Tag Archives: việt kiều

Dứt khoát là em không lấy anh, kể cả trên đời này em ế nó mốc lên!

Anh này là người Việt sinh sống ở California (San Jose), người gốc Đà Nẵng, hồi đó sau khi ‘giải phóng’, cuộc sống sung túc quá, chịu không nổi nên “ôm phản lao ra biển” theo người ta, cuối cùng được qua Mỹ.

Hồi đầu những năm 2000 anh ấy về VN tìm vợ, cũng tán tỉnh nhiều cô lắm nhưng mà cái tính bủn xỉn, keo kiệt nên họ chạy hết (cái này hồi sau mới rõ).

Tới lượt mình, mặc dù được cảnh báo trước nhưng cũng không nghĩ tới mức như vậy, một phần thấy anh này cũng yêu mình nên cũng xúc động, cái gì chứ cứ ai yêu mình nhiều là xúc động ngay.

Lúc đó mình cũng hơn 30 rồi, mẹ giục dữ lắm “học cho lắm vào, lo mà lấy chồng đi”.

Anh này cũng không còn trẻ nữa nên thấy mình ưng là vội vàng dẫn về nhà, cha mẹ mất hết rồi chỉ còn các chị thôi.

Ra Đà Nẵng, ông ấy hỏi “em thích ăn cua không, mình đi chợ mua cua”.

Ừ thì đi. Lúc ra chợ. Cái chợ gì ở quận Cẩm Lệ ấy họ bán hàng rất trật tự. Họ ngồi một hàng từ đầu chợ tới cuối chợ.

Đầu chợ là những cái gì ngon và mắc tiền, cuối chợ là giá giảm dần.

Nhìn thấy con cua to lắm, mình nói “anh ơi, mua con này này” (chắc khoảng 1 kg/con).

Không, em, lại đây nè.

Mình qua hàng kế tiếp, cua nhỏ hơn, khoảng 800 gram 1 con.

Anh ơi, mua con này đi.

Không, xuống dứoi này đi em, ông ấy đi trước còn mình thì đi sau.

Mình lại vào hàng 1kg khoảng 2 con, “anh ơi, mua mấy con này đi”.

Không, em, xuống đây nè.

Lúc này mình thấy câu sấm truyền của bà chị ứng nghiệm rồi “thằng B nó hà tiện lắm đó em, mấy cô trước không ai chịu nổi”. MÌnh dừng lại, câm mồm, không nói gì nữa, cứ lẽo đẽo theo sau xuống mãi tận cuối chợ có hàng không phải cua mà là … ghẹ, con ghẹ bé tý mà chết ngắc rồi. Ổng ôm xô hết cả rổ đếm đươc 24 con. Ổng nói “ăn cái này nè em, 1 rổ này có mà ăn đã luôn”.

Về, lúc đó khoảng 7-8 giờ tối, mình chán lắm rồi, muốn bỏ về nhưng mà trong đầu lý trí bảo rằng không bỏ được, ít gì thì phải dắt về quê cho mẹ yên tâm cái đã rồi mình tính sau.

Ổng luộc 1 rổ ghẹ lên thấy toàn tay chân, không thấy thân mình con ghẹ đâu. Ổng giục mình “ăn đi em, ăn đi, ăn đi cho nóng”

Không, em không ăn. Muốn ăn thì ăn cho đàng hoàng, ăn cái kiểu năm Ất Dậu là em không ăn. Xong, ổng với mấy đứa cháu ngồi ăn. Ra tới bờ biển mà đi ăn ghẹ chết thì có mà điên. Tại sao phải ăn? “Mặc dù lương em thấp nhưng em ăn là đàng hoàng chứ kiểu 1 quả trứng luộc cắt đôi làm 2 bữa là em không ăn”.

Đáng lẽ mình không bực nhưng mà ông ấy khoe khoang quá. Lúc nào cũng nói là buôn bất động sản nhiều tiền, mới về hồi sáng, trưa dắt mình đi ngân hàng rút nửa tải tiền về quăng ở góc nhà. (chắc để thử lòng mình).

Tối dắt mình đi mua giày với mua cái “ăn đờ goe”, mình mua 2 đôi giày và tất nhiên là mình tự trả tiền. Về nhà khoe với bà em dâu liền “anh mới dắt cổ đi chợ nè, mua được 2 đôi giày, đẹp không, đẹp không?”

Đẹp cái đầu ông ấy, nói vậy người ta lại tưởng tôi lợi dụng ông.

Xong, đi mua cái “ăn đờ goe” thì ông ấy bảo “em mua cái ít tiền thôi, mặc ở trong ai mà thấy?”

