Tag Archives: giáo viên

Khi tình cảm bắt đầu chông chênh

Trúc là giáo viên, chồng cô là một nhà kinh doanh lớn. Hai công việc của họ hoàn toàn độc lập nhau. Chuyện ai nấy làm nên vợ chồng chưa hề có mâu thuẫn trong công việc. Nhưng có phải vì việc ai nấy làm mà chồng của Trúc lại thực hiện luôn “tiền ai nấy giữ”? Hàng tháng, anh quy định đưa Trúc một số tiền vừa đủ chi tiêu trong gia đình mà anh đã ngầm cộng luôn tiền lương của Trúc vào.

Chông chênh
Chông chênh

Ban đầu, Trúc rất buồn nhưng rồi cô cũng dần quen. Vốn giàu lòng tự trọng, lại dễ tự ái, nên Trúc chẳng buồn bàn bạc vấn đề này với chồng nữa. Có lần, trong tháng đó, cô chưa kịp lãnh lương, mà số tiền chồng đưa hàng tháng thì đã hết, cô hỏi “mượn” chồng 500.000đ. Anh ta đưa mà vẻ mặt không được vui, lại còn hạch hỏi vài câu. Trúc giận quá. Ngay hôm sau, Trúc đi mượn tiền bạn trả lại cho chồng. Ðiều Trúc hơi bất ngờ là chồng cô đã đưa tay nhận lại số tiền ấy. Nỗi buồn càng lan rộng trong lòng Trúc. Tình yêu, lòng tôn trọng chồng hình như cũng vơi đi.
Trúc tâm sự với Mai, một người bạn thân, cùng là giáo viên trong trường. Mai tỏ vẻ ngạc nhiên. Gia đình của Mai cũng gần giống như Trúc, nhưng chồng cô đưa hết tiền bạc cho cô cất giữ. Thậm chí, chồng Mai, tuy làm ra nhiều tiền, nhưng hễ cần chi tiêu những khoản lớn nào đều hỏi Mai. Việc hàng tháng chu cấp cho cha mẹ chồng, cũng có sự bàn bạc, thoả thuận của cả hai vợ chồng. Trúc chạnh nghĩ tới hoàn cảnh mình, Trúc biết chồng mình nuôi cả nhà nhưng chưa bao giờ cô được biết cụ thể chút gì. Thực ra, Trúc chưa bao giờ có ý suy tính thiệt hơn với nhà chồng, nhưng việc Trúc không hề được biết sự gì đã khiến cô tủi thân. Mai chợt hỏi: “Có khi nào ổng cất giữ tiền để nuôi bồ nhí?”. Trúc giật mình, nghe nhói trong lòng. Mai kiên quyết: “Bạn phải đưa vấn đề ra, người vợ cất giữ tiền bạc là điều hợp lý, bình thường. Trừ phi vợ hoang phí, hoặc cờ bạc thì chồng mới cất giữ tiền. Nhưng bạn đâu phải là hạng đàn bà đó. Bạn còn quá tốt nữa là đàng khác. Kiểu sống như vậy là không bình thường đó. Cần phải xem lại, điều chỉnh lại!”.

Những lời nói của Mai làm Trúc suy nghĩ nhiều. Nhưng rồi cô chỉ biết im lặng chấp nhận sự việc. Trúc là người phụ nữ nhu mì, quen chịu đựng, sợ giông bão trong nhà. Trúc biết tính khí chồng nóng như lửa khó lòng mà có được cuộc trò chuyện ra đầu ra đũa… Hơn nữa, xưa nay, giữa vợ chồng chưa bao giờ cãi nhau về chuyện tiền bạc. Trúc vốn rất quý trọng đồng tiền, cô rất tiết kiệm trong chi tiêu, thế nhưng cô không bao giờ đặt đồng tiền lên trên tình cảm, trên giá trị con người. Cuộc sống gia đình cô vẫn tiếp tục như vậy, cô đành chấp nhận.
Có điều, tự đáy lòng, cô luôn cảm thấy buồn, cảm thấy mình không được tôn trọng, cảm thấy bất an về chồng. Và điều kinh khủng nhất là cô cảm thấy… dường như quan hệ giữa cô và chồng có cái gì đó chông chênh…

