“Tuổi trẻ Việt Nam là tinh hoa…”

TTCT – 75 tuổi, mái tóc bạc phơ, nhạc sĩ Triều Dâng vẫn đầy nhiệt huyết và sôi nổi khi nói về tuổi trẻ. Tiếp chúng tôi, tác giả của Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ mở đầu câu chuyện bằng cách hát lại bài hát đã tạo nên tên tuổi mình.

Chuyên đề: Những ca khúc của Đoàn

Dù ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử rất khác nhau, chuyển tải những niềm vui và ước vọng trong từng giai đoạn trưởng thành riêng biệt, song những ca khúc về Đoàn thanh niên cộng sản qua các thời kỳ đều cho thấy từng thế hệ thanh niên Việt Nam say mê sống và cống hiến, luôn ấp ủ sự lạc quan cùng niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chính mình và một tương lai tươi sáng của dân tộc.

“Tuổi trẻ Việt Nam là tinh hoa…”

Âm giọng không còn rành rọt nhưng vẫn còn đó bầu máu nóng hừng hực lửa của một thời tuổi trẻ trong tiết tấu nhanh, gấp như lời giục giã, kêu gọi thiết tha của Tổ quốc năm nào: “…Là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh/ Vì ngày mai ta xây đắp những công trình vĩ đại/ Đồng lúa trĩu bông quê ta nhà máy khói ngút trời/ Cả Tổ quốc trong tương lai ánh điện tỏa sáng/ Là công sức ta ra đi xây đời hạnh phúc cho mai sau thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong…”. Bài hát sau này trở thành nhạc hiệu rất quen thuộc của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM.

Nhạc sĩ Triều Dâng – Ảnh: My Lăng

8 năm đợi một cụm từ

“Đã từ lâu, tôi muốn viết về vai trò rất quan trọng của thanh niên trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc – nhạc sĩ Triều Dâng nói – Khi Đảng phát động chủ trương quần chúng góp ý đảng viên (tháng 12-1969) được một ngày thì sáng hôm sau, nhiều người bạn của tôi đi vào chiến trường B (miền Nam) ngay. Gương mặt họ ai cũng náo nức, tươi cười rạng rỡ như đi dự một ngày hội lớn chứ không phải đang dấn thân vào một cuộc chiến tranh một mất một còn.

Những gương mặt ấy, nụ cười ấy, ánh mắt ấy và không khí náo nức ấy đã tạo nên nguồn cảm xúc dào dạt, rất mạnh ập vào tôi, bật thành những nốt nhạc. Thế nên âm điệu giục giã, rộn ràng của phần nhạc dạo trong bài hát nghe như lời hiệu triệu của Tổ quốc. Chưa bao giờ tôi viết một bài nhạc nhanh như vậy. Đây là lần đầu tiên tôi viết nhạc trước, lời sau”. Bản nhạc mộc bước đầu của Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ đã thành hình như thế.

Bài hát khi mới ra đời có tới ba lời. Lời 1 thể hiện niềm tự hào hết sức vĩ đại của thanh niên vì lá cờ Đoàn được mang hình ảnh Bác, thanh niên phải làm sao xứng đáng. Lời 2 nói về vai trò của thanh niên cùng cả dân tộc trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lời 3 là lời giục giã, khẳng định bước đi của thanh niên tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Ba ngày sau bài hát thành hình hài trọn vẹn cả nhạc và lời.

“Tôi cứ lấn cấn mãi phần điệp khúc của lời 1: “Là công sức ta xây nên phố phường thôn xóm thêm xanh tươi/ thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”. Tại sao chỉ là phố phường, thôn xóm? Biển khơi đâu? Rừng núi đâu? Vai trò của thanh niên đâu chỉ dừng lại ở phố phường, thôn xóm, tầm vóc hẳn phải lớn lao hơn” – nhạc sĩ Triều Dâng kể. Chưa hài lòng với hình hài của “đứa con tinh thần” này, nhạc sĩ Triều Dâng nhẫn nại chờ đến lúc thích hợp. Cả bài hát khựng lại chỉ vì chỗ lấn cấn ấy từ năm 1969.

