Tình người lấp lánh

TT – Hai năm quen với chốn pháp đình, tôi may mắn chứng kiến những sợi tơ óng ánh tình người dệt nên sắc xuân lấp lánh màu hạnh phúc, khiến nhiều số phận được xoay chuyển theo hướng tốt hơn…

Tình người lấp lánh


Anh Tô Thành Long cùng vợ, con bên chiếc xe gắn máy mua bằng tiền độc giả báo Tuổi Trẻ gửi tặng – Ảnh: Minh Tâm

1. Tôi nhớ về hình ảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 17-5-2007, hôm đó mọi người đã lục tục về. Chiếc xe tù chở người phạm tội lưu hành tiền giả cũng lao vút đi trong màn mưa. Trong sân tòa bốn mẹ con chị Tạ Thị Ánh Thu cứ đứng khóc mặc cho cơn mưa xối xuống. Tôi đứng thần cả người, chỉ biết an ủi chị mọi việc rồi sẽ qua, ráng vượt qua khó khăn nuôi ba con ăn học, chồng chị cũng sẽ ra tù.

Nghe thế, chị nức nở: “Nhưng bảy năm dài đằng đẵng em ơi! Chị làm sao lo nổi”. Tôi hiểu điều đó, với gánh bún riêu, lại bị bệnh bao tử, đừng nói là chuyện lo cho con đi học, chỉ riêng chạy gạo ngày hai bữa chưa chắc chị đã kham nổi. Tôi về viết bài nhằm cảnh báo cho mọi người đừng nên làm chuyện phi pháp sẽ gánh lấy hậu quả đau lòng, mà đầu óc cứ liên tưởng đến cảnh khi thiếu trụ cột lao động chính của gia đình, ba đứa trẻ sẽ bỏ học đi lột hành phụ tiếp mẹ trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Rồi cuộc đời tụi nhỏ cũng sẽ trôi tuột đi…

Bài đăng, một số độc giả gửi tiền, quần áo, thư động viên… để giúp đỡ mẹ con chị vượt qua cơn khốn khó, cũng là để giữ việc học cho các đứa trẻ. Tôi đến trao tiền, chị trào nước mắt, tay run run nhận lấy. Rồi có một độc giả mỗi tháng tặng đều đều cho chị một khoản tiền vài trăm ngàn đồng. Chính tình người ấm áp đó giúp chị có thêm tinh thần chèo chống lúc khó khăn, các con chị có tiền mua sách, vở, đồng phục đi học…

Đứa con gái lớn ngày ba vào trại giam học lớp 8, giờ học lớp 10, lại là một trường chuyên nổi tiếng. Hai đứa nhỏ giờ đang học lớp 4 và lớp 6, những tấm giấy khen ngày càng nhiều hơn, được gìn giữ cẩn thận để khi vào thăm ba sẽ khoe. Một năm chị cùng con đi thăm chồng hai lần, chị bảo muốn đi thăm nhiều lắm nhưng rất tốn kém. Tội nghiệp, út Thông nhớ ba nằm mơ cứ gọi ba hoài. Chị kể năm ngoái bé Thông nghe mẹ kể đêm Giáng sinh ông già Noel trênxe tuần lộc sẽ biến điều ước trẻ em thành hiện thực, tưởng thật cậu bé lén mọi người ghi điều ước bỏ vào dép để ngay bếp lò. Đêm đó cậu bé thao thức không ngủ được, rồi trong giấc mơ lấp lánh thấy ba ôm mình trong vòng tay. Sáng mở mắt không thấy ba ở đâu, thất vọng cậu bé òa khóc nức nở.

Chị Thu rưng rưng: “Nhờ độc giả báo Tuổi Trẻ mà các con tôi mới được học hành, nếu không có số tiền ân nghĩa này, chắc chắn con tôi đã phải nghỉ học hết. Và cũng nhờ số tiền độc giả tôi có được 4 triệu đồng đóng tiền phạt hành chính cho chồng, có thế sau này chồng tôi ra tù mới xóa được án tích. Tôi không biết dùng lời lẽ gì để cảm ơn cho xiết, chỉ biết cầu mong điều may mắn đến với những ân nhân của mình”.

2. Những nhân vật trong ký sự pháp đình do tôi viết thỉnh thoảng điện cho tôi kể chuyện về những ám ảnh ray rứt của mình hoặc khoe chuyện học hành của con cái. Trong số người gọi có anh Đinh Công Đức (xã An Phước, Măng Thít, Vĩnh Long) – người mà vợ anh đã vô tình gây ra cái chết cho người hàng xóm bằng bẫy điện oan nghiệt.

Từ ngày vợ vào tù, mặc dù cảnh gà trống nuôi con ráng làm đủ mọi việc từ chạy xe ôm, nuôi heo… nhưng anh vẫn không chạy đủ tiền lo cho việc học hai con. Đúng vào lúc đứa con gái lớn học lớp 12 sắp nghỉ học để phụ ba nuôi em thì những cánh thư bay tới, trong đó có cả độc giả Việt kiều ở Đức, Canada, Mỹ… thấy tình cảnh của anh liền gửi tặng một số tiền. Việc học của các con được tiếp tục. Và lần này anh Đức điện cho tôi bằng một giọng run run xúc động, anh nói đọc báo Tuổi Trẻ thấy Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn. Anh hi vọng vợ cũng sẽ được đặc xá. Rồi những đứa con sẽ được ngã vào vòng tay của mẹ.