ÁI QUÊ

Nhập viện vì bị hủy hôn trước ngày cưới

Anh nói cần có tương lai, cần có vợ, tôi không phải là tương lai của anh. Tôi như người vừa rớt từ trên cao xuống, khoảng thời gian đó tôi như người điên, không ăn không ngủ và cuối cùng phải nhập viện vì chứng trầm cảm nặng.

Khi viết nên những dòng tâm sự này tôi đã trải qua những tháng ngày điều trị tâm lý ở bệnh viện, thời gian cũng gần năm rồi mà nỗi đau như mới ngày hôm qua. Tôi năm nay 28 tuổi. Anh và tôi là đồng nghiệp của nhau, cả hai cùng công tác trong một trường THCS, anh về trường công tác trước tôi vài năm.

Năm đầu khi mới về trường thật lòng tôi không hề có chút tình cảm nào với anh cả vì nhìn chung anh chẳng có nét gì đặc biệt, lại lớn tuổi hơn tôi. Nhưng qua vài lần đi café cùng những đồng nghiệp, mọi người cũng muốn vun vén cho tôi và anh. Lúc đó tôi chỉ im lặng và cười rồi thỉnh thoảng anh có đưa tôi về vài lần vì trời tối. Sau đó chúng tôi hay liên lạc và quan tâm nhau hơn.

Thời gian sau tôi và một người bạn mở tiệm nhỏ để mua bán mỹ phẩm, khoảng thời gian đó cũng là dịp hè nên thỉnh thoảng anh ghé tiệm chơi nhưng tình cảm của tôi cũng chỉ xem anh như một người bạn hơn bình thường. Trong một lần trường tổ chức đi tham quan hè anh đã chủ động đến nhà chở tôi đến trường. Kết thúc chuyến tham quan, do hành lý nhiều nên anh phải ghé nhà để bỏ lại, tôi cũng rất ngỡ ngàng trước sự việc như vậy.

Sau lần đó anh thỉnh thoảng chở tôi về nhà và trong một lần mẹ anh đã đề nghị chúng tôi cưới. Tôi thật bất ngờ trước sự việc và tôi đã từ chối với lý do còn đi học nâng cao, chưa thể cưới. Tôi sợ mình không làm tròn bổn phận của con dâu khi phải vừa đi làm vừa đi học và cũng chưa chuẩn bị tâm lý để làm mẹ. Nhưng ba mẹ anh đã trấn an tôi là không cần làm dâu con gì cả, cứ cưới đi rồi về ở đâu thì ở và cũng không có con liền đâu mà sợ.

Cứ như thế tôi chỉ im lặng và mẹ anh đã đến nhà tôi xin hỏi cưới. Ba mẹ và các anh trong nhà tôi mọi người cũng hối thúc vì nhìn thấy anh hiền lành, sau này về không bay bướm lăng nhăng vì dù sao anh cũng là giáo viên, gia đình sợ tôi kén chọn sau này sẽ gặp người không đàng hoàng.

Rồi lễ dạm ngõ cũng được tiến hành, thời gian quen nhau tôi rất buồn và cũng góp ý nhiều lần vì tính thờ ơ và vô tâm của anh. Anh không hề quan tâm đến tôi, xem tôi muốn gì và cần gì, tôi trách móc thì anh bảo: anh nói với em anh không biết quan tâm đến phụ nữ, anh rất dở việc đó. Từ lúc quen nhau cho đến ngày đính hôn anh chỉ tặng tôi duy nhất món quà nhân dịp sinh nhật, món quà đó là do cô bạn đồng nghiệp nhắn tin rủ anh tổ chức sinh nhật cho tôi. Tình cờ tôi biết được do cô đồng nghiệp đó gửi nhầm tin nhắn, thay vì phải gửi cho anh thì cô đó lại gửi cho tôi.

