Tôi là đứa bụi đời, được ai sinh ra, làm sao mà lớn lên đến thế này, tôi cũng không rõ. Cái tôi biết là hàng ngày đi lượm ve chai về bán cho vựa, xong lấy tiền, mua cái gì đó bỏ bụng, có hôm không lượm được gì là phải đánh nhau, giành giật với tụi “đồng nghiệp” thì mới có cái ăn. Cuộc sống cứ thế, sáng làm, tối về ngủ trên mấy cáp sạp người ta bán hàng trong chợ.
Tôi cũng không biết má tôi là ai, mà cũng chẳng cần phải biết để làm gì, quen biết thêm một người, lại phải chia một miếng cơm. Cuộc sống của những đứa con đường phố, đơn độc là tốt nhất…
Tôi để ý cứ đến tháng 7 hàng năm là cái chùa gần chỗ tôi ngủ, người ta rộn rịp tổ chức tháng Vu Lan, và cứ đến ngày rằm là hàng loạt khách đi chùa ồ ạt, lũ lượt kéo nhau đến cúng bái. Tôi cũng không quan tâm lễ ấy là lễ như thế nào, tôi chỉ mong tới đó để có cơm chùa ăn, đỡ phải lo mấy ngày lượm ve chai vất vả, thế thôi. Năm nay cũng thế, đầu tháng 7 là chùa bắt đầu trang hoàng hoa trái, cờ phướn, nhang đèn, sửa sang để chuẩn bị đón khách thập phương. Ngày rằm, tôi đến chùa sớm, chuẩn bị chờ các thầy dọn bàn đãi cơm cho khách. Đi ngang qua một đám đông, tôi tò mò thấy người ta đứng xếp thành một hàng dài, trên là sư thầy, đang cầm những bông hoa hồng màu đỏ, nhiều màu đỏ lắm, gắn lên áo khách đi chùa, một số người hơi lớn tuổi thì được gắn hoa màu trắng, hết thảy mọi người đều xúc động. Tôi cũng tò mò lẻn vào, đến lượt tôi, sư thầy hỏi:
– “Bé con, mẹ con còn sống hay đã mất?”
– Con không biết, con sống lang thang từ nhỏ.
Tôi thấy mắt thầy hình như cũng ngấn nước, thầy ôm tôi vào lòng, gắn lên ngực tôi một bông hoa màu đỏ và nói:
– Thầy cho con một bông hoa đỏ, khi nào tìm được mẹ thì đến thăm thầy nhé, bé con.
Chuyện đó rồi cũng thoáng qua nhanh, chủ yếu tôi đến ăn cơm chùa mà. Ních căng bụng, tôi còn xin thêm miếng bánh để dành đến chiều. Xong, tôi trở về sạp ngủ một giấc, mệt quá rồi. Đang thiu thiu ngủ thì tôi phát hiện có ai đó giật lấy cái bánh trên ngực, bất giác tội vùng dậy đuổi theo, thì ra là một con bé nhỏ xíu, tới số rồi, giật bánh của tôi. Chẳng khó khăn để tôi nắm áo con bé lại: “À, gan nhỉ, dám trộm đồ của tao”. Con bé sợ hãi tím mặt, khóc lóc, nói không thành câu: “Em xin anh…tha cho em, bánh này em không ăn, em….. đem về cho mẹ” – “Mẹ mày không tự đi mua được sao mà sai mày đi ăn cắp hả con nhóc?” – “Mẹ em mất rồi, hôm qua em mơ thấy mẹ bảo mẹ đói, mà cả ngày hôm nay em không kiếm được gì cúng mẹ cả, anh ơi tha cho em” – “Xạo, chết rồi ăn sao được, mày bịp tao à?”