Ngày không em, anh thấy nắng cũng bớt vàng. Những giọt nắng có vẻ cũng rơi chậm qua khe cửa, không còn nhảy múa như trước.
Ngày không em
Ngày không em, bài nhạc xuân nhà hàng xóm cũng kém vui, những rộn ràng cười nói của ai đó trở thành thanh âm gợi cho anh nỗi buồn sâu kín. Cái ôm người yêu từ phía sau thật chặt của cô gái mà anh nhìn từ ban-công xuống làm anh se sắt nhớ em. Anh ghen với chàng trai đó vì anh từng có, từng được em thỏ thẻ gọi anh ngoái đầu lại rồi chậm rãi nói “em yêu anh”. Ba từ ấy anh nghe hoài không biết chán cho đến khi em rời xa anh, để rồi anh cứ ngẩn ngơ hỏi, rằng vì sao em xa anh?
Em xa anh, khi mình chưa thật sự hết yêu, mà có lẽ yêu nhau nhiều hơn những gì mình đã nói và hơn cả những ngày mới yêu. Anh biết, lựa chọn đó là khó khăn, nhưng nó là lựa chọn không đúng. Em rời xa anh trong khi mình chưa thật sự đấu tranh với tình yêu và hạnh phúc mà lẽ ra mình phải có. Vách ngăn tâm linh giữa hai tôn giáo và những định kiến sai lầm, những sự cố chấp của người lớn đã đẩy tình yêu mình vào ngõ cụt.
Em từng bảo, mình yêu nhau là một thử thách, anh cũng nghĩ tình yêu chúng mình sẽ đủ lớn để vượt qua những rào cản, nhưng rồi anh đã không thể tin được rằng em rời xa anh.
Anh không biết có những lý do nào khác khiến em phải xa anh như một “định mệnh” mà em nói không? Nhưng, nếu nó đến từ những điều như em đã sẻ chia thì anh thấy em yếu đuối và anh thực sự bất lực khi chỉ một mình mình chèo chống con thuyền tình yêu vốn cần hai tay lái…
Và em ạ, ngày không em, anh buồn không muốn nói. Nếu những đấng tối cao có nhìn thấy nỗi buồn này, chắc cũng sẽ nói với em rằng: đừng rời xa “một người khốn khổ” như anh!
Anh thật lòng rất muốn để em sống một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc, không có những lo toan tính toán, không có những phiền muộn. Anh chỉ muốn tất cả mọi vất vả khó khăn hãy chỉ để một mình anh gánh chịu, anh nguyện sẽ làm tất cả vì em.
Hân, vợ ngoan hiền của anh! Anh biết rằng từ ngày em theo anh, em đã phải chịu biết bao vất vả, thiếu thốn, khó khăn, mà đối với một người con gái hoàn hảo như em, thực ra, chỉ cần em muốn, em hoàn toàn có thể tìm được một người chồng tốt hơn anh, giàu có hơn anh, đẹp trai hơn anh rất nhiều. Em hoàn toàn không đáng phải chịu nhiều thiệt thòi như thế, không đáng phải hy sinh vì anh như thế.
Nói thật lòng, rất nhiều lúc anh cảm thấy thật có lỗi với em, dường như yêu em là anh đã hại em, đã để em phải khổ, đã làm lỡ cả cuộc đời của em. Anh đang từng bước cố gắng, học tập, lấy ngắn nuôi dài để chúng ta có một công ty cho riêng mình, cũng vì thế những công việc không tên luôn khiến em phải lo lắng vất vả.
Anh thật lòng rất muốn để em sống một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc, không có những lo toan tính toán, không có những phiền muộn. Anh chỉ muốn tất cả mọi vất vả khó khăn hãy chỉ để một mình anh gánh chịu, anh nguyện sẽ làm tất cả vì em.
Có lần em từng hỏi anh, nếu như phải lựa chọn giữa em và sự nghiệp, anh sẽ chọn cái gì? Cả hai em à. Anh nghĩ rằng nếu muốn em được hạnh phúc, đầu tiên anh phải có sự nghiệp vững vàng, rồi anh mới có thể mang lại hạnh phúc cho em.
Vợ yêu của anh!
Giờ đây với anh, ngoài công việc, thì bất cứ lúc nào anh cũng chỉ muốn được ở bên em. Anh biết rằng cả cuộc đời này số mệnh của chúng mình đã được định đoạt sẽ ở bên nhau trọn đời. Nếu không có em, cuộc sống của anh sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, anh sẽ vĩnh viễn cô đơn, vĩnh viễn khô cằn.
Em có biết, anh thích nhất là được ngắm nhìn lúc em đang ngủ say, anh sẽ nằm sát bên tai em, thầm thì nói với em rằng: “Anh yêu vợ lắm”. Dù em có nghe thấy hay không nhưng anh vẫn sẽ cảm thấy thật hạnh phúc. Có lẽ, yêu một người chỉ cần được ôm chặt cô ấy trong lúc ngủ say, nói cho cô ấy nghe rằng anh rất yêu cô ấy, đó có lẽ cũng là một niềm hạnh phúc ngọt ngào.
Sắp tan ca rồi vợ yêu của anh. Bây giờ anh lại muốn bay về thật nhanh với em, được nhìn ngắm em, ôm em vào lòng và nói: “Anh rất yêu em”.
Anh cảm thấy rất tự tin đối phó với khó khăn trong công việc làm ăn và cuộc sống khi có em đứng ở phía sau. Anh nhận ra rằng càng ngày càng yêu em nhiều hơn. Anh muốn sống với em thêm ít nhất 5 lần kỷ niệm 10 năm nữa.
Đến hôm nay vợ chồng mình đã cưới nhau được 10 năm rồi đấy. Anh thật không ngờ là mình đã cưới một cô bác sĩ vừa tốt nghiệp thông qua sự giới thiệu của người quen mà thật tâm là lúc đó anh không yêu em sâu đậm. Mặc dù em được đánh giá là một trong số các hoa khôi của khóa và được nhiều anh chàng theo đuổi trong trường đại học, nhưng vì không thích quen bạn gái qua người khác giới thiệu nên lúc quen em, anh hơi miễn cưỡng, thậm chí anh đã chia tay em sau một thời gian ngắn.
