Tân cử nhân ”sốc” ngày đầu đi làm

Hoàn toàn tự tin vào khả năng, kiến thức của mình, nhiều bạn sinh viên đã bị “vỡ mộng” khi đối diện với những hiện thực công việc hoàn toàn khác với lý thuyết.

Không bắt kịp nhịp độ công việc

Mới rời ghế giảng đường đại học, đa số các tân cử nhân đều chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc và sống trong một môi trường mới. Áp lực công việc đối với những người làm việc cho công ty nước ngoài càng trở nên nặng nề hơn bởi cường độ công việc quá lớn. N.T.Lan (SV ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và đã xuất sắc vượt qua 3 vòng thi gắt gao để đạt được vị trí nhân viên PR cho công ty truyền thông T&A.

Tân cử nhân ''sốc'' ngày đầu đi làm

Rời trường ĐH, nhiều tân cử nhân đối diện với những cú sốc khi bước vào một môi trường mới

Bước chân vào nghề, Lan mới biết PR không phải là công việc màu hồng như cô vẫn nghĩ. Khối lượng công việc lớn, lại chưa quen nên xử lý chậm, cảm giác sợ không hoàn thành công việc tạo áp lực lớn lên cô nhân viên mới. “Mỗi sáng bước ra khỏi nhà từ 8h và chỉ kết thúc công việc vào lúc 9h tối, mình đã thật sự kiệt sức!”

Hoàn toàn tự tin vào khả năng, kiến thức của mình, nhiều bạn sinh viên đã bị “vỡ mộng” khi đối diện với những hiện thực công việc hoàn toàn khác với lý thuyết. Là nhân viên phụ trách truyền thông cho ngân hàng Standard Chartered, N.V. Linh (SV ĐH Hà Nội, chuyên ngành tiếng Anh) đã bị shock khi liên tục bị sếp chê về khả năng tiếng Anh của mình. Linh tâm sự: “Công việc trong ngành ngân hàng yêu cầu một hệ thống kiến thức mới, khó nhất là những từ chuyên môn và ý nghĩa của chúng. Thật sự vất vả đối với những sinh viên mới ra trường như mình khi lao vào môi trường làm việc mới mà áp lực hoàn thành công việc lại quá lớn.”

Khó hòa đồng với môi trường làm việc

Một trong những khó khăn khác nữa của các tân cử nhân là trở thành một thành viên được chấp nhận. Đa số các sinh viên mới đi làm đều canh cánh trong mình nỗi lo “ma mới bắt nạt ma cũ”. Có lẽ cũng chính tâm lý này đã khiến các bạn khó hòa đồng với môi trường xung quanh.

N.T.Giang (nhân viên công ty thiết kế NDecor) đã phải bật khóc vì tình cảnh lùi lũi sau hơn một tháng làm việc. Giang tâm sự: “Ngày nào cũng sáng đi tối về, hầu như không có ai để ý tới sự hiện diện của mình ở công ty. Nhiều lúc thèm lắm một người để hỏi thăm nhưng hầu như mọi người đều tỏ ra không nhiệt tình với người mới”.

Không chỉ dừng lại ở tình cảnh bị “hắt hủi”, N. Vân (nhân viên ngân hàng Agribank) ngoài chức danh nhân viên phân tích thị trường lại nghiễm nhiên được gán với một chức danh mới “nhân viên tạp vụ”. Đã trở thành qui luật bất thành văn, sáng nào Vân cũng phải tới sớm lau dọn bàn ghế, rửa cốc tách và pha trà cho các nhân viên khác trong phòng. “Một loạt những công việc không tên được quàng lên vai mình và mọi người đều coi đó là chuyện nghiễm nhiên, không cần một lời cảm ơn!” – Vân bức xúc.

