TT – Hơn 100 năm trước, để tránh sự truy sát của kẻ thù, những người Việt yêu nước theo phong trào Quang Phục hội đã phải di tản sang Xiêm La – tức Thái Lan bây giờ – để lánh nạn và nuôi chí phục thù.
Lý Tự Trọng – người truyền lửa (*)
Đoàn làm phim đi lại trên con đường ngày xưa hai vị thân sinh anh Lý Tự Trọng lánh nạn sang Xiêm (Thái Lan) – Ảnh: TVO |
Con đường chông chênh mà họ chọn để băng rừng lánh nạn ngày ấy bây giờ được gọi là đường 8, và người Hà Tĩnh luôn tự hào là quốc lộ đẹp nhất Việt Nam. Nơi ấy, bên kia biên giới, là nơi Lý Tự Trọng chào đời.
Lê Hữu Trọng – Lý Tự Trọng
“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng…” Cứ như thế, hình ảnh của quá khứ, những phát hiện mới của hiện tại như ẩn như hiện, quyện vào nhau để thể hiện nên nhân cách của một người anh hùng. Có thể nói năm tập phim Lý Tự Trọng – người truyền lửa (do Phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện) dù không thể tái hiện toàn cảnh hình ảnh của lịch sử, nhất là quãng đời hoạt động ngắn ngủi và sự hi sinh anh dũng của chàng thanh niên Lý Tự Trọng, nhưng với những vùng đất mà anh đã sinh ra, lớn lên, những địa danh mà anh đã lưu trú, những con người từng gắn bó với anh một thời và đặc biệt là những điều mới phát hiện…, phim đã phần nào khắc họa được hình ảnh anh hùng, quả cảm của một trong những thủ lĩnh thanh niên những năm 1930. Câu nói của chàng trai trẻ: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác” đã trở thành tuyên ngôn của tuổi trẻ Việt Nam. |
Bản Mạy, cũng như bao bản làng ở vùng biên giới Lào, Thái Lan chính là nơi dừng chân của những người Việt lưu vong. Tại đây, những năm đầu của thế kỷ 20, chàng trai Lê Hữu Đạt đã bén duyên với cô thôn nữ Nguyễn Thị Sờm.
Cha mẹ họ đều là nghĩa quân Phan Đình Phùng, cùng phận tha phương nơi đất khách quê người và cùng nỗi nhớ quê hương da diết với lời thề cứu nước. Sự đồng cảm ấy đã gắn kết họ nên vợ nên chồng. Một ngày cuối thu năm Giáp Dần (1914), họ vui mừng đón đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Lê Hữu Trọng.
Bé Trọng mới 3 tháng tuổi đã được mẹ địu ra đồng cấy lúa. Lời ru của người mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé còn ẵm ngửa tình yêu quê hương, khát vọng trở về đánh đuổi kẻ thù. Theo lời kể của các bô lão, ngày ấy, tối nào cũng vậy, sau khi việc đồng áng, cơm nước xong, người dân trong làng tập trung đến một nhà để nói chuyện trong nước.
Từ đây, những câu chuyện về truyền thống đánh giặc của cha ông ta được kể như những bài học lịch sử, hun đúc lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc ngoại xâm cho các thế hệ con cháu của họ.
Nhiều năm sau đó, trong một ngôi nhà nhỏ ở phố Văn Minh nằm cạnh dòng sông Châu Giang của thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, nơi mà tám thiếu niên đầu tiên của lớp “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” được Bác Hồ chọn sang Trung Quốc đào tạo, và Lê Hữu Trọng được Bác đặt cho cái tên mới là Lý Tự Trọng.
17 tuổi, anh ngã xuống
Nói đến Lý Tự Trọng còn phải nhắc đến sự chịu khó và tinh thần ham học hỏi. Sài Gòn thời đó là thuộc địa của Pháp. Để có thể hiểu kẻ thù và hoạt động cách mạng tốt nhất, Trọng tranh thủ học tiếng Pháp dù công việc ở sở than rất cực nhọc với 10 tiếng phơi mình dưới cái nắng hầm hập.
Ngày 9-2-1931, báo chí ở Sài Gòn đồng loạt đưa tin về vụ ám sát thanh tra mật thám tên Legrand. Tên mật thám chết tại chỗ nhưng người cầm súng cũng bị bắt, đó chính là Lý Tự Trọng. Sự kiện chàng thanh niên 17 tuổi bắn chết thanh tra mật thám làm rúng động chính quyền Đông Dương. Lý Tự Trọng liên tục bị tra tấn rất dã man nhưng anh vẫn không khai bất cứ điều gì ngoài cái tên Nguyễn Huy đã có trong bảng lương ở sở than. Giặc Pháp dùng đủ mọi cực hình tra tấn chưa từng có nhưng anh vẫn không khai, thậm chí tự cắn vào lưỡi của mình để không nói được.
Ngày 17-4-1931, một phiên đại hình được mở ra. Nhà báo tiến bộ Pháp Andrée Viollis trong cuốn Đông Dương cấp cứu đã mô tả lại giờ phút hi sinh anh dũng của người anh hùng thiếu niên Lý Tự Trọng: “Ngày 21-11-1931 Huy bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đường phố tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ.
Trong bức tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu “Việt Nam! Việt Nam!”. Huy cũng như Phạm Hồng Thái, cũng như nhiều người khác là những người anh hùng của nền độc lập Việt Nam. Anh bị chém vào khoảng 3 giờ sáng 21-11-1931. Lúc đó anh mới 17 tuổi…”.
80 năm đã đi qua, câu chuyện về anh hùng Lý Tự Trọng kiên trung, bất khuất vẫn luôn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy ý chí rèn luyện của thanh niên Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn, phim Lý Tự Trọng – người truyền lửa còn như một lời tri ân của thế hệ thanh niên hôm nay về người anh hùng tuổi trẻ, một trong những đoàn viên đầu tiên của tổ chức Đoàn thanh niên cách mạng, tiền thân của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ngày nay.
P.T.H.
(*) Phim do Phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ sản xuất. Các cơ quan, đơn vị, các cơ sở Đoàn có nhu cầu xin vui lòng liên hệ: Phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Liên hệ cô Minh Thùy, điện thoại: 0913798234.
Source: Báo Tuổi Trẻ