Với sự thúc ép từ gia đình và dựa vào lý trí của một thanh niên 31 tuổi, anh quay lại và quyết định cưới em làm vợ. Sau buổi tiệc cưới, anh thật sự lo lắng, không biết cuộc sống của mình với người vợ mới cưới sẽ ra sao: đau khổ hay hạnh phúc?
10 năm qua là thời gian dài và vất vả cho em khi sống với cha con anh cùng với tính luộm thuộm, lề mề, hời hợt của anh. Cũng trong khoảng thời gian đó, em đã không nề hà giúp anh gánh vác những việc không chỉ cho ba cha con anh mà còn cho công việc của gia đình, ba má.
Nhìn lai sau 10 năm chung sống, anh cảm thấy rất tự tin đối phó với khó khăn trong công việc làm ăn và cuộc sống khi có em đứng ở phía sau. Anh đã hoàn thiện hơn trước đây rất nhiều, có một con trai và một con gái, xinh đẹp ngoan ngoãn, học giỏi, nhờ có em dạy dỗ; quan hệ giữa anh và ba, hai em cũng tốt lên rất nhiều. Được như thế là nhờ có phần công sức lớn lao của em đó!
Anh nhận ra rằng càng ngày càng yêu em nhiều hơn. Anh muốn sống với em thêm ít nhất 5 lần kỷ niệm 10 năm nữa mặc dù sức khỏe của em đang có vấn đề. Cho dù có biến cố gì xảy ra đi nữa, hãy hứa với anh là em sẽ giữ sức khỏe của mình để cùng anh và hai con tiếp tục đi đến tận cùng con đường hạnh phúc gia đình mà hai ta đã xây dựng trong 10 năm qua nhé. Anh cũng hứa sẽ cố gắng hơn để những thời khắc kỷ niệm 10 năm của cuộc sống vợ chồng mình trong tương lai sẽ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Để kỷ niệm 10 năm ngày cưới đầu tiên này, anh chỉ có một câu để nói với em: “Cám ơn em đã lấy anh”. Với anh, em đã, đang và sẽ mãi mãi là người vợ tuyệt vời nhất trên thế gian này.
Tuần trước mình nói rằng sắp Tết rồi, vợ chồng và con nên chuyển về nhà ăn Tết đi, nhưng vợ không đồng ý và nói rằng về nhà ăn Tết có mình em và anh thì làm sao chăm sóc được con, ở đây còn nhờ bà ngoại.
Mình tên Thành, ở Hà Nội. Chuyện của mình không biết to hay nhỏ, nhưng vì buồn nên mình muốn được chia sẻ và nhận được lời khuyên. Hai vợ chồng mình sinh được một con, nay cháu gần một tuổi rồi. Khi hết thời hạn nghỉ, vợ mình phải đi làm nên đã chuyển sang bên ngoại ở để nhờ bà ngoại theo dõi, quản lý người giúp việc. Vợ mình bảo vậy vì không thể giao con cho người giúp việc, không thể tin được. Mình biết đặc điểm của bên ngoại nên không thích sang đó ở, nhưng vì vợ muốn như thế nên đành chịu và làm theo.
Tuần trước mình nói rằng sắp Tết rồi, vợ chồng và con nên chuyển về nhà ăn Tết đi, nhưng vợ không đồng ý và nói rằng về nhà ăn Tết có mình em và anh thì làm sao chăm sóc được con, ở đây còn nhờ bà ngoại. Khi nghe nói vậy, mình rất buồn vì các bạn biết đấy, mỗi khi xuân về, ai ai cũng muốn đoàn tụ với gia đình trong một không khí đầm ấm và độc lập.
Vợ chồng mình có nhà riêng, không phải ở chung và phụ thuộc vào ai. Mình có suy nghĩ rằng hai vợ chồng nên độc lập và phải tự chủ trong việc chăm sóc con cái. Trường hợp khó khăn quá hoặc vượt quá khả năng thì mới nhờ vả đến bên nội, bên ngoại. Mình có thể sắp xếp được thời gian (ngoài giờ hành chính) để giúp vợ chăm sóc con.
Mình có thể đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo cho gia đình và thực tế mình đã làm những công việc này khi vợ có bầu. Về kinh tế, mình cũng kiếm được tiền để gia đình đủ ăn, đủ tiêu, đủ để thuê người giúp việc. Công việc của vợ không phải đi làm quá nhiều buổi trong tuần, có nhiều thời gian để chăm con, vậy mà vẫn cứ thích ở bên ngoại, thế mới tức chứ.
Mình suy nghĩ vậy thôi chứ không tâm sự được với vợ vì 2 vợ chồng hay khắc khẩu. Mỗi khi mình nói chuyện để thể hiện ý kiến là vợ lại gạt đi, cáu giận và không quan tâm đến ý của chồng như thế nào. Vì vậy, qua mục Tâm sự, mình muốn được sự chia sẻ và nhận được lời khuyên nên thực hiện một cách nào đó để gia đình nhỏ mình được ăn Tết vui. Mong nhận được ý kiến từ các bạn, xin cảm ơn.
Tôi nghĩ mình lo đi làm, hàng tháng đưa tiền về cho vợ là đã đầy đủ bổn phận. Ngay cả số tiền đó thiếu đủ thế nào tôi cũng ít quan tâm. Cho đến lúc này, đối mặt với cơm áo gạo tiền của chính mình, mới chợt ngỡ ngàng.
Hối hận sau khi ly hôn
Trước đây tôi là người đàn ông vô tâm, hết giờ làm là bù khú bên bạn bè, vui vẻ nhậu nhẹt, tôi không quan tâm đến cảm xúc của vợ mình ra sao, dù nhiều lần vợ tôi nhắc nhở hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nhưng kỳ lạ, vợ tôi càng cấm đoán tôi lại càng muốn thoát ra, muốn chứng tỏ mình với bạn hữu rằng hôn nhân không thể ràng buộc được tôi.