Bên cạnh mối quan hệ với đồng nghiệp, mối quan hệ với sếp cũng là một trong những lo lắng khá lớn của các bạn sinh viên. Lan (nhân viên công ty truyền thông) ngày nào cũng bức xúc với sếp về phần công việc của mình. Cảm giác như bị sếp cố tình “đì”, Lan đã xin rút lui khỏi công ty sau 1 tháng thử việc. “Mọi công việc, dù nhỏ nhặt như làm biên bản họp cũng bị sếp bắt làm đi làm lại quá nhiều lần. Mình mong một tinh thần hợp tác và chỉ bảo tận tình hơn thế!” – Lan tâm sự.

Với tâm lý “ngựa non háu đá”, một số bạn sinh viên với tấm bằng ưu thường tỏ ra quá tự tin vào bản thân. N.Diệu Ngọc là một trong số những sinh viên tốt giỏi của trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội và may mắn trở thành nhân viên của một tổ chức phi chính phủ. Tới với môi trường làm việc mới Ngọc thường cảm thấy “khó chịu” với cung cách làm việc “không chuyên nghiệp”, cô thường xuyên góp ý trực tiếp với các nhân viên khác – ngay cả những người đã có thâm niên làm việc 4, 5 năm. Kết quả là chính công việc Ngọc đảm nhận bị ùn lại vì không có ai sẵn sàng giúp đỡ “nhân viên ưu tú”.Cũng chỉ sau 3 tháng, Ngọc đã phải tự rút lui khỏi vị trí trong mơ vì “quá bức xúc”.

Định hướng nghề nghiệp không rõ ràng

Tình trạng các tân cử nhân làm việc trái ngành trái nghề là không hiếm và hầu hết sau một thời gian thử thách với công việc mới các cử nhân đều cảm thấy đã đi lạc hướng. Tốt nghiệp với số điểm cao nhất khoa Biên dịch tiếng Anh – Học viện Báo chí tuyên truyền, V.Linh quyết định không theo nghề biên dịch “khô khan và không có sức sáng tạo” để chuyển sang làm nhân viên quan hệ công chúng. Sau 1 tháng làm việc cho công ty truyền thông TH, Linh quyết định bỏ vì lý do “quá vất vả”. Tiếp đó, Linh lại chuyển sang làm thư kí cho công ty TNHH Minh Hoàng nhưng cũng chỉ được 2 tuần vì “không muốn làm chân sai vặt”. Kết quả sau 3 tháng thử thách, Linh lại muốn quay trở lại nghề biên dịch vì “nhớ kiến thức”.

Nuôi mơ ước kiếm tiền đô, một số tân sinh viên đặt vấn đề “tiền lương” làm tiêu chí hàng đầu khi đi xin việc. Khoa tiếng Hàn Quốc, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) là một trong những khoa “đắt hàng” trong thời điểm Việt Nam đang mở rộng quan hệ với Hàn Quốc như hiện nay. Đa số sinh viên của ngành này đều được đề nghị mức lương từ 300USD trở lên. N.P.Hoa sau 3 tháng làm tại một công ty phần mềm của Hàn Quốc với mức lương 350USD đã xin nghỉ việc vì lý do mức lương chưa thỏa đáng. Hoa biện minh: “Lớp mình có bạn đi làm sales lương hơn 400USD chưa kể ‘lậu’. Những người khác đi làm phiên dịch cũng thừa sức kiếm 500USD mỗi tháng. Nếu so ra lương mình gần như thấp nhất lớp!”.

Kiến thức học được từ trường đại học chỉ là lý thuyết, khi đối diện với thực tế nhiều tân cử nhân đã không chịu được shock! Nhận biết được trước những khó khăn, nhiều câu lạc bộ sinh viên đã tổ chức hội thảo định hướng nghề nghiệp cũng như mời những người trong cuộc về trao đổi với các bạn sinh. Tuy nhiên số lượng những buổi hội thảo như thế này vẫn còn rất ít và chưa được thực hiện ở qui mô lớn nên chưa thu hút được nhiều sinh viên tham gia.

Theo VnMedia

Source: Zing

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.