Tag Archives: con nuôi

Cô con dâu “ích kỷ”

Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Chị đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má vì một điều mà chị vừa nghĩ đến: Không biết những người mà chị đã hết lòng tin yêu, chăm sóc có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của chị không?

 

Sau bữa cơm tối, mẹ chồng lại gọi chị vào phòng kín nói chuyện, vẫn với nội dung như lần trước những lần này giọng bà gần như van lơn khiến chị vừa thương vừa khó xử nhưng chị vẫn phải thành thật và cương quyết:

– Con xin lỗi mẹ, con không sinh nữa đâu mẹ ạ.

Mẹ chồng chị giận chị ra mặt, trách chị là đứa con dâu ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến tương lai của gia đình nhà chồng. Trách chị rồi bà trách lây sang chồng chị là không dạy bảo được vợ. Chồng chị trấn an: Mẹ cứ từ từ để con đả thông tư tưởng cho nhà con.

Từ hôm đó để thực hiện lời hứa, chồng chị không ít lẩn “rủ rỉ” với chị để chị sinh thêm đứa con thứ ba. Anh đưa ra rất nhiều lý do để thuyết phục chị rằng mình sinh con nhưng không phải nuôi, vừa có thêm con lại vừa giúp vợ chồng bác cả giải tỏa tư tưởng, vừa được lòng ông bà… Anh nói với chị rất nhiều, chị cũng đã giải bày những nỗi niềm của mình để mong anh thông cảm nhưng cũng như để bố mẹ chồng hiểu. Khi thuyết phục chị không được anh quay ra quy kết chị bằng những lời thật khó nghe: Hy sinh cho gia đình một chút mà sao cô khó khăn đến vậy? Ở cái nhà này không ai cần cô phải thăng tiến đâu mà cô phải giữ… Từ hôm đó, chị dường như bị nhà chồng “cô lập”.

Mà nào chị có tội tình gì đâu, chị đã sinh cho nhà chồng một trai, một gái ngoan ngoãn, kháu khỉnh nhưng chỉ vì vợ chồng bác cả không có khả năng có con chạy chữa nhiều nơi mà vẫn chưa có kết quả nên ông bà mới tính đến chuyện “nhờ” chị sinh thêm đứa nữa. Đứa con đó vợ chồng bác cả sẽ nuôi, vẫn là con mình cháu mình mà không phải tốn công tốn của, không phải nhận con nuôi thế là vẹn cả đôi đường. Chị đã mất rất nhiều đêm để suy nghĩ về chuyện này nhưng càng nghĩ chị càng thấy không ổn. Chị nghĩ cho vợ chồng bác cả, nói gì thì nói hai bác vẫn cứ mong có được một đứa con là cốt nhục của mình, dù hôm nay chưa có kết quả nhưng cùng với sự phát triển của y học biết đâu một ngày không xa, niềm mong ước đó sẽ thành. Còn mong ước nghĩa là còn hy vọng.

Rồi chị nghĩ đến đứa con mà chị sinh thêm nó sẽ sống với hai bác, chẳng lẽ giấu nó về “nguồn gốc” chào đời của nó ư? Mà nếu không giấu thì như một lẽ tự nhiên nó sẽ tìm về với bố mẹ nó và cũng là lẽ tự nhiên sẽ thích sống ở nhà bố mẹ nó, chẳng lẽ chia cắt nó ư? Và chị, bản năng của một người mẹ lúc nào chẳng muốn ôm ấp con mình, lúc đó bác cả sẽ nghĩ sao, chẳng lẽ đưa đứa trẻ ra để làm trò kéo co ư? Cái tội mà bố mẹ chồng và chồng chị quy kết chị lại nghĩ đến sau cùng. Chị không phải là mẫu người phụ nữ tham vọng nhưng chị cũng đã từng tốt nghiệp đại học với cái bằng loại giỏi, rồi học lên cao học với biết bao sự cố gắng, nỗ lực để công việc, vị trí làm việc của mình ngày một tốt hơn. Chị cũng mong muốn được khẳng định mình lắm chứ? Chính vì gia đình nên chị đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thăng tiến ngay cả việc chị tốt nghiệp cao học muộn hơn bạn bè cùng khóa cũng chỉ vì dành thời gian để chăm sóc mẹ chồng khi bà bệnh nặng. Nhưng chị chưa bao giờ thấy ân hận hay nuối tiếc. Chị không ngại “hy sinh” nhưng sự “hy sinh” trong hoàn cảnh này là không công bằng với chị, với người mà chị gọi là chị dâu và cả với con của chị nữa.

Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Chị đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má vì một điều mà chị vừa nghĩ đến: Không biết những người mà chị đã hết lòng tin yêu, chăm sóc có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của chị không?

 

Theo Đời sống gia đình

Đứa con nuôi và chiếc dép rách

Người ta nói anh và chị là 1 cặp đôi hoàn hảo, đơn giản vì anh tên Hoàn và chị tên Hảo. Chứ ở đâu mà có cái hoàn hảo. Vợ chồng anh chị sống hạnh phúc lắm, họ cất 1 ngôi biệt thự bề thế ở trong 1 khu vườn rất rộng, 3 mặt giáp sông. Cứ coi như họ đang ở trên 1 ốc đảo thần tiên, tận hưởng cuộc sống rất hạnh phúc. Coi như hoàn hảo rồi còn gì?!

Nhưng họ sống với nhau ngót nghét 4 năm rồi, mà không có 1 mụn con. Có con là cái điều mà họ khao khát nhất. Nếu có con thì cuộc sống hạnh phúc của họ trọn vẹn biết mấy. Nhưng cái ngày đi khám, bác sĩ phát hiện ra khối u trong người chị, khối u không ác tính, nhưng làm chị vô sinh. Chị rất đau đớn, anh thì còn đau hơn. Anh đau cho anh và đau cả cho vợ mình.

Họ đấu tranh với nổi đau tinh thần bằng cách tìm ra giải pháp. Phải có 1 giải pháp để họ không cảm thấy vắng lạnh trong ngôi nhà rộng thêng mà chỉ vỏn vẹn 2 vợ chồng. “Hay là mình nhận con nuôi nghen em” “Em cũng nghĩ vậy, chỉ là cảm thấy lo sợ về mặt xã hội, về mặt nhân đạo. Sau này không biết tình cảm đối với con nuôi sẽ thế nào. Rồi còn chuyện kế thừa, nối dõi, chuyện cha mẹ ruột… Em thật thấy lo” “Em đừng nghĩ nhiều, mình nhận nuôi thì dần dần sẽ ổn thỏa tình cảm. Mọi việc khác xuôi theo tự nhiên đi em” “Được rồi anh, vậy mai mình sẽ đến trung tâm bảo trợ xã hội”

Con bé mắt đen lay láy, môi nó mấp máy như muốn nói điều gì với anh chị mà nói không ra. Nhìn nó anh chị thấy rất ưng ý. Không biết tại sao con bé duyên thế kia mà cha mẹ nó lại bỏ rơi nó thế này. Con bé khóc thét lên khi anh chị dẫn nó đi, thể như nó đang hoang mang không biết số phận nó về đâu.

Đời sống giờ có thêm 1 sinh linh bé nhỏ. Ngôi nhà lớn giờ có thêm tiếng trẻ thơ. Thật ấm áp. Anh chị cảm giác rất hạnh phúc. Đôi khi chị nhìn vào đôi mắt tròn xoe xoe của nó mà bật khóc vì sung sướng. Anh chị rất yêu con bé. Họ mua đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh. Căn phòng họ giờ có thêm thành viên mới, đồ đạc cũng mới, và trở nên chật chội kinh khủng. Với 1 con bé lên 6, thì đồ đạc như thế là quá đầy đủ so với những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Nhưng con bé không đoái hoài gì đến mớ đồ hỗn độn anh chị dành cho nó. Từ lúc ở trại trẻ mồ côi về đến giờ, anh chị thấy nó luôn khư khư 1 chiếc dép rách rưới. Nó giữ chiếc dép đó rất kĩ. Họ cũng đoán ra được chiếc dép này là kỉ vật của cha mẹ con bé.