Đôi lúc về khuya thấy vẻ mặt vợ buồn bã tôi cũng thấy xót xa, nhưng hôm sau vui vẻ bên bạn hữu và các em chân dài tôi lại quên hết mọi nỗi buồn phiền của vợ. Cho tới một hôm vợ đưa cho tôi lá đơn ly hôn, tôi rất bất ngờ, không bao giờ nghĩ rằng có ngày vợ lại dám làm như vậy, nhưng vì tự ái tôi ký luôn. Chúng tôi nhanh chóng ra tòa, sau khi ly hôn tôi mới biết tài sản của mình thực chất chẳng có gì, bao năm chung sống tôi đã chẳng lo lắng được gì, một mình vợ phải gánh vác mọi việc trong gia đình chỉ bởi vì người chồng ham chơi, thích nhậu như tôi.
Thời gian đầu sau ly hôn tôi cảm thấy rất thoải mái, tự do, muốn đi đâu thì đi, không bị ai thúc giục, quản lý. Nhưng sau rồi nhậu nhẹt bù khú mãi cũng chán, nhất là ngày lễ tết, bạn bè đều ở nhà với vợ con, chỉ còn một mình đơn độc tôi mới hiểu cảm giác cô đơn trống trải của vợ ngày xưa mỗi khi tôi đi đến đêm khuya mới về, chắc hẳn vợ từng rất buồn và cô đơn. Giờ đây ngồi một mình trong căn nhà trống trải, nhớ về những tháng ngày hạnh phúc, những tiếng cười đùa của vợ con, tôi thấy nuối tiếc vì đã không biết quý trọng gia đình. Tôi thấy thương vợ con mình hơn bao giờ hết.
Những ngày vội vã, hối hả sau ly hôn cũng qua đi. Tôi bắt đầu sống chậm lại, và chính trong những khoảng lặng nhìn lại ấy, tôi đã giật mình. Dường như trước nay mình chưa bao giờ dừng lại, để nhìn ngẫm, để suy xét. Tôi ngỡ ngàng nhận ra mình đã không hiểu nhiều về người phụ nữ bao năm sống bên cạnh. Cô ấy vui gì, buồn gì, bận rộn gì, mơ ước gì, gặp chuyện khó khăn gì… hầu như phải tự mình bươn chải. Mà phụ nữ vốn yếu đuối và đa cảm.
Tôi đã thờ ơ, như bản chất vô tâm cố hữu của mình, không hề nghĩ rằng đời người phụ nữ khi lấy chồng sinh con đã như một bông hoa dâng mật ngọt cho chính chồng con họ hết rồi. Tôi nhận ra, hình như mình chỉ biết nhận mà chẳng hề cho đi, đã tự làm nguội lạnh nơi được gọi là mái ấm.
Không phải tôi không yêu quý gia đình, nhưng hình như tôi đã quá coi nhẹ những va chạm vụn vặt, những thất vọng nhỏ nhặt, những lo toan mà gia đình nào cũng có. Tôi cứ nghĩ, mình lo đi làm, hàng tháng đưa tiền về cho vợ là đã đầy đủ bổn phận, còn gì để kêu ca, phàn nàn, đòi hỏi kia chứ. Ngay cả số tiền đó thiếu đủ thế nào tôi cũng ít quan tâm. Cho đến lúc này, đối mặt với cơm áo gạo tiền của chính mình, mới chợt ngỡ ngàng.
Bây giờ, tôi thường về nhà sớm, ngồi một mình bên cửa sổ, nơi mà trước đây thi thoảng tôi thấy vợ đã ngồi. Tôi thử tự nếm trải cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà mình, cô đơn ngay bên cạnh người thân, và cảm thấy thấm thía thật nhiều. Giá như tôi sớm nhận ra rằng, có những điều nhỏ nhặt nhưng sức tàn phá của nó thật ghê gớm. Giá như tôi biết, sức chịu đựng của mỗi người đều có hạn. Giá như tôi hiểu, sẽ có lúc những người thân yêu chán nản lìa xa nhau, chứ không phải hiển nhiên họ phải ở mãi bên tôi.
Tôi cũng nhận ra rằng, thành công trong sự nghiệp của bất kỳ cá nhân nào cũng không thể sánh bằng thành công của một người vượt qua chính mình trong cuộc sống, góp phần bảo vệ cho những thành viên trong gia đình mà mình đã lựa chọn và cho chính mình có được một mái ấm hạnh phúc, một cái nôi tốt để nuôi dưỡng những đứa con đang hình thành nhân cách.
Thành công đó không đong đếm, phô trương, nhưng luôn luôn kế thừa được cho con cháu dù con cháu có làm bất kỳ ngành nghề gì, sống ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Phải chăng tất cả những điều đó đã gói gọn thành một chữ “đức” mà ông bà ngày xưa mong muốn để lại cho con cháu đời sau.
Tôi thực sự kêu gọi các đức ông chồng hãy đọc để cảm nhận được tâm sự chân thành này. Mong rằng họ sẽ ý thức hơn để giữ được mái ấm của mình vì suy cho cùng thành công lớn nhất, vĩ đại nhất của một người là có một gia đình hạnh phúc đến cuối đời.
Bố bảo nhìn vào chiếc giường là biết cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc hay không. Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, đừng mang chăn gối ra sofa ngủ, cũng đừng quay lưng vào người vợ của con. Hãy ôm cô ấy vào bờ vai và khuôn ngực nóng hổi của con. Tất cả sẽ qua đi, chỉ tình yêu còn lại.
Bố bảo lúc giận có thể cãi nhau nhưng đừng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cãi nhau không có nghĩa con dùng những lời lẽ xúc phạm dành cho người mà con sẽ đầu gối tay ấp cả cuộc đời. Cãi nhau có nghĩa là nói hết những gì trong lòng để hai vợ chồng hiểu, thông cảm cho nhau, xóa đi hết mỏi hiểu lầm. Bản thân con còn chẳng hiểu được con, thế nên đừng mong người khác phải hiểu khi con cứ giữ trong lòng.
