(Dân trí) – 0 giờ. Những chuyến xe rác cuối cùng của Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế hối hả rời bãi rác Thuỷ Phương. Ngay sau đó, gần 100 bóng người gầy guộc, đen đúa, phần lớn là trẻ em, ùa vào tranh nhau bới, tìm, nhặt những thứ có “giá trị” còn sót lại trong đống rác ngập ngụa, hôi thối… Những thứ có thể giúp họ đổi lấy 2 bữa cơm của ngày hôm sau.
Nhặt rác mưu sinh
Bãi rác Thuỷ Phương cách thành phố Huế chừng 20 km, trên một vùng đất hoang vắng, heo hút. 23h30, trong bộ dạng những người nhặt rác, chúng tôi nhập vào đám đông hàng trăm con người đang tay bị, tay que cào, đầu đeo chiếc đèn soi ếch kiểu thợ lò than, đứng chờ. Thông thường, đến 0 giờ bảo vệ bãi rác mới cho vào làm.
Ánh sáng từ ngọn đèn cao áp hắt vào những dáng người gầy gò làm lộ ra những khuôn mặt hốc hác với những cặp mắt hoáy sâu vì thiếu ngủ. Đủ tuổi tác, từ ông già 60 tới những em nhỏ mới 12-13 tuổi.
0 giờ đúng. Khi người bảo vệ già Hà Ngọc Thanh hô to: “Đến giờ rồi , bà con vào làm đi!”, lập tức tất cả ùa vào “trận địa”. Chiến lợi phẩm của họ thường là những chai nhựa, chai thuỷ tinh, túi ni lông, nói chung là tất tần tật những gì có thể bán được, có thể quy ra tiền, ra cơm ra gạo. Tất cả được nhồi vào chiếc bao tải lớn bên cạnh.
Thấy tôi có vẻ lóng ngóng của một kẻ mới vào nghề, một chị chừng 50 tuổi giục: “Em mới vào làm à? Nhanh tay lên chứ làm chậm thế thì được mấy đồng”. Rồi chị chỉ cho tôi những thao tác để nhặt rác nhanh hơn cũng như những loại rác nào sẽ “ra tiền”.
Qua câu chuyện, tôi mới rõ chị là người “làm ăn” lâu nhất ở bãi rác này. Chị “vào nghề” từ năm 1999, khi bãi rác Thủy Phương vừa đi vào hoạt động. Chị nói mình một nách hai con, chồng đau ốm liên miên, chữa chạy mất bao nhiêu tiền của, cực chẳng đã mới phải làm nghề này. “Chứ như em thì tìm đâu chả ra việc, làm cái nghề này vừa cực nhọc lại độc hại mà tiền thì chẳng có là bao” – chị khuyên.
Những người nhặt rác ở đây đến từ nhiều vùng, nhiều tỉnh khác nhau nhưng họ có một điểm chung là rất nghèo, rất lam lũ. Chị Hồ Thị Vương đêm nào cũng cùng một con dâu, hai con trai và một đứa cháu nội nhặt rác ở đây. Chị kể: “Mỗi đêm cả nhà tui kiếm được từ 20 – 30 ngàn, nghề ni cực nhọc lắm nhưng mình nghèo thì phải chịu khó chứ biết làm răng”. Chị chỉ cậu con trai đang mải miết bới rác bên cạnh: “Nó học lớp 10 rồi đó, đêm nào nó cũng phải theo gia đình vào đây làm, không làm thì lấy chi mà ăn chứ đừng nói là đi học”.
Không chỉ có chị Vương, các anh Nguyễn Tuấn Anh, chị Nguyễn Thị Ngào, chị Nguyễn Thị Tâm và nhiều con người khác đều đang sống nhờ vào bãi rác này. Nhiều em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học đêm đêm cũng phải vào đây, siêu vẹo cùng những núi rác để kiếm cái nuôi thân. Nhìn chung các em đều chịu cảnh thất học, một số rất ít em may mắn mới được đến trường.
Em Nguyễn Văn Phước kể: “Em nghỉ học từ lớp 7 và làm nghề nhặt rác ở bãi rác này từ đó cho đến nay đã được 5 năm. Bố mẹ em nghèo lại bệnh tật nên không có tiền nuôi em ăn học”. Cô bé Phan Thị Tuyết Trinh tuy mới 13 tuổi nhưng khuôn mặt đã hằn những dấu vết của sự nhọc nhằn cho biết: “Em nhặt rác ở đây đã 2 năm, bố mẹ già yếu không làm được gì. Em phải nhặt rác ở đây kiếm tiền đi học, mỗi đêm kiếm cũng được mươi ngàn, số tiền kiếm được em dành để mua sách vở và may áo quần để đến lớp”.
Và còn rất nhiều cô bé, cậu bé khác cũng đang phải vào đời sớm bằng nghề nhặt rác trên bãi rác này.
Khắc khoải uớc mơ
“Bữa ni người nhặt rác trên thành phố nhiều nên rác chở về đây còn rất ít thứ bán được, nghề nhặt rác giờ cũng khó khăn hơn trước. Hơn nữa, ở đây người ta chỉ cho nhặt rác rừ 0 giờ đến 6 giờ sáng, đêm tối, việc bị va vào xe chở rác và dẫm phải kim tiêm vẫn thường xảy ra. Ước chi có một việc làm ổn định cho bớt đi cực nhọc” – Chị Nguyễn Thị Ngào ao ước.
Chị Trần Thị Tâm đang hì hục bới rác cạnh đó cùng chung ý nghĩ: “Chồng tui bị bệnh thần kinh, con cái một đống, nghỉ làm một bữa là chết. Đã nhiều lần tui dẫm phải kim tiêm nhưng vì không đủ tiền nên liều để rứa, không dám đi khám”.
Cậu bé Nguyễn Văn Phước thản nhiên kể lại những lần mình bị rắn cắn hay tay vướng phải vật nhọn đến tướm máu: “Ước chi em được tiếp tục đi học để sau ni kiếm cho mình một công việc ổn định. Chừ không được đến trường chắc em sẽ phải nhặt rác suốt đời thôi”.
Những cô bé, cậu bé được may mắn đến trường, hằng đêm về đây nhặt rác, dù mệt mấy cũng không dám lười vì sợ phải nghỉ học sớm. Em Phan Thị Tuyết Trinh tâm sự: “Công việc này cực lắm nhưng được đến lớp thì thế cực đến mô Trinh cũng chịu đựng được. Trinh sẽ cố gắng theo học để trở thành cô giáo sau này, chứ không muốn nhặt rác ở đây mãi”. Đó cũng là mong ước chung của đám trẻ hằng đêm bới rác, kiếm tìm những tia hy vọng mới cho tương lai.
Đêm chuyển dần về sáng. Phía đằng Đông, mặt trời bắt đầu hắt những tia chiếu đầu tiên, mở đầu cho một ngày mới. Ánh sáng bình minh giúp tôi nhìn rõ hơn những khuôn mặt khắc khổ, nhem nhuốc, gày rạc vì thiếu ngủ.
Họ đang lần lượt rời bãi cùng những bao tải “chiến lợi phẩm”. Chưa biết tương lai ra sao, nhưng đêm qua, họ vui vì đã nhặt được nhiều thứ có thể chuyển thành tiền. Niềm vui đơn giản và ấm áp ấy giúp họ có đủ sức để đêm nay, lại thức trắng cùng bãi rác này.
Trần Hòe – Trần Khoa
Source: Báo Dân Trí