Tag Archives: thớt

Cái thòng lọng

Nhà kia mua về được con chó thau tháu gần chục cân, nói là để trông nhà. Ông chồng bảo vợ, trước nó có cái tên Tây lắm, nghe như tên một cầu thủ ngoại hạng từng được giải chiếc giày vàng. Bà vợ gạt đi, vẽ chuyện, gọi tên ta thôi. Nó vằn vện thế kia, cứ gọi nó là con Vện. Ừ thì Vện

Truyện ngắn chó Vện - Thớt - Cái thòng lọng
Truyện ngắn chó Vện – Thớt – Cái thòng lọng – Minh họa: Lê TIến Vượng.

Thằng con trai gần ba mươi tuổi nhạo báng: “Nuôi chó trông nhà thì phải nuôi từ lúc nó bé tí, giờ thịt được rồi mới đem về thì sớm muộn chỉ giềng mẻ chứ trông nom gì”. Ông bố bực mình, thuận thì mua, tốt thì nuôi, léng phéng thì dao thớt ngay chứ có gì mà tiếc. Thằng con bảo, thì cứ gọi nó là con Thớt, chứ văn veo thế mà gọi Vện có ngày trộm nó gọi đúng tên, rủ ra ngõ câu mất. Ừ cũng có lý. Thế thì gọi là Thớt, coi như là cái tên nội bộ thôi.

Vừa được bà chủ âu yếm gọi Vện Vện, giờ ông chủ lại xoen xoét Thớt Thớt, con chó cứ tưởng họ xui gì, mắt ngây ra không hiểu. Mà con Thớt khôn đến lạ, từ khi thoát khỏi sợi dây xích, nó sinh ra cảnh giác cao độ. Trước tiên là không ăn cơm ngay trước mặt chủ, dù đã đói ngẫu. Nó cũng không tỏ ra thân thiện dù bà chủ mơn trớn, vuốt ve. Cũng không cần cái ổ bằng vải vụn sặc sỡ. Nó cứ lẳng lặng quan sát tất cả từ xa, từ một khoảng cách an toàn tuyệt đối. Trong vòng mấy ngày nó đã qua tay mấy chủ, tin sao được mà chả cảnh giác.

Chủ đầu tiên của nó là dân lô đề. Hôm nào chủ vào cầu, nó gặm xương mỏi răng. Hôm nào chủ đen đủi thì liệu đường mà lỉnh đi chỗ khác, không cẩn thận là vẹo xương sườn ngay vì cú sút từ cự li gần. Hôm ấy, thấy chủ hớn hở chỉ ra đường, nó hí hửng ngỡ được bát phố như mọi khi nên ngoan ngoãn đâm đầu vào thòng lọng. Ai ngờ chủ dẫn nó thẳng đến quán bún thịt chó, buộc dây xích vào gốc cây trứng cá, lạnh lùng đếm tiền rồi dửng dưng về.

Một ông khách mặt tái đi vì rượu nhìn nó bảo: “Con này mỡ lắm”. Bà chủ mới của nó, tức là chủ quán, vặc lại: “Tôi cá là nạc, có mắt ông mỡ thì có”. Một chú choai choai góp lời: “Con này non, mềm không phải nhá”. Ông chủ quán phản hồi tức khắc: “Non gì nữa, nướng là vừa”. Một bác trung tuổi tỏ ra tinh đời chứ không tỏ ra sành ăn: “Con này khôn, thịt thì phí, để trông nhà”. Bà chủ hởi lòng hởi dạ, như thể dù chỉ để làm thịt thì thịt con chó khôn cũng sướng hơn là thịt con chó ngu. Đúng lúc ấy thì ông chủ thứ ba của nó bước ra, ngắm nó một hồi rồi hất hàm hỏi: “Nhiêu? Tôi mua về trông nhà”. Thấy ông khách ăn thịt chó trung thành hỏi mua chó về trông nhà, bà chủ quán phì cười:

– Em vừa quạ của nó bảy trăm đấy chứ có cân kẹo gì đâu, anh trả em nhiêu thì trả.