Bố bảo cãi nhau với phụ nữ thì đừng có nói nhiều, chỉ cần nói vừa đủ. Độ khuếch tán âm thanh của đàn ông chẳng bao giờ bằng phụ nữ. Một người vợ chân chính sẽ đủ tinh tế để biết khi nào cần nói, lúc nào nên im lặng ngay cả trong khi nóng giận nhất.
Bố bảo dù ở ngoài xã hội, con có là xe ôm, hay ông lớn, ông bé, thì về nhà con vẫn là trụ cột của gia đình. Vợ con có thể là người phụ nữ rất đảm đang, cô ấy có thể đóng đinh, sửa ống nước hay tháo quạt trần, nhưng con hãy làm việc đó, trừ khi con quá bận. Nó vừa thể hiện sự công bằng, vừa thể hiện sự chia sẻ vợ chồng.
Bố bảo sau khi kết hôn sẽ hơn một lần con cảm thấy hối hận, thậm chí có mối quan hệ ngoài chồng ngoài vợ. Mỗi lần như vậy con hãy nhớ rằng: Người bồ hiện tại yêu con mười phần, người vợ hiện tại cũng từng yêu con mười phần như thế. Nhưng khi bước vào hôn nhân, vai trò của phụ nữ càng trở nên phức tạp, ngoài tình yêu họ còn có cả trách nhiệm.
Vì vậy khi đã kết hôn, người ta sẽ không thể yêu con mười phần được nữa. Họ phải dành một phần trong số đó để yêu bố mẹ chồng, rồi lại một phần để yêu bố mẹ họ, còn thêm một phần nữa cho con cái. Và như thế, mười phần tình yêu khi bước qua hôn nhân chỉ còn lại bảy phần. Bằng cách này hay cách khác, 3 phần con mất đi từ người vợ sẽ được nhận lại gấp đôi từ gia đình và con cái của con.
Và một lý do nữa, người bồ sẽ chỉ đem lại cho con hạnh phúc nhất thời, còn người vợ sẽ đem lại cho con hạnh phúc bền vững. Thật tuyệt vời phải không?
Bố bảo thời kỳ mang thai là khó khăn nhất đối với phụ nữ, là bởi vì muốn có được thiên thần thì phải qua thời gian khổ cực. Chính vợ con là người đã gánh vác sự khổ cực đó để đem lại niềm vui cho cả nhà. Thế nên đừng thở dài khi thấy vợ con chẳng còn được vẻ đẹp thời thiếu nữ, hay cũng đừng tức giận khi con nằm cạnh vợ mà chẳng thể làm gì. Hãy cùng cô ấy cảm nhận niềm vui của những ông bố bà mẹ, chắc sẽ thú vị lắm.
Bố bảo chuyện mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở, giống như bệnh tiền mãn kinh vậy. Thế nên con hãy là sợi dây kết nối họ, hai người phụ nữ yêu con nhất trên đời. Đừng để mẹ cảm thấy bà đã mất con trai, và vợ con cảm thấy chồng mình là người nhu nhược. Như thế mới là đàn ông chân chính.
Bố bảo rằng đừng tưởng người mẹ mới dạy dỗ được con. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thời gian người mẹ mang thai thì người cha mới là người ảnh hưởng lớn nhất đến tình cảm và sự phát triển của trẻ. Con có thể không là người bố tuyệt vời nhất thế giới, nhưng hãy là người bố tuyệt vời nhất trong lòng những đứa con.
Bố bảo “Phụ nữ là để yêu, không phải để hiểu”, nhưng nếu không hiểu, thì con chẳng thế yêu. Hãy hiểu họ bằng chính trái tim mộc mạc của con. Bố bảo “quá khứ là thứ đã qua, hiện tại mới là cuộc sống”. Nếu quá khứ của vợ con có lỗi lầm, đừng chấp nhặt, cũng đừng đay nghiến vì đồng ý lấy vợ là con đã chấp nhận tất cả những gì thuộc về cô ấy. Hãy khoan dung và độ lượng. Dù không nói ra nhưng chắc chắn cô ấy sẽ yêu con đến suốt cuộc đời, một tình yêu bao gồm cả sự biết ơn và tôn trọng.
Và cuối cùng bố bảo, cuộc sống luôn thay đổi, hãy biết trân trọng từng ngày.
Cảnh tượng cô ấy đắm chìm trong làn khói trắng với vẻ mặt đê mê và thân xác quằn quại đã phá vỡ những gì đẹp đẽ nhất trong suốt thời gian qua mà tôi đã có.
Chúng tôi yêu nhau, đến với nhau bằng cả trái tim và chúng tôi tính đến hôn nhân đúng với sự cần thiết, đó là sự quyết định từ lý trí và nó đã giúp chúng tôi có một đám cưới tuyệt vời. Sau đám cưới là tuần trăng mật lãng mạn.
Trong suốt tuần trăng mật, chúng tôi cùng nhau đắm chìm trong những thời khắc tuyệt đẹp mà hôn nhân mang lại. Tôi tin mình đã lựa chọn đúng người phụ nữ cho cuộc đời mình và tôi tin cô ấy cũng hạnh phúc khi làm vợ tôi.
Nhưng ngày cuối cùng của tuần trăng mật tôi phát hiện ra một sự thật vô cùng tồi tệ, đó là cô ấy, người vợ mà tôi vừa mới cưới là một con nghiện. Cảnh tượng cô ấy đắm chìm trong làn khói trắng với vẻ mặt đê mê và thân xác quằn quại đã phá vỡ những gì đẹp đẽ nhất trong suốt thời gian qua mà tôi đã có.
Sốc khi vợ mới cưới là một con nghiện
Tôi quá sốc với việc này, tôi không thể nào tin được một người con gái đoan trang, nết na và quan trọng hơn cô ta là một người phụ nữ có học thức, có danh phận lại là một con nghiện. Tình yêu của tôi dành cho người vợ mới cưới của mình cũng tan biến cùng với sự choáng ngợp đó.
Vợ tôi, cô ấy không còn điều gì để giấu: “Em đã là một con nghiện. Em không xứng đáng với anh”. Phải! Cô ấy không xứng đáng với tôi, ngàn lần không xứng đáng – lúc đó tôi chỉ có thể nghĩ như thế.
