Vịnh nên nghĩ tới thể diện của bố mẹ

Chuyện bạn và Hương là chuyện đã rồi và bạn cũng biết rõ điều đó, đồng thời trước đó dường như bạn đã chấp nhận và không có một phản ứng nào. Tôi cũng có cả thời niên thiếu tại làng quê, do vậy tôi rất hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nếu Vịnh quay mặt với gia đình. (Huan)
>Chọn người mình yêu hay chọn ân nhân? Continue reading Vịnh nên nghĩ tới thể diện của bố mẹ

Khi yêu, tôi chả quan tâm bạn trai có nhà đẹp, xe hơi

Bản thân tôi chẳng quan tâm gia tài của anh ra sao, có bao nhiêu xe hơi đời mới… mà tôi chỉ cần biết anh có công việc ổn định là đủ. Tôi cũng chẳng cần biết anh có đẹp trai, ga lăng hay không, tôi chỉ cần biết người đàn ông đó thật lòng yêu tôi, theo đuổi tôi đến cùng. (Sa Ha)
>Tôi ảo tưởng hay phụ nữ bây giờ thiếu kiên nhẫn? Continue reading Khi yêu, tôi chả quan tâm bạn trai có nhà đẹp, xe hơi

Anh Hưng chưa gặp đúng người

Tôi cảm thấy anh không hề ảo tưởng mà phụ nữ bây giờ cũng không hẳn như anh nhận định là “thiếu kiên nhẫn” đâu, mà tôi thiết nghĩ có lẽ anh chưa gặp được đúng đối tượng. Vì trong cuộc sống này mỗi người một quan điểm mà anh. (Linh Nhu Chau)
Continue reading Anh Hưng chưa gặp đúng người

Sẽ càng bi kịch nếu Mai và người yêu tiến tới hôn nhân

Giả sử em và anh bạn đó có tiến đến hôn nhân thì chắc gì em sống tốt trong gia đình chồng, khi mà mọi người đã… lật bài ngửa cùng nhau. Cái đám cưới chẳng qua cũng chỉ là sự ràng buộc giữa hai họ, hôn thú chỉ là ràng buộc về pháp lý. (Nguyet Lat)

Continue reading Sẽ càng bi kịch nếu Mai và người yêu tiến tới hôn nhân

Chọn người mình yêu hay chọn ân nhân?

Hôm nay Nga, người tôi yêu tha thiết, nói về chuyện đám cưới, vì hai đứa đã có công việc ổn định. Thật trớ trêu khi bố tôi cũng vừa gọi về nhà chuẩn bị để nhà tôi và nhà Hương (suốt 6 năm nay Hương như người vợ tảo tần, lo cho gia đình tôi mọi bề) làm hôn sự. Tôi không biết phải làm sao. (Vịnh) Continue reading Chọn người mình yêu hay chọn ân nhân?

Tôi từng rơi vào vòng luẩn quẩn giống anh Hưng

Tôi từng mong một mái ấm cho mình, đôi khi tôi cảm thấy đó là điều ao ước, tôi cần một người có thể chia sẻ với tôi trong công việc, gia đình. Nhưng có lẽ nó là cái gì đó khá xa chăng, tôi thiếu gì? Vẻ ngoài cũng khá dễ thương đó chứ. (Kim Phung)
>Tôi ảo tưởng hay phụ nữ bây giờ thiếu kiên nhẫn? Continue reading Tôi từng rơi vào vòng luẩn quẩn giống anh Hưng

Yêu lắm quê mình

[Góc Tâm Sự] – Chiếc áo bà ba mỏng manh mà huyền bí của những cô gái quê mùa, rồi những chiếc ghe xuồng chất đầy chôm chôm đỏ rực, những quài chuối xanh mướt xuôi ngược trên dòng sông lấp lánh ánh trăng. Đêm nay, quê nó như hóa thành một nàng tiên dịu hiền và giản dị.

Quê hương Chợ nổi Cái Bè

Một đêm thật vui và tự hào với người dân Cái Bè, một đêm lễ hội đậm chất sông nước miệt vườn.

Đã từ lâu rồi nó mới nghe lại được câu hò, đã từ lâu hình ảnh cái chợ nổi bồng bềnh trên sông của miền kí ức xa xưa thuở nào mới chợt về trong nó.

