Phóng xạ uy hiếp nước Nhật

TT – Sự cố hạt nhân ở Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng khi có thêm vụ nổ và hỏa hoạn tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Nhiều nước, đặc biệt là ở châu Á, đã đề phòng rò rỉ phóng xạ.

Phóng xạ uy hiếp nước Nhật

* Hơn 10.000 người chết và mất tích
* Động đất mới 6,4 độ Richter ở tây nam Tokyo

>> Read this on Tuoitrenews.vn

Người phụ nữ này đã khóc khi nghe tin người thân bị chết ở thị trấn Kesennuma, tỉnh Miyagi sau động đất, sóng thần – Ảnh: Reuters

Khủng hoảng hạt nhân đang trở nên nghiêm trọng hơn ở Nhật Bản sau vụ nổ mới và một vụ hỏa hoạn ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Các sự cố liên tiếp đang làm dấy lên những lo ngại về một sự nhiễm độc phóng xạ trong quần đảo Nhật Bản cũng như ở nhiều nước lân cận như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định phóng xạ mới chỉ đạt tới mức nguy hiểm cho sức khỏe ở tại nhà máy, quanh bốn lò phản ứng hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã cho mở rộng khu vực an toàn quanh nhà máy và kêu gọi người dân sống trong vùng bán kính 30km ở trong nhà, đóng chặt cửa sổ, đừng bật quạt… “Nguy cơ rò rỉ phóng xạ đang tiếp tục gia tăng”, Thủ tướng Kan tuyên bố.

AFP dẫn lời lãnh đạo Cơ quan hạt nhân Pháp Andre-Claude Lacoste cho biết mức độ nghiêm trọng của sự cố hạt nhân tại Nhật Bản “rõ ràng là ở mức 6”, tức “nghiêm trọng” theo tiêu chuẩn đánh giá quốc tế. Theo ông Lacoste, vỏ của lò phản ứng số 2 thuộc Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã không còn kín. Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản đánh giá vụ việc chỉ ở cấp độ 4.

Cùng ngày, một vụ động đất mạnh 6,4 độ Richter rung chuyển phía tây nam thủ đô Tokyo làm hai người bị thương và mất điện tại khu vực thành phố Shizuoka.

Nổ ở hai lò phản ứng

Sáng 15-3 thêm hai lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima Daiichi phát nổ, một số khu vực phía đông bắc đảo Honshu phát hiện lượng phóng xạ cao bất thường.

Ngay sau các vụ nổ, mức phóng xạ ở nhiều khu vực miền đông bắc đã tăng cao đáng ngại. Ở tỉnh Ibaraki, sát phía nam Fukushima, lượng phóng xạ đo được sáng 15-3 cao gấp 100 lần mức bình thường. Tại tỉnh Kanagawa tây nam thủ đô Tokyo, mức phóng xạ có lúc tăng gấp 9 lần, trong khi thành phố Maebashi cách thủ đô Tokyo khoảng 100km là 10 lần.

Xung quanh lò phản ứng số 4, nồng độ phóng xạ vào khoảng 400 millisievert/giờ. Mức phơi nhiễm trên 100 millisievert/năm đã có thể gây ung thư, theo Tổ chức Hạt nhân thế giới. Còn tại khu vực xung quanh lò phản ứng số 3, mức phóng xạ cao gấp 400 lần so với mức an toàn đối với con người trong vòng một năm. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, ông Edano, thừa nhận mức phóng xạ cao như vậy có thể “ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người”, nhưng mức phóng xạ sau đó được chính phủ thông báo đã giảm.

Lò phản ứng số 2 đã tan chảy, trong lúc lò phản ứng số 4 cũng bị nổ – Ảnh: AP

Một lượng phóng xạ cao gấp 10 lần thông thường đã được phát hiện tại Tokyo tối 15-3 song không nguy hiểm, chính quyền địa phương cho biết.

Ngày 15-3, Bộ Giao thông Nhật Bản đã cho thiết lập vùng cấm bay trong bán kính 30km xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, ngoại trừ các máy bay và trực thăng phục vụ việc tìm kiếm cứu hộ và phân phát hàng cứu trợ.