“Cô nghiện lâu chưa hả?” Tôi hỏi. Cô ấy không nói gì mà chỉ trân trân nhìn tôi với sự ân hận và tuyệt vọng. Cô nói đi? Mấy tháng?Mấy năm? Cô nói đi! Cô nói đi!
Một tháng? – Đôi mắt của vợ tôi vẫn giàn giụa nước mắt
Hai tháng?
Ba tháng?- Cô ấy gật đầu, một cái gật đầu đầy bi thảm.
Ba tháng, cô ấy đã nghiện ba tháng, nghĩa là cô ấy đến với heroin khi chuẩn bị là vợ của tôi. Thật tồi tệ, tôi không hề tưởng tượng được. Lúc bên tôi, cô ấy rất tươi tỉnh như không hề có chuyện gì, cô ấy yêu tôi và tình yêu của cô ấy không hề thay đổi mà còn lớn dần theo thời gian.
Khi chúng tôi trở về nhà, cô ấy dập đầu trước bố mẹ tôi và thú nhận tất cả về tội lỗi của mình, nét mặt của bố mẹ tôi đanh lại trước tiếng khóc của cô con dâu. Ngày hôm sau, cô ấy quyết định về nhà bố mẹ ruột ở tận Đắc Lắc. Trước khi ra đi, cô ấy thảng thốt: “Lẽ ra chúng ta không nên đến với nhau. Em đã lừa dối anh, lừa dối mọi người, em là kẻ hư hỏng. Em sẽ về nhà bố mẹ, em sẽ cai nghiện” vợ tôi ngưng lại và đưa ra một tờ giấy ly hôn đã ký sẵn tên của mình, cô ấy nói tiếp trong tiếng nấc với giọng van nài đầy tuyệt vọng.
“Anh có thể ký nó bất kỳ lúc nào, nhưng em hy vọng anh không ký trước khi em cai nghiện xong”. Bi kịch cuộc đời đã xảy đến với tôi trong những ngày tháng hạnh phúc nhất của đời người đàn ông. Thời gian đã qua đi, tờ giấy ly hôn có sẵn chữ ký của vợ tôi vẫn nằm sâu trong bóng tối của chiếc ngăn kéo tủ, nhưng nó đều đặn được đưa ra ánh sáng mỗi ngày bởi bàn tay run rẩy của tôi
… Lần thứ sáu mươi tôi lôi nó ra và cất vào thì phần dành cho chữ ký của tôi vẫn là khoảng trắng, nó như là một khoảng trắng đè nặng con tim tôi. Phải chăng trong trái tim tôi vẫn còn hình bóng của cô ấy? Có lẽ vậy! Nhưng tôi chắc chắn rằng tình yêu tôi dành cho cô ấy đã không còn như xưa nữa, vậy tại sao tôi lại không thể ký vào tờ đơn ly hôn?
Mỗi ngày tôi đều đặt bút lên mặt phẳng của tờ giấy mà không lê được nét mực nào, thì đó có phải là một cực hình đối với tôi không? Nhưng nếu ký vào đó tôi sẽ hủy hoại những gì đẹp đẽ nhất mà chúng tôi đã có với nhau, trong khi chúng tôi cũng có thể bắt đầu lại từ đầu vì cô ấy đã không còn là một con nghiện nữa.
Tham lam và nông nổi, không ít người đàn ông đã tự nhảy xuống hố sâu do mình tự đào. Còn tôi, tự “bỏ mồi bắt bóng” rồi mới hối tiếc “con cá mất là con cá to”.
Cặp bồ với vợ cũ
Tham bát bỏ mâm
Cách đây 15 năm, tôi gặp tình yêu sét đánh với cô bạn học cùng đại học. Nhưng gia đình tôi chê cô ấy “từ núi tụt xuống”, không xứng với trai phố cổ như tôi. Rồi đám cưới cũng diễn ra suôn sẻ. Gia đình tôi mang tiếng “phố cổ” nhưng chỗ chui ra chui vào chỉ được 30m2, 3 cặp vợ chồng sinh sống. Cô ấy là giáo viên cấp 2, tôi xin vào làm cán bộ phường.
Tuy làm trong ban địa chính của quận nhưng tôi không rành về kinh doanh đất cát. Còn vợ tôi tuy là giáo viên nhưng lại nhanh nhẹn, sắc sảo. Đặc biệt, cô ấy rất “thính” với các mảnh đất đang được giá. Nhờ sự tư vấn, quyết đoán của cô ấy trong việc mua đi bán lại mà gia đình tôi chẳng mấy chốc khấm khá, mua được nhà riêng, ô tô.
Tôi cũng chuyển công tác sang một công ty chuyên về xây dựng. Tiền tài, địa vị, vợ con đều sung túc, yên ấm. Tuy nhiên, sóng gió nổi lên khi tôi gặp một cô sinh viên trẻ về thực tập. Vẻ xinh đẹp, thơ ngây khiến tôi xốn xang. Khác với những cảm xúc êm đềm trong mối tình đầu, lần này, tôi yêu mãnh liệt, cồn cào. Tôi như chợt nhận ra rằng, đây mới thực là tình yêu.
Lần đầu tiên, tôi thấy mình vĩ đại, cần thiết với ai đó. Cô ấy ngưỡng mộ, tán dương, nũng nịu tôi. Những câu chuyện thỏ non từ đôi môi xinh xinh, giọng nói lí lắc khiến tôi càng bị cuốn hút, say mê. Trong khi, cho dù kinh tế gia đình khấm khá, vợ tôi có đầu tư thêm về trang phục, đầu tóc nhưng vẫn thấy cũ kỹ.
Chuyện tình cảm của tôi chẳng mấy chốc bị lộ. Vợ tôi buộc tôi phải lựa chọn giữa gia đình và tình nhân. Sau mấy lần chia tay “đẫm nước mắt”, tôi thấy mình không thể sống thiếu những giây phút “thăng hoa” bên người tình nên dứt áo ra đi trước sự phản đối kịch liệt của bố mẹ. Giấy ly hôn ký chưa ráo mực thì tôi vội vã lên đời “bồ” thành vợ. Hai đứa con vợ nhận nuôi cả, tôi càng rảnh rang vui duyên mới.