Tám năm sau (năm 1977), khi đang là biên tập viên của Đài truyền hình TP.HCM, một buổi sáng chạy ngang qua dinh Thống Nhất, hình ảnh các má chạy theo vẫy tay tiễn đưa những đứa con trên chuyến xe đi xây dựng kinh tế đã để lại những phút giây chín muồi cho cảm xúc của nhạc sĩ. “Tôi chú ý đến một bà má, miệng nửa khóc nửa cười rất đặc biệt. Nhờ bà má đó tôi mới dứt khỏi được chỗ lấn cấn theo tôi dai dẳng suốt tám năm” – nhạc sĩ Triều Dâng kể.

Và những từ “phố phường, thôn xóm…” trong lời hát tám năm trước đã được chỉnh sửa thành “Là công sức ta xây nên đất trời Tổ quốc thêm xanh tươi/ thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”. Một tuần sau, nhạc sĩ Triều Dâng phối khí và mời hai ca sĩ đến tập ca khúc. Và Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ khi được Việt Thắng và Nguyên Hồ – hai người đầu tiên hát trên sóng truyền hình trong chương trình giới thiệu ca khúc mới hằng tháng (tháng 3-1977) – đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả.

Nhạc sĩ Triều Dâng không giấu được niềm tự hào rất đỗi bình dị của mình: “Nhiều lá thư gửi đến yêu cầu đài phát lại bài hát, nhưng hồi đó đài chưa có tiết mục phát lại ca khúc theo yêu cầu của khán giả”.

Họ là tinh hoa của đất nước

Nhạc sĩ Triều Dâng tên thật là Lương Văn Côn, người huyện Ô Môn (tỉnh Hậu Giang). “Khi mới 6, 7 tuổi, tôi hay nghe các anh hát bài Tiếng gọi sinh viên, Tuổi trẻ mùa xuân… Hồi đó thiệt tình tôi chưa biết cách mạng là gì. Nhưng nghe những bài này mình cứ thấy phơi phới, rạo rực, thôi thúc” – ông kể lại. Lớn lên một chút, cậu bé Côn làm liên lạc viên cho liên trung đoàn 122/124 Tây Đô. Năm 1954, khi tập kết ra Bắc, chàng trai Hậu Giang mới được học hai khóa đào tạo về âm nhạc tại Trường trung cấp Âm nhạc VN.

Từ đó làng âm nhạc thời chiến chinh VN đã xuất hiện một tên mới: nhạc sĩ Triều Dâng với nhiều ca khúc gắn với thanh niên: lòng yêu nước, lý tưởng, sự dấn thân quyết liệt nơi tiền tuyến như Hà Nội gọi ta, Không quân ta đi, Giải phóng quân ta ra đi (viết chung với nhạc sĩ Văn Dung).

Hỏi tại sao lại viết nhiều ca khúc về thanh niên như thế, ông bảo: “Tuổi trẻ VN là tinh hoa của đất nước. Họ đã làm được rất nhiều kỳ tích, có sức bật dữ dội, làm non sông đất nước rạng rỡ. Họ dám xả thân, hi sinh xương máu, tính mạng của mình cho vận mệnh của Tổ quốc. Không chỉ người ra trận mà ngay cả những người con gái VN cũng rất vĩ đại. Tiễn đưa người yêu đi vào cuộc chiến khốc liệt, các cô các chị không khóc, không cười. Nhưng sâu trong đáy mắt là sự chịu đựng, hi sinh dành cho một điều lớn lao hơn là Tổ quốc.

Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc chia ly, những mùa tuyển quân. Thế nên những hình ảnh, vẻ đẹp từ trí tuệ, sức trẻ, sự hi sinh của một lớp người phơi phới tuổi xuân cứ ngấm dần, thấm dần nên khi viết ra là trôi chảy, mạch lạc…”.

Chia tay, người nhạc sĩ già khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục viết nhiều bài hát nữa về thanh niên. Không biết có được như bài Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ hay không nhưng tôi vẫn sẽ viết”.