Tôi cũng không trách hay hờn giận vì anh không tặng quà cáp hay ga lăng. Lúc đó tôi cứ nghĩ rằng thôi anh ấy đã nói vậy thì mình cũng không buồn làm gì, vì như vậy chắc là anh ta sẽ chẳng biết ga lăng với phụ nữ nào ngoài tôi. Nhưng cuộc đời đâu suôn sẻ như mình muốn, trong khoảng thời gian đó tôi và anh luôn cãi vã, nhiều lúc tôi muốn đem trả rượu nhưng vì sĩ diện, tôi sợ mọi người bàn tán, sợ dư luận.

Dù đã làm lễ đính hôn với tôi nhưng anh vẫn đi uống rượu với những cô gái khác và để cho những người con gái đó dùng điện thoại của anh để gọi cho tôi khiêu khích. Sự việc đó ba mẹ anh cũng biết vì chính mẹ anh đã nghe điện thoại của những cô gái đó. Cô gái đó liên tuc gọi điện quấy rối, cô ta còn bảo với mẹ của anh rằng bây giờ anh nhậu say và đang ở nhà cô ta ngủ.

Mẹ anh bảo tôi chở bà đến địa chỉ nhà đó để tìm anh nhưng trên đường đi thì gặp anh đang đi về. Sau lần đó tôi muốn dứt khoát thì anh năn nỉ hứa sẽ không bao giờ làm cho tôi buồn nữa, nhưng sự việc chỉ được một tháng rồi đâu lại vào đấy. Tôi lại tiếp tục nhận được những tin nhắn và lời nói xúc phạm từ học trò phổ cập của anh.

Thời gian đó chúng tôi thường xuyên có những trận cãi nhau, anh đã nói với tôi nhà em chưa chắc giàu bằng nhà anh, em cũng đâu có đẹp gì đâu. Những lời nói đó như xoáy vào tim tôi, tôi rất buồn, khi đó gia đình lại có chuyên, ngoại tôi bị bênh nan y, cả nhà đang rất buồn, mẹ tôi cũng cảm nhận được tâm trạng của tôi và hỏi. Tôi đã kể lại những lời anh đã nói, ba mẹ tôi rất buồn vì người con rể tương lai không tôn trọng gia đình mình.

Ba mẹ tôi muốn tôi đem trả sinh lễ và hủy bỏ cuộc hôn nhân này vì sống với người lăng nhăng và không tôn trọng gia đình mình như vậy sẽ không có hạnh phúc. Khoảng thời gian đó bên nhà anh cũng tổ chức lễ cưới cho em trai của anh, anh gặp tôi ở trường và nói sắp đám cưới em trai anh, em có đi không? Mặc dù đang rất buồn nhưng tôi nghĩ người em kia và mình đâu mâu thuẫn gì, chẳng lẽ mình không đi thì khó coi, dù gì chúng tôi cũng làm lễ hỏi rồi.

Mẹ anh đã đến gia đình tôi để mời đám cưới, bà nói: Bữa đó có ai mời anh chị không, nếu có tôi rút thiệp lại. Ba mẹ tôi lúc đó rất buồn vì những lời nói như vậy. Mẹ anh nói với ba mẹ tôi là tôi xem thường nhà bên đó hay sao mà không thấy ghé chơi, ở lại buổi trưa ở trường cũng không thấy vào nhà để nghỉ ngơi.

Thật sự lúc đó tôi vừa phải đi làm, thứ bảy và chủ nhật còn đi học. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới qua chơi, nếu có dịp đi đâu tôi vẫn mua quà cáp về biếu gia đình anh. Còn anh thì ngược lại, chưa bao giờ anh mua biếu ba mẹ tôi bất cứ thứ gì, nếu có tổ chức đi ăn uống thì ba mẹ tôi là người trả tiền. Những gì tôi góp ý với anh, anh về nói lại với mẹ anh cả, tôi trách anh không quan tâm đến tôi thì mẹ anh nói: chứ nó muốn mày quan tâm sao nữa?