Rối như tơ vò
Đám cưới chưa bao lâu thì tôi đã thấy mệt như chạy marathon. Cô vợ trẻ hơn tôi 14 tuổi luôn nhõng nhẽo, đòi hỏi. Đi làm về mệt, tôi chỉ muốn được nằm nghỉ ngơi, thưởng thức bữa cơm nóng sốt do vợ nấu thì vợ lại đòi đi ăn hàng, xem phim, xem ca nhạc. Tôi cũng không quen với những cuộc gặp gỡ sinh nhật, dự tiệc với bạn bè rất ồn ào của vợ tôi.
Để “hòa đồng”, quần áo của tôi cũng màu mè, “body” giống như thời trai tráng 20, khiến tôi xuất hiện ở cơ quan là đồng nghiệp lại cười ré lên trêu chọc. Tôi còn đi tập nhảy, tập hát karaoke nhuần nhuyễn để hòa nhập với bạn vợ. Nếu tôi không đi thì nàng lại khóc lóc, chê chồng “ông già” và giở các chiêu “cấm vận”. Muốn nàng sinh một đứa con cho cuộc sống vợ chồng gắn bó hơn thì nàng cũng từ chối vì “cần thời gian phấn đấu cho công việc”.
Những lúc buồn chán, mệt mỏi, tôi lại về thăm con. Hai đứa trẻ thấy bố về mừng vui hớn hở, thường giữ bố lại ăn cơm. Lâu ngày không được bữa cơm tươm tất, ngửi mùi những món ăn quen thuộc vợ cũ nấu, tôi cũng thòm thèm. Vợ cũ thấy con vui mừng cũng không nỡ “đuổi”. Mâm cơm lại như ngày xưa, có bố, có mẹ, hai đứa con cứ huyên thuyên không dứt.
Hai vợ chồng cũ thi thoảng lại nhìn nhau ngượng nghịu, nói với nhau những câu vu vơ. Vợ cũ tôi từ ngày ly hôn gầy hơn, nhưng ăn mặc tươm tất, có lẽ vì có mặt tôi nên cô ấy còn trang điểm nhẹ, trông càng mặn mà, quyến rũ. Tôi không ít lần nhìn lén vợ cũ, cố giấu một hơi thở dài.
Quen lối cũ, tôi càng ngày càng năng qua thăm con và ở lại ăn cơm. Lần nào cũng chào đón tôi bằng những món tôi thích nhất. Rồi chuyện gì đến cũng đến. Trong một lần vợ mới đi công tác, tôi đến ăn cơm chỗ các con, lại vướng trời mưa to đành xin nghỉ tạm. Khi con cái đi ngủ, vợ cũ mang rượu ra đối ẩm, ôn lại thuở đại học. Chuyện nở như ngô rang, chúng tôi cười vui hết cỡ. Tiếng cười chợt tắt khi ánh mắt chúng tôi gặp nhau, thấy ngọn lửa đam mê cháy bùng.
Sáng ra, chúng tôi nhìn nhau ngượng nghịu vì những cảm xúc bao lâu gặp lại, cũng bởi vì rơi vào tình thế rối như tơ vò. Nhưng một lần nữa, tôi lại chạy theo những cảm xúc mới, lại gọi vợ cũ và rủ cô ấy về nhà. Vợ cũ như mưa rào gặp hạn, quyến rũ tôi hơn bao giờ hết. Chúng tôi lén lút gặp nhau, thậm chí phải giấu cả các con vì không biết giải thích với chúng thế nào. Nhưng sau những lúc mê đắm, vợ cũ chợt thấy chạnh lòng.
Cô ấy dằn vặt tôi vì sao lại để cô ấy rơi vào tình cảnh vụng trộm. Người trước kia là chồng mình nay lại phải “ăn vụng”. Tôi cũng không có đường lui khi vợ hai đã có bầu, lại không thể đối mặt với sự cười chê của họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Lại càng ngày càng nhận ra mình không thể mất “vợ cũ”. Tôi thấy ghen với sự rạng rỡ của vợ cũ nên thường xuyên tìm cách kiểm soát, dò hỏi, dằn vặt cô ấy. Còn cô ấy lại ấm ức, khó chịu mỗi khi nghĩ về thiệt thòi của mình.
Tôi có hai người đàn bà, hai nhà để về. Nhưng giờ tôi chẳng muốn về đâu. Suốt ngày, tôi chìm trong men rượu, mệt mỏi, đau khổ. Tôi hận mình đã tự đánh mất hạnh phúc, đẩy mình vào tình trạng dở khóc dở cười này.
Là bạn học thân nhau từ thủa cấp ba, tưởng đâu chúng mình sẽ là một cặp trời sinh thanh mai trúc mã (như trong nhiều bộ phim Hàn Quốc vẫn chiếu trên TV đó). Nhưng… em đã ở trong tầm tay rồi mà anh dại khờ vẫn để hạnh phúc vuột trôi đi mất…
Chợ Giáng sinh ở Warsaw
Cùng là con nhà cán bộ công nhân nòng cót, nhưng gia cảnh nhà em khó khăn hơn nhiều vì con đông, ba mẹ đều là con trưởng, gánh gia đình hai bên nội ngoại đều rất nặng vào cái thời bao cấp người khôn nhưng của rất khó đó.
