Tag Archives: đẻ dùm

Cô con dâu “ích kỷ”

Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Chị đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má vì một điều mà chị vừa nghĩ đến: Không biết những người mà chị đã hết lòng tin yêu, chăm sóc có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của chị không?

 

Sau bữa cơm tối, mẹ chồng lại gọi chị vào phòng kín nói chuyện, vẫn với nội dung như lần trước những lần này giọng bà gần như van lơn khiến chị vừa thương vừa khó xử nhưng chị vẫn phải thành thật và cương quyết:

– Con xin lỗi mẹ, con không sinh nữa đâu mẹ ạ.

Mẹ chồng chị giận chị ra mặt, trách chị là đứa con dâu ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến tương lai của gia đình nhà chồng. Trách chị rồi bà trách lây sang chồng chị là không dạy bảo được vợ. Chồng chị trấn an: Mẹ cứ từ từ để con đả thông tư tưởng cho nhà con.

Từ hôm đó để thực hiện lời hứa, chồng chị không ít lẩn “rủ rỉ” với chị để chị sinh thêm đứa con thứ ba. Anh đưa ra rất nhiều lý do để thuyết phục chị rằng mình sinh con nhưng không phải nuôi, vừa có thêm con lại vừa giúp vợ chồng bác cả giải tỏa tư tưởng, vừa được lòng ông bà… Anh nói với chị rất nhiều, chị cũng đã giải bày những nỗi niềm của mình để mong anh thông cảm nhưng cũng như để bố mẹ chồng hiểu. Khi thuyết phục chị không được anh quay ra quy kết chị bằng những lời thật khó nghe: Hy sinh cho gia đình một chút mà sao cô khó khăn đến vậy? Ở cái nhà này không ai cần cô phải thăng tiến đâu mà cô phải giữ… Từ hôm đó, chị dường như bị nhà chồng “cô lập”.

Mà nào chị có tội tình gì đâu, chị đã sinh cho nhà chồng một trai, một gái ngoan ngoãn, kháu khỉnh nhưng chỉ vì vợ chồng bác cả không có khả năng có con chạy chữa nhiều nơi mà vẫn chưa có kết quả nên ông bà mới tính đến chuyện “nhờ” chị sinh thêm đứa nữa. Đứa con đó vợ chồng bác cả sẽ nuôi, vẫn là con mình cháu mình mà không phải tốn công tốn của, không phải nhận con nuôi thế là vẹn cả đôi đường. Chị đã mất rất nhiều đêm để suy nghĩ về chuyện này nhưng càng nghĩ chị càng thấy không ổn. Chị nghĩ cho vợ chồng bác cả, nói gì thì nói hai bác vẫn cứ mong có được một đứa con là cốt nhục của mình, dù hôm nay chưa có kết quả nhưng cùng với sự phát triển của y học biết đâu một ngày không xa, niềm mong ước đó sẽ thành. Còn mong ước nghĩa là còn hy vọng.

Rồi chị nghĩ đến đứa con mà chị sinh thêm nó sẽ sống với hai bác, chẳng lẽ giấu nó về “nguồn gốc” chào đời của nó ư? Mà nếu không giấu thì như một lẽ tự nhiên nó sẽ tìm về với bố mẹ nó và cũng là lẽ tự nhiên sẽ thích sống ở nhà bố mẹ nó, chẳng lẽ chia cắt nó ư? Và chị, bản năng của một người mẹ lúc nào chẳng muốn ôm ấp con mình, lúc đó bác cả sẽ nghĩ sao, chẳng lẽ đưa đứa trẻ ra để làm trò kéo co ư? Cái tội mà bố mẹ chồng và chồng chị quy kết chị lại nghĩ đến sau cùng. Chị không phải là mẫu người phụ nữ tham vọng nhưng chị cũng đã từng tốt nghiệp đại học với cái bằng loại giỏi, rồi học lên cao học với biết bao sự cố gắng, nỗ lực để công việc, vị trí làm việc của mình ngày một tốt hơn. Chị cũng mong muốn được khẳng định mình lắm chứ? Chính vì gia đình nên chị đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thăng tiến ngay cả việc chị tốt nghiệp cao học muộn hơn bạn bè cùng khóa cũng chỉ vì dành thời gian để chăm sóc mẹ chồng khi bà bệnh nặng. Nhưng chị chưa bao giờ thấy ân hận hay nuối tiếc. Chị không ngại “hy sinh” nhưng sự “hy sinh” trong hoàn cảnh này là không công bằng với chị, với người mà chị gọi là chị dâu và cả với con của chị nữa.

Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Chị đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má vì một điều mà chị vừa nghĩ đến: Không biết những người mà chị đã hết lòng tin yêu, chăm sóc có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của chị không?

 

Theo Đời sống gia đình