Kyodo News đưa tin Thủ tướng Naoto Kan đã yêu cầu Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) trả lời về “cái quái gì đang diễn ra” sau khi công ty này chật vật đối phó với hàng loạt vụ nổ liên tiếp ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. “Tivi đưa tin về vụ nổ nhưng văn phòng thủ tướng không được thông báo trong vòng một giờ sau đó”, ông Kan cho biết.

Ngoài ra, 10/22 tỉnh có nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản cũng đang đánh giá lại kế hoạch phản ứng trong các tình huống khẩn cấp sau sự cố ở Fukushima.

TEPCO có đang che giấu một thảm họa hạt nhân?

Các chuyên gia nguyên tử quốc tế đang đặt câu hỏi liệu có phải TEPCO và nhà chức trách Nhật đang cố tình che giấu sự thật về một thảm họa hạt nhân ở Nhà máy Fukushima Daiichi.

Trên thực tế, nhà chức trách Nhật và các công ty điện hạt nhân từng nhiều lần bị cáo buộc che giấu các tai nạn hạt nhân. Báo Japan Times cho biết năm 1995 đã xảy ra rò rỉ phóng xạ và hỏa hoạn ở lò phản ứng hạt nhân Monju ở tỉnh Fukui nhưng thông tin này bị Công ty Phát triển năng lượng nguyên tử và lò phản ứng (PNC) điều hành Monju ém nhẹm. Các nhân viên nhà máy cũng bị bịt miệng. Các báo cáo về vụ việc đều bị làm giả.

Năm 2002, chủ tịch và bốn quan chức TEPCO  đã buộc phải từ chức. Trong thập niên 1980 và 1990, quan chức TEPCO đã yêu cầu các kỹ thuật viên làm giả hàng chục báo cáo che đậy các vết nứt ở lõi 13 lò phản ứng ở nhà máy Kashiwazaki-Kariwa tại tỉnh Niigata và nhà máy Daiichi và Daini tại tỉnh Fukushima. Vụ che giấu kéo dài từ năm 1986 đến giữa năm 1990. Ít nhất 100 nhân viên và quan chức TEPCO có liên quan.

Các nước đề phòng rò rỉ phóng xạ

Không chỉ Nhật, các nước láng giềng, đặc biệt là tại khu vực châu Á, đã có những biện pháp chống nguồn rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc cho biết sẽ di tản công dân nước mình tại những khu vực bị ảnh hưởng phóng xạ ở Nhật, đồng thời hủy các chuyến bay đến Tokyo. Hãng Thai Airways của Thái Lan yêu cầu phi hành đoàn không nên qua đêm ở Nhật, theo AFP.

Hàng loạt quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Phần Lan, Áo, Thụy Điển, khu vực Bắc Mỹ như Mỹ, Canada và một số nước châu Á như Philippines, Hàn Quốc đã khuyến cáo người dân không nên đến Nhật Bản, đặc biệt là khu vực đông bắc.

Tổ chức Khí tượng thế giới và Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cảnh báo phóng xạ rò rỉ từ các nhà máy điện hạt nhân của Nhật sẽ phát tán ra khu vực Thái Bình Dương. Gió ở khu vực này dự kiến thổi theo hướng đông và đông bắc ra biển trong hai ngày 15 và 16-3. Trong khi đó tại cuộc họp nhóm G8, Bộ trưởng ngoại giao Pháp Alain Juppe nhận định nguy cơ từ các lò phản ứng bị ảnh hưởng bởi động đất là “cực cao”. Còn Nga cho biết tiếp tục giám sát nồng độ phóng xạ ở khu vực Viễn Đông.

Chưa phát hiện mây phóng xạ từ Nhật đến Việt Nam

TT – Ngày 15-3, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết vẫn chưa phát hiện mây phóng xạ từ Nhật di chuyển tới Việt Nam.