Tôi và anh dạy chung trường nhưng buổi trưa tôi ở lại còn anh đi về nhà vì nhà anh gần trường hơn nhà tôi, anh cứ vô tâm đi về, chẳng hề mời tôi về nhà hay hỏi han tôi ăn gì. Trước đám cưới của em anh, nhà tôi có tổ chức giỗ nhỏ cho nội vậy mà anh cũng chẳng qua hay có lời nói xin lỗi nào với ba mẹ tôi. Hôm sau mặc dù rất buồn và giận nhưng tôi vẫn đi đám cưới, tôi có bàn với anh nên đi mừng đám cưới em bằng tiền hay sao? Anh bảo tùy tôi, suy nghĩ mãi tôi quyết định mua nữ trang để làm quà cưới.

Khi tôi đi đám cưới về ba mẹ bắt tôi phải nhanh chóng mang lễ vật trả lại vì không muốn dính líu tới gia đình đó. Lúc đó ngoại tôi đã rất yếu rồi, ba mẹ tôi không muốn khi ngoại mất gia đình đó sẽ đi cúng viếng vì làm như vậy chúng tôi sẽ còn ràng buộc nhau. Tôi đã cố năn nỉ và xin lỗi ba mẹ bỏ qua vì tôi sợ sự đổ vỡ. Tôi qua nhà anh muốn trình bày hết với ba mẹ anh nhưng tôi không thể nói thành lời được, tôi đã năn nỉ anh hãy qua xin lỗi ba mẹ tôi một tiếng vì đã có những lời xúc phạm tới gia đình nhưng anh vẫn im lặng.

Trước hai ngày ngoại tôi mất, tôi nhập viện vì có khối u phải mổ, ngày tôi nhập viện cũng là ngày nghỉ chuyên môn của anh nên tôi nhờ anh chở đi. Xuống đến bệnh viện anh bỏ tôi ở cổng rồi đi chích ngừa viêm gan, một mình tôi ở bệnh viện với đủ thứ thủ tục và làm các xét nghiệm trước khi lên ca mổ. Anh chích ngừa xong chạy về nhà ở gần đó (nhà anh có hai ngôi ở hai nơi), khi làm xong các thủ tục để nhập viện thì mới gọi cho anh. Anh đến đón nhưng chẳng có lời hỏi thăm gì đến tôi.

Hôm sau tôi lên bàn mổ thì anh vẫn đi dạy bình thường, mẹ anh muốn đi cùng tôi và mẹ tôi đến bệnh viện nhưng thực sự là để gặp mặt mẹ tôi trách móc vì ba mẹ tôi không đi dự đám cưới. Khi ngoại tôi mất gia đình anh đến chia buồn nhưng sau đó cũng được đem ra kể công, nào là đã đi đến bệnh viện khi tôi mổ, nào là gia đình có hữu sự…

Sau đám tang của ngoại, tôi thường xuyên vào nhà anh vào buổi trưa hơn vì trước đó đã có góp ý, tôi cũng cố gắng khắc phục nhưng càng ngày mẹ anh càng quá quắt hơn. Bà bảo tôi sao không về góp ý với ba tôi vì ba tôi khó khăn và kỳ cục, bà còn bảo nếu biết trước vậy đã không đi hỏi cưới tôi cho anh. Thật sự khi nghe những lời nói đó nước mắt tôi cứ muốn trào ra, không ngờ mình đã cố gắng làm bổn phận của một người sắp làm dâu nhưng sao quá khó khăn.

Hơn bao giờ hết, lúc đó tôi cần anh để động viên, chia sẻ nhưng không, anh bảo tôi rằng ba mẹ, anh em, bạn bè là trên hết, tôi chẳng là gì. Ba mẹ có chửi mắng sai anh vẫn cho là ba mẹ đúng em không có quyền nói lại. Tôi có nói với anh mình cưới nhau một thời gian rồi anh xin ba mẹ cho mình ra ở riêng dù ở nhà tranh vách đất hay che tạm để ở cũng được. Em không muốn vì em mà anh khó xử nhưng anh đã bảo không bao giờ ra ở riêng, nếu anh cưới em về mà em không ở chung thì dù có con đi nữa anh cũng bỏ.

