Hãy đấu tranh để thay đổi cuộc sống của mình

Sự “cun cút”, sự “cắm đầu cắm cổ” lo cho chồng con đã làm các ông chồng coi việc phụ nữ hy sinh là đương nhiên và quên việc phải có bổn phận ngược lại. Vậy thì chúng ta không thể ngồi chờ ban phát tình cảm rồi khóc than được, chỉ có thể tự đấu tranh để thay đổi cuộc sống của mình thôi. (Hoai)
>Đừng kể tội chồng/Vợ đau bụng quằn quại, chồng vẫn ngủ say

From: hoai
Sent: Tuesday, June 29, 2010 7:57 PM


Gửi chị Phương và các chị em khác,


Đọc tâm sự của các chị tôi như thấy chính hình ảnh của mình trong đó vậy nên có đôi lời muốn chia sẻ với các chị. Hy vọng tòa soạn sẽ cho đăng bài của tôi.


Tôi lấy chồng cách đây 8 năm khi tôi 25 tuổi, là một người sống tự lập từ rất sớm nên tôi bắt quen vào cuộc sống gia đình không mấy khó khăn, cũng gần như tôi chuyển chỗ ở từ nơi này sang nơi khác thôi. Làm việc cật lực để kiếm tiền mua đất xây nhà, nấu nướng ăn uống cho 2 vợ chồng, đối nội đối ngoại với gia đình chồng, vợ, bạn bè hai bên, cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn bên công việc và chăm sóc chồng.


Không thực là người phụ nữ khéo léo đảm đang, nhưng tôi được anh em bên chồng và bạn bè của chồng rất tin tưởng, quý mến và gần gũi. Việc có con thì tôi không vội vàng vì thực sự tôi quan điểm rất rõ ràng, tôi có thể vất vả và khổ sở thế nào cũng được, nhưng tôi sẽ không để con tôi phải chịu cực khổ. Vậy nên dưới sức ép của bố mẹ chồng và mọi người xung quanh, tôi vẫn bình chân như vại và chỉ cười trừ khi bị truy hỏi.


Gần 4 năm sau đám cưới tôi mới có con, khi chúng tôi đã có nhà cửa đầy đủ và kinh tế tạm ổn để tôi không phải nghĩ ngợi gì khi ở nhà nuôi con. Chuẩn bị kỹ càng vậy mà đến lúc này tôi mới thấy ngỡ ngàng trước chồng mình. Trước tôi luôn tự chăm sóc mình khi đau ốm, nhưng khi có thai, bị nghén thì tôi quỵ hẳn. Không ăn được, không ngủ được, nôn từ sáng đến tối. Gọi mỏi mồm nhờ chồng nấu cháo cho ăn khi đã nhờ cô bạn mua xương về ninh sẵn, dặn kỹ cách nấu vậy mà khi mang lên thì hỡi ôi cái món cháo không khác gì thứ cơm nát lổn nhổn xương. Vậy là đành gặm bánh mỳ cho lành.


Chịu được 10 ngày thì tôi kiệt sức, rối loạn tiền đình, tụt huyết áp, lúc này thì chồng tôi đành đưa đi gửi ở nhà bác sĩ quen và phó mặc cho cô ấy chăm sóc. Ngày thứ ba thì bác sĩ nhất định đuổi tôi về vì quá kiệt sức khi chăm sóc tôi (cô ấy chăm sóc tôi tận tình như một người mẹ) và vì sợ tôi có thể bị sẩy thai vì quá yếu. Trong lúc ấy thì chồng tôi lại đang nhăm nhăm về quê để đi đám cưới bạn.


Không chịu đựng nổi, tôi gọi điện vừa khóc vừa nói cho anh ấy một trận, thấy tôi gay gắt quá nên anh mới bỏ ý định về. Những ngày tiếp theo việc chăm sóc tôi vẫn tệ hại không kém, nhưng có lẽ do đã được cô bác sĩ chăm sóc tận tình mấy ngày liền nên sức khỏe tôi dần dần ổn lại và tôi có thể ngồi dậy và tự lo cho mình được. Khi tôi sinh con, sau 2 tháng ở cữ được bà ngoại và bà nội bé chăm sóc (2 tháng đấy chồng tôi về ăn cơm cùng mẹ con tôi được 4 bữa), vì công việc tôi chuyển lên cửa hàng sinh sống vừa chăm con vừa làm việc vì các bà phải về quê.


Thế là chồng tôi ngoài công việc, mỗi ngày anh dành cho mẹ con tôi chừng 30 phút để tôi có thể đi chợ nấu nướng và mua đồ dùng thiết yếu cho 2 mẹ con tự chăm sóc nhau. Thời gian còn lại anh về để trông coi thợ đang sửa lại nhà và ngủ ở nhà luôn. Những ngày thường có người làm việc tôi thỉnh thoảng còn nhờ người trông đỡ con được, đến ngày chủ nhật mọi người nghỉ hết thì tôi đành ôm con ngồi chờ vì tôi không thể ôm con đi bộ ra chợ.