Anh sướng hơn vì là con một, là cháu đích tôn nên dù đồng lương cha mẹ cũng eo hẹp, nhưng được cả dòng họ xúm vào chăm sóc với đủ mọi chính sách ưu tiên. Ngay cả vào những ngày tháng khó khăn nhất, dù chạn thức ăn cũng trống trơn như nhà em thì mẹ vẫn vắt óc nghĩ ra được một giải pháp bồi dưỡng riêng cho cậu quý tử. Đó là mỗi khi nấu cơm cho thêm lưng bát nước, cơm sôi chắt ra pha chút đường ép anh uống “lấy sức mà học cho giỏi”…
Thi thoảng có khoản bồi dưỡng trực đêm mẹ dúi cho, anh đều bấm bụng… không thèm liếc qua hàng xôi sáng, hàng chè đỗ đen tối, hàng quẩy nóng, bánh bao đêm để dành tiền mua vé mời em đi xem. Nhưng dù nào học nhóm chung, nào cùng em đi vớt bèo nuôi lợn, nuôi gà đỡ mẹ kiếm thêm tiền bỏ ống, đạp xe hàng mấy chục cây số chở em về quê nội quê ngoại…mà mãi tới khi xem bộ phim cuối cùng thời học sinh bên nhau có tựa đề “Tháng nóng nhất”, anh vẫn chưa dám… cầm tay cô bạn xinh nhất lớp.
Em nhận giấy báo trúng tuyển đi học nước ngoài trước, anh hân hoan được ba mẹ em tín nhiệm giao trọng trách tiễn con gái tới địa điểm tập kết (để từ đó có xe đón đi tiếp tới biên giới, rồi mới đi tàu qua nước bạn). Người đi học, người tiễn đông như kiến cỏ, chỉ kịp nắm vội tay em dặn dò: – Cậu nhớ giữ gìn sức khỏe, tới nơi viết thư ngay cho tớ.
Không muốn nói cho em biết anh đã tình nguyện nhập ngũ vì chưa có gì chắc chắn dù đang tổng động viên. Y như rằng, anh lẻn đi được vài hôm thì cha mẹ biết, tróc nã lôi về cho bằng được để rồi anh cũng rời VN nhưng là đến một đất nước khác có “mùa tuyết tan” và “đường bạch dương sương trắng nắng tràn”…
Từ nơi xa xôi không còn âm vang tiếng bom đạn nữa, anh mới đủ can đảm ngỏ lời với em qua những dòng chữ run rẩy. Thư đi từ lại, cũng hứa hẹn rồi giận dỗi rồi làm lành… chẳng còn nhớ nổi là bao nhiêu lần nữa. Có điều ngày trở về chúng mình lại đôi ngả đôi đường, mà thật ra cũng chẳng ai hiểu rõ sự xa cách bắt đầu từ đâu…
Tới dự đám cưới người xưa mà lòng anh tan nát, giận mình, giận em tới mức cũng đã thầm nguyền rủa… Rồi em sẽ phải ân hận vì đã rời bỏ anh. Gia đình tưởng đâu hạnh phúc của em ai dè lại nửa đường đứt gánh, em biến mất tăm âm thầm chịu đựng cảnh một mình nuôi con. Anh thì cứ hết mối tình trước chưa kịp đậm đà đã tới mối tình sau…vẫn nhạt đều như thế.
Rồi anh cũng cưới được một cô nàng xinh đẹp trẻ hơn mình cả chục tuổi và cũng vì cơm áo gạo tiền mà trôi dạt trở lại chốn xưa. Với vốn ngoại ngữ và vốn đường đời đã dày hơn nhiều sau những năm tháng lăn lộn kiếm sống vất vả nơi quê nhà, anh hùng hục như con thiêu thân lao vào thương trường. Cũng từng vài ba lần trắng tay, thậm chí còn suýt tù tội… rồi anh cũng làm được cái gì đó cho tương lai vợ con, để rồi trở lại gặp em với một tư thế hoàn toàn khác.
– Nghe danh anh đã lâu, nghe nói đã là một trong những “tướng” hoặc “soái” đi đâu đều có vệ sĩ Tây tiền hô hậu ủng? – Em khum tay vờ làm micro phỏng vấn một trong những đại biểu Việt kiều về nước ăn Tết.
– Còn mẹ con em giờ ra sao? Em sống có hạnh phúc không?
– Cháu đã lớn và đi du học, em vẫn… phòng không… Cũng có người này người kia, hoặc được giới thiệu, hoặc tự mình gặp gỡ… Nhưng thương mẹ chồng em quá, cụ đã hy sinh tất cả để một mình nuôi con. Con trai mất rồi, chỉ còn con dâu và cháu nội là nơi nương tựa…
Vợ anh giờ đang sống cùng con du học bên Mỹ. Cô ấy tự nhận mình là “dâu Tây” chỉ có thể bày tỏ tình cảm với cha mẹ chồng bằng những khoản tiền được gọi là “kiều hối” chuyển về nước mỗi năm. Thi thoảng có bay về ViệtNam dăm bữa nửa tháng lại đi suốt từ sáng đến tối lo chuyện hàng họ, đối tác làm ăn, du lịch. Hiếm khi ăn được với các cụ bữa cơm nói gì tới chuyện trò, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người mà tiền của đã chẳng còn ý nghĩa.
Khi đã lại lênh đênh trên những tầng mây trắng xốp, anh chợt thấy lòng mình chua xót. Nếu như chồng em không đi trên chuyến máy bay định mệnh rơi ở gần Bangkok ngày nào, anh ấy chắc chắn đã hạnh phúc hơn anh rất rất nhiều… Nhưng hạnh phúc chẳng phải chỉ như chiếc chăn hẹp đó sao, người này kéo được nhiều hơn thì người kia ắt phải chịu lạnh. Mà em của anh bao giờ chẳng sẵn lòng nhường may mắn hơn cho người khác…
Hùng không thể nào chống lại nổi sự mê hoặc của người đàn bà đang độ “chín” đó.
Ánh mắt đó khiến một thằng con trai đang lớn như Hùng cảm thấy tâm thần bấn loạn (Ảnh minh họa)
Người đàn bà có sức mê hoặc
Hùng không biết bố mẹ đẻ của mình là ai, chỉ biết ngay khi Hùng ra đời, họ đã vứt đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn trước cổng trại trẻ mồ côi. May mắn hơn những đứa bé cùng cảnh ngộ trong trại, khi lên 2 tuổi, Hùng được bố mẹ nuôi nhận về. Bố mẹ nuôi thương yêu Hùng hết mực, cố gắng bù đắp những bất hạnh Hùng sớm phải mang. Gia đình nhỏ bé đó đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc.