__________

Viết bằng khát vọng hòa bình

Không được đào tạo về âm nhạc, không có tác phẩm khí nhạc, ông được vinh danh bằng một giải thưởng nhà nước bởi chính những ca khúc chân thực và giản dị của mình. Những bài hát đầy tràn thôi thúc, khích lệ của ông đã trở thành tiếng ca vang của nhiều thế hệ đoàn viên, thanh niên Việt Nam. Ông là nhạc sĩ VĂN DUNG.

Nhạc sĩ Văn Dung – Ảnh: H.Điệp

Ông kể: “Sau giải phóng thủ đô năm 1954, nhiều nhóm hợp xướng xuất hiện ở Hà Nội, tự viết nhạc, hòa âm rồi biểu diễn. Ngày đó tôi sinh hoạt trong dàn hợp xướng Tuổi Xanh cùng các anh Lê Văn Lan, Trần Hiếu…, sau này cùng nhóm hợp xướng Rạng Đông lập nên nhóm hợp xướng Thanh niên Hà Nội”.

* Có nhà nghiên cứu âm nhạc từng nói hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ở Việt Nam là cơ hội để tạo ra cả một dòng nhạc cách mạng. Ông có thể chia sẻ gì về những sáng tác của mình trong giai đoạn này?

– Tuổi trẻ của tôi là giai đoạn đất nước chiến tranh. Không biết bao nhiêu thế hệ đã ra mặt trận và ngã xuống trong cuộc kháng chiến. Những người lính cầm bút như chúng tôi hồi ấy không trực tiếp ra chiến trường nhưng cũng sống trọn vẹn trong không khí hào hùng thuở ấy.

Khi viết ca khúc Đường Trường Sơn xe anh qua, tôi chưa từng lái xe nhưng hiểu rất rõ tâm trạng, lòng biết ơn của người lái xe đối với những người mở đường, trong đó có những cô thanh niên xung phong rất trẻ: “Ơi cô gái Trường Sơn, bao đêm em đi mở đường, cho từng chuyến xe anh qua, mang giọng hát em ngân xa…”. Vì thế khi bài hát được cất lên, nhiều người nói với tôi họ có thể thấy được con đường Trường Sơn trước mắt, có thể thấy được hình ảnh một thế hệ tuổi trẻ.

* Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng ra đời trong hoàn cảnh đó?

– Trước năm 1970, khi cuộc chiến tranh đang hết sức ác liệt, trên khắp đất nước chúng ta đều xuất hiện những tấm gương anh hùng rất trẻ. Trong miền Nam có gương hi sinh của anh Nguyễn Văn Trỗi, ngoài miền Bắc có anh Nguyễn Viết Xuân. Ở nhiều chiến trường, hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống. Lúc ấy Đoàn (còn mang tên Đoàn thanh niên lao động) chuẩn bị 40 năm thành lập, Trung ương Đoàn phát động một cuộc vận động sáng tác về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến đầy gian khổ để giải phóng dân tộc.

Mục tiêu của cuộc vận động lúc đó là có được nhiều ca khúc viết về thanh niên lao động – lực lượng hùng hậu, cánh tay phải của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội – đồng thời phải nói được trách nhiệm của Đoàn đối với thanh thiếu niên. Cuộc vận động nhận được sự hưởng ứng của các nhạc sĩ cả trong Nam và ngoài Bắc, trong vòng một năm có tới 525 bài hát tham gia. Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của tôi không phải là tác phẩm đoạt giải nhất, chỉ về nhì nhưng lại được nhiều người thích hát rồi coi là “Đoàn ca” của Đoàn.

Sau này có người hỏi tôi tại sao thời của các bác lại có nhiều ý tưởng và những tác phẩm âm nhạc hay, tôi chỉ nói rằng có lẽ vì chúng tôi đã thật sự ở trong quần chúng, không xa rời quần chúng, không xa rời tình yêu. Chúng tôi bày tỏ khát vọng hòa bình của một lớp thanh niên bằng âm nhạc và ý tưởng nghệ thuật chứ không viết bằng khẩu hiệu.