Sau khi xảy ra sự cố nổ các lò phản ứng hạt nhân của Nhà máy điện Fukushima ở Nhật, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã tiến hành quan trắc liên tục trong ngày nhưng vẫn chưa phát hiện đám mây nào có chứa phóng xạ di chuyển từ Nhật đến Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Nhị Điền cho biết từ khi Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có trạm quan trắc (1984) đến nay, chỉ duy nhất một lần quan trắc phát hiện được đám mây phóng xạ tới Việt Nam vào tháng 6-1986 do có sự cố ở Chernobyl.

Theo TS Điền, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có thể chịu được động đất ở 6-7 độ Richter, nếu xảy ra sự cố lò sẽ tự động dừng chạy. Đến nay lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã qua 27 năm vận hành nhưng chưa lần nào để rò rỉ phóng xạ ra bên ngoài, lò đang hoạt động rất tốt và rất an toàn.

QUANG NGỌC

Các nước lo ngại về an toàn điện hạt nhân

TT – Mối lo ngại rò rỉ phóng xạ ở Nhật Bản khiến các nước trên thế giới lo ngại về việc đảm bảo an toàn ở các nhà máy điện hạt nhân.

Hiện có hơn 200 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới. Riêng các nước châu Á có kế hoạch xây hơn 100 nhà máy điện hạt nhân trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng điện.

Khói bốc lên từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngày 14-3 – Ảnh: AFP

Trước tình hình nổ lò phản ứng hạt nhân liên tục tại Nhật kéo theo nguy cơ nhiễm phóng xạ, nhiều nước đã tạm dừng kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân như Thụy Sĩ, Úc, Đức, Indonesia, Thái Lan…

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… vẫn tiếp tục các chương trình điện hạt nhân, nhưng nhấn mạnh cần có sự thận trọng hơn và cần đúc kết kinh nghiệm từ Nhật Bản.

“Những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến điện hạt nhân ở Nhật Bản đang đặt một dấu chấm hỏi cho thời kỳ phục hưng của ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu. Những vụ nổ nhà máy điện hạt nhân và rò rỉ chất phóng xạ chắc chắn sẽ khiến thế giới lo ngại về độ an toàn của điện hạt nhân” – ông Alex Barnett, thuộc Tổ chức Jefferies International, cho biết.

DUY PHÚC
(Theo BBC, Reuters, AFP, Wall Street Journal, ABCNews)

TR.PHƯƠNG – H.TRUNG

______________________

Họ đã sống

Trong tang thương, tuyệt vọng vẫn có hi vọng khi những câu chuyện sống sót thần kỳ sau động đất và sóng thần đã diễn ra.

Ngày 15-3, sau bốn ngày thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản, những câu chuyện sống sót thần kỳ đã tiếp diễn.

Cứu sống cụ bà 75 tuổi sau 72 giờ

Lúc 10g40 ngày 15-3, một cụ bà 75 tuổi đã được cứu thoát ở thị trấn Ootsuti, tỉnh Iwate. Theo Asahi Shimbun, tính từ lúc xảy ra động đất đến khi bà cụ được cứu thoát là 92 giờ, trong khi khả năng sống sót trong điều kiện tương tự chỉ khoảng 72 giờ. Khi được cứu, bà cụ đã có hiện tượng giảm thân nhiệt nhưng đội cứu hộ đến từ Osaka xác nhận hiện tượng này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cụ. Ngay lập tức, cụ được chuyển đến bệnh viện ở thị trấn Kamaishi gần bên.

“Khi đội cứu hộ đến, bà cụ đang ngồi lặng ở tầng trệt ngôi nhà của mình khi xung quanh là một đống đổ nát” – nhân viên cứu hộ nói và cho biết thêm bà cụ đã ngồi im như thế chờ đội cứu hộ đến nơi.

Hơn 10.000
người chết và mất tích

(Hãng tin Kyodo công bố cuối ngày 15-3-2011)

Được biết, lúc hơn 10g từ khu lánh nạn, con trai bà cụ đã liên lạc với đội cứu hộ và thông báo “còn mẹ tôi đang ở nhà”, đội cứu hộ đã tức tốc lên đường.