Những chiếc áo bà ba mỏng manh mà huyền bí của những cô gái quê mùa rồi những chiếc ghe xuồng chất đầy hàng hóa là những chùm chôm chôm đỏ rực, những quài chuối xanh mướt xuôi ngược trên dòng sông lấp lánh ánh trăng. Đêm nay, quê nó như hóa thành một nàng tiên dịu hiền và giản dị. Đêm nay, cô gái quê bỗng lấp lánh tỏa sức hút say đắm lòng người !

Những cây sào treo lủng lẳng bao cây ngọt trái lành, những chiếc xuồng tấp nập bán buôn, tiếng con sóng nước vỗ nhẹ mạn xuồng, tiếng người mời gọi, tiếng mái chèo khua nhẹ con nước, rồi sự mộc mạc nghĩa tình được tái hiện trên một vùng sông nước lung linh trăng sao … càng làm nó yêu hơn vẻ giản dị thanh bình của miền đất chôn rau cắt rốn quê mình.

Nhiều thế hệ, nó vào bao người đồng lứa đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Có bao giờ thấy được cái lung linh như thế, có bao giờ cảm nhận cái chân giá trị như thế. Bao con người ở đây cứ cần mẫn với sông nước, ruộng vườn. Cuộc sống thật giản đơn và bình dị ở vùng mênh mông sông nước này.

Như những cánh chim, thế hệ của nó lớn lên rồi bươn chải xứ người, cứ lao đi tìm một vùng đất mới, đeo đuổi những khát vọng của chính mình, và có đôi lúc người ta đã quên đi cái giá trị ấy, cái hồn quê ấy. Chợt một ngày khi những chú chim non giờ đã già, sau bao va đập sóng gió cuộc đời, chợt thấy mỏi cánh và nhận ra quê hương là tất cả, là những gì thân thuộc đến bình thường!

Xin cám ơn Festival Trái Cây lần thứ I, xin cám ơn những người đã tổ chức sự kiện này, vì cho nó một ngày nhận ra chân giá trị của hồn quê, và nó thêm vững bước tự tin hơn khi trở về trên mảnh đất quê nhà

Chúc cho quê nó cất cánh hóa rồng và nếu có ai hỏi nó quê ở đâu, nó sẽ không ngần ngại mà hét to quê tôi ở Chợ nổi Cái Bè

GocTamSu.com theo Lê Giang Hoàng Phi Hải / Vnexpress

Sự thật khi lái xe cố tình cán chết người

[Góc Tâm Sự] – Sự thật là cánh tài xế vẫn bảo nhau rằng: “Thà nó chết hẳn còn hơn bị thương. Mất mấy chục triệu một lúc còn hơn phải nuôi nó cả đời ! Đi tù cùng lắm chỉ vài năm, có ai “đóng hộp” hết án đâu. Nó sống thì mình chết !”. “Nó” ở đây chính là nạn nhân của bánh xe.

Sự thật là việc cố tình cán chết nạn nhân quá kinh khủng, đây là tâm lý có sẵn của không ít lái xe chứ không phải là “một phút bồng bột”. Cho dù tại nguyên do nào thì hành động ác nhân này cũng không chấp nhận được. Rõ ràng là giết người có chủ ý, bằng hành vi côn đồ, dã man chẳng khác nào dùng các vũ khí khác. Hơn nữa là nạn nhân lúc này đang bị kẹt trong đau đớn, không có khả năng kháng cự. Trước đó họ không thù không oán với nhau, hoàn toàn có thể cứu mạng nhau trong những tình huống khác. Vậy mà…

Sự thật là những vụ việc kiểu này đã có từ rất lâu, như một ung nhọt nhức nhối chưa giải quyết được. Phải chăng cánh lái xe không hiểu hết pháp luật đã được cấp bằng cho chạy rầm rập ngoài đường ? Phải chăng pháp luật có điều gì thiếu sót hay do việc phổ biến chưa đến nơi đến chốn? Để cho người lái xe luôn nơm nớp lo sợ cảnh nuôi hết đời người bị nạn, sợ cái nỗi khổ khi “cán mà người ta không chết”, sợ bị ăn vạ đến sạt nghiệp. Và bao nhiêu cảnh thương tâm đã xảy ra. Tôi run cả tay khi gõ những dòng chữ này, nhưng đó là sự thật.