. Con bé nấc lên, tiếng khóc nghe nghèn nghẹn, nó bảo sẽ dắt tôi đến mộ mẹ nó. Nó bảo nếu tôi không cho thì cho nó mượn, cúng mẹ nó xong rồi trả lại. Tôi cũng đồng ý, miễn đừng mất miếng bánh là được. Nó dắt tôi đến khu nghĩa trang gần chùa, xung quanh các ngôi mộ đều được dọn dẹp sạch sẽ, chúng tôi tiến đến cái một nom có vẻ bừa bộn nhất, cả mọc um và đầy rác. Con bé quì xuống, lấy đôi tay nhỏ nhổ nhanh mấy ngọn cỏ cao, cào rạch rác, nó đặt bánh trước mộ, rồi khóc: “Mẹ ơi! Quà của mẹ, con không kiếm được gì cả, mẹ đói thì ăn đi, xong con còn phải trả bánh cho anh nữa”. Tôi nhìn di ảnh, mẹ con bé không phải là rất đẹp, nhưng nhìn bà rất hiền, đuôi mắt nheo lại, chứng tỏ hồi trẻ bà cũng từng lam lũ, cuộc sống cũng chẳng sung sướng gì. Đợi một lát sau, nó vái vái rồi trả tôi cái bánh. Rượt nhau cả buổi, đói meo, cầm cái bánh cắn một phát ngon lành, tôi vẫn thấy con bé nhìn, ánh mắt thèm thuồng, tôi bẻ nó nửa cái, thấy cũng tội nghiệp…
Vy – tên con nhóc, cũng là đứa bụi đời, nhưng nó hơn tôi nhiều thứ, nó có tên, và quan trọng hơn, ngày trước, nó cũng từng có mẹ. Những ngày đi lượm ve chai chung, lúc rảnh, nó hay kể nó tôi nghe về mẹ nó: “Mẹ em đẹp lắm, hồi đó mẹ hay hái bồ kết gội đầu cho em, ôm em vào lòng, mẹ còn hát ru em ngủ, tới giờ em vẫn còn nhớ nhá….Này này bé Vy ngủ ngoan, ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh…..” Kể đến đó, nó lại khóc. Tôi lêu lêu chọc nó mít ướt, nó nấc lên trong nước mắt “Anh có mẹ đâu mà biết” – “Ờ thì tao có mẹ đâu, mày làm như có mẹ vui lắm ấy, chả phải mày đang khóc bù lu bù loa thế hả?”. Ừ thì, tôi thấy có mẹ chẳng vui gì cả, mà còn phải khóc nhè….
Rồi một ngày, ở xóm ve chai xuất hiện một người đàn bà. Người gầy gầy, nhưng có gương mặt thật hiền, bà cũng đi nhặt ve chai, tụi con nít không thích có thêm một người đến chia phần, trong đó có cả tôi. Nhưng hình như bà rất thích xem tụi tôi chơi với nhau, cười đùa đủ thứ. Tôi để ý thấy lúc đó, bà cũng lén khóc. Một bữa đói bụng vì cả buổi không lượm được thứ gì, tôi về sạp định đánh một giấc cho quên cái đói, tôi thấy bà đang ăn ổ bánh mì, them quá, tôi cứ nhìn, bà bẻ nửa ổ cho tôi, bảo tôi lại ngồi cạnh. Đang đói, tôi gặm nhanh phần bánh. Nửa ổ bánh hết veo, tôi cũng chưa no, bà cười nhẹ nhàng bảo:
– “Con còn đói à? Đây má cho, con ăn từ từ thôi kẻo nghẹn.”
– Tôi là con bà hồi nào mà bà xưng má hả?
– Nếu con má ngày xưa không thất lạc, chắc cũng trạc tuổi con.
Rồi từ từ, chậm rãi bà kể tôi nghe về người chồng và đứa con thất lạc trong một trận lũ lớn. Giờ bà không biết chồng, con ra sao, còn hay mất. Trôi dạt về vùng quê nghèo này, không làm gì được, bà đành nhặt ve chai sống qua ngày. Bà bảo tôi gọi bà là má, rồi 2 má con rau cháo nuôi nhau mỗi ngày mà sống. Tôi không nghĩ ngợi nhiều, hồi đó giờ tôi chưa có má, nhưng ngày trước nghe con bé Vy kể, thì thấy má nó thật tuyệt, tôi cũng muốn thử xem sao, miễn bà nuôi được tôi trong những ngày đói. Tôi đồng ý….
