Chiếc xe đạp cũ như một kỷ vật mà bố để lại. Nó theo mẹ trên những nẻo đường không có bố. Nó để tôi chập chững những vòng xe đầu đời, những lần biết ngã đau nhưng vẫn phải đứng lên tiếp tục.
19 tuổi xa nhà đi học đại học, tôi quen dần với cái cảnh đường phố đông người với phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy và ô tô, đôi khi mới bắt gặp một vòng quay xe đạp chầm chậm, thong dong trên đường. Mỗi lần như thế, tôi như hòa vào trong cái vòng quay ấy, vòng quay đưa tôi trở về với những tháng ngày chưa xa với hình ảnh gia đình và chiếc xe đạp cũ.
Miền Trung nắng gió, cơ cực và những vòng quay xe đạp của mẹ là một dấu ấn khó quên trong ký ức tôi. Từ những câu chuyện mẹ kể mỗi đêm, ngày xưa bố mẹ lấy nhau trong cảnh khó khăn, mẹ chẳng có váy áo lung linh như người ta, bố chẳng có xe đẹp đến đón mẹ về, bố đạp xe hơn 30 cây số đón mẹ về bằng chiếc xe đạp cũ. Ấy thế mà bố mẹ vẫn sống với nhau hạnh phúc, thậm chí còn hơn nhà người ta nữa.
Tôi còn nhớ như in những lần cả nhà đi chơi trên chiếc xe đạp ấy, mẹ ngồi sau ôm anh trai tôi, còn tôi ngồi trên yên xe cùng với bố. Bố chỉ đạp những vòng xe chầm chậm, đi qua những con đường gió lộng, những cửa hàng ăn rồi bảo với tôi, với cả mẹ và anh trai: “Sau này có tiền nhà mình sẽ còn đi ăn ở những nhà hàng đẹp hơn thế, được không con gái”. Cả nhà cười lên thật vui, tiếng cười trẻ thơ của tôi và anh trai, tiếng cười của bố và mẹ thảnh thơi một chút sau bao nhiêu lo lắng cuộc đời. Tôi nhớ! Hạnh phúc 7 năm, rồi vì bệnh tật, vì cảnh nghèo mà bố đành bỏ mẹ lại một mình với hai đứa con thơ dại, bố về với thiên đàng.
Gạt đi nước mắt, mẹ từ một người yếu đuối bỗng trở nên thật mạnh mẽ. Mẹ từ chối những lời giới thiệu sang bên nước ngoài làm ăn, những công việc thật tốt với thu nhập ổn định vì thương hai đứa con còn quá nhỏ dại. Ngày nào mẹ cũng đạp xe đi qua không biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu con phố để kiếm việc làm.
Ngày ấy, vì gia đình khó khăn nên tôi không đi học ở nhà trẻ, ngày nào tôi cũng bị nhốt ở trong nhà, anh trai thì đi học, còn mẹ tôi dong duổi trên đường. Mỗi lần mẹ về tôi lại leo lên xe, đòi mẹ lai tôi đi một vòng phố. 3 tuổi, nụ cười của tôi vẫn vô tư và hồn nhiên, ôm mẹ thật chặt từ đằng sau cho khỏi ngã, la lớn lên mỗi lần đánh rơi dép trên đường. Còn mẹ, có lẽ, mẹ đang khóc. Khóc thầm.
Chúng tôi sống chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp xã hội và sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, và lớn dần lên theo những vòng quay xe đạp của mẹ. Những tháng ngày đạp xe dong duổi tìm việc làm của mẹ được đáp trả bằng một công việc phù hợp, mẹ được người ta nhận vào làm may, mẹ xin về nhà làm để tiện trông coi nhà cửa và được chấp nhận.
Công việc vất vả và không ổn định lắm, mẹ phải cố gắng hết sức mới lo được cho tôi và anh trai ăn học. Dù bây giờ mẹ không phải ngày nào cũng đạp xe hàng chục cây số tìm việc làm nữa nhưng đôi khi tôi thấy mẹ lặng lẽ dắt xe ra đường, mẹ lại chầm chậm đạp những vòng xe, chầm chậm đi qua những nẻo đường ngày xưa, nơi mà bố mẹ vẫn đến.
Chiếc xe đạp cũ như một kỷ vật mà bố để lại. Nó theo mẹ trên những nẻo đường không có bố. Nó để tôi chập chững những vòng xe đầu đời, những lần biết ngã đau nhưng vẫn phải đứng lên tiếp tục. Mẹ đã chở tôi đi học, ngày đầu tiên đến trường ngồi sau xe mẹ, nghe rõ những vòng quay mệt nhọc mà đầy hy vọng về tương lai. Lên cấp 2, tôi tự mình đạp xe đến trường, bằng chiếc xe đạp ấy. Cấp 3, vẫn chiếc xe ấy, tôi thướt tha trong tà áo dài đến lớp. Mẹ không lai tôi được nữa, tôi là người lai mẹ trên chiếc xe đạp ấy.
Tôi không thể đếm được hết mẹ đã đi bao nhiêu vòng xe, đã đạp bao nhiêu cây số trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng không biết được mình đã gửi gắm vào những vòng xe bao nhiêu ước mơ, khát vọng về tương lai. Những vòng xe cứ nối tiếp nhau ngoài kia, những vòng đời cũng cứ thế trôi đi. Chẳng biết được sẽ có bao nhiêu lần nữa tôi có thể ngồi hồn nhiên mà nghĩ suy, mà hoài niệm. Nhắm mắt lại muốn mình còn bé thơ, ngồi sau lưng mẹ, nghe rõ tiếng bánh xe chầm chầm, tiếng đời cũng chầm chậm theo
Nguyễn Thị Hà