Vào tháng 10-2004, một bé trai 2 tuổi cũng được cứu thoát trong một vụ lở đất sau khi bị mắc kẹt 92 giờ giữa một toa xe và một tảng đá tại thị trấn Nagaoka, tỉnh Niigata sau trận động đất.

Trong khi đó, theo Đài truyền hình NHK, một người đàn ông khác ở thị trấn Ishimaki, tỉnh Miyagi cũng được cứu thoát vào chiều 25-3 trong một tòa nhà bị hư hỏng sau 96 giờ tính từ lúc sóng thần ập vào.

Khoảng 200 người bị cô lập trong tòa cao ốc ở Ishinomaki sau khi sóng thần nhấn chìm thành phố của họ. Sau ba ngày chờ đợi với lương thực và nước uống cạn dần, chỉ khi lực lượng cứu hộ đến đưa họ rời khỏi nơi thảm họa, họ mới biết mình còn sống. “Không lời nào để diễn tả, tôi rất sợ” – Mutko Chiva, một trong 200 người bị mắc kẹt trong tòa nhà, nói.

Chiva cho biết những người bị mắc kẹt không thể liên lạc ra bên ngoài ngay khi động đất xảy ra và chính cô cũng không biết chuyện gì đã xảy ra với cha mẹ cô đang ở cùng thành phố. Đây là một trong những câu chuyện may mắn hiếm hoi ở thành phố Ishinomaki bởi nhiều người còn mắc kẹt đâu đó dưới những tòa nhà đổ nát khi thành phố với 160.000 dân nằm chếch về phía đông bắc vùng tâm chấn đã hoang tàn sau động đất.

Phút trùng phùng khi hai mẹ con gặp lại nhau sau trận động đất – sóng thần ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate ngày 15-3 – Ảnh: Reuters

Người đàn ông đi tìm vợ

Đài truyền hình NHK chiếu cảnh một người đàn ông đạp xe đi khắp các vùng bị nạn ở thành phố Rikuzentakata và các thành phố khác tìm vợ mất tích sau động đất. Ông viết tên vợ trên mảnh vải căng sau xe, đến mỗi nơi ông đưa hình cho từng người qua đường xem với hi vọng họ biết tông tích của vợ.

Ông đã đi như thế trong bốn ngày và cho biết sẽ không tuyệt vọng để đi tìm cho đến lúc thấy được vợ mình. NHK cũng ghi nhận hình ảnh một doanh nhân ở tỉnh Iwate lặng người rơi nước mắt khi bắt gặp một nhân viên của ông sống sót sau bốn ngày xảy ra thảm họa. Ông cho biết đã biết tin gần một nửa trong số 25 nhân viên của ông trong ngày 14-3, số còn lại đến giờ vẫn bặt vô âm tín.

Ở một nơi khác, tình yêu gia đình đã cứu sống ông Ishigara khi bị sóng thần cuốn đi. “Tôi đã bị nhấn chìm trong con sóng sau khi nhà sập. Ở dưới nước tôi cố mở mắt và thấy một con tàu bị chìm, tôi chụp một phần con tàu này để không bị nước cuốn đi. Lúc đó tôi nghĩ đến gia đình mình và biết rằng tôi phải sống, cứ thế tôi làm mọi việc để có thể sống” – ông Ishigara nói.

Tính đến nay có 450.000 người đang sống trong các lều tạm do chính phủ dựng lên. Hàng ngàn người sống sót khác đang sống trong cảnh không nhà và thiếu hàng cứu trợ, trong khi có đến 1.300 người được phát hiện bị mắc kẹt ở Oshima, Miyagi.

Tỉnh trưởng Miyagi, ông Yoshihiro Murai cho biết vấn đề thiếu thuốc men, lương thực cung cấp cho các bệnh viện và người dân các khu vực duyên hải đang là điều nan giải của chính quyền địa phương. Nhiều bệnh viện không thể cứu chữa kịp thời cho nạn nhân do thiếu thuốc trong bối cảnh người chết và bị thương được đưa về ngày càng nhiều.