Bố Hùng vốn khởi nghiệp từ một cửa hàng nhỏ bán đồ gia dụng, sau nhiều năm tích cóp, cũng mở được một công ty riêng. Ông làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, vì mẹ Hùng không khỏe, nên chỉ ở nhà chăm sóc ông bà và Hùng. Năm Hùng 17 tuổi, mẹ bất ngờ bệnh nặng rồi qua đời, khi đó bố Hùng mới ngoài 40 tuổi.
4 năm sau, một phụ nữ trẻ chính thức được ông đưa về nhà, trở thành “mẹ kế” của Hùng.
Đó là một người phụ nữ đẹp và khôn khéo, quê ở Quảng Ninh. Khi lấy bố Hùng, cô ta mới 28 tuổi, kết hôn lần đầu. Hùng biết cô ta không yêu bố anh, thỉnh thoảng khi bố vắng nhà anh vẫn bắt gặp cô ta gọi điện cho ai đó bằng cái giọng đưa đẩy ỡm ờ. Cả cái cách cô ta nhìn những người đàn ông khác. Ánh mắt cô ta nhìn như xoáy vào cơ thể đang độ phổng phao của anh.
Bố Hùng thường xuyên đi công tác, một năm có khi chỉ ở nhà chừng 6 tháng. Năm đó Hùng 22 tuổi, ăn tết xong, ông lại xách va li đi mấy tỉnh miền Nam. Những ngày đó, thỉnh thoảng từ ban công phòng mình, anh lại nhìn thấy mẹ kế trang điểm, ăn mặc đẹp, đi khỏi nhà với một người đàn ông chờ sẵn ngay ngoài cổng. Có những hôm thức muộn, anh nghe thấy tiếng cô ta cười khanh khách, đi lên cầu thang với bước chân loạng choạng của kẻ say. Cảm giác căm ghét ngày càng đầy ứ trong lòng. Nhiều lần Hùng định gọi điện cho bố, nhưng lại thấy thương ông, sợ ông sụp đổ nên khi nhấc máy lên, anh lại chỉ hỏi những chuyện sức khỏe thế nào, làm ăn ra sao.
Cuộc tình tội lỗi
Chuyện đó xảy ra vào buổi tối sinh nhật mẹ kế. Hôm đó, cô ta bảo Hùng đưa đi mua mấy thứ cho bữa tối. Khi bàn ăn được bày biện lên, Hùng hơi lúng túng vì thấy khung cảnh lãnh mạn như dành cho các cặp tình nhân đó. Hôm ấy mẹ kế uống hơi nhiều rượu, ánh mắt lúng liếng đầy hơi men chốc chốc lại liếc nhìn Hùng đầy nhục cảm. Ánh mắt đó khiến một thằng con trai đang lớn như Hùng cảm thấy tâm thần bấn loạn, cảm giác yêu ghét đan xen lẫn lộn. Khi bữa ăn gần kết thúc, mẹ kế chợt cười lả lơi, đến đứng gần rồi nói với Hùng rằng cô ta thích Hùng, nếu như được quay lại thời thiếu nữ, chắc chắn sẽ chọn anh. Hùng hoảng sợ, vội vàng bỏ chạy khỏi nhà.
Hùng không biết đi đâu ngoài việc tìm đến quán bar mà thỉnh thoảng anh cùng bọn bạn đến chơi, gọi rượu rồi cứ thế uống từng cốc lớn với hy vọng xua đi những ý nghĩ quái dị đang lảng vảng, ám ảnh trong đầu. Anh uống đến lúc say mèm, tới lúc một người quen nhận ra, gọi taxi đưa giúp về nhà. Trong cơn say choáng váng, Hùng thấy mẹ kế dìu mình lên phòng riêng, đặt nằm lên giường, rồi sau đó là một cơ thể ấm áp thoảng mùi nước hoa đắt tiền ôm riết lấy Hùng… Ngày hôm sau tỉnh dậy, Hùng hoảng hốt, hồn xiêu phách lạc khi trông thấy mẹ kế nằm ngay cạnh mình, trên người không mảnh vải…
Những ngày tiếp sau đó, Hùng sống trong trạng thái bất an, ý nghĩ về mẹ kế cứ lẩn quất trong anh không thể nào xua đi nổi. Anh bị giày vò bởi sự hối hận sâu sắc, cảm giác có lỗi với người cha đã cưu mang mình từ nhỏ, nhưng đau khổ hơn là cảm giác ham muốn mỗi khi nghĩ đến người đàn bà đó. Mấy tháng sau, trong một lần bố đi công tác khác, Hùng lại tiếp tục “quan hệ” với mẹ kế thêm một lần nữa. Dù không muốn, nhưng anh không thể nào chống lại nổi sự mê hoặc của người đàn bà đang độ “chín” đó. Càng ngày Hùng càng dấn sâu hơn vào cuộc tình tội lỗi. Để ngăn không cho cô ta gặp gỡ những người đàn ông khác, Hùng từng khóc lóc van xin, thậm chí còn có lần cắt mạch máu tay tự tử… Có lần, Hùng đề nghị mẹ kế cùng bỏ trốn đến một nơi thật xa, để bắt đầu cuộc sống mới. Cô ta cười, nụ cười đầy vẻ thương hại khiến Hùng hiểu ra không bao giờ có chuyện đó.
Năm Hùng tốt nghiệp đại học, bố nói về công ty làm, nhưng Hùng nhất quyết vào Nam tìm việc. Anh không dám ở lại căn nhà đó lâu hơn nữa. Nhiều lần bố gọi điện giục về tiếp quản việc kinh doanh, anh đều lấy cớ quá bận để thoái thác. Hùng biết bố nhớ anh, bản thân anh cũng nhớ và thương ông hết mực, song anh không dám quay về để phải đối mặt với mẹ kế, sợ sẽ lại không kiểm soát được bản thân mình. Người đàn bà ấy, như một bóng ma ám ảnh suốt cuộc đời anh…
– Nhỏ to tâm sự chuyện tình cảm tình yêu hôn nhân gia đình và cuộc sống