Sự thật là có những nạn nhân bị thương đã hành cho gia đình tài xế “sống chẳng bằng chết”. Kiếm được bao nhiêu tiền phải nuôi người ta bằng hết. Nào thuốc men, nào viện phí, nào bồi dưỡng sức khỏe… đằng đẵng hàng chục năm trời. Tài xế ấy có khá khẩm gì đâu, cha mẹ già yếu, vợ con nheo nhóc, trông cậy cả vào đồng lương lái xe. Vậy mà gia đình nạn nhân dùng đủ mọi biện pháp từ “đỏ” đến “đen” để hạch tiền. Nhiều khoản họ cố tình vẽ ra và đổ lỗi cho vụ tai nạn để bắt chi tiền. Cái nước ấy, anh tài xế nghĩ, thà “nó” chết mình chỉ đền “một phát” là xong, còn rẻ chán, sướng chán!

Pháp luật đã quy định từ lâu về việc “ai sai người ấy chịu”. Vậy kẽ hở nào khiến cho lái xe nói rằng “người chết không mệt bằng bị thương”? Kẽ hở nào khiến cho người bị thương trở thành một gánh nặng sợ hãi của lái xe? Có lần tôi còn thấy một bà bán phở vỉa hè nói với tài xế chiếc xe máy suýt đâm vào hàng bà rằng: “May cho mày đấy, cái nồi nước sôi này mà đổ vào tao thì mày phải nuôi tao, nuôi cả nhà tao hết đời là cái chắc!”. Bà ấy không đùa tí nào. Tất nhiên gây ra thì phải đền thích đáng, nhưng vấn đề rõ ràng là người chết “nhẹ gánh” hơn nhiều so với người bị thương. Đây là nguyên nhân mà lái xe coi rẻ sinh mạng con người. Nếu “cứu người là cứu mình” hay “giết người là giết mình” và “thương tích đền bù thỏa đáng có giới hạn và thời hạn nhất định” thì tài xế có nhẫn tâm như thế không?

Sự thật là những năm tù của tài xế, dù 8 năm, 15 năm, 20 năm hay nhiều hơn thế cũng chẳng trả hết cái nợ này. Quy luật Nghiệp – Quả sẽ theo tài xế sang tận đời con, đời cháu, thậm chí cả kiếp sau. Cuộc đời tài xế cũng coi như khép lại sau 8 năm “đóng hộp”. Chưa kể việc day dứt lương tâm về tội lỗi đã gây ra thì sau này ra tù cũng khó kiếm được một công việc làm ăn tử tế. Vạ lây sang cha mẹ, anh em, vợ con phải sống trong sự khinh rẻ, xa lánh của xã hội. Cái Quả phải trả tuy đến sau nhưng bao giờ cũng lớn hơn cái Nghiệp gây ra trước đó. Đã có không ít anh Tài sau đó phải thốt lên rằng: “Trời ơi, chỉ vì lo sợ trách nhiệm với một người tàn tật mà ra nông nỗi này, giá như mình chết đi còn hơn !”.

Tôi quen một cựu lái xe như vậy, gần hai chục năm nay bác ấy chưa có một giấc ngủ ngon. Mặc dù cũng đi tù, cũng đền tiền nhưng không thể lấy lại cuộc sống như trước. Hình ảnh người phụ nữ chết quằn quại đau đớn trong gầm xe không làm bác ấy ám ảnh bằng khuôn mặt gia đình cô ấy, trong phiên tòa đầy tiếng gào khóc của người mẹ, người chồng và đứa trẻ ba tháng đang khát sữa. Con cái bác cựu lái này hiện nay rất nghèo hèn và gặp toàn rủi ro trong cuộc sống. Bà vợ liệt gần chục năm chỉ nằm một chỗ. Anh con cả, trong một lần đi làm ca đêm trên đường cao tốc đã bị một chiếc xe tải cán phải rồi bỏ chạy. Bây giờ cứ thấy anh lăn xe đi xin ở các chợ hay đền chùa trong vùng người ta lại bảo: “thằng cha ăn mặn, thằng con khát nước đấy mà !”. Nhiều lần bác muốn tự tử nhưng lại không dám vì còn gánh nặng trĩu vai, bác vẫn phải lo kinh tế trong nhà bằng đồng tiền nhặt nhạnh phế liệu và gánh nước thuê.

