những tuyệt đỉnh của mọi cung bậc cảm xúc trong cuộc tình éo le ngang trái rồi bất chợt giật phắt đi khiến cô rơi tõm xuống vực sâu của thực tại trong đau đớn nhục nhã thế này? Anh đến với cô bằng tất cả nồng nàn của tình yêu đã ngủ quên thêm một chút từng trải, một chút bụi bặm đầy bản năng của anh chăn vịt chạy đồng, bằng ấy thôi đã khiến cô ngây ngất.

 

Lúc đầu chỉ là cậu đến thăm cháu bị tai nạn, giúp đỡ cháu dâu trong cơn bĩ cực. Dần dà chính anh đánh thức cái bản năng đàn bà trong cô đã chết từ lâu…

Chạy trốn tình yêu
Chạy trốn tình yêu

 

Ngày Quyên về làm dâu của cái xóm bồi này, ai cũng ngoái đầu nhìn lại khi cô đi ngang qua. Quyên đẹp không phải từ mỹ phẩm hay ăn diện mà từ sự nền nã thuần khiết của một cô thôn nữ với gương mặt bầu bĩnh bĩnh phúc hậu, ngực nở eo thon, mái tóc dài đen nhánh. Những chàng trai lâu nay trồng cây si mà không được đáp lại giờ nhìn cô với Sơn tay trong tay mà nước mắt lưng tròng.

 

Sau tuần trăng mật ngắn ngủi Sơn hiện nguyên hình là một kẻ thích chinh phục và thích tiền. Với anh ta, tất thảy có thể quy thành tiền kể cả nhan sắc của vợ, danh dự của bản thân. Từ một đại lý vật tư nông nghiệp nâng cấp thành công ty nhằm dễ tiếp cận nguồn vốn và dĩ nhiên cái nét duyên dáng của cô là “mồi” cho những hợp đồng tín dụng bẩn, những đêm thức trắng cô thấy tởm lợm cho chính bản thân mình bên cạnh người chồng nồng nặc mùi bia ngáy như sấm rền, những trận đòn ghen trong cơn say Sơn không làm chủ được khiến cô tàn tạ như tàu lá úa. Thêm ba tháng trời chăm sóc gã bị tai nạn nằm liệt một chỗ khiến cô chỉ còn là cái xác không hồn, khô quắt.

 

Ngày Sơn qua đời cô như trút được một gánh nặng, tuyệt nhiên không một chút xót xa, thương cảm hay hụt hẫng. Thì ra khi con người ta rơi vào trạng thái vô cảm thật đáng sợ, dù yêu dù ghét còn có cái mà nghĩ về nhau, đằng này…

 

Căn nhà rộng thênh giờ lặng như nhà mồ. Sơn ra đi để lại cho cô khoản nợ khổng lồ, những gì có thể bán đã bán, kể cả miếng đất mặt tiền làm trụ sở và cửa hàng. Những lần mùa lụt cả cánh đồng nước ngập một màu trắng xóa, một mình ôm con dưới ánh chớp nhì nhằng, tiếng sấm rền âm u Quyên mới thấy hết sự trống trải và sợ hãi. Không biết từ bao giờ cô yêu thích tiếng lách cách mở khóa chuồng vịt. Tiếng đàn vịt quang quác đòi ăn, tiếng bì bỗm lội nước mỗi lúc một gần giúp cô đỡ cô đơn, sợ hãi hơn.

 

Bên cậu, không, bên anh cô mới cảm nhận được dư vị của tình yêu, dư vị mà mấy năm trời bên Sơn không hề có. Vượt qua rào cản luân lý, đêm như ngắn lại, khắc khoải, mùi khăm khẳm của lũ vịt, mùi tanh tanh của bùn đất, mùi mô hôi khen khét… tất cả quyện vào nhau trong không gian chật chội của lều vịt.

 

Cái lãnh địa tội lỗi chỉ là hư vô ảo ảnh. Quyên đợi chờ một trận đòn “ngứa ghẻ hờn ghen”, nhưng không. Người đàn bà ấy có gương mặt khá đẹp giờ đã chùng xuống vì những nếp nhăn còn ẩn chứa nét chịu đựng, nhẫn nhục. “Cô có yêu anh ấy không”, “ một câu hỏi xưa như Trái đất, bà cũng dám nói về tình yêu ư, nếu thế chắc hẳn anh ấy không sà vào lòng người khác”. Dường như hiểu được những ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu cô nhưng bà vẫn im lặng chậm rãi “ tình yêu, tôi hiểu sức mạnh của nó nhưng khi nó qua đi chỉ còn lại trách nhiệm, nghĩa vụ và sự chán nản. Cô còn trẻ, có sắc đẹp, cô thừa sức tìm kiếm một niềm hạnh phúc mới với tình yêu trọn vẹn chứ không phải mèo mả gà đồng trái luân lỗi đạo thế này”.

 

Bà còn nói nhiều nữa nhưng tai cô ù đặc, thì ra cái người đàn bà nhỏ thó quê mùa lúc nào cũng liêu xiêu trên cánh đồng theo đàn vịt này không đơn giản như cô nghĩ. Bao nhiêu khôn ngoan biến đâu mất khiến cô trơ ra như phỗng. “Thì ra mày cũng chỉ là con đàn bà hư hỏng, giật chồng người khác mà đó là ai, là cậu của chồng mày…”.

 

Đã ngớt mưa nhưng bầu trời còn nhuốm một màu u ám. Quyên mường tượng trên cánh đồng ấy có một người đàn ông liêu xiêu, co ro theo đàn vịt chạy đồng trong lòng trĩu nặng mối lo cơm áo và còn vương tơ một mối tình, một mối tình đáng bị nguyền rủa.

 

Chiếc xe dừng lại trước hàng rào chắn. Đoàn tàu kéo một hồi còi dài lanh lảnh, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray. Trong số những con người lố nhố đang ngồi trên kia có ai cùng tâm trạng chạy trốn như cô không? Chắc có vì ai cũng có tính ích kỷ của con người.

 

Đình Dũng