Ông khách hào phóng móc ví lấy hai tờ đẹp nhất để xuống bàn cười khẩy:

– Cái chậu thiên tuế ra hoa nhà anh bao nhiêu tiền cô biết chứ, trộm khiêng mẹ nó rồi.

Bà chủ quán vừa vơ tiền bỏ túi, vừa sốt sắng:

– Mất bao giờ hả anh?

Ông khách vằn mắt lên như vừa vớ được thằng trộm:

– Tối qua, mẹ kiếp, tao hạn cho một tuần không đem trả, tao thui cả nhà chứ không thèm lột da đâu.

Con chó lẽo đẽo theo chân chủ mới. Thoát được cái hạn dao thớt trong gang tấc, nó không dám nhìn lại cái chỗ sặc mùi sát sinh ấy nữa. Đi được một đoạn, nó dừng lại đánh dấu đường theo thói quen. Ông chủ bực mình kéo mạnh sợi xích. Người qua đường nhìn thấy, mười mươi đoán ông kia dắt chó đi bán.

Nó bị cột vào cái song cửa bếp và giao việc rõ ràng: “Mày trông nhà cho tử tế, đứa nào bén mảng cạnh mấy chậu cảnh, xé xác nó ra”. Vợ nhà kia vốn nông nổi, vừa nhìn thấy con chó xích ở thềm đã rên rỉ: “Trời ơi, có khổ không, suốt ngày ra quán chưa đã hay sao mà còn rước cả con về thịt”. Nhà kia thấy thế chọc thêm vào: “Ngon thế không thịt thì phí của”. Bà vợ giậm chân bành bạch: “Ăn sao hết con chó hả, nóng nực thế này”. Nhà kia nhấm nhả: “Ai bảo không ăn hết, tôi gọi chiến hữu về giải quyết gọn gàng một chầu thôi, bà khỏi lo”. Bà vợ tiếc tiền, róng riết: “Thóc đâu mà đãi gà rừng? Ông chỉ khôn nhà dại chợ thôi. Đấy, anh em đấy, nó xi nhan thằng khác bê bạc trăm của ông đi, ông chưa ngộ ra hay sao?”. Đợi mụ vợ tính hỏa leo lên tận đỉnh, điên tiết lão chồng mới lạnh lùng hạ bà xuống: “Ai mua chó về thịt? Nó trông nhà cho bà đấy, chưa gì đã nhặng lên”. Bà vợ dịu giọng: “Tôi tưởng… Thế tên nó là gì nhỉ?”.

Được bốn hôm xích ấm cổ, đêm thứ năm vợ chồng nhà kia có việc phải đi vắng cả đôi, bèn thả con Thớt ra để xử lí thằng nào dám to gan rình mò. Con Thớt sướng quá nhưng lại không nghĩ đến việc trốn về với ông chủ cờ bạc. Chó không chê chủ nghèo, nhưng lại biết giận chủ bội bạc. Tự do một đêm, nó muốn tự do mãi. Nhà kia chưa có cách nào để xích nó vào cả. Thằng con trai ba mươi tuổi nhà ấy ném thòng lọng vào nó cả chục lần vẫn trượt nên hậm hực kết án nó. Ông bố bỏ ngoài tai mọi tham kiến bất lợi của vợ con: “Tôi nghe bà thả nó ra, bây giờ mẹ con bà nói gì cũng không tin được”.