Bài Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (1970)

* Ông từng nói cả đời mình chỉ sáng tác được bảy ca khúc dù ông có trong tay hàng trăm ca khúc được công chúng biết đến. Tại sao vậy, thưa ông?

– Nguyên văn tôi nói rằng: đến 70 tuổi tôi mới ngộ ra mình không biết gì về âm nhạc và cả đời cũng chẳng có tác phẩm khí nhạc nào, chỉ có bảy ca khúc tôi tự đánh giá là “được” nhất. Đó là các bài Giải phóng quân ta đi (viết năm 1965), Tiến về Khe Sanh (1968), Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (1970), Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca đường 9 chiến thắng (1971), Mùa xuân cho em (1976), Những bông hoa dâng Bác (1977).

Tôi nói thế vì bảy ca khúc này đã ghi lại những khoảnh khắc, những sự kiện quan trọng của đất nước, là những ca khúc trở thành động lực hay ít nhất là một hành trang tinh thần cho những người ra trận.

* Ông có kỷ niệm nào về những người ra trận – những khán thính giả đầu tiên của ông?

– Năm 1971, khi ca khúc Đường Trường Sơn xe anh qua mới được phát trên đài, tôi nhận được một lá thư (tiếc là sau bị thất lạc) gửi từ chiến trường ra, viết đại ý: “Chúng em, 200 thanh niên xung phong, trên đường đi họp về nghe bài hát Đường Trường Sơn xe anh qua, chúng em ôm nhau khóc, không biết có phải anh viết về chúng em hay không”. Về sau khi hỏi thăm về trung đội đó, tôi mới biết cả trung đội đã hi sinh hết.

Bây giờ hòa bình rồi nhìn lại chiến tranh thì thấy bình thường, nhưng có sống trong chiến tranh mới thấy hết sự khốc liệt, tôi từng có những khoảnh khắc thấy rất hoảng sợ. Nhưng cứ nghĩ đến không biết bao thế hệ thanh niên đã ngã xuống lại thấy mình can đảm và mạnh mẽ nhiều hơn, đó có lẽ chính là động lực cho tôi viết. Hạnh phúc nhất là những ca khúc ấy trở thành một động lực tinh thần cho những người ra trận.

Không được qua trường lớp chính quy nào để học nhạc, để viết được những ca khúc, ông nghe những bản nhạc, ca khúc của bạn bè, đồng nghiệp hay những làn điệu dân ca, tự rút ra những tiêu chí cho riêng mình trong sáng tác. “Khi nghe nhạc của người khác, tôi cảm được đến đâu thì cũng biết âm nhạc được đến đấy” – nhạc sĩ Văn Dung cho biết. Đó cũng là cách giúp ông viết lên những giai điệu, ca từ gần gũi, dễ hiểu, dễ thuộc cho số đông quần chúng, trong đó chủ yếu là thanh niên.

__________

Từ lời bác dạy đến Đoàn ca

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.

Bốn câu thơ ấy của Bác là lời dạy, sự thôi thúc đi với lớp lớp thế hệ trẻ VN. Với riêng một người cán bộ Đoàn, bài thơ đã cho ông những cảm xúc đặc biệt để có những nốt nhạc để đời mà sau này trở thành bài “Đoàn ca”.

Nhạc sĩ Hoàng Hòa – Ảnh: Đức Bình

Trong một con ngõ nhỏ, sâu hút ở số 3 Hồ Xuân Hương (Hà Nội), cựu cán bộ Đoàn, nhạc sĩ Hoàng Hòa ngồi gần như bất động trên chiếc xe lăn trong căn phòng nhỏ. Anh Cao Việt Thành, cháu đích tôn của nhạc sĩ cho biết ông phải làm bạn với xe lăn từ cuối năm 2009 sau một cơn tai biến. Nhưng có ai tới chơi, trò chuyện về thanh niên, nhắc đến bài “Đoàn ca” là ông lại hào hứng, sôi nổi hẳn…