Hai má con thế là cứ dựa vào nhau mà sống. Bà thường dậy rất sớm, kiếm gì đó cho tôi ăn, rồi đi nhặt ve chai. Tháng 8, tháng 9 mưa suốt, mưa rào cũng có, mưa ngâu cũng có. Đối với những kiếp người lang thang như chúng tôi, những ngày mưa là những ngày cơ cực, chủ vựa ít làm, chúng tôi cũng chẳng nhặt được gì nhiều, là những ngày ăn không khí thay cơm. Ấy thế mà, má tôi vẫn đều đặn đội mưa, đội gió, cần mẫn nhặt từng cái bọc nilon, những hộp sắt vụn,…đổi lấy khi thì ổ bánh, khi thì bát bún, má nhường hết cho tôi, má chỉ ăn thừa những vụn bánh còn lại, hay húp nước bún trừ cơm Giờ thì tôi bắt đầu hiểu lời con bé Vy, có má là không lo đói. Buổi tối, tôi bảo má hát ru tôi ngủ, má ôm tôi vào lòng rồi hát “Gió mùa thu, má ru con ngủ, năm canh canh chày, ầu ơ, năm canh chày, thức đủ vừa năm….” Nằm bên má, tôi thấy ấm hơn những lúc một mình co ro trong manh chiếu rách, đôi khi tôi nắm lấy bàn tay má, nó sần sùi đến kinh khủng, với những vết sẹo do nhặt ve chai bị cắt, rồi những vết chai….Cuộc đời dần theo năm tháng, tôi và má nương tựa nhau mà sống, có khi má còn dạy tôi đọc chữ, má cầm cành cây viết trên nền cát, dạy tôi đọc, đánh vần, rồi còn tính toán nữa, giờ tôi có thể bập bẹ được những cửa hiệu mà tôi đi qua, rồi biết đếm tiền bán ve chai cho vựa. Có má là không có ngu dốt nữa, từ ấy mà cái đầu tôi hết tăm tối….
Tháng 7 lại tới, tôi háo hức chờ đến ngày rằm, không phải chỉ để ăn cơm chùa, mà là thăm sư thầy ngày trước, má cũng vui. Tôi dắt má đến chỗ thầy phát hoa, đến lượt tôi, không cần thầy hỏi, tôi reo lên liến thoắng:
– “Thầy cho con cái hoa màu đỏ đi thầy, con có má, má con đây nè thầy”
Sư thầy mỉm cười vui vẻ, thầy cài cho tôi một cành hoa hồng đỏ: “Bé con, giỏi lắm”. Tôi reo lên với má, tôi thấy má cười vui lắm, vui hơn những lúc nhặt được ve chai nhiều. Má ôm tôi vào lòng rồi nức nở . “Giỏi lắm, giỏi lắm, con là cuộc đời của má”.
Mỗi ngày đi lượm ve chai, má để dành một ít, bảo tới cuối năm má cho mua cho tôi một bộ đồ mới. Ui cha, cả cuộc đời lượm ve chai, tôi không nghĩ một ngày có thể mặc được đồ mới. Tôi hùn với má, mỗi ngày 1000, 2000đ,…Có những hôm đi lượm mắc mưa, về tôi sốt, bao nhiêu tiền dành dụm mua đồ mới, má mang ra tiệm thuốc, tôi xót lắm “Má để dành tiền mua đồ đi, con bệnh vài ngày khỏi à” – “Con khờ quá, phải mau hết bệnh, mặc đồ mới mới đẹp”. Má xoa đầu tôi, má thức trắng canh tôi bệnh, lúc nào má cũng đắp lên trán tôi cái khăn ướt, má ôm tôi vào lòng, lại hát ru tôi đi vào giấc ngủ. Sáng ra, tôi thấy mắt má thâm quầng, tóc lại thêm vài sợi bạc, nhìn những nếp nhăn lại hằn lên thêm trên gương mặt má, tôi thương má lắm. Tôi biết những ngày nằm bệnh, má phải một mình lượm ve chai nhiều hơn trước để lo tiền thuốc, tiền thức ăn ngon cho tôi khỏi bệnh. Gánh nặng trên vai má lại chồng chất, thêm một đứa con, là má phải oằn lung, vậy mà má vẫn thương tôi hết mực. Tôi nghĩ về bé Vy, nếu gặp nó, tôi sẽ cho nó biết má tôi còn tuyệt hơn má nó nhiều nhiều lắm….