Lúc này nóng máu rồi, cái thứ đàn ông gì mà miệng như đít vịt, nói nhiều mồm không kịp mọc da non.

Mình bảo “anh có im cái miệng đi không, em mua, em mặc, tiền của em, em muốn mua cái gì là quyền của em, mắc gì anh góp ý này nọ?”

Tại vì hồi đó mình làm kinh lắm, 80 giờ 1 tuần nên không có thời gian đi đâu cả, cho nên mới tranh thủ đi mua đồ lúc ra đó chơi.

Sau này còn dài nữa mà thôi, lúc khác kể.

Đại khái dẫn về nhà xong mẹ nói “mày định lấy thằng này hả, mẹ không thấy được, đàn ông đàn ang gì mà cái miệng y như đít vịt”

Dạ, không, con đâu có định lấy, tại mẹ giục quá nên con đưa đại về. Mẹ không thích thì thôi nhé, từ bây giờ kệ con, lúc này con muốn lấy thì con lấy, mẹ mà giục nữa con lại đưa thêm một cái đít vịt nữa về ra mắt đó”.

Xong, xuống Hà Nội. Ổng mua cho mình cái vé tàu nằm giường tầng 3 sát mái.

Ối cha mẹ ơi, nó nóng thấy mẹ luôn. Có hai mẹ con chị kia ở tầng 2 và tầng 1, chị con gái nói “em cá với chị, nếu vào SG mà chị không bỏ ông này em đi đầu xuống đất”.

Sau đó mình vào SG một mình còn ổng đi Mỹ luôn.

Mình email nói thôi là hết em đi đường em, kỷ niệm chúng mình chỉ có bấy nhiêu thôi.

Ổng xin lỗi, thôi anh biết rồi, em không lấy anh thì em lấy ai?

Không, dứt khoát là em không lấy anh, kể cả trên đời này em ế nó mốc lên y như nấm mốc ấy thì em cũng không lấy anh, để nhện nó giăng tơ chơi vậy đó.

Bây giờ anh cho em biết, làm sao để em thanh toán lại cho anh 2 cái vé tàu, số tiền mà anh đã bỏ ra để mua vé cho em. Các bữa mình đi ăn ở biển ấy, anh cưa đôi sòng phẳng đi, mặc dù em không uống bia rượu gì nhưng anh cứ cưa đôi đi cho dễ.

Ổng không dám cưa và cuối cùng là coi như mình còn nợ ông ấy 2 cái vé tàu giá của 20 năm về trước.

Còn dài nữa mà tóm tắt vậy thôi. Kể nữa xấu mặt đàn ông rồi nhiều người lại tự ái, hehe.

Tác giả: Lê Nhàn

Nỗi niềm của người xa xứ

Về nước lần này, không biết khi nào anh mới trở lại Việt Nam. Trái với sự hồi hộp, náo nức mong trở lại quê hương trong những ngày sắp về Việt Nam sau gần mười năm xa cách, cảm xúc của anh giờ đây chỉ là sự chán nản, mệt mỏi, mỗi khi nghĩ tới chỉ thấy buồn.

Gần mười năm trước, anh lấy vợ rồi theo gia đình vợ xuất cảnh ra nước ngoài. Vợ chồng làm việc đầu tắt mặt tối, không dám ăn xài phung phí nên cũng dành dụm được kha khá. Hầu hết gia đình bên vợ anh đã định cư ở nước ngoài nên cô ấy chẳng phải lo lắng gì nhiều. Còn anh, ngoài những khoản lo cho gia đình riêng của mình, mỗi tháng anh đều dành ra chút ít gửi về lo cho gia đình vốn chẳng khá giả gì của mình (dĩ nhiên là có sự đồng ý của vợ anh). Ngày anh xuất cảnh ra nước ngoài, dưới anh còn 4 đứa em đang đi học, chỉ có anh Hai và chị Ba đi làm, gia đình tuy khó khăn nhưng vẫn đầm ấm, thuận thảo. Nay tất cả anh em đều đã có công ăn việc làm, có gia đình riêng, ai cũng có mối bận tâm riêng của mình. Theo anh biết, mỗi tháng mấy anh chị em của anh đều gửi một số tiền cho cha mẹ để dưỡng già, nhưng tuyệt nhiên không một ai ở gần bên để trông nom, chăm sóc cho hai ông bà ngoài cô bé giúp việc dù cả hai cụ đều đang cận kề cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Trong một phút chạnh lòng, cảnh tượng ấy khiến anh liên tưởng: nếu như các anh chị em của anh cũng đưa ba mẹ vào một viện dưỡng lão nào đó chắc cũng không khác gì cách sống ở xứ sở của anh hiện tại. Thời gian gần hai tháng lưu lại nhà đã giúp anh hiểu được lý do tại sao ngày anh về tất cả anh chị em cùng con cháu phấn khởi ra sân bay đón nhưng ngày tiễn anh đi chỉ loe ngoe có mấy người. Ở trong căn nhà cũ kỹ, tồi tàn của cha mẹ, nơi anh từng sinh ra và lớn lên, anh không khỏi bùi ngùi, xót xa khi đến thăm “cơ ngơi” của mấy anh chị em mình. Lúc trước, anh cứ ngỡ ai cũng khó khăn, nghèo khổ nên không đủ khả năng rước cha mẹ về lo, giờ tận mắt chứng kiến sự sung túc của mỗi người, ai cũng lo cho cái tổ ấm của mình, anh mới thấm thía hết vị mặn của những giọt nước mắt của mẹ anh trong ngày đón anh trở về. Người thì giải thích là do sợ phiền phức đến bên vợ (hoặc bên chồng), người thì lo ngại một gia đình có hai, ba thế hệ sống chung sẽ không hòa hợp… Nói chung là đủ thứ lý do, cái nào nghe cũng hợp lý, cũng chính đáng. Có điều, anh chẳng hiểu chữ hiếu các anh chị em mình đặt ở đâu, bản thân anh do hoàn cảnh mới phải xa gia đình chứ nếu còn ở đây, hẳn anh đã không để cho ông bà cụ đơn độc, quạnh quẽ lúc tuổi xế chiều như thế.

