Người cho tôi tình yêu…!

TTO – Tháng thực tập kết thúc, giờ ngồi nhớ lại những giây phút đầu tiên đứng trên bục giảng với vai trò là cô giáo, tôi vẫn thấy lòng nôn nao một cảm giác rất lạ: bỡ ngỡ, hồi hộp, và cả run nữa! Đứng lớp trong hai tiết, hai chân mỏi đến tưởng không thể đứng được nữa, giọng thì khàn đi, cổ họng khô đắng, vì không quen nên cuối tiết thứ hai là giọng nói đã yếu đi, học trò ngồi cuối lớp không thể nghe thấy được lời cô giảng.

Người cho tôi tình yêu…!

Có lẽ, mãi mãi sau này tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác của lần đầu tiên ấy! Lần đầu đã cho tôi có được cái cảm giác với nghề mà tôi đã chọn, lần đầu để tôi tự mình trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khi đứng trên bục giảng, bên dưới là những ánh mắt học trò hướng về mình, lần đầu để bắt đầu nhìn thấy những vất vả, khó nhọc của nghề giáo,… Ai cũng bảo, nghề giáo khó nhọc mà đồng lương thì còm cõi, phải thật sự yêu nghề và có cái tâm với nghề mới gắn bó lâu dài được. Vậy tôi đã yêu cái nghề này chưa nhỉ? Những vất vả thấy trước mắt đó có làm tuổi trẻ tôi nản lòng và rẻ hướng, chọn một con đường khác thay vì tiếp tục hát bài ca sư phạm?

Khi đặt ra những câu hỏi ấy, trong tôi bỗng hiện lên hình ảnh của thầy, hình ảnh

mái tóc lốm đốm bạc và những giọt mồ hôi rơi! Không hiểu sao tôi có ấn tượng rất sâu sắc với hình ảnh ấy! Hình ảnh người thầy không còn trẻ nữa, tóc pha màu thời gian, những vết đồi mồi, những vết nhăn cứ lặng lẽ ghi dấu lại những năm tháng đi qua, nhưng mấy người trẻ tuổi làm được như thầy. Mỗi giờ giảng, giọng thầy vẫn sang sảng, thầy ít khi dùng đến micro mà lớp hơn sáu mươi sinh viên vẫn nghe rất rõ mỗi lời thầy, thầy có thể nói liên tục mấy tiết học liền mà không hề giảm cường độ giọng nói, dù tôi biết thầy có bệnh trong người, đôi khi thầy dừng lại ho dữ dội, làm lòng tôi thấy nao nao. Thầy chuẩn bị bài giảng rất chu đáo, công phu. Thầy tận tâm, nhiệt tình truyền dạy cho chúng tôi những kiến thức của bộ môn, đồng thời còn dạy cả phong cách sống và làm việc. Thầy đã từng không cho sinh viên vào lớp vì đi học trễ, thầy nói rất đơn giản: “ Các em là những thầy cô giáo tương lai, nếu không rèn luyện tác phong từ bây giờ làm sao có thể làm thầy người khác được!” Thầy đặt ra những nội quy khá nghiêm khắc về giờ giấc, về học tập, nhưng chưa có sinh viên nào phàn nàn thầy khó tính hay tỏ ra chống đối vì chính bản thân thầy luôn là tấm gương về cách sống và làm việc mà chúng tôi phải học hỏi và noi theo. Lúc nào thầy cũng đến lớp trước chúng tôi, chuẩn bị các thiết bị hỗ trợ cho bài dạy như: máy chiếu, âm thanh,.. ; Lúc đứng lớp, thầy nói say sưa, như không hề biết đến những giọt mồ hôi lớn lấm tấm trên trán đang chảy dài xuống mặt, mọi thắc mắc của chúng tôi đều được thầy giải đáp rất chi tiết, cụ thể, dễ tiếp thu. Thầy nói: “ Khi đi dạy, các em muốn học trò hiểu, hãy dạy bằng cả cái tâm của mình, khi em hết lòng vào bài dạy thì học trò của em sẽ cảm nhận được và sẽ chú tâm tiếp thu. Hãy nói và nhìn các em bằng ánh mắt như truyền vào đó cái tâm, cái tình cảm của mình các em à!” và thầy đã dạy chúng tôi như thế, dạy bằng cả tấm lòng của thầy dành cho nghề và cho tất cả chúng tôi! Thầy thường xuyên được cử đi nước ngoài công tác, thầy bảo muốn đi nhiều để tìm hiểu về nền giáo dục các nước, học cái hay của nước bạn đem về vận dụng vào bài dạy, giúp chúng tôi có được cái nhìn mới, có thể có ích trong công tác sau này. Với năng lực của thầy, tôi được biết, thầy có thể chuyển sang những công tác khác nhưng thầy bảo, thầy yêu công việc này, thầy muốn thầy có thể truyền tình yêu ấy sang chúng tôi, để chúng tôi cũng yêu nghề giáo, vừa vất vả vừa lắm nỗi niềm này!