Con Thớt chuẩn chỉ việc canh gác, rảnh rỗi vẫn nô đùa với ong bướm. Đặc biệt không cắn gà, không vờn chim trong lồng, không dồn mèo, không cậy nồi ăn vụng. Nó tránh xa mọi cạm bẫy, mọi rắc rối. Khách quen thì sủa ba tiếng, khách lạ sủa đến khi chủ nhà quát thôi mới thôi. Đêm hôm thì khỏi phải nói. Cái bọn câu trộm chó chuyên nghiệp dùng đủ mọi trò đều bị nó lật tẩy, như thể nó biết cục thịt ấy có bả, cái tiếng rên ư ử ấy không phải của một con chó cái đến kì mà của một thằng người. Kích điện cũng không chạm được vào người nó vì nó không chạy ra đường… Côn, que, gậy gộc càng chẳng ăn thua.

Làng đồn nhà ấy có con chó khôn, khôn đến nỗi chủ cũng không lừa nổi nó để xích vào. Từ chuyện chó lại ra chuyện người. Chó thì khôn thế mà người thì…

Con trai nhà ấy học ngành xây dựng, nay đã ba mươi, nghe nói yêu kĩ yêu càng một cô giáo viên tiểu học, nhưng khi chuẩn bị cưới thì vỡ lở, cô dâu chẳng phải là cô giáo, mà là con gái sếp cơ quan mới của anh này. Tính từ cái đêm chung chạ đầu tiên đến lúc cô ấy sinh đứa con gái nặng gần bốn cân thì chưa đến bảy tháng trời. Thế mà sếp bảo của anh, anh cũng cắn răng mà chịu.

Cô ấy trẻ đã đành, đằng này du học bên Tây năm năm thì yêu ba anh ngoại quốc, tan hoang hết cả rồi, lại hơn chồng hai tuổi. Mang về nước một con bé tóc trắng như cước, đứa mới đẻ thì tóc hoe hoe vàng. Thế mà mang họ Phạm nhà kia cả mới tài chứ. Mỗi lần anh con trai bàn mổ con Thớt thì nhà kia lại mắng át con: “Mày tham ăn, tham uống hơn nó nên mày mới chết, mày mà là nó thì mày phải bả lâu rồi”.

Mà cũng lạ, cái chị con dâu kia về làm dâu cả năm rồi mà con Thớt vẫn không quen, cứ sủa rát cả tai khiến bố chồng, mẹ chồng cứ phải ra tận ngõ đuổi chó và đón chị ta vào nhà mỗi lần về như thể thượng khách. Mỗi lần bà quát: “Mày mù à?”, ông lại bênh nó: “Đến tôi còn chả nhận ra nữa là con Thớt”. Thực tình, chị con dâu mỗi ngày một mốt. Lúc thì quần áo, phụ kiện chất đầy người như cái móc quần áo di động, lúc lại tơ hơ như chẳng mặc gì. Tóc thì có năm bộ tóc giả, bộ úp vào bờm xờm như cái tổ quạ, bộ thì như búi rơm, bộ thì tua rua như cái chổi. Bộ mượt mà nhất, dài nhất, nữ tính nhất thì lại không hợp với cái khuôn mặt trát đầy phấn. Tóc thật thì dường như cả năm chả dài ra phân nào, trông xơ xác tang thương. Đẹp đã chả phải kì công, tốn kém trang trí thế. Mà đẹp rồi còn làm thế thì mười phần đẹp cũng xấu đi chín phần. Vợ chồng nhà kia cứ thở dài ngao ngán. Đã thế con bé tóc trắng cứ bi bô: “Ông nội ơi, bà nội ơi” mới ức chứ. Ông bảo nó gọi ông là được rồi, nó lí lẽ: “Sao ông không êu êu thôi mà lại êu Thớt là thế nào”. Trẻ con vô tội, ông bà không giận, nhưng thằng bố con mẹ nó thì nguôi thế nào được.

Một bận nhà kia vặn vẹo con:

– Tôi hỏi anh, tiền anh không túng thiếu, công việc không làm chỗ này thì chỗ khác, tại sao anh đâm đầu vào đấy, bôi tro vào mặt bố mẹ anh tiếng tham tiền tham bạc.

