(Dân trí) – Cứ vào những ngày cuối năm, các bạn trẻ cũng như những nhà hảo tâm lại cùng nhau để hướng đến trẻ mồ côi, người nghèo. Tuy nhiên để những số phận này hiểu và đón nhận tình yêu thương này một cách thật sự không phải dễ.
Bắt đầu từ sự kiên trì
Rất nhiều người khi làm từ thiện chỉ nghỉ đơn giản, họ nghèo mình cần ủng hộ, ít khi quan tâm việc những người này nghỉ gì, muốn gì và cần được trao như thế nào.
Để các em mở lòng cần sự kiên trì rất lớn
Bạn Văn Hoài, sinh viên Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM cho biết: “Hôm Noel chúng em có đến thăm một lớp học tình thương ở quận 7. Mới đầu chúng em vào cứ nghĩ các em sẽ vồ vập, vui tươi và hòa đồng. Thế nhưng khi thấy cả nhóm đến, không thấy em nào quan tâm, cho gì thì lấy không buồn không vui, hỏi gì thì trả lời trống không. Nhiều bạn trong nhóm buồn lắm”
“Sau này được cô Nguyễn Thị Giang, người phụ trách chính của lớp học tình thương chia sẽ về hoàn cảnh của các em, những số phận không tốt, thậm chí bất hạnh; nhiều em sớm gặp những mặt xấu của cuộc sống nên rất nghi kị, e dè với bất kì người hay việc gì lạ lẫm. Từ đó em mới hiểu chia sẻ yêu thương không phải dễ”, Hoài cười nói.
Bạn Minh Thi kể lại: “Một lần khi mới đến tiếp xúc với các em, rất nhiều em lẩn tránh sự quan tâm từ các thành viên. Hỏi thăm về hoàn cảnh, cuộc sống, có khi các em thẳng thừng: “cô hỏi làm gì?”.
Rất nhiều bạn khi nghe như thế rất khó chịu, nhưng với lòng quý mến và hiểu những khổ sở, bất hạnh mà các em gặp phải. Chính vì thế các bạn vẫn đến với các em, 1 ngày, 2 ngày … rồi 1 tuần … Và cuối cùng, phần thưởng mà bọn em gặt được chính là nụ cười, những cái níu chân, những câu mách nhau trẻ con … từ chính các em.
Cần phải bao dung với những hành vi không tốt của các em
Yêu thương cần phải bao dung!
Nhớ lại hình ảnh một cậu bé khuôn mặt sáng, có tài nhảy hiện đại, nhưng lại chửi tục hàng tràng có tên là Thịnh tại một lớp học tình thương, Văn Hoài tâm sự: “Lúc đó em không biết mình nên khóc hay cười khi nghe Thịnh nhắc nhở một em khác về việc bỏ rác vào thùng: “Đ.M, mày có chịu bỏ rác vào thùng hay không?.
Còn cô bé Dịu cùng lớp, thích làm duyên chụp hình, lại có “sở thích” cào cấu, vấu nhéo các bạn khi có chuyện bất đồng; ngay cả thầy cô tình nguyện ở đây thỉnh thoảng cũng trở thành nạn nhân của Dịu.
“Em nghĩ muốn đem tình yêu đến với các em, cần phải biết chấp nhận và tha thứ cho những sai lầm các em gây ra. Bởi chúng ta chẳng thể chạm đến các em với cái nhìn và cách cư xử của những con người thích phán xét, kết tội. Các em cần lắm sự thừa nhận của xã hội và những tấm lòng soi đường cho các em đi.” Hoài trầm tư nói.
Những phút hạnh phúc của các em có được dài lâu?
Yêu thương không phải để mà khoe
Gia đình hoàn cảnh, xã hội phức tạp, tệ nạn, lôi kéo … làm các em sa ngã, nhưng một trong những điều làm các em tổn thương sâu sắc nhất là những “tấm lòng” bày ra cốt để lấy tiếng theo dịp, theo mùa với đủ kiểu quảng bá.
Minh Thi kể: “Khi đã quen thân với các em, chúng em mới được biết, nhiều đoàn khi đến thăm đã chụp hình, quay phim và hứa quay trở lại. Thế nhưng chỉ cần chương trình kết thúc là các tấm lòng đó lặn mất tăm, bỏ lại các em với nỗi khao khát được quan tâm và chở che thực sự.”
Xót xa biết bao khi nghe các em tâm sự về những lần “mừng hụt”, những nỗi trông ngóng các cô chú tốt bụng sẽ quay lại, mà đáp lại chỉ là sự im bặt lạnh lẽo. Nên khi ai đếm các em xem đó là chuyện hiển nhiên, người ta đến rồi đi, được cho gì thì nhận nấy, không trong ngóng và không tin tưởng điều gì ở tương lai.
Nói về điều này, ông Lý Trường Chiến, người thành lập ra nhóm Trí Tri Livingskills cười nói: “Tình Cảm tức là Tình để cảm, không phải để khoe. Ngay chính bản thân tôi vẫn thể hiện và sống mỗi ngày. Chính vì thế tình yêu thương và việc tốt cũng không dễ dàng được chấp nhận nếu bạn không biết cách…”
Hoài Lương – Tấn Hoài
Source: Báo Dân Trí