Lời Bác…

Nhà văn, nhà nghiên cứu sử Đoàn Văn Tùng cho biết ông Hoàng Hòa vốn không phải là nhạc sĩ. Ông là một cán bộ Đoàn hoạt động năng nổ. Chỉ tình cờ một lần được nghe bốn câu thơ của Bác dạy thanh niên xung phong, những xúc cảm mạnh mẽ trỗi dậy trong lòng đã giúp ông viết ra một mạch những nốt nhạc để đời cho một ca khúc về Đoàn mà bất cứ ai khi qua tuổi thanh niên đều thuộc.

Biết khách hỏi thăm mình, hỏi về “Đoàn ca” và nhất là khi người cháu mang ra một tập tài liệu, lưu giữ các bài báo đã viết về ông mà gia đình sưu tập suốt bao nhiêu năm qua, nhạc sĩ, cựu cán bộ Đoàn cứ ngoái nhìn theo, ánh mắt chớp chớp, tay run rẩy gõ nhẹ lên thành xe.

Theo những tài liệu này, một tối tháng 3-1951, đúng gần dịp ngày thành lập Đoàn, Bác Hồ đến thăm phân đội thanh niên xung phong 312 đang làm nhiệm vụ bảo vệ cầu (nay thuộc bản Nà Cù, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn). Tối đó, cả đơn vị gần 40 đội viên thanh niên xung phong hết sức bất ngờ đón Bác đến thăm, nghe Người hỏi chuyện. Bác ân cần hỏi như người cha hỏi những người con, từ chuyện các cháu ăn có đủ no không, áo quần, chăn màn có đủ mặc, đủ ấm, sinh hoạt tập thể thế nào, có nhớ nhà không, công việc được giao có khó không, làm có tốt không…?

Bất ngờ trước những câu hỏi giản dị ấy, cả đơn vị mỗi người trả lời một kiểu, người có, người không… Bác cười hiền từ: cháu nào trả lời không khó là không đúng rồi! Nhưng khó có làm được không? Các cháu có làm được không?

Cuối buổi trò chuyện ấy, Bác tặng các đội viên thanh niên xung phong mấy câu thơ mộc mạc: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”.

Bài Thanh niên làm theo lời Bác

… Thành bài ca

Sau đêm Nà Cù lịch sử, các đơn vị thanh niên xung phong, tổ chức Đoàn và Liên hiệp Hội Thanh niên VN quyết định phổ biến rộng rãi bài thơ tới mọi miền đất nước. Đến năm 1953, tình cờ anh cán bộ Đoàn tỉnh Thái Bình đọc được tờ báo Cứu Quốc cũ, trong đó có in bài tường thuật buổi Bác tặng thơ. Bài thơ của Bác Hồ với lời dạy ân tình, chí lý có sức thôi thúc ghê gớm đối với Hoàng Hòa.

Cả đêm đó, anh thanh niên Hoàng Hòa không ngủ bởi những ý nhạc như “nhảy múa” trong đầu. Ý đã có, lời đã sẵn, từng nốt nhạc bám theo, bật ra. Và ngay sáng hôm sau, bài hát Thanh niên làm theo lời Bác ra đời.

Nhà văn, nhà nghiên cứu sử Văn Tùng mô tả: “Bài hát ra đời như chim én mùa xuân nhanh chóng bay bổng vút trời xanh, tung cánh sóng tỏa khắp nơi nơi…”. Rất nhanh sau khi bài hát ra đời, hầu như chàng trai, cô gái nào cũng thuộc nằm lòng bởi lời ca mộc mạc, giản dị, súc tích mà tràn đầy sức mạnh nồng nhiệt của tuổi trẻ. “Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên/Giơ nắm tay thề, gìn giữ hòa bình độc lập tự do/Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng quyết tiến bước/Đánh tan quân thù, xây đắp cuộc đời hạnh phúc ấm no/Đi lên thanh niên chớ ngại ngần chi/Đi lên thanh niên làm theo lời Bác: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Tháng 7-1954, tại hội nghị tập huấn của T.Ư Đoàn ở Đại Từ, Thái Nguyên chuẩn bị tiếp quản thủ đô, bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hòa đã được Bác Hồ khen, tặng kẹo cho tác giả và được chọn cùng bài Tiến về Hà Nội của Văn Cao để hát vang khi năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về…