Anh kia trải lòng:

– Say rồi thì biết đằng nào. Chết là tại cái clip. Lúc ấy năm tháng rồi, bác sĩ ăn tiền bảo hai con chả còn cách nào.

Nhà kia hỏi con:

– Clip là cái gì mà để đứa đàn bà nó uy hiếp?

Anh con chẳng muốn dài dòng:

– Nó là cái thòng lọng.

Nhà kia gầm lên:

– Thấy chưa, mày không bằng con Thớt. Ăn cơm vào bát mà ngu hơn con chó…

– Ông thôi đi, đừng chửi con nữa – Bà nói – Để tôi rình xem cái clip nó cất đâu tôi đốt.

Thằng con chua chát:

– Nó đưa cho Hạnh rồi?

– Hả? Đưa cho Hạnh càng tốt chứ sao? Để tôi đi lấy, lẽ ra nó đã là con dâu nhà mình rồi.

– Mẹ buồn cười thật, ích gì chứ, Hạnh sắp lấy chồng rồi.

– Thế rốt cuộc cái thòng lọng ấy nom thế nào mà anh lại bị tròng vào.

– Nó là đoạn phim quay cảnh con ngủ với cô ấy.

Nhà kia hiểu ra câu chuyện. Bây giờ chuyện chồng vợ lại phức tạp đến thế nữa cơ đấy. Từ đó họ bớt chửi con, nhưng đầu môi khóe mắt lại hướng về phía nàng dâu bất đắc dĩ.

Cô này thì phớt lờ mọi chuyện, ra điều không thèm chấp. Các người tưởng ta cần các người hay sao? Con các người cũng chỉ là vật thí thân thôi. Cô ta là cao thủ trong chuyện hóa giải mọi hận thù, ân oán. Ngay như chuyện con Thớt chuyên gia nhầm cô với kẻ trộm cô cũng xí xóa bỏ qua, tiệc tùng bên nhà bố mẹ đẻ còn thừa thức gì ngon cô cũng gói đem về cho nó. Bà mẹ chồng khi ngập đầu trong quà cáp, quần áo đắt tiền thì cũng tự ngộ ra những lời chanh chua, tục tĩu không hợp với bà thông gia của ông giám đốc. Ông bố chồng thì ngây ngất trong vườn cây cảnh bạc tỉ với những loài cây lạ mà cổ tới kim ông chưa thấy bao giờ do con dâu ông bằng những giao dịch đặc biệt đã mua được về.

Ngay cả những người thân trong họ nhà ấy cũng gục ngã trước hàng đống quà cáp có giá trị. Chỉ riêng con Thớt vẫn giữ quan điểm bất thân bất sơ và tuyệt đối cảnh giác. Có lẽ cái quán bún thịt chó và những lời bình phẩm sành sỏi của thực khách còn ám ảnh nó. Chỉ sơ sểnh đưa đầu vào tròng là mất mạng.

Vài năm qua đi, chẳng ai còn thừa hơi nói chuyện nhà kia nữa. Chỉ biết, một ngày cuối năm, con Thớt sủa khàn hơi bên trong cánh cửa sắt khóa im ỉm. Bên ngoài, người đứng kẻ ngồi, kẻ thở dài than vắn, kẻ hùng hổ vung dao dọa nạt. Anh tân giám đốc đích thân ra mở cửa trong tình trạng nửa say nửa tỉnh. Vợ anh và ông bố vợ đáng kính đã ôm toàn bộ tiền của công ty bỏ ra nước ngoài rồi, để lại cho anh một món nợ kếch xù. Và tội hơn, bà con họ hàng, của chìm của nổi có bao nhiêu cũng rót hết vào túi của đứa cháu dâu ngọt ngào rồi, bây giờ biết tìm ai?