Đ.T.HUY – MỸ LOAN

_____________

Nhật Bản: “sốt” xe đạp

Một người dân đạp xe giữa đống đổ nát do trận động đất – sóng thần để lại ở Sendai, đông bắc Nhật Bản, ngày 13-3 – Ảnh: Reuters

Nhiều người dân Tokyo đổ xô đi mua xe đạp với giá cao làm phương tiện đi lại thay cho phương tiện công cộng bị ngưng hoạt động vì động đất – sóng thần ngày 11-3.

Xe đạp trở nên “sốt” hàng tại cửa hàng Shinagawa Seaside thuộc hệ thống siêu thị Aeon tại vịnh Tokyo. 89 xe đạp được bán ra chỉ trong vòng ba giờ vào ngày 11-3.

Từ 17g30 ngày 11-3, khách hàng xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng và đến 20g cùng ngày, cửa hàng này bán sạch toàn bộ xe đạp, một số khách hàng không mua được phải ra về. Những người sống ở những vùng phụ cận Tokyo phải đi bộ suốt 15 giờ để đến mua xe đạp.

Nhiều cửa hàng xe đạp thể thao đã cho khách hàng thuê xe đạp nếu nhà của họ cách cửa hàng không xa.

Đường phố Tokyo những ngày này tràn ngập bóng dáng những người dân chăm chỉ làm việc chạy những chiếc xe đạp mới toanh từ nhà đến công sở.

“Đây là lần đầu tiên tôi chạy xe đạp kể từ khi rời khỏi trường trung học. Tôi phải vượt qua hai con sông mới đến được nơi làm việc” – nhân viên văn phòng Hidemi Yokozawa ở Tokyo cho biết.

DUY PHÚC (Theo Japan Times)

Cộng đồng quốc tế hỗ trợ Nhật Bản

Tính đến ngày 15-3 đã có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 14 tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả động đất và sóng thần ngày 11-3.

* Tổ chức Y tế thế giới cho biết đang sẵn sàng mọi phương tiện giúp Nhật Bản chăm sóc sức khỏe nạn nhân vùng động đất, nhất là khu vực bị rò rỉ chất phóng xạ.

* Hàn Quốc gửi đội cứu hộ 102 người đến vùng thảm họa và ủng hộ Nhật Bản 1 triệu USD.

* Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ 4,56 triệu USD và Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc quyết định hỗ trợ thêm 761.200 USD. Bắc Kinh cũng gửi đội giải cứu gồm 15 thành viên đến Nhật Bản ngày 13-3.

* Các tổ chức cứu trợ của Mỹ, trong đó có Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Hội Cứu trợ trẻ em, lực lượng quân đội cứu hộ cùng nhiều doanh nghiệp như Ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, Tập đoàn bảo hiểm Aflac… cho biết đã quyên góp hơn 22 triệu USD gửi đến Nhật Bản.

* Nepal đưa nhóm cứu hộ 15 người cùng 5.000 tấm chăn đến Nhật Bản.

* Bộ về các tình huống khẩn cấp Liên bang Nga đã đưa 75 chuyên gia cùng trang thiết bị chuyên dụng cứu hộ động đất từ Matxcơva và Khabarovsk tới Nhật Bản tham gia công tác tìm kiếm nạn nhân.

* Đài Loan thông báo tăng số tiền viện trợ cho Nhật Bản lên đến 3,3 triệu USD vào ngày 12-3 để đáp lễ “sự giúp đỡ của Nhật Bản trong vụ động đất và lũ lụt năm 1999 và 2009”.

* Úc gửi một nhóm cứu hộ gồm 75 người và chó đến Nhật Bản giúp đỡ tìm kiếm nạn nhân còn bị mắc kẹt do động đất và sóng thần.

* Anh cử nhóm 64 chuyên gia cứu hỏa và cứu hộ, hai chó cứu hộ và một đội ngũ y tế.

* Liên Hiệp Quốc cho biết có khoảng 60 đội cứu hộ từ hơn 45 quốc gia hiện có mặt để hỗ trợ Nhật Bản.

MỸ LOAN – DUY PHÚC  (Theo Reuters, ABCNews)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.