Năm 1961, đúng vào dịp tháng 3 thành lập Đoàn, Đài Tiếng nói VN lấy bài hát Thanh niên làm theo lời Bác làm nhạc hiệu chính thức cho chương trình phát thanh thanh niên. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (tháng 10-1992), bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hòa được đại hội chọn làm bài ca chính thức của Đoàn.

Nhạc sĩ Hoàng Hòa tên thật là Cao Hy Vọng, sinh ngày 4-6-1930 tại Nam Trực, Nam Định. Năm 15 tuổi (1945), ông tham gia công tác Đoàn, làm bí thư đoàn cơ sở ở Đông Quan, Thái Bình. 19 tuổi, ông đã là thường vụ Tỉnh đoàn Thái Bình. Từ 1954-1958, ông làm bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên. Sau đó ông được T.Ư Đoàn đưa về làm phó ban HS-SV T.Ư Đoàn, rồi là thường vụ T.Ư Đoàn – trưởng ban HS-SV những năm 1961-1968. Đến năm 1968, ông được điều động đi cơ sở, làm bí thư Thành đoàn Hải Phòng đến năm 1971. Từ cuối năm 1971, ông về lại T.Ư Đoàn và nghỉ hưu năm 1990.

__________

Viết về Đoàn từ mong ước của thiếu niên

“Hồi ấy điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nên vẽ không được, múa cũng khó. Tôi có chút kiến thức về âm nhạc thì dạy các em hát, viết một số ca khúc cho các em chứ quả tình không nghĩ mình sẽ thành nhạc sĩ” – nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại ngày đầu được phân công về dạy văn thể mỹ cho học sinh Trường Thiếu sinh quân VN năm 1950, sau khi ông vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân.

“Những thiếu nhi mặc áo lính” từ 7-13 tuổi khi ấy đã truyền sang ông tâm trạng của một lứa học sinh sôi nổi, đầy nhiệt huyết, khởi nguồn một loạt ca khúc của ông dành cho thiếu nhi, cho Đoàn – Đội về sau, trong đó có cả Tiến lên đoàn viên – bài hát nằm lòng của nhiều thế hệ đội viên thiếu niên tiền phong VN.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên – Ảnh: H.Điệp

Ông kể: “Tôi viết ca khúc Tiến lên đoàn viên năm 1954. Khi ấy Đoàn thanh niên còn mang tên Đoàn thanh niên cứu quốc, còn Đội thiếu niên gọi là Đội thiếu niên tháng Tám. Cũng chính trong năm ấy, Đoàn thanh niên cứu quốc được đổi tên thành Đoàn thanh niên lao động và Đội thiếu niên tháng Tám được gọi là Đội thiếu niên tiền phong với chủ trương bồi dưỡng các đội viên xuất sắc để chuyển thẳng lên Đoàn. Đối với các học sinh nhỏ thuở ấy, lên Đoàn là một tin rất vui”.

Lấy cảm xúc vui mừng, ước ao mong mỏi ấy, ca khúc ra đời với tiết tấu nhịp nhàng, tha thiết, trong sáng cùng ca từ giản dị: “Tiến lên Đoàn viên, em ước ao bao ngày/ Xứng cháu Bác Hồ dựng xây nước sau này/ Tiến lên Đoàn viên, theo Đảng tiên phong/ Tiến theo lá cờ nhuộm màu đấu tranh…”. Ngay lập tức, ca khúc được các em hát với niềm xúc động khôn tả. Chính các thiếu nhi trong Trường Thiếu sinh quân là những “ca sĩ” đầu tiên thể hiện ca khúc này tại khu học xá trong lễ kết nạp đoàn viên thanh niên tại đây.