Chỉ trong vòng một tuần, của nả nhà kia bị siết nợ sạch, còn mỗi cái xác nhà đang chờ ngân hàng xử lí. Một bà phát hiện ra con Thớt béo tốt gằm ghè đứng cổng, bèn bảo nhà kia xích vào cho để đem về, trừ được đồng nào tốt đồng ấy. Nhà kia biết không thể nào bắt được con chó đã thả rông cả bốn năm nên lắc đầu bảo không đồng ý. Bà kia về gọi hai thằng con giai mang cả gậy và bao tải đến. Kết quả của trận ẩu đả là cả hai thằng đều phải đi tiêm phòng và con Thớt thì bị què cẳng chạy đâu mất.

Vợ chồng nhà kia biết tin con trai lĩnh án tù thì gục xuống kiệt quệ trong cảnh không nhà không cửa, không thân tình. Đài báo cứ đưa tin hết chặp này đến chặp kia, hụi sau lại lớn hơn hụi trước, nghe mãi mà cũng không thấy tin hụi con dâu nhà kia bị bắt. Trong một lần đi gom phế liệu, ông bà nghe tiếng chó sủa quen thuộc. Ông thảng thốt bật lên: “Êu Thớt êu!”. Một cái bóng xam xám lao thẳng đến, chồm lên tận ngực ông già. Con Thớt, đúng là con Thớt thật rồi, từ quê xuống đây, cả trăm cây số sao nó biết đường mà tìm. Nó gầy đến lạ, chỉ chục cân như ngày ông hào phóng mua về. Con Thớt cứ quẩn quanh bên chủ cũ sau một năm trời thất lạc. Đêm dưới gầm cầu tối đen, thi thoảng tiếng con Thớt lại sủa lên khe khẽ đuổi bọn chuột.

Một hôm ông đem về sợi dây thừng còn chắc giấu trong đống phế liệu. Bà nhìn thấy, trong lòng buồn buồn, tính toán. Nó gầy thế thì bán được bao nhiêu? Nhưng ít ra cũng được một số tiền đủ để vào thăm con. Kể từ bữa ấy, bà ăn ít hẳn, lấy lí do mệt mỏi không nuốt nổi để nhường cơm cho con Thớt. Cả ông cũng thế. Chẳng bao lâu con Thớt béo lên trông thấy. Nhiều lúc ngượng mồm bà không dám hỏi ông, nên cứ nghĩ một mình. Con Thớt khôn thế có cách nào thòng cổ nó vào mà dắt đi bán. Hay là đánh bả nó? Nó chết rồi thì bán sao được. Bán nó lúc này cũng chẳng khác nào lão Hạc bán con Vàng. Nghĩ mãi chẳng ra cách, bà định bụng sẽ lợi dụng lúc ve vuốt nó rồi đè nghiến ra, ông sẽ đưa dây thừng vào cổ nó, thít lại là xong. Ngày trước nó còn khỏe, chứ giờ yếu rồi, sức đâu mà kháng cự.

Con Thớt chẳng mảy may nghi ngờ gì cả, cứ lăng xăng chạy trước chạy sau, việc của nó bây giờ là trông nom đống phế liệu của ông bà những hôm chưa đi bán được. Hình như nó có vẻ sung sướng hơn cái thời sống đủ đầy thì phải. Đêm, ông bà bàn nhau đi thăm con. Bà xa xôi nói việc để con Thớt chạy rông thì người ta đập mất, hoài của, nó dạo này béo mẫm ra rồi. Ông lơ đi. Để nó lại bầu bạn. Thế chẳng nhẽ cho nó lên xe theo, chắc gì nhà xe đã nghe. Ông cười buồn. Bà bực mình lật tẩy cái tâm địa của ông bằng cách lôi cuộn dây thừng ra. Ông tái mặt một lúc rồi thú nhận: “Tôi định bán nó thật nhưng ngại bà đang nâng niu chăm bẵm nó nên không nói”. Bà đấm vào lưng ông: “Tôi mà lại nhịn ăn vì con Thớt à? Vì con trai tôi thôi, nó gầy thế ai mua. Tôi tưởng ông khôn, mà khôn thì đâu đã lại đứng ra trung gian môi giới cho cái con đĩ Đông Dương ấy nó lừa cả họ để đến nỗi này”. “Bà thôi cái giọng xúc xiểm đi”. Bà khóc. Ông cầm sợi dây thừng thắt thành cái thòng lọng, để ngay cạnh chỗ ngủ. Mắt con Thớt sáng lên như hai đốm lân tinh theo dõi thật sát từng cử chỉ của ông. Bà lẩm bẩm: “Nó khôn thật đấy”. Ông thủ thỉ: “Khôn mấy thì cũng là con chó, tôi đã có cách, bà cứ ngủ đi, lúc nào được tôi gọi”.

