Mùa xuân hạnh phúc

Năm đó, tôi là sinh viên năm cuối của một trường đại học. Trường tôi cách nhà chỉ hơn 30 cây số. Chủ nhật nào tôi cũng về nhà. Tết năm đó, như mọi năm, tôi tranh thủ làm thêm đến tận chiều 30 mới nghỉ.

Mùa Xuân hạnh phúc
Mùa Xuân hạnh phúc

Định về nhà ngay. Nhưng nhỏ Hà và nhỏ Hạnh cùng nhà trọ cứ nài nỉ tôi ở lại ăn bữa cơm tất niên với chúng nó. Ăn xong, tôi vội vã phóng xe đi. Nghĩ bụng, túc tắc cũng thừa sức có mặt ở nhà trước giao thừa vài ba tiếng. Ai dè, mới đi được chục cây số, cái xe cối rệu rã của tôi trở chứng, máy kêu lập bập vài tiếng rồi tắt ngấm. Rất nhiều xe chạy ngang qua nhưng chẳng ai thèm để ý đến tiếng gọi cầu cứu của tôi. Cũng phải thôi ! Chỉ còn vài tiếng nữa là giao thừa. Ai cũng vội vã trở về nhà.

ôi đành lếch thếch dắt bộ chiếc xe phản chủ trong tâm trạng thất vọng và buồn bã, tự an ủi sẽ “xông đất” nhà mình. Đúng lúc đó, phía trước chợt sáng lóa. Lại một chiếc xe máy lao tới. Chắc chắn nó sẽ bình thản phóng ngang qua ? Ôi ! Không ! Tiếng máy tiến sát bên tôi rồi dừng lại. Tôi ngước lên. Dưới ánh đèn pha, tôi nhận ra một khuôn mặt đàn ông trẻ trong chiếc mũ bảo hiểm. Niềm hi vọng vừa lóe lên lập tức bị nỗi sợ hãi đè bẹp. Mình không gọi. Sao anh ta vẫn dừng lại?

“Chào cô gái! Sắp giao thừa rồi mà sao còn ở đây ? Xe hư à?”. Giọng nói điềm đạm, ân cần khiến tôi cảm thấy bình tâm. “Dạ! Tôi …Em …Dạ, nó không chịu nổ?”. Tôi đáp, vội vã, sợ nếu không nói nhanh, chiếc xe sẽ rồ máy, phóng vút đi, bỏ tôi lại với màn đêm mù mịt.
Người đàn ông dựng chiếc xe vẫn đang nổ, bước lại gần, đạp cần khởi động xe tôi. Chỉ có tiếng kích khô khốc. Anh lắc đầu, vẻ thất vọng: “Hết xăng rồi, cô gái ạ !”.

Tôi đứng lặng, sống mũi rân rân, nước mắt chực trào ra. Tức quá! Cái điều quan trọng như thế mà tôi cũng quên! Nằm lại dọc đường chỉ vì nguyên nhân lãng xẹt này ư? Tôi hít một hơi thật sâu, quay sang người đi đường tốt bụng: “Em cám ơn anh nhiều lắm! Thôi! Anh về đi cho kịp giao thừa!”. Anh nhướng mắt, ngạc nhiên: “Thế còn cô? Nhà cô ở đâu? Còn bao xa nữa?”. Tôi nhìn con đường hun hút đen như mực, thở dài: “Em về xã X. Cách đây quãng hai chục cây! Thì dắt bộ chứ biết làm thế nào? Dù sao cũng cám ơn anh!”. Anh lắc đầu, chắc lưỡi: “Chà ! Xã X hả? Vậy mà dám đi một mình! Gan thật!”. Tôi im lặng. Chẳng biết đó là lời khen hay chê. Nhưng khen hay chê thì cũng có ích gì trong lúc này? Lưỡng lự giây lát, anh nói: ” Hay là thế này ! Bây giờ chúng ta cùng về nhà tôi, gần đây thôi. Đổ xăng xong, tôi sẽ đưa cô về, được không? “. Không kịp nghĩ ngợi, tôi gật đầu lia lịa.

Anh để xe nổ máy cho có ánh sáng đèn, dắt đi bên cạnh tôi. Dù không quen biết, nhưng tôi vẫn cảm thấy bình an. Anh hỏi tôi là ai, vì sao lại “mắc cạn” ở đây? Như một cách trả ơn, tôi thành thật bộc bạch “hoàn cảnh”. Nào là tôi đang học năm thứ mấy, trường nào? Mấy đứa bạn cùng nhà trọ của tôi tội nghiệp ra sao, khi mà tôi được về quê ăn tết, còn chúng nó phải ở lại tranh thủ kiếm tiền. Rồi  tôi khoe đã mua những quà gì, cho ai? Thỉnh thoảng anh ồ, à hoặc cười khúc khích, kèm theo lời động viên: “Vui há !”. Tôi được trớn, cứ thế mà líu lo…

Chúng tôi rẽ vào một con đường đất. Qua vài con hẻm nhỏ với những bụi cây dại lùm lùm hai bên, anh nói: “Đến nhà anh rồi!”. Trong khi anh đổ xăng vào xe cho tôi thì mẹ anh loay hoay dọn mâm bát. Đã không nhận tiền xăng tôi đưa, mẹ và anh còn nhất định mời tôi, một người xa lạ, cùng ăn bữa cơm tất niên, với đầy đủ gà luộc, nem rán, giò, chả…Mẹ anh nói: “Nhà bác bao giờ cũng cúng tất niên sớm để chút xíu nó (bà chỉ anh) còn phải vào trực trong bệnh viện. Bác sĩ giỏi mà! Năm nào cũng phải trực đêm giao thừa !”. Ra vậy ! Phần thì đói, phần khác, tôi không thể từ chối lời mời nhiệt tình của mẹ và anh. Bữa cơm thật vui và đầm ấm. Tôi có cảm giác như đang ở nhà mình.

Có bạn đồng hành vừa đi vừa nói chuyện nên quãng đường về nhà tôi ngắn lại rất nhiều. Anh đưa tôi về tận ngõ, ngay khi trong xóm bắt đầu vang lên những tiếng nhạc rộn rã đón năm mới. Tôi mời anh vô nhà. Nhưng anh nói, anh phải về ngay cho kịp ca trực. Hẹn tôi khi khác.
Anh đã thực hiện lời hứa đó để giao thừa năm sau, tôi thành người trong gia đình anh. Cũng như năm trước, tôi cùng anh và mẹ đón giao thừa sớm. Cũng như năm trước, sau bữa cỗ tất niên, vào những khoảnh khắc trước giao thừa, anh đưa tôi về nhà. Nhưng không giống như năm trước, năm nay, tôi và anh chỉ đi một xe. Cũng không giống như năm trước, năm nay anh sẽ vô nhà cùng tôi, nói lời chúc mừng năm mới với mọi người trong nhà trước khi quay lại bệnh viện để vào ca trực đêm giao thừa.

Tôi ngồi sau anh, áp mặt vào tấm lưng rộng của anh, hít mùi mồ hôi quen thuộc của anh, lắng nghe niềm hạnh phúc dạt dào giữa mùi hương ngan ngát của mùa xuân …

Giao  Thủy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.