Còn mẹ con chị Trần Thị Cước – vợ của người xấu số – bị chết do bẫy chuột cũng lâm vào cảnh khốn đốn khi vắng đi một chỗ dựa. Quán cà phê nhỏ xíu ở làng quê nhỏ, dăm ba cái ghế, lúc nào cũng lưa thưa khách, khiến chị phải làm thêm việc khuân gạch thuê. Có những lúc quá mỏi mệt, quá vất vả chị muốn buông xuôi, trách số phận đen đủi lấy đi hạnh phúc gia đình. Nhưng rồi những cú điện thoại, những cuộc thăm bất ngờ của những người không quen, vốn là độc giả của báo Tuổi Trẻ, tiếp thêm nguồn sức mạnh vật chất lẫn tinh thần cho chị. Dù sao chị cũng còn hai con gái hiền, ngoan, lại rất siêng học.

Chị Cước thổ lộ: “Không thể ôm nỗi buồn mãi, vả lại vợ chồng anh Đức cũng đâu có muốn chuyện xảy ra như vậy. Họ đã quá ân hận rồi. Nhiều người không quen biết nhưng vẫn thương cho hoàn cảnh mẹ góa con côi gửi những đồng tiền ân nghĩa giúp đỡ, nên mình phải biết sống sao cho không phụ lòng tốt của mọi người, phải nuôi hai con ăn học thành tài, đó là cũng để thực hiện ước mơ của chồng tôi khi còn sống”.

3. Hương xuân đang len vào căn nhà nhỏ của anh Tô Thành Long, xã Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ. Năm kia, bọn cướp đánh vào đầu anh để cướp xe, khiến một phần sọ bên trái bị lõm làm đầu anh nhức buốt. Sợ mình chết bất đắc kỳ tử nên anh trối trước với vợ lỡ anh có bề gì cũng phải ráng nuôi con ăn học. Tôi còn nhớ hôm đó ngày 26-7-2007, trong khi tòa nghị án, anh ra băng đá ngồi thừ, tay ôm đầu, giọng anh buồn não. Bác sĩ bảo nếu không phẫu thuật có thể dẫn đến động kinh rất nguy hiểm, trong khi mấy triệu tiền thuốc men khi cấp cứu, vợ chồng chạy vạy vay mượn giờ chưa trả dứt, tiền đâu phẫu thuật?

Sau khi bài đăng, Tuổi Trẻ nhận rất nhiều cuộc điện thoại của các bác sĩ từ khắp miền đất nước nói rằng sẽ chữa trị miễn phí cho anh Long, và cuộc điện thoại sớm nhất là của ông Nguyễn Văn Hoàn – giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Sau khi được chữa trị, anh Long còn được giám đốc Hoàn đề nghị khi gia đình anh có bệnh cứ đến bệnh viện sẽ được khám, lãnh thuốc miễn phí. Rồi một Việt kiều Đức gửi anh số tiền 12 triệu đồng để anh mua xe gắn máy mới bởi chiếc Dream Trung Quốc cũ đến nỗi không thể sử dụng được. Một độc giả đến tặng anh số tiền 10 triệu đủ để anh trả dứt các khoản nợ, chuộc lại một công đất đã cầm cố, mua dừa giống về trồng. Giờ chồng chạy xe ôm, vợ làm công nhân, tất cả dồn sức vào việc học cho cậu con trai học lớp 5 những tấm giấy khen của con treo đầy nhà là động lực giúp anh và chị quên đi những vất vả cơ cực đời thường.

Bất ngờ một hôm, vợ chồng anh đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại ĐBSCL tìm tôi tay xách một túi trái cây. Vợ anh nửa thật nửa đùa: “Nếu không có bài báo chắc giờ này anh Long hóa ra người thiên cổ”. Anh Long tâm sự gia đình anh không biết cảm ơn như thế nào, bởi có những người giúp anh chưa từng được gặp mặt. Anh chỉ còn biết đáp lại lòng tốt của các người ân bằng cách làm những việc tốt khác, chẳng hạn khi chở những người khách có vẻ quá nghèo khó, anh chỉ lấy đủ khoản tiền đổ xăng và dặn vợ con nếu có khả năng giúp được ai thì giúp.

Còn rất nhiều nhân vật trong các bài ký sự pháp đình cũng được sự quan tâm, giúp đỡ của bạn đọc, như chị Ở, chị Xuân, chị Thúy, chị Trúc, bà Tư, ông Đời… Giờ họ đang đón xuân, cuộc sống sau này của họ có thể còn gặp ít hoặc rất nhiều khó khăn, nhưng thông điệp diệu kỳ mà họ từng được nhận từ bạn đọc sẽ giúp họ vượt qua. Xin cảm ơn những nhân vật bởi nghị lực vươn lên của họ. Xin cảm ơn các độc giả đáng kính đã truyền niềm tin, sức mạnh để nâng đỡ những người gặp lúc khó khăn. Để ký sự pháp đình không chỉ có chuyện buồn…

MINH TÂM

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.