Thu qua, đông tới, những cơn gió bấc về, mang cái hơi lạnh phả khắp vào không gian mù sương đẫm nước. Xóm ve chai nghèo lại sắp đón một mùa xuân. Tết đến, tôi lại nhớ tới bộ đồ má hứa, nhưng tiền thuốc cho tôi hết veo tiền để dành của má lâu rồi. Thôi kệ, miễn là má con tôi vui là được, không có áo mới cũng chẳng sao, với tôi, giờ có má là điều sung sướng nhất. Một ngày, chiều về, tôi chờ má mãi vẫn không thấy má mua cơm về, không biết má đi đâu nữa. Gần tối, tôi chạy ra đầu hẻm, thấy người ta xúm xít bu quanh một chiếc xe tải lớn, không biết chuyện gì xảy ra, tôi lách qua đám người đông nghịt…. Trời ơi, hãy nói với tôi rằng không phải là một cơn ác mộng, tôi nhìn rõ, má tôi nằm đó, máu chảy nhiều ở hai bên thái dương, tôi chạy gào lên, tôi chạy xuống ôm má lên, tôi gào lên như thác đổ, sao không ai cứu má tôi hết vậy? Tại sao mọi người có thể hờ hững đến như vậy, hàng đống người đứng xem mà không ai mảy may một lời chua xót, má tôi. Tôi khóc thét: “Má ơi, má ơi, má có sao không má ơi, đừng bỏ con má ơi, đừng má ơi…” Má tôi khóc nói được nữa, tôi chỉ thấy má nhìn tôi, rồi tràn nước mắt. Tôi nắm lấy đôi tay ướt máu, má đang cầm bộ đồ mới mua cho tôi ở tiệm. Vẫn đôi bàn tay, chai sần đến kinh khủng ấy, bây giờ gần như bất động, chỉ có đôi môi mấp máy, và hai hàng nước mắt vẫn lăn dài trên gương mặt má tôi….cuộc đời ơi, ông thật tàn nhẫn, thật tàn nhẫn với những kiếp người khốn khổ….
Sư Thầy nhận chôn cất má tôi ở cạnh chùa, gần ngôi mộ má bé Vy, tôi không còn má nữa…Mỗi ngày lượm ve chai về, trong sự cô đơn kinh khủng, tôi nhớ hình ảnh người đàn bà có khuôn mặt thật hiền, với đôi tay chai sần theo năm tháng, mỗi sang mua đồ ăn cho tôi, dạy tôi đánh vần và tập viết…đôi bàn tay ấy dang rộng ôm tôi trong những ngày mưa bão, chở che cho tôi trong những đêm giá lạnh ghê người. Đôi bàn tay mà ngày ngày phải lượm ve chai, đắp cho tôi từng mảnh khăn khi tôi sốt. Rồi những đêm thức trắng, với những sợi tóc bạc và vết chân chim, quãng đời sau này, tôi tìm đâu ra má nữa….Tận sâu trong tâm hồn, tạo hóa ban cho tôi đến 2 người mẹ, nhưng chỉ có má là cho tôi những tháng ngày hạnh phúc, không sung sướng đủ đầy như thiên hạ, những cũng bao bọc cho tôi trong cái gió mưa khắt nghiệt của cuộc đời. Má không mạnh mẽ, không như những siêu nhân huyền thoại, nhưng má có can đảm, má có tình thương, sự hy sinh cho đứa con bé bỏng, dù không phải má rứt ruột mang nặng đẻ đau mà chỉ vì tình thương cho một kiếp người lang bạt. Tôi nhớ lời má “Con là cuộc đời của má”. Vì tôi mà má đã hy sinh cả cuộc đời còn lại, má đem cả mạng sống để mua cho tôi một niềm vui trong cái số phận hẩm hiu, bụi đời đơn độc. Ôi những đêm lạnh về sau, ai sẽ hát cho tôi nghe những khúc hát ru đến não lòng, làm sao tôi có thể ngủ được trong những tháng ngày không có đôi bàn tay má đỡ nâng, che chở….Bây giờ, tôi mới thấy chua xót cho câu nói ngày xưa của bé Vy “Anh không có má, sao anh biết….” Phải, bây giờ tôi không có má, mãi mãi không bao giờ có má. Sẽ không có lần thứ 2, một vòng tay dang ra chào đón tôi như má đã từng làm. Khuất sau một thế giới, tôi cô độc thật rồi….
Trần Anh Tuấn
Đại học Tôn Đức Thắng, Q7, TpHCM
SĐT: 0989 246 313