“Thấy một em vừa hát vừa khóc, tôi hỏi thì em nói: Được hát ca khúc này trong buổi lễ kết nạp đoàn viên em rất vui. Bởi từ nay em sẽ được đeo trên ngực mình chiếc huy hiệu Đoàn”. Hai năm sau, năm 1956, ca khúc trên lần đầu tiên được phát trên sóng Đài Tiếng nói VN do một tốp ca thiếu nhi thể hiện.

Sau này khi về công tác tại Đài Tiếng nói VN, cảm hứng trong trẻo nồng nhiệt của một thời sống cùng thiếu sinh quân đã theo ông vào một loạt ca khúc mới cho thiếu niên và nhi đồng. Các ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn, Gánh gánh gồng gồng, Bà còng đi chợ trời mưa… ông viết khi nghĩ đến những em bé lứa tuổi mầm non.

“Có lần tôi đến thăm một trường mẫu giáo, hỏi cô giáo các cháu có hay tập hát không, cô giáo bảo: Có, nhưng chẳng có bài hát nên các cô tự sáng tác cho các cháu những bài kiểu như: Bạn ơi chùi mũi cho sạch. Tôi nghe xong mà thốt lên: Ôi trời ơi, thế thì còn gì là nghệ thuật nữa” – ông hóm hỉnh kể.

“Năm 1974, con gái tôi đi học ở trường mầm non trên phố Bông Nhuộm, cô giáo biết tôi là nhạc sĩ nên dặn cháu về nhờ bố viết cho một bài hát. Cháu về nhờ và kèm theo lời dọa: Bố mà không viết là con không đi học nữa đâu. Tôi sợ quá, viết: “Trường chúng cháu là trường mầm non…/ Có cô giáo hiền và bè bạn chăm ngoan/ Cùng vui chơi, cùng múa hát/ Yêu mến nhau như những bầy chim non”. Bây giờ, bài hát trở thành ca khúc chung của tất cả các trường mẫu giáo, mỗi khi hát các cháu còn sửa lời để đưa tên trường mình vào.

Bài Tiến lên đoàn viên

Ở tuổi 80 bây giờ, ông lại viết ca khúc cho thiếu nhi nhiều hơn bởi: “Các cháu vừa thừa vừa thiếu các ca khúc”. Thừa vì có rất nhiều bài các cháu được dạy nhưng lại không thích, mà “trẻ con thì chẳng ép được, chúng phải thấy thoải mái, học mà chơi cơ”. Bởi thế đối với ông, viết ca khúc cho thiếu nhi vừa dễ lại vừa khó: dễ vì tiết tấu phải đơn giản, nhưng phần lời phải vui vẻ, ngộ nghĩnh, phải làm sao cho bọn trẻ thích dù chưa mấy hiểu.

Như cách mà ông phổ nhạc cho một bài đồng dao: Gánh gánh gồng gồng/ Gánh sông gánh núi/ Gánh củi gánh cành/ Ta chạy cho nhanh/ Về xây nhà bếp… “Có thể khi còn nhỏ các cháu sẽ không hiểu hết, nhưng khi lớn dần lên các cháu sẽ biết gánh củi gánh cành, gánh sông gánh núi là gì… Âm hưởng, câu chuyện của những bài đồng dao ấy, lời ca ấy sẽ đi theo các cháu mãi trong đời” – ông tin tưởng.

Trong gia tài âm nhạc với cả hàng ngàn tác phẩm của ông, số lượng các ca khúc dành cho thiếu nhi không nhỏ. Có người gọi ông là nhạc sĩ của thiếu nhi, cũng có nhà nghiên cứu âm nhạc gọi ông là người viết biên niên sử VN hiện đại bằng âm nhạc. Dù lời ngợi ca nào cũng đúng, nhưng những bài hát của ông được người VN ở trong và ngoài nước đã và vẫn hát với sự đồng cảm sâu sắc có lẽ là phần thưởng đáng giá nhất đối với một người sáng tác.

ĐỨC BÌNH – HOÀNG ĐIỆP – MY LĂNG thực hiện

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.