Sự thật là mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông thì cả tài xế và nạn nhân cùng lâm vào tình cảnh bi đát. Cả hai con người, hai gia đình cùng bất hạnh. Và bất hạnh này chỉ có thể thay đổi khi tất cả cùng vì đức hiếu sinh, vì lòng nhân nghĩa, đạo đức để đừng làm khổ lẫn nhau và làm khổ chính mình. Và dù là bất cứ điều gì, việc cố tình lùi xe để giết người là quá côn đồ, dã man, mất hết nhân tính. Xót xa cho người chết oan ức – một sinh mạng vô tội. Và cũng đau lòng cho lái xe – một cuộc đời khổ ải.

Sự thật là không còn đau đớn nào hơn nhìn người thân của mình bị giết chết một cách tức tưởi, oan nghiệt không đáng có. Tôi không dám nghĩ đến hình ảnh cha mẹ em Hoa sau cái chết của con gái. Họ sẽ sống ra sao những năm tháng còn lại của đời người ? Nỗi đắng cay, xót xa, uất hận của họ biết lấy cái gì bù đắp nổi, nguôi ngoai nổi ? Tiền bạc ư ? Những năm đi tù hay cả mạng sống của lái xe ? Khốn khổ là đều không thể được ! Tài xế không chỉ giết chết một sinh mạng mà còn gieo nhân đau thương cho những thân nhân người ta, đâu kém gì cái chết. Xin chân thành chia sẻ mất mát đau thương với gia đình em Hoa, cầu cho linh hồn em được siêu thoát.

Không biết đến bao giờ thì lái xe hết mình cứu mạng sống nạn nhân? Bao giờ thì nạn nhân không lợi dụng thương tích để bắt vạ lái xe? Bao giờ những sự thật trên biến mất khỏi cuộc sống này? Câu trả lời trông cậy trước hết vào những người soạn thảo và phổ biến luật pháp, sau đó là những đơn vị cấp bằng lái xe, tiếp theo mới đến những vấn đề khác.

GocTamSu.com theo nguồn Xuyến Chi VD / Vnexpress

Hương vị quê nhà

(Góc Tâm Hồn) Cuối tuần, khi công việc đã xong xuôi, tôi thường bắt chuyến xe đò cuối cùng về quê để chạy trốn cái không khí ngột ngạt, đông đúc của thị thành và giải tỏa những ngày vùi đầu vào công việc.

Xuống chuyến xe đò cà tàng là đến bờ sông, bên kia là làng tôi, ngôi làng nhỏ bé có nhiều luỹ tre bao quanh. Ngồi đợi khoảng vài phút, có khi cả tiếng đồng hồ mới có đò ngang qua sông, dòng sông trong xanh, mát mẻ kỳ lạ. Ngắm dòng sông để thư giãn còn khoái hơn những đêm đắm mình trong tiếng nhạc của quán bar nơi thành phố. Chú chèo đò là người quen, mỗi lần gặp tôi qua sông chú lại hỏi: “Cháu lại về à, ở thành phố chán hay sao mà hay về thế ?”.Tôi cười: “Về để ăn khế chú ạ”.

Cây khế được nội trồng đã rất lâu, nghe nội kể nó năm lần bảy lượt bị gãy bởi bão và đạn bom của quân Mỹ. Thế mà cây khế vẫn nảy mầm rồi cao lớn, cho nhiều trái như chẳng có chuyện gì.

Nhà tôi liêu xiêu sau cánh cổng được uốn vòng cung từ cây râm bụt. Từ ngõ đi vào là hai hàng trúc được cắt vuông vức, đẹp đẽ. Tôi thường về nhà khi đã xế chiều, tiếng mẹ thổi lửa, tiếng “ru ru” của bà khi cho vịt ăn đã nằm trong tiềm thức của tôi.

Về đến nhà tôi thường nói “Vịt lớn nhanh bà nhỉ?”, và bà lại bảo: “Cái miệng thằng này, đừng nhắc mà nó ốm”.

Quê tôi mỗi lần khen thứ gì thường phải cẩn thận không thôi bị nạt. Vì người ta bảo khen không tốt cho sự phát triển mà nên nói điều ngược lại là chê, để không bị “thần linh” nhắc nhở, quở trách. Vì thế, mỗi lần con bé chị gái tôi hay bồng đi quanh xóm chơi, bà lại quẹt vào trán nó một vệt nhọ nồi!

