Tag Archives: chăm sóc gia đình vợ

Rể thảo

Anh xuất thân từ một gia đình bề thế, em chỉ là một cô gái ngoại thành nghèo khó. Quyết định “ở rể”, anh chấp nhận sự “tẩy chay” của những người ruột thịt.

Rể thảo
Rể thảo – Ảnh minh họa

Với anh, yêu vợ là yêu cả gia đình nhà vợ. Ba vợ bị dị tật bẩm sinh, sức khỏe kém, trụ cột kinh tế thuộc về mẹ. Mẹ buôn gánh bán bưng, tảo tần cũng chỉ đủ sống qua ngày. Vợ anh theo chồng mà không đành lòng bỏ cha mẹ luôn ốm đau khiến anh thấy áy náy. Anh quyết định ở rể là muốn phụ một tay chăm lo cho cuộc sống những người thân bên vợ, dù bị cha mẹ ruột phản đối, thậm chí dọa “từ”. Cha mẹ vợ thì hạnh phúc khi có một chàng rể hiếu thảo, nhưng không khỏi ngại ngùng vì gia đình mình quá nghèo, con rể phải vác thêm gánh nặng trên vai. Nhìn anh tranh thủ làm thêm ngoài giờ, mang cả việc công ty về nhà làm để kiếm thêm thu nhập, em vừa thương anh, vừa mặc cảm mình nghèo đã khiến anh vất vả. Có anh về, nhà cửa được nâng cấp, nhiều vật dụng tiện ích xuất hiện trong nhà, ba mẹ vui và hãnh diện lắm. Anh thay ba làm những việc nặng nhọc giúp mẹ, lo lắng trong ngoài như người con trai cả.

 

Ở rể không có nghĩa là “mọc rễ” bên nhà vợ. Anh vẫn dành thời gian chăm sóc ba mẹ ruột, dù những việc anh làm không thể xoa dịu “nỗi đau” của cha mẹ anh khi con mình ở rể. Xưa nay người ta định kiến việc ở rể vì nhiều lý do, nhưng anh chấp nhận ở rể đơn giản vì nhà vợ neo người, hoàn cảnh khó khăn. Có anh về, ba vui lắm. Ba có người để đánh cờ, cùng xem và bàn luận về những trận bóng đá. Thỉnh thoảng hai cha con bày bàn nhậu, nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Thấy ba vui và có vẻ mãn nguyện, em và má cũng vui lây. Tuy vậy, nỗi ray rứt lớn nhất của ba là “người ta cưới dâu, chứ ai lại đi… bắt rể”, dù ba không hề chủ động làm điều đó. Anh hiểu lòng ba và luôn khẳng định đó là việc làm tự nguyện của anh, động viên ba mẹ là một ngày rất gần ba mẹ anh sẽ hiểu, thông cảm cho anh và cho gia đình nhà vợ.

Khi về với gia đình mình, anh hết lời khen ngợi ba mẹ vợ, nói hộ nỗi lòng không muốn “bắt rể” của ba vợ, rằng họ cảm thấy áy náy, có lỗi rất nhiều với gia đình mình… Trước thực tế đó, cảm nhận của vợ là: ba mẹ hai bên đều không khổ sở và mỏi mệt bằng chồng, anh luôn phải nỗ lực vượt qua bản thân, tìm cách để hai bên gia đình xích lại gần nhau, hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Đó không phải là việc làm dễ dàng hay một sớm một chiều. Em chẳng biết làm gì giúp anh ngoài việc cố gắng làm một cô con dâu tốt, để những việc làm của anh trong mắt ba mẹ là có lý, là đúng đắn và ý nghĩa.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Anh đã “địu” được ba mẹ qua nhà em. Hai bên gia đình đã ngồi lại với nhau, có những phút giây vui vẻ cùng nhau. Ba mẹ anh đã nhận ra việc con trai mình đã làm là đáng trân trọng, sau một thời gian dài họ phản đối.

 Nguyên Sa / PNO