Từ lúc có con bé, anh chị cứ cười hoài. Họ như trở thành trẻ con. Còn con bé thì lại không thấy cười. Không biết ở trại trẻ mồ côi nó có cười không, nhưng giờ thì vắng bóng hẳn. Anh chị nghĩ nụ cười của con bé chắc sẽ đẹp lắm đây. Nhưng nó không cười thì biết sao được.

Đi đâu anh chị cũng dắt nó theo, đôi mắt nó nhìn cái gì cũng xoe tròn. Rồi lại càng tròn hơn khi nó nhìn thấy 1 con bé giống y hệt nó trên đường. Cứ như soi vào tấm gương và thấy mình trong đó. Nhưng không, đang giữa đường làm gì có gương. Rõ ràng nó thấy 1 con bé giống mình. Nhưng ngược đường. Có 1 người đàn ông và 1 phụ nữ dắt con bé kia đi trên vĩa hè bên kia.

Đứa con nuôi và chiếc dép rách - Ảnh minh họa
Đứa con nuôi và chiếc dép rách – Ảnh minh họa

 

Con bé tên Hằng. Cái tên này do mẹ ruột nó đặt chứ không phải anh chị. Anh chị thì thích gọi nó là bé Xíu, tại thấy nó nhỏ xíu khi anh chị ẵm nó lọt thỏm vào lòng. Con bé có vẻ thích cái tên anh chị gọi nó. Nhưng đồ đạc anh chị mua cho nó thì nó vẫn không ngó ngàng tới nhiều như chiếc dép rách. Lí lẽ của trẻ thơ nhiều cái anh chị đâu thể hiểu nổi, chỉ biết vậy thôi.

Giống như chuyện con bé Xíu gặp 1 con bé y ran khuôn đúc đó, nó đâu có kể lại cho anh chị nghe. Trong đầu óc non nớt của nó cũng suy nghĩ mông lung lắm. Nó chỉ mong gặp lại con bé kia để hỏi xem nó là ai.

Vậy mà phải đến chục năm sau nó mới gặp được con bé đó.

Chục năm đủ để con bé Xíu thành thiếu nữ 16 trăng tròn. Bây giờ anh chị không còn gọi nó bằng cái tên thân mật bé Xíu nữa vì nó lớn rồi. Anh chị kêu bằng cái tên cúng cơm của nó – Hằng. Chục năm là 1 chặng dài bao nhiêu buồn vui sướng khổ. Nhưng ở Hằng thiếu 1 niềm vui thực sự. Nụ cười vẫn không xuất hiện trên gương mặt, khiến cho Hằng trở nên lạnh lùng, nội tâm.

Bước vào ngưỡng cửa cấp 3. Học chung với 1 đám bạn mới và lạ. Với người lạ thì Hằng không dòm ngó ai, nhưng bất ngờ thay có 1 người khiến Hằng phải tròn mắt, chính cái người cách đó chục năm cũng từng làm Hằng tròn mắt. Bạn bè và thầy cô cho rằng Hằng và cô bé kia là 2 chị em song sinh. Cô giáo chủ nhiệm sắp chổ 2 đứa ngồi kế nhau. Hằng cứ vo tròn đôi mắt nhìn người bạn mới giống y hệt mình, và cô bé kia cũng vậy chăm chú nhìn Hằng. Cả 2 nhận ra nhau sau chục năm gặp.

Đứa con nuôi và chiếc dép rách - Chị e sinh đôi
Đứa con nuôi và chiếc dép rách – Chị e sinh đôi

Cả 2 đều có linh cảm là 2 chị em song sinh. Nhưng hoàn cảnh côi cút lưu lạc thưở nhỏ khiến cả 2 xét hỏi nhau bao nhiêu thì cũng không rõ đích xác. Không biết ai chị ai em. Mà theo cái tên thì khả năng Hằng là chị.