Chuyên gì tới cũng tới, ba mẹ anh qua nhà tôi để nói với ba mẹ tôi bây giờ cưới thì về ở chung còn không thì trả nữ trang lại đây. Trước đó tôi và anh đã cãi nhau kịch liệt và tôi để anh chọn, anh chọn như thế nào tôi cũng chấp nhận, cuối cùng anh chọn chia tay. Anh nói với tôi anh cũng cần có tương lai, cần có vợ, em không phải là tương lai của anh, cưới vợ về mà không muốn làm vợ lại muốn làm mẹ.

Tôi như người vừa bị rớt từ trên cao xuống, khoảng thời gian đó tôi như người điên không ăn cũng không ngủ và cuối cùng tôi phải nhập viện vì chứng trầm cảm nặng. Tôi gọi cho anh thì anh bảo em phải cám ơn gia đình em vì nhờ gia đình em mà em được như vậy đó. Em không hề yêu anh, em lấy anh vì cái khác. Chia tay xong là anh quen ngay cô đồng nghiệp mới về trường và họ cảm thấy hãnh diện như thế. Tôi vẫn ngày ngày gặp mặt họ vì công việc của tôi nơi đó tôi thấy thuận lợi nên không muốn chuyển công tác.

Đối với tôi bây giờ không còn tình yêu chân thật nữa, cũng may mắn là tôi và anh chưa đăng ký kết hôn và cũng chưa vượt quá giới hạn nhưng nỗi đau ngày nào vẫn còn âm ỉ.

Tôi gửi những dòng tâm sự này đến những bạn còn lưỡng lự trong hôn nhân: hãy thân trọng tìm hiểu đối phương thật kỹ trước khi đi đến hôn nhân. Trong bất cứ ngành nghề nào cũng có người tốt và kẻ Sở Khanh, ngày trước tôi cứ nghĩ lấy người cùng nghề để dễ chia sẻ và cảm thông nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Gửi đến những người mẹ chồng tương lai: xin hãy cảm thông và yêu thương những nàng dâu. Hãy chỉ bảo họ nếu họ làm sai như những đứa con mình sinh ra vì họ cũng rất muốn làm vừa lòng và yêu thương kính trọng các mẹ.

A

Chiếc phong bì bị từ chối

Nhân ngày lễ, có dịp gặp gỡ trao đổi với giáo viên của con, khi tặng hoa cho cô, một ông bố đã tranh thủ nhét thêm chiếc phong bì như một lời “gửi gắm”. Cuối giờ, khi anh chuẩn bị dắt xe ra về thì bất ngờ nghe tiếng cô giáo gọi lại…

Phong bì 20 - 11
Phong bì 20 – 11

1. Cuộc đối thoại của hai mẹ con họ diễn ra tại một nhà sách nằm trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM) ngay trước dịp lễ 20/11. Người mẹ dẫn con đi chọn quà cho cô giáo. Thấy mẹ con chọn sổ, cô bé tầm 9 – 10 tuổi lắc đầu quầy quậy rồi đưa thay chỉ về chiếc đồng hồ cát ở gian hàng lưu niệm: “Con thích tặng cô cái này. Cô hay chơi với tụi con nên con biết cô cũng… thích đồ chơi lắm”.

Người mẹ dường như không nghe thấy lời con, vẫn chăm chú vào việc của mình. Cô bé níu mạnh tay mẹ, lại chỉ về phía chiếc đồng hồ cát. Người mẹ… hồn nhiên: “Vớ vẩn, cô chẳng thích sổ mà cũng chẳng thích đồng hồ cát. Mẹ mua sổ là để kẹp phong bì tặng tiền cho cô, hiểu chưa?”. Cô bé vùng vằng bảo vệ quan điểm của mình: “Không, cô con không thích tiền, cô thích đồng hồ cát với hoa thôi”.

