Yêu nàng mù bếp núc

Nhiều người bảo “biết nấu ăn ngon cũng giống như có thêm một lá bùa để giữ chồng”. Ngặt thay, ngày nay, không ít nàng coi thường tấm bùa hộ mạng này.

Đã yêu nhau rồi thì “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội”, vì thế mà chuyện phụ nữ tề gia, nội trợ ngày nay có lẽ được xem chỉ là… chuyện nhỏ. Đến ra mắt gia đình chàng, nhiều cô nàng đã phải đóng phim buồn, giọt ngắn, giọt dài, thậm chí phải chào thua vì gia đình người yêu quá xem trọng bữa cơm gia đình.

Chuyện nhỏ đắm tàu

Bảo Trân, nhân viên một công ty dược trên đường Trường Sơn, Q.10 tâm sự: ba mẹ bạn trai cô hơi khó tính nên ngày anh đưa cô về ra mắt gia đình, cô luôn chú ý từng cử chỉ của mình để ba mẹ anh vừa lòng. Nhưng Trân đâu ngờ ba mẹ anh muốn thử tài nấu nướng của cô. Mẹ anh rủ cô đi chợ, mặt cô cười tươi mà lòng thì đánh lô tô. Không hiểu cô lóng nga lóng ngóng thế nào mà lúc về nhà chặt thịt, nó cứ bay tứ tung. Đến phần nấu canh chua thì canh vừa mặn vừa chua, còn món thịt bò xào cứ dai nhách. Khi ăn, ba mẹ anh khen khéo làm cô ngượng đến mức muốn độn thổ. Thì ra cô cắt thịt bò sai thớ và xào quá lâu, canh chua thì quên cho đường. Sau lần đó, anh động viên cô học nấu ăn vì gia đình anh rất coi trọng chuyện nội trợ. Nhưng cô cũng tự bào chữa mình… không có thời gian. Sau vài tháng, cô về chơi nhà anh, thấy chuyện nấu ăn của cô vẫn như cũ, mẹ anh nói khéo để cô hiểu. Cuối cùng, không thắng nổi “chuyện nhỏ”, cô và anh nói lời chia tay. Cô chỉ còn biết trách chính mình kém chuyện bếp núc.

Không đến mức gặp gia đình bạn trai hơi khó tính, nhưng chị Bích Thuỷ, nhà ở chung cư Thanh Đa, Q.Bình Thạnh phải dở khóc, dở cười với người chồng kén ăn của mình. Cưới nhau về gần một năm mà vợ chồng chị cơm không lành, canh không ngọt cũng hết nửa năm vì mỗi chuyện cơm nước. Chị than, lúc yêu nhau cả hai thường xuyên ăn ngoài có nghe anh nói gì đâu? Nhưng lấy nhau chỉ một thời gian anh thấy ngán ngẩm vì cảnh thường xuyên phải dắt xe đèo vợ đi ăn, nay bún bò mai cháo, phở. Chị ấm ức, “nấu mệt anh ăn khen ngon còn thấy mát ruột mát gan, đằng này anh toàn chê là chê”. Tuy nói vậy nhưng chị cũng thấy lo lo, “chắc cũng phải nhờ bạn bè chỉ bí quyết nấu ăn để giữ chồng thôi, chứ không có ngày anh chán phở thèm cơm của người khác thì nguy lắm”, chị nói.

Tầm sư học nấu ăn

Anh Nhật Huy, nhà ở hẻm 575 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 cho biết cô người yêu của anh cái gì cũng được, riêng nấu ăn thì miễn bàn luận, nghĩa là cô không hề biết món gì khác ngoài mấy món sở trường: trứng luộc, rau luộc và trứng chiên. Trái lại, bố mẹ Nhật Huy là chủ quán ăn nên tài nấu nướng của anh cũng có tay nghề. Vì thế Huy tìm mọi cách để Thu Giang chịu học và tập nấu ăn, dù chỉ là các món ăn cơ bản trong bữa cơm gia đình. Lúc đầu cô nước mắt ngắn dài một phần vì tự ái, một phần vì quan niệm thời buổi bây giờ kiếm tiền mới quan trọng. Cô nghĩ: có tiền mướn người làm giúp, đi ăn ngoài cho khoẻ tội gì cả ngày cứ chúi mũi vào mấy chuyện nhỏ nhặt đó. Hai người suýt chút nữa thì chia tay. Khi mới bắt đầu học, cô nấu mà anh cứ chỉ tay 5 ngón, bảo phải làm cái này, cái nọ làm cô thêm bực. Lâu ngày Giang quen dần và thấy thú vị hơn vì nấu được món ăn ngon và còn được người yêu động viên khuyến khích.

Nếu như Thu Giang may mắn có người yêu biết nấu ăn để dạy cho mình thì Hải Duyên (hẻm 322 Lạc Long Quân, Q.Tân Bình) sau giờ đi làm về phải tất tả chạy đến Nhà văn hoá Phụ nữ học nấu ăn theo yêu cầu mà cũng là điều kiện của người yêu và gia đình. Duyên nói: phải chi hồi bé được bố mẹ kèm cặp chuyện nấu ăn cũng đỡ, lúc còn bé ở quê đã có mẹ lo hết. Vào thành phố học đại học, mẹ thương cô, giúp cô có cả người lo chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Giờ đây chuẩn bị lập gia đình, nấu ăn với cô là cả một vấn đề… không nhỏ. Vậy là  phải chịu khó học để trở thành dâu thảo, vợ hiền trong mắt anh và bố mẹ chồng.

Không nội trợ… vẫn hạnh phúc

Nghe chuyện những người bị điêu đứng chuyện tình duyên vì không thạo bếp núc, chị Hồng Nga tự hào khoe: “Con gái không biết nội trợ không có gì phải sợ ế. Nga không hề nấu ăn nhưng đã lập gia đình hơn 5 năm, sống chung với bố mẹ chồng mà vẫn hạnh phúc”. Chị là người rất sành ăn, có thể nhận xét món ăn này thiếu gia vị gì, thêm gì cho ngon nhưng lại là người không bao giờ chịu vào bếp cho dù chỉ để nấu một vài món ăn đơn giản. Lúc mới về gia đình chồng, ba mẹ chồng chị cũng lời nặng, tiếng nhẹ nhưng chị đã có bí quyết riêng để gia đình hạnh phúc. Bù cho những “yếu kém” đó, chị luôn quan tâm đến mọi người trong nhà và luôn sống vui vẻ. Không nấu ăn được nên chị thường mua những món ngon cho bữa cơm. Chị  thủ thỉ với mẹ chồng giúp để chị có thời gian kiếm tiền và lo cho con cái hơn.

Trường hợp như chị Hồng Nga, có lẽ không phải là hiếm trong cuộc sống ngày nay nhưng để được chồng và bố mẹ chồng thông cảm, san sẻ công việc gia đình thì còn tuỳ thuộc vào mỗi gia đình, mỗi người. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, người phụ nữ dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Các bạn gái trẻ nếu biết thêm công việc bếp núc, chợ búa và chăm sóc gia đình thì vẫn không bao giờ thừa vì nó luôn là thiên chức của người vợ và người mẹ.

QUỲNH NHƯ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.