Trước khi về thăm nhà, anh đã chuẩn bị sẵn một số tiền, dự định để chia làm 6 phần cho anh chị em làm quà ngoài phần dành cho ba mẹ, điều đó cũng được anh báo trước với cả nhà cho mọi người vui nhưng nhìn thấy sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của ba mẹ anh, anh đã thay đổi ý định.

Những hôm đầu anh mới về, anh chị em anh người nào người nấy cũng vui vẻ săn đón, kêu anh về nhà mình ở cho thoải mái, lại còn sai con làm tài xế nhiệt tình đưa rước. Ðiều đó làm anh thấy vô cùng xúc động, ấm áp khi sống giữa tình thân và sự quan tâm của những người ruột thịt trong lần đầu tiên trở về với gia đình. Nhưng điều làm anh thật sự ngỡ ngàng, ngỡ ngàng đến thảng thốt, đó là khi mọi người thấy anh không làm đúng như lời hứa trước lúc về Việt Nam. Cầm số tiền ít ỏi của anh gửi mỗi người “làm quà cho các cháu”, có người cười mỉa mai, có người tỏ ra giận dỗi khi kể lể công lao lo cho ba mẹ, lại có người thẳng thừng trách anh vô ơn vì ngày xưa đã phụ giúp ba mẹ nuôi anh ăn học… Ðứng trước tình cảnh đó, không ăn ớt mà anh vẫn thấy cay, nghe như ai xát muối trong lòng, thật anh không sao tưởng tượng được mọi việc lại diễn ra như vậy. Anh muốn giữ lại một số tiền, một phần để chỉnh trang lại căn nhà của ba mẹ anh đang ở để sau này làm nhà thờ tự luôn, phần là để gửi vô ngân hàng, hàng tháng lấy lãi cho ba mẹ anh chi tiêu, phần vốn để phòng khi ông bà cụ có mệnh hệ gì để khỏi làm phiền đến các anh chị em anh. Không biết có ai nghĩ được như anh vậy không nhưng trước quyết định của anh, rõ ràng là mọi người không tán thành ra mặt.

Gần 10 năm… một khoảng thời gian khá dài để vật đổi sao dời nhưng anh không trách thời gian làm thay đổi con người, chỉ buồn vì lòng người mau thay đổi. Anh chẳng mong nhà mình vẫn nghèo khổ như xưa để các anh em anh còn biết quý trọng chữ hiếu nghĩa, hay có khi sống trong cảnh xa xứ, lạc lõng nơi đất khách quê người như anh, biết đâu họ lại cảm thấy gia đình mới là điều thiêng liêng hơn cả? Bỗng nhiên anh nhớ đến những đứa con của mình, sau này không biết chúng có đối xử với vợ chồng anh như thế không?

TRẦN ÐỨC HÙNG VI

Anh Hưng chưa gặp đúng người

Tôi cảm thấy anh không hề ảo tưởng mà phụ nữ bây giờ cũng không hẳn như anh nhận định là “thiếu kiên nhẫn” đâu, mà tôi thiết nghĩ có lẽ anh chưa gặp được đúng đối tượng. Vì trong cuộc sống này mỗi người một quan điểm mà anh. (Linh Nhu Chau)
Continue reading Anh Hưng chưa gặp đúng người