Được hòa mình vào dòng sông trước nhà mỗi lúc hoàng hôn thì không gì sướng bằng. Lúc đó sự tĩnh lặng của ngày bắt đầu ập xuống, tôi ngụp lặn xuống sông để cuốn đi cái náo nhiệt, bụi bặm của thành phố.

Tôi thích buổi sáng dậy sớm, đi men theo con đê làng nhìn mạng nhện giăng trên những nhành nè, những giọt sương ngái ngủ từ đêm qua tròn xoe như đôi mắt nhìn bầu trời trong xanh. Tôi thích đu mình hái những quả mọng đầy nước thả xuống cho lũ trẻ đứng dưới chờ đợi. Cây khế là nơi lũ trẻ thường lui tới. Quả nhiều không ăn hết, có khi mẹ phải đưa ra chợ bán đổi gạo. Đến mùa kết trái, hoa theo gió rải thảm tim tím trên sân. Tôi thường đi trên thảm hoa ấy khẽ khàng vì sợ bàn chân mình dẫm nát một loài hoa của quê hương.

Tuổi thơ rong chơi trên cánh đồng, thả mình trên dòng sông trước nhà và ăn những trái khế ngọt lịm của bà tạo nên ở tôi một tính cách rất “nông dân”, dù có sống ở thành thị với những tiện nghi sang trọng cũng không phôi pha cái chất phác, quê mùa của hương đồng gió nội.

Theo Yên Mã Sơn / DanTri

Từ bồ cưng thành “hàng công sở”

[Góc Tâm Sự] – Thực ra cô cũng đâu còn tự trọng nữa. Đầu óc cô quay cuồng, ngây dại và ngồi phịch xuống giường, tự tay cởi bỏ quần áo để anh ta mặc nhiên hưởng thụ.

Cô quen Sơn trong lần đến công ty của anh làm việc. “Gái một con trông mòn con mắt”, cô đẹp rực rỡ nên đã lọt ngay vào mắt Sơn từ cái nhìn đầu tiên. Cuối buổi làm việc hôm ấy đã có cuộc gặp gỡ xã giao của anh giám đốc và cô kiểm toán viên.

Buổi tiếp khách tối đó thanh lịch và lãng mạn ở nhà hàng sang trọng. Không phải tiệc tùng mà chỉ có hai cốc cà phê và những bản nhạc du dương, họ không bàn công việc mà chỉ là những câu chuyện tâm sự gia đình.

Cô chạnh lòng khi nghe Sơn kể về người vợ cục mịch của anh. Vì cái nghĩa của gia đình cô với gia đình anh mà bố mẹ Sơn bắt anh phải cưới cô, người vợ mà anh không thể tâm sự, chia sẻ niềm vui nỗi buồn… Sơn bảo: “Anh không được hạnh phúc như em…”. Đôi mắt buồn của Sơn như đốt cháy lòng cô.

Đêm ấy, câu chuyện của Sơn, hình bóng Sơn và đôi mắt buồn ấy cứ chập chờn khiến cô trằn trọc suốt đêm, không ngủ được. Từ sau hôm ấy, hai người hay gọi điện, hẹn hò đi uống nước. Họ trở nên thân thiết. Trái tim cô như muốn vỡ òa khi vào ngày Tình nhân, Sơn tặng cô một bó hồng nhung rực rỡ với lời tỏ tình ngọt ngào. Cô ngât ngây trong hạnh phúc mà quên mất rằng mình đã có chồng, con. Cô đắm chìm trong men say của những lời tán tỉnh ngọt ngào, trái tim cô loạn nhịp trước những cử chỉ gần gũi âu yếm, rồi không kìm chế được lòng mình, cô đã để Sơn đưa vào khách sạn. Hôm ấy cô không biết mình đã bước một chân ra khỏi gia đình.

Sau lần ấy, mối quan hệ giữa Sơn và cô không đơn giản chỉ là tâm sự những lúc trống vắng, cô đơn nữa. Tình yêu vụng trộm như ma lực kinh hồn, họ tìm đến nhau bất kể là trưa hay tối.