Sự nì nèo của cô bé làm người mẹ nổi cáu: “Con biết cái gì, cô nào mà chả thích… tiền. Đồng hồ cát có ăn được không? Ngày lễ này mẹ mất cả nửa triệu bạc để đi cô con đấy, hơi đâu bỏ tiền mà mua đồng cát nữa”.

Mặc cho sự thất vọng trên vẻ mặt của con, chị cầm cuốn sổ tay ra để tính tiền. Cô bé vẫn lắc đầu không chịu cho đến khi bị người mẹ kéo ra khỏi nhà sách…

2. Nhân ngày lễ, có dịp gặp gỡ trao đổi với giáo viên của con, một ông bố khi tặng hoa cho cô giáo đã tranh thủ… đút thêm chiếc phòng bì như một lời “gửi gắm”.

Trong đó có kèm tấm thiệp không chỉ để ghi lời chúc mừng tới giáo viên mà quan trọng hơn để ghi tên bé con nhà mình. Anh hoàn toàn tự tin với hành vi này đinh ninh cô nào chả… thích phong bì và còn biết có những phụ huynh khác cũng “nhắn nhủ” tới cô như mình.

Cuối giờ, khi anh chuẩn bị dắt xe ra về thì bất ngờ nghe tiếng cô giáo gọi lại. Cô tiến đến chỗ anh, gửi lại chiếc phong bì, nói rất nhẹ nhàng: “Giỏ hoa em xin nhận nhưng cái này em gửi lại. Anh không phải lo lắng quá, em sẽ chăm sóc các bé hết sức của mình”. Biết cô giáo không nhận, người đàn ông chỉ biết…. đứng gãi đầu và cười như đang chữa ngượng cho mình.

Câu chuyện về “chiếc phong bì bị từ chối” đó sẽ không ai biết đến. Cho đến một ngày người bố ấy không muốn im lặng, quyết định viết thư cảm ơn gửi lên ban giám hiệu kể về “bí mật” của cô giáo và mình. Hiệu trưởng xuống trò chuyện với giáo viên nọ, lúc này cô mới giải thích: “Em không thể nhận bồi dưỡng của phụ huynh để mong mình giữ sự công bằng, đối xử tốt nhất có thể với tất cả các trẻ”.

Lý do không kể chuyện này với ai, cô giáo công tác tại Trường Mầm non Vàng Anh (Q.5, TPHCM) bày tỏ: “Liệu khi mình kể ra có ai tin không?”. Nghe mà chua xót nhưng đúng là rất thật vì lâu nay nhà giáo thường đã bị “gán” với những điều không hay.

Việc phụ huynh đi quà phong bì cho giáo viên nhiều năm gần đâu không còn xa lại, nhất là ở thành phố. Thay vì phải vắt óc suy nghĩ tặng quà gì cho cô, nhiều phụ huynh gửi… phong bì cho tiện. Nhiều người mặc định “Cô nào chả thích… phong bì” như thể là một định luật – vừa gọn vừa tiện hơn bất kỳ món quà nào. Điều này đã “vơ đũa cả nắm” và đưa đến cái nhìn méo mó về hình ảnh người thầy.

Đau lòng hơn là có những phụ huynh còn áp đặt suy nghĩ theo hướng tiêu cực và toan tính của mình lên đầu con trẻ!

Hoài Nam

Khi trẻ mẫu giáo “nghiền” ca khúc tình yêu

(Dân trí) – Không phải do thiếu bài hát thiếu nhi mà do cách dạy nhạc ở trường còn khá đơn điệu, chưa tạo được sự thích thú cho trẻ và không đủ sức để “lấn át” dòng nhạc người lớn sôi động mà trẻ có thể tiếp xúc mọi lúc mọi nơi. Continue reading Khi trẻ mẫu giáo “nghiền” ca khúc tình yêu