2 đứa nhanh chóng thân nhau, không cần nói nhau nhiều mà cũng hiểu. Thậm chí có nhiều cái 2 đứa giống nhau y hệt như 1 số sở thích, tính cách… càng làm cho thân hơn. Sau mỗi buổi học, Hằng và Hà rủ nhau ra bãi cát, nhặt những cục sỏi thuồng thuổng như hột vịt, rồi lên 1 cây cầu cao ngút gần đó, ném xuống sông để coi những lượn sóng tròn lan ra, coi ai làm văng nước cao hơn, rồi cười tung tóe. Những nụ cười mà hơn chục năm Hằng chưa từng hoặc quên lãng. Xem ra tình cảm thiêng liêng giữa họ giải tỏa được những u uất trong lòng. 2 đứa kể nhau nghe một số chuyện xảy ra trong hơn chục năm qua. 2 tuổi Hà đã được 2 vợ chồng nhà kia xin về nuôi. Lúc đó nhỏ quá Hà cũng không nhớ hết chuyện, không nhớ là mình có 1 người chị song sinh. Nhưng lớn lên nghe cha mẹ nuôi kể lại. Hà có hỏi “Sao cha mẹ không xin luôn về nuôi” Cha mẹ Hà chỉ thở dài “Lúc đó nhà mình khổ lắm, cha mẹ cũng muốn mà không đủ khả năng”. Cha mẹ Hà nói vậy thì nghe vậy, chớ biết sao giờ.

Hằng rủ Hà “2 đứa mình đi tìm cha mẹ ruột” “Làm sao tìm bây giờ” “Để coi” Từ lúc đó 2 đứa bắt đầu nhen nhóm kế hoạch tìm cha mẹ ruột tụi nó. Sau mỗi buổi học thay vì ra bãi cát như trước thì 2 đứa đi lại những nơi có thể hỏi thăm ra. Hỏi thăm thì cũng được 1 mớ thông tin, nhưng hỏi tới tung tích cha mẹ tụi nó thì ai cũng lắc đầu.

Ngày tháng cứ trôi, 2 đứa nó vẫn tìm mãi miết. Có bất cứ tung tích gì là 2 đứa nháo nhào lên. Nhưng dần dà tin tức càng ít đi, chặng đường đi tìm càng lúc càng mơ hồ. Hà hỏi Hằng “Còn cách nào không, bao nhiêu cách đã thấy không ăn thua” “Còn 1 cách” Rồi Hằng lôi chiếc dép rách ra. Hà trố mắt “Cái gì thế?” “Cái cha mẹ để lại” “Làm gì với cái này?” “Chụp hình đăng báo. Thử coi sao” 2 chị em hý hoáy chụp hình chiếc dép, rồi gửi lên 1 tòa soạn báo có tiếng, đăng tìm cha mẹ. Cái nào lóe tia hy vọng thì cứ thử vậy thôi.

Ngày tháng cứ lạnh lùng trôi tiếp mà chẳng thấy ai liên lạc với 2 chị em nó hết. Bao nhiêu cách đã sử dụng đều không có kết quả gì. Dần dà 2 chị em cũng quên bén việc tìm kiếm cha mẹ. 2 đứa đang chuẩn bị tốt nghiệp và thi đại học. Chưa kịp thi gì thì Hà cho Hằng hay “Em sắp đi” “Đi đâu” “Qua Mỹ” “Theo cha mẹ em hả” Hà gật đầu. Vậy là 2 chị em sắp chia tay, 2 đứa mặt xụi lơ. Xa không biết bao giờ gặp “Khi nào về?” “Em không biết luôn” “Nhưng phải về thăm chị đó nghen” 2 đứa ôm nhau khóc ngon lành.

Vậy là Hà đi. Cái đêm trước ngày đi, Hằng dẫn Hà ra bãi cát, đưa cho Hà chiếc dép rách “Em giữ theo đi. Chị sẽ tìm cha mẹ tiếp” “Không, chị giữ đi. Mà tìm được cho em hay nghen chị” Hà giúi lại chiếc dép vô tay Hằng, 2 đứa lại ôm nhau khóc dài khóc ngắn.