Giờ đây đứng trên bục giảng, nhớ lại những bài học của thầy, tôi đã chuẩn bị thật tốt bài dạy, đã giảng thật nhiệt tình bằng tất cả tình cảm, tâm huyết, giảng say sưa quên cả một lần ngồi xuống ghế nghỉ ngơi dù chỉ ba mươi giây, để sau hai tiết đứng lớp nhận ra mình không đứng vững nữa, cố gắng nói thật lớn, thật trôi chảy nhằm chuyển tải hết những nội dung của bài học đến học trò, lúc ấy, ngoài bài giảng ra, dường như trong tâm trí tôi không còn vướng bận điều gì khác. Và sự nỗ lực cố gắng ấy đã được đền bù xứng đáng, nhìn ánh mắt học trò chú tâm, những cái gật đầu hưởng ý ra vẻ các em có hiểu bài khiến lòng tôi vui lắm, cảm giác ấy thật lạ! Đó có phải là tình yêu không nhỉ!? Đã yêu chưa mà giảng xong một tiết rồi vẫn muốn hôm sau được giảng nữa, vẫn muốn đứng trên bục giảng dù bao nhiêu bụi phấn bay vào mũi làm bệnh viêm mũi dị ứng của tôi trầm trọng thêm!? Đã yêu chưa nhỉ mà giờ đây, khi đợt thực tập đã kết thúc lại nhớ quá không khí lớp học, nhớ lắm những ánh mắt em thơ!? Đừng chỉ nói đến lý tưởng, hãy dùng thực tế để trải nghiệm, đó là bài học mà tôi đã tự rút ra được sau tháng thực tập ấy.

Lần đầu đứng lớp, khó khăn, thử thách nhiều lắm, mỗi lần như thế tôi lại nhớ đến hình ảnh của thầy, tận tâm chỉ bảo cho chúng tôi từng bước lúc học với thầy môn “Phương pháp giảng dạy”, lẽ nào mình lại phụ công thầy sao, có hôm thầy cũng đứng suốt buổi, chắc thầy cũng mỏi lắm, thầy cũng nói rất to suốt mấy tiết liền, chắc thầy cũng mệt lắm, mồ hôi thầy lấm tấm rơi đó thôi, thầy lại có tuổi rồi, không lẽ, tôi trẻ khỏe thế này mà mới có chút khó khăn đã nản lòng lùi bước sao. Cứ tự nhủ như thế, tôi tự tin bước tới, đối mặt với tất cả khó khăn, để thấy mình trưởng thành hơn, để cảm nhận rõ hơn tình yêu với nghề cứ lớn dần như một mầm xanh khỏe mạnh mà không gì có thể ngăn cản sự vươn lên ấy. Và thầy, giống như ánh mặt trời ấm áp, nâng đỡ để cây mầm mãi xanh tươi! Cứ nhìn vào gương thầy, nhìn vào tình yêu của thầy đối với nghề, em thấy mình đã chọn một con đường đúng đắn, và tình yêu mới được thầy nhen lên ấy đã mang đến cho em hạnh phúc! Hạnh phúc khi nhìn đàn em thơ hiều những gì mình dạy, hạnh phúc đơn giản vì mình đã làm được hết sức mình.

Có được một tình yêu không dễ mà giữ được tình yêu ấy còn khó hơn. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để nuôi dưỡng tình yêu với nghề giáo ngày càng sâu đậm, bền chặt. Tình yêu ấy như món quà tri ân gửi đến thầy vì mong mỏi lớn nhất và cũng là ước nguyện của thầy là truyền được tình yêu nghề đến với thật nhiều sinh viên sư phạm, những thầy cô giáo trong tương lai nối nghiệp thầy. Thầy cô giáo được xem là những kĩ sư trồng người, có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp giáo dục của đất nước, thầy lại là thầy của những kĩ sư ấy, thế mới biết vai trò của thầy to lớn như thế nào, truyền được tình yêu đến với những kĩ sư tâm hồn trẻ để họ có thể vì tình yêu ấy mà vượt qua những trở ngại khó khăn, những cám dỗ trong cuộc sống là cả một sự nghiệp lớn! Và em nghĩ thầy đã làm được rồi thầy ơi!…

Kính tặng thầy Lê Đức Long – Giảng viên khoa Công nghệ thông tin – Trường ĐHSP TPHCM

PHẠM THỊ THẢO HIỀN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.