Nhờ có người tình, sếp cô lại là bạn thân của Sơn nên với sự quan tâm của anh ta, chưa đầy một năm, cô đã được lên chức Trưởng phòng, vượt qua bao ứng cử viên sáng giá kỳ cựu khác. Không ít lời bàn tán, xì xầm nhưng cô tỉnh bơ. Cô biết sếp cũng mê cô lắm, nhưng vì những mối làm ăn với Sơn mà anh ta đành kìm nén.

Công việc bận rộn, lại thêm những buổi hẹn hò bất tận với người tình, cô chẳng còn thời gian dành cho gia đình. Hôm nào cũng 9, 10 giờ mới về nhà. Hai bố con đợi được thì đợi, không đợi được thì ăn cơm trước, tùy thích.

Nhiều lần chồng cô chờ cơm vợ nhưng khi cô về lại không ăn, cứ thế nên rồi anh cũng chán, đành ăn cơm trước với con. Chuyện quan hệ chăn gối càng tệ hơn. Cô lấy cớ mệt mỏi vì công việc nên tránh né. Những lúc âu yếm vợ, chồng cô cảm nhận sự chịu đựng, sự ban ơn của vợ. Cảm giác phải nhận sự bố thí tình yêu khiến anh tự ái. Dần dần, hai vợ chồng sống ly thân mà không hề biết.

Hồi hai người mới yêu nhau, nhiều người đã bóng gió xa xôi khuyên anh cẩn thận vì cô vợ đẹp khó giữ, hơn thế trông cô lại lẳng lơ và đa tình quá. Nhưng anh ngây dại, điên đảo trước sắc đẹp của cô, anh như con thiêu thân lao vào lửa.

Ngày ấy cũng đã khối lần anh bứt rứt, trái tim anh đau đớn, khó chịu mỗi khi thấy cô đong đưa, cười cợt với những anh chàng tán tỉnh buông lời ong bướm với cô. Giờ đây, cái tính lẳng lơ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình, đến hạnh phúc vợ chồng anh. Anh khuyên vợ giành thời gian cho gia đình và quan tâm đến con cái, nhưng cô vênh mặt lên: “Anh có giỏi thì ra ngoài kia kiếm thật nhiều tiền như người ta, mang về đây nuôi vợ nuôi con. Tôi sẽ ngồi ở nhà cả ngày chăm con”. Và rồi cô vẫn đi. Cô say tình như con thiêu thân say ánh lửa.

Hôm ấy, Sơn và cô hẹn nhau ở căn hộ hạnh phúc của hai người. Cô chuẩn bị một bữa tiệc nho nhỏ, đốt nến chờ Sơn. Trong ánh nến mờ ảo, cô chỉ nghĩ tới những giây phút hạnh phúc sắp tới mà không đoái hoài tới chồng con đang làm gì ở nhà, cô cũng không mảy may nghĩ đến tương lai.

Trong si mê điên dại, cô cũng cảm nhận thân phận của một cô bồ. Dù được nghe bao lời ngọt ngào âu yếm, dù được chiều chuộng nâng niu, thì cô vẫn chỉ đứng một góc nhỏ trong trái tim Sơn. Anh chỉ dành cho cô khoảng thời gian mà những người thân của anh không cần đến.

Hơn 10 giờ tối cô mới nghe tiếng xe rồi tiếng mở khóa. Cô vui mừng lao ra đón, nhưng thật ngạc nhiên, người vừa tới không phải là Sơn mà là sếp của cô. Không đợi cô phải hỏi, anh ta lật bài ngửa luôn: “Thằng Sơn nó không nói với em hả? Nó gán em cho anh vì hợp đồng mới giữa anh và nó. Bây giờ anh để em tự quyết định. Nếu em chịu là bồ của anh thì ở lại, còn không thì đi về và cũng đừng xuất hiện ở công ty nữa”.

Cô chết trân, nhục nhã, đau đớn tột độ, cô không ngờ mình lại trở thành món hàng cá cược của Sơn.

Đi hay ở? Đi là mất công việc tốt. Ở là mất lòng tự trọng. Thực ra cô cũng đâu còn tự trọng nữa. Đầu óc cô quay cuồng, ngây dại và ngồi phịch xuống giường, tự tay cởi bỏ quần áo để anh ta mặc nhiên hưởng thụ.

Theo Eva.vn

– Nhỏ to tâm sự chuyện tình cảm tình yêu hôn nhân gia đình và cuộc sống