Bà mơ mơ ngủ sau một ngày nhọc nhằn bới móc bẩn thỉu. Đội quân thu nhặt rác đông nườm nượp, mà không ra đây bà không biết. Họ là dân mất đất, là dân vùng lũ lụt thiên tai, là người già yếu không còn khả năng làm việc nặng, là kẻ nông nhàn tranh thủ kiếm tiền, là người bám thành phố lấy tiền nuôi con ăn học… Hằng trăm số phận, cảnh đời éo le, nhưng gặp nạn vì con dâu đến nỗi mất nhà mất cửa như ông bà thì chưa gặp ai đồng cảnh ngộ cả. Tất cả là vì cái thòng lọng mà thằng con trai bà bất cẩn đã để lại hậu quả như vậy. Cũng chả riêng nó, ngay như ông bà và bao người họ hàng cũng ăn phải cái bả quà cáp ngọt ngào của con quỷ ấy, để rồi tự rúc đầu vào tròng. Tất cả là do lòng tham mà ra. Bây giờ lại tính toán để hại một con chó kể cũng hèn. Bà cứ trằn trọc mãi rồi cũng thiếp đi.

Ông chờ bà ngủ say thì đem sợi dây thừng ra, gọi con Thớt lại vuốt vuốt tai nó. Con Thớt ư ử rên lên cảm động. Tình nghèo dễ làm cái giống vật này cảm động. Ông khẽ buông nó, đứng dậy đi lên cầu. Con Thớt lẽo đẽo theo sau. Ông cẩn thận buộc sợi dây thừng vào lan can và thả đầu kia xuống. Con Thớt chạy trước ông, hí hửng tưởng ông đặt bẫy con gì. Ông dò dẫm từng bước đi xuống, khi đầu ông chạm vào cái thòng lọng, ông dướn cổ lên định đưa đầu vào thì con Thớt bất thình lình sủa váng lên. Tiếng sủa gay gắt của con chó giống như một câu chửi, một lời thức tỉnh. Từ trong cái đầu u mê, mệt mỏi của ông lóe lên một ý nghĩ: “Phải sống, chết là hèn hạ”. Ông cúi xuống vuốt ve đầu con Thớt. Nước mắt ông ứa ra. Đầu nó đẫm sương, mắt nó như cũng ướt.

Bà nghe tiếng chó sủa thì chắc mẩm, bèn lật đật chạy lên để hỗ trợ ông. Qua ánh sáng lờ mờ của đèn cầu lọt xuống, bà nhìn thấy cái thòng lọng đang đu đưa trong gió. Chân bà muốn khuỵu xuống, miệng không thốt nên lời. Thế mà ông nói… Con Thớt đứng giữa hai người, cứ ngước nhìn sợi dây thừng mà sủa, tiếng sủa nghèn nghẹn âu lo. Ông chậm rãi leo lên, gỡ sợi dây ra, cuộn lại rồi ném xuống sông. Nghe tiếng ũm một cái, đuôi con Thớt ngoáy tít. Mắt bà nhòe nước, tay bà cứ đấm vào lưng ông thùm thụp: “Ông ơi là ông!”

Tác giả: Tống Ngọc Hân