Là cô dâu của anh nhé!

Suốt mấy năm chơi trò “cô dâu-chú rể” lúc nào anh cũng đóng vai chú rể, còn em chưa một lần được làm cô dâu.

Em và anh không thể nói là thanh mai trúc mã nhưng đã là bạn bè từ thuở nhỏ và cùng nhau lớn lên. Câu hát “nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” cũng không chính xác với nhà hai đứa nhưng đứng ở nhà anh có thể quan sát hết nhà em và ngược lại. Hai nhà gần như là đối diện nhau.

Anh và em cùng tuổi, nhưng anh đòi mẹ cho ra đời trước em mấy tháng như để yên tâm là em phải gọi anh là anh. Hàng ngày chúng ta vui đùa cùng nhau, anh dạy em đá bóng, chơi bi, em chịu hết nhưng không lần nào anh chịu cùng em chơi búp bê hay đồ hàng. Anh nói đó là mấy trò của con gái, con trai “không thèm”.

Anh ghét những đứa con gái hay khóc nhè, ghét những đứa những con gái tóc ngắn. Anh thích người nào “đánh bạn” với làn da trắng hồng, mái tóc đen như gỗ mun, và thật dịu dàng nữa, giống như nàng Bạch Tuyết vậy. Em chẳng có một đặc điểm gì trong những “tiêu chuẩn” đó.

Suốt ngày chạy theo anh với mấy đứa hàng xóm, em là con bé da đen nhẻm, tóc thì cắt ngắn như con trai. Em từng hay khóc nhè, nhưng nghe anh nói không thích em giấu luôn cảm xúc của mình từ đó. Em trở nên mạnh mẽ, không để bị bọn con trai ăn hiếp.

Có lẽ thế nên suốt mấy năm chơi trò “cô dâu-chú rể” lúc nào anh cũng được đóng vai chú rể, còn em chưa một lần làm cô dâu, cùng lắm cũng chỉ là phù dâu, còn đâu em toàn bị anh bắt vào vai người hầu. Em ức lắm nhưng biết làm sao được, em vốn chẳng xinh đẹp gì rồi mà. Chơi cùng anh, chẳng bao giờ anh nhường em, em toàn là người chịu thiệt.

Mỗi lần mẹ anh và mẹ em gán ghép chúng ta, anh lại trề môi chê em. “Con không thích nó, con gái gì mà da đen nhẻm, tóc thì vàng hoe. Con không thích.” Em tủi thân, nhưng cũng chẳng sao. Em đã quen rồi.

Lên cấp 2, anh được ba mẹ cho lên trường huyện học, em một mình ở nhà. Anh mải mê cùng những người bạn mới nơi phố huyện, bỏ quên em. Chúng ta ít nói chuyện, ít chơi cùng nhau hơn. Không còn nữa sự nhầm lẫn của những người đi đường “nhà ai mà có hai đứa sinh đôi đẹp thế!”.

Em bây giờ cũng ít rong chơi hơn, không còn quần cộc với áo phông chạy nhong nhong ngoài đường với đám con trai nữa. Tóc em cũng dài hơn, đen hơn. Lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau mặc dù hai nhà đối diện.

Sáng sớm khi em còn chưa tỉnh giấc thì anh đã lạch cạch đạp xe đi học. Chiều anh về, em đã ăn cơm và yên vị trong bàn học của mình. Cứ thế suốt bốn năm cấp 2 chúng ta chỉ gặp nhau vài lần qua những lần mẹ sai bảo đứa này, đứa kia qua bên nhà nhau mượn món đồ nào đó.

Vào trung học, anh chuyển xuống trọ học ở thành phố. Còn em giờ mới được lên phố huyện học. Lần đầu tiên, em bước chân ra khỏi ngôi làng với lũy tre xanh. Việc học hành ngày một nhiều hơn khiến em không còn để ý và nhớ về anh nữa.

Chỉ thỉnh thoảng dắt xe đi học, bất giác nhìn vào sân nhà anh, thấy lòng man mác buồn, có cái gì đó hẫng hụt, trống rỗng. Nhưng rồi những bài toán khó, những công thức vật lí, những phương trình hóa học dài ngoằng đã cuốn em đi.

Thi đại học xong, anh về quê. Hôm nay bất chợt anh qua nhà em chơi. Anh trông khác xưa nhiều, chững chạc hơn, điềm đạm hơn, người lớn hơn. Em ở trên gác, dù nghe tiếng anh dưới nhà, nhưng em vẫn ngồi im không nhúc nhích. Phải chăng là em đang giận anh? Vì anh đã bỏ rơi em từ lâu, rất lâu rồi – từ khi anh vào cấp 2.

Mẹ gọi em xuống. Anh kinh ngạc, sửng sốt nhìn em. Là em đây sao? Em thay đổi nhiều quá. Em đã trở thành một thiếu nữ thực sự rồi, mái tóc đen dài ngang lưng, làn da căng đầy sức sống, em càng xinh hơn trong bộ đồ ở nhà màu hồng dễ thương.

Hai đứa lại đi dọc triền đê, nơi mà ngày xưa anh và em từng chăn trâu, thả diều, tối về hoa cỏ may bám đầy quần áo. Chúng ta đi hết những con đường làng quen thuộc nơi ngày xưa lúi húi chơi bi, đá bóng. Nói tới chuyện ngày xưa, anh mỉm cười, còn em thẹn thùng. Đã rất lâu rồi, anh và em lại mới thân thiết như thế này, kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về.

Bất giác, anh quay sang em, khẽ thì thầm: “Chúng ta chơi trò “cô dâu – chú rể” nhé! Lần này em sẽ là cô dâu của anh”.

 

Theo Mực Tím

One thought on “Là cô dâu của anh nhé!”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.