Nguyên nên ngầm phân công công việc với vợ

Ví dụ cùng nhau nấu cơm hay anh nấu cơm, em tắm cho con, anh đưa con đi học, em đón con về, tối nay anh có việc phải làm em dạy con học. Việc vợ bạn không tham gia làm việc nhà chẳng qua đó cũng chỉ là thói quen thôi mà thói quen là do bạn tạo ra, chứ không phải là bản chất. (Giang)
>Chiều vợ quá đâm hư

From: giang
Sent: Thursday, June 10, 2010 1:50 PM


Chào anh Nguyên!


Đọc tâm sự của bạn mà sao tôi thấy thật đáng khâm phục bạn, vì ở xã hội này mà còn có những người đàn ông như bạn thật hiếm thấy. Mình hiểu rằng tất cả những việc bạn làm đều xuất phát từ tình yêu dành cho vợ, tuy nhiên bạn đã không có những chừng mực nhất định khi thể hiện sự yêu thương, chiều chuộng, và nhất là thể hiện cái gọi là “bình đẳng giới” mà ngày nay người la luôn hô hào mọi người làm theo.


Tuy nhiên ta cần phải nhìn nhận ở một khía cạnh cụ thể là ta đang sống ở đâu, điều kiện hoàn cảnh của đất nước, của gia đình, phong tục tập quán sống của chúng ta như thế nào?


Mình xin kể chuyện gia đình mình một chút nhé: Mình đã lập gia đình được 14 năm trong chừng đó năm cũng có hai sản phẩm của tình yêu. Bọn mình rất hạnh phúc vì được chung vai sát cánh trong mọi việc. Mình là một doanh nhân “nhỏ”, vợ là nhân viên của một doanh nghiệp lữ hành, nói vậy để bạn biết bọn mình cũng rất bận rộn với công việc, tuy vậy cả hai cùng góp sức để chăm lo việc nhà và con cái.


Một tuần mình cố gắng để có thể nấu cơm cho vợ con ăn một hoặc 2 lần, mình sẵn sàng nấu những món gọi là cầu kỳ, ngon mà trong quá trình đi ăn nhậu mình được thưởng thức và dọn mâm cho vợ con ăn. Khi mình nấu có thể vợ con ngồi xem tivi, nhưng khi ăn xong, mình sẽ lại trở thành “Ông cụ” ngồi uống nước mà phải là nước do vợ rót và xem tivi.


Vợ con dọn dẹp rửa chén bát, nhà cửa, mình có thể dọn dẹp, quét chứ không lau. Vợ là người lau nhà, quần áo thì thỉnh thoảng cũng giặt, phơi, ủi tuy không nhiều lần nhưng mỗi khi rảnh mình có thể làm tất cả cho cả nhà, cho vợ nghỉ ngơi thoải mái. Mình kể như vậy để bạn biết rằng ai yêu vợ, con thì cũng đều sẵn sàng làm mọi việc để chăm lo tổ ấm của mình.


Trở lại chuyện của bạn, bạn đã nhận thấy sự sai lầm của mình trong việc ôm hết mọi công việc nhà nhằm tạo điều kiện cho vợ nghỉ ngơi. Bạn nên biết rằng dù vợ bạn có làm việc ở cơ quan nhiều đến đâu, làm thêm nhiều bao nhiêu thì cũng còn dư sức để tham gia cùng bạn chăm sóc gia đình. Vì thế cách tốt nhất là bạn cùng tâm sự với vợ một cách nhẹ nhàng rằng bạn muốn vợ cùng chia sẻ việc nhà và việc này bạn phải quyết liệt mới được.


Hãy ngầm phân việc để vợ cùng làm ví dụ cùng nhau nấu cơm hay anh nấu cơm, em tắm cho con, anh đưa con đi học, em đón con về, tối nay anh có việc phải làm em dạy con học. Mình nghĩ rằng việc mà vợ bạn không tham gia làm việc nhà cùng bạn chẳng qua đó cũng chỉ là thói quen thôi mà thói quen là do bạn tạo ra, chứ không phải là bản chất, vì phụ nữ Việt Nam ta bản chất không phải là như vậy.


Bạn có thể tạo thói quen ỉ lại của vợ thì bạn cũng có thể tạo thói quen cho vợ cùng gánh vác việc nhà. Bạn có đề cập đến việc bế tắc và có thể dẫn đến ly hôn, bạn đừng bao giờ để trong đầu mình hai chữ đó, và cũng không nên nhắc đến nó khi nói chuyện với vợ. Vì theo mình hiểu hiện bạn đang rất bức xúc dễ nảy sinh căng thẳng khi ta đề cập đến chuyện chia sẻ cùng nhau mà có xen vào hai chữ ly hôn và lúc đó cái tôi của mỗi người lại nổi lên thì mọi việc sẽ trở thành trầm trọng hơn đó bạn ạ.


Bạn phải nghĩ tích cực hơn rằng vì mình yêu vợ thương con mới dẫn đến cơ sự như vậy, ngay đến việc vợ bạn say nắng mà bạn còn cho qua được thì không thể không bỏ qua những việc khác mà lại do chính bạn tạo ra. Bạn hãy thay đổi thói quen của mình để từ đó thay đổi thói quen cho vợ để cùng nhau chia sẻ bạn nhé.


Chúc vợ chồng bạn có cùng tiếng nói chung, cùng nhau chia sẻ để cuộc sống ngày một tươi đẹp hơn.


P.C Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.