Do phòng ở của mẹ con tôi chỉ có 6 m2 nên không thể mua tủ lạnh, việc phải nhịn đói đến chiều xảy ra như cơm bữa vì anh bận đủ các thứ lý do, nhưng chủ yếu là do đi nhậu nhẹt với bạn bè nên quên mất mẹ con tôi. Nhắc nhở, khuyên nhủ, nịnh nọt hay nổi đóa lên nhưng hình như chả cái gì lọt vào đầu anh. Đã có lúc tôi mệt mỏi và cô đơn đến nỗi tính đến chuyện ly hôn.


Nhưng rồi tôi thuê người giúp việc và chuyển về nhà ở. Chồng tôi vẫn đi từ sáng tới đêm, chủ nhật cũng chẳng ở nhà. Không ngồi đấy để xoi mói xem anh đi đâu làm gì, cũng chẳng chờ đợi anh chăm sóc khi đau ốm, cái gì tôi tự làm được thì làm, có người giúp việc, tôi rảnh hơn và dành thời gian chăm sóc mình hơn. Thỉnh thoảng, tôi đi ra bên ngoài, gặp gỡ bạn bè, kết thêm nhiều bạn bè mới. Cuộc sống của tôi vui vẻ hơn, đỡ tù túng hơn và bớt đi sự bực tức căng thẳng do sự thiếu quan tâm của chồng.


Còn chồng tôi, sau một thời gian thấy vợ không í ới điện thoại, cũng không thắc mắc gì về việc đi sớm về muộn của mình bỗng nhiên chột dạ, quay lại để ý vợ. Anh bắt đầu lắng nghe các cuộc điện thoại đến của tôi, bắt đầu gọi điện thoại kiểm tra xem tôi ở đâu làm gì, để ý cách ăn mặc của tôi và bắt đầu tỏ ra ghen ghen khi tôi đi về muộn. Tôi chỉ cười mỗi khi anh hỏi và bảo “em đi chơi với bạn em, cũng như anh đi với bạn anh ấy”.


Không chịu đựng được lâu, đến một ngày anh đã nổi đóa lên với tôi khi thấy tôi được một người bạn nam đưa về. Anh quát tháo và tra hỏi tôi về người bạn ấy. Không bực tức, không sợ hãi, tôi chỉ cười chờ anh trút hết cơn giận mới từ tốn nói: “Vậy các cuộc đi chơi của anh cũng có mục đích xấu xa như thế nên anh nghĩ em cũng vậy”. Anh chống chế: “Làm gì có, chỉ toàn bạn bè vô tư”, tôi hỏi “vậy thì tại sao anh có thể bạn bè vô tư mà em thì không thể như vậy”.


Cuộc tranh luận diễn ra suốt đêm, tôi nói hết tất cả những gì mình nghĩ, mình cảm thấy và tôi cho anh lựa chọn. Hoặc là anh cứ tiếp tục sống như thế thì tôi cũng sẽ đi tìm nguồn vui khác và không loại trừ đến một ngày tôi tìm được người biết yêu thương, quan tâm tới tôi hơn, tôi có thể sẽ đến với người ta thật và tôi sẽ nói thẳng với anh khi tôi quyết định điều đó. Hai là anh phải thay đổi, thay đổi thế nào thì anh phải tự suy nghĩ để cân nhắc. Câu chuyện lúc nóng lúc lạnh và kết thúc là những lời nói ân hận của anh và những giọt nước mắt của tôi khi anh ôm tôi vào lòng.


Cũng không phải ngày một ngày hai chồng tôi thay đổi ngay được thói quen vô tâm của mình, nhưng có sự thẳng thắn với nhau, có được sự thay đổi trong cách sống, cách quan tâm đến nhau làm cho tình cảm vợ chồng tôi trở nên gắn kết hơn. Và việc anh quan tâm đến tôi không còn là miễn cưỡng nữa mà nó chứa đựng cả những tình cảm âu yếm.


Có thể tôi là người may mắn khi thay đổi được chồng mình, nhưng trong câu chuyện của tôi, tôi cũng đã mắc phải một sai lầm truyền thống của phụ nữ Việt, đó là đôi khi chúng ta yêu chồng quá và phụ thuộc vào tình cảm với chồng mà quên đi mất bản thân mình. Sự “cun cút” sự “cắm đầu cắm cổ” lo cho chồng con đã làm cho các đức ông chồng của chúng ta coi việc phụ nữ hy sinh là đương nhiên và họ quên đi việc phải có bổn phận ngược lại…


Mất tự chủ về kinh tế và nhất là mất tự chủ về tình cảm sẽ làm cho chúng ta trở nên yếu đuối, phụ thuộc vào chồng và không dám đấu tranh đến cùng. Chính các ông chồng nắm được điểm yếu của vợ nên ra sức “bắt nạt”. Vậy thì chúng ta chẳng còn cách nào khác, không thể ngồi chờ đợi các ông ấy ban phát tình cảm rồi khóc than thân phận bèo bọt được, chỉ có thể tự đấu tranh để thay đổi cuộc sống của mình thôi.


Nếu yếu đuối và sợ làm to chuyện sẽ mất các ông ấy thì cũng đành chịu đựng mà ngậm ngùi vậy, vì chúng ta đã không biết tự yêu chúng ta thì trách sao được ông trời phải không.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.