Hằng lo tất bật chuyện thi cử, thi rất nhiều nên tạm gác chuyện tìm cha mẹ. Lên chat với Hà, Hà hay hỏi thăm “Tìm được chưa chị” “Vẫn chưa tìm em à”. Lần nào cũng thế. Hằng có cảm giác đang chán nản việc tìm cha mẹ. Không còn sốt sắng như trước. Cũng không hiểu sao. Có lẽ cái tình với cha mẹ vốn không có từ nhỏ nên Hằng không cảm nhận được thứ tình cảm đó hoặc cảm nhận thì cũng rất mơ hồ. Với Hằng, những cô chú ở trại trẻ mồ côi, và cha mẹ nuôi mới là những người thân thiết, và hiện hữu tình cảm thực sự.

Tưởng chừng quên thì tự nhiên có người đàn ông, khuôn mặt hốc hác tìm Hằng. “Cháu là Hằng, đăng tin trên báo này phải không?” Ông chìa tờ báo cũ, nát nhàu. “Dạ đúng. Chú có tin tức gì hả?” Người đàn ông thở dài nói tiếp “Cháu cho chú mượn chiếc dép đó 1 chút” Hằng lấy chiếc dép rách đưa cho người đàn ông. Ông ta cầm lấy chiếc dép, tay run rẩy, rồi bật khóc ngất. “Chú … chú … là chú ruột của cháu” “Vậy… cha mẹ của cháu… …” Người đàn ông không trả lời, chỉ ra hiệu Hằng đi theo ông. Hằng xách xe chạy theo sau xe người đàn ông, đi mãi, đi mãi rất xa mới đến 1 nơi cây cối um tùm. Người đàn ông bỏ xe, đi bộ, Hằng cũng lo lắng dòm dáo dác, chẳng biết ông ta dẫn Hằng đi đâu. Hằng lại hỏi “Đi đâu vậy chú” “Gặp cha mẹ cháu” “Ở trong này?” Ông ta không nói gì nữa. Dẫn Hằng đến trước 1 nơi cỏ um tùm, ông ta chỉ vào đó, dòm kĩ thì thấy 2 ngôi mộ, dây leo và cỏ phủ ngập như lâu lắm không người dọn. Người đàn ông chợt lao vào lùm cỏ, bứt xé loạn xạ. Rồi khóc. Hằng thì không biết nên làm gì, cứ đứng chết trân mà nhìn. Ông ta quay lại nói với Hằng “Cha mẹ cháu mất sau khi cháu chào đời 1 thời gian” Ông ta đằng hắng kể mọi chuyện “Sức khỏe của mẹ cháu rất yếu, mang song thai, nên nguy cơ cao lắm. Bác sĩ nói nếu sanh có thể mất tính mạng. Bác sĩ khuyên cha cháu nên cứu tính mạng người mẹ. Nhưng mẹ cháu cương quyết đòi sanh… Sau khi mẹ cháu mất, cha cháu buồn sanh tật rượu chè, cứ uống say từ sáng tới tối. Lâu ngày sanh bệnh, bị xuất huyết bao tử mà chết… Lẽ ra lúc đọc tờ báo này, chú đã đến gặp cháu, nhưng chú bị chứng rối loạn thần kinh, lúc nhớ lúc quên, nên mãi đến bây giờ mới…” Hằng đến mộ cha mẹ, đặt chiếc dép rách xuống và khấn…

Tối Hằng lên chat với Hà, vừa chat vừa nghĩ đến những việc mới xảy ra, ứa nước mắt. Hà vẫn hỏi câu quen thuộc “Chị tìm được cha mẹ chưa?” Hằng im lặng 1 chút rồi thở dài “Chưa em à”. Hằng tự hỏi không biết có nên nói với Hà chuyện về cha mẹ hay không. Có thể sẽ có 1 lúc nào đó Hà cũng cần biết, nhưng bây giờ có lẽ không nói tốt hơn?! Nhưng nhất thiết phải kể lại cho cha mẹ nuôi biết cái đã – Hằng nghĩ thế rồi nhìn chiếc dép rách và bật khóc. Không dưng thấy thương cha mẹ nuôi quá chừng, bao nhiêu năm nay Hằng mang bao nhiêu đôi dép lành lặn rồi…