Hành trình Bình Minh – Kỳ 4: Tiếp nối Bình Minh

TT – Đặt chân lên con tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 ngay khi vừa cập cảng Nha Trang, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là lá cờ Tổ quốc đang phần phật tung bay trên tàu.

Hành trình Bình Minh – Kỳ 4: Tiếp nối Bình Minh


>> Read this on Tuoitrenews.vn

Thuyền trưởng Trần Anh Vũ (trái), tàu Bình Minh 02, chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo – Ảnh: Quốc Việt

Sau hải trình khảo sát 42 ngày đầy sóng gió với sự kiện bị tàu hải giám Trung Quốc cản trở, phá hoại ở thềm lục địa VN, Bình Minh 02 và những thành viên trên đó đã trở thành tâm điểm được mọi người Việt Nam quan tâm.

Thế hệ kế tiếp

Với hai màu sơn xanh trắng, tàu Bình Minh 02 hòa lẫn với màu sắc của biển trời và mang ý nghĩa hòa bình. Từ sáng sớm, nhiều người dân Nha Trang đã ra bờ biển trông đợi thủy thủ đoàn. Tôi bước vào phòng khách tàu trong lúc các kỹ sư địa chất và thủy thủ đoàn đang đón nhận các bó hoa cùng bằng khen sau chuyến hải trình đặc biệt.

Trên cầu thang dẫn lên tàu, đội thủy thủ và các kỹ sư địa chấn đang vui vẻ bước lên để thay ca cho đội bạn vừa về. Tấm hải đồ Tổ quốc lại được trải ra trên cabin.

Dẫn tôi đi tham quan tàu, thủy thủ đoàn kể rất nhiều về “người bạn đồng hành sắt thép” Bình Minh 02. Tuy cùng tên Bình Minh với con tàu địa chấn đầu tiên của VN đã hoạt động trên vịnh Bắc bộ cách đây 30 năm, nhưng con tàu mang số thứ tự 02 này có tải trọng lớn và hiện đại hơn.

Theo hồ sơ của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), tàu có tên gọi đầy đủ là tàu khảo sát địa chấn 2D Bình Minh 02 của VN. Nó được hoán đổi từ tàu cá Pavlovsk thế hệ Atlantic 333, dài 62,26m, rộng 13,82m, sâu 9,2m. Tàu có lớp thân thép cứng dày, bảo đảm hoạt động được trên tất cả vùng biển.

Kỹ sư Phạm Khôi, đội trưởng đội địa chấn có mặt trên tàu Bình Minh 02 ngay từ thời kỳ đầu hoạt động khảo sát trên biển, cho biết hệ thống khảo sát địa chấn thuộc thế hệ hiện đại tiêu chuẩn của thế giới. Toàn bộ thiết bị đều được mua từ các công ty có bề dày về lĩnh vực này như Quest (Anh), Cercel (Pháp), Seamap (Mỹ).

Ngoài 20 thủy thủ đoàn vận hành và phục vụ trên tàu, Bình Minh 02 còn bảo đảm chỗ ăn nghỉ và làm việc thoải mái cho đội địa chấn khoảng 20 người của kỹ sư Khôi trong suốt 42 ngày. Hệ thống lọc nước biển trên tàu với công suất 25m3/ngày, bảo đảm dư sử dụng cho 40 thành viên trên tàu.

Chỉ tạm rời Bình Minh 02 trong sáu tuần thay ca, nhưng kỹ sư Khôi lộ rõ sự lưu luyến bạn bè đồng nghiệp. Anh tâm sự gia đình quốc tịch Canada, nhưng chính người cha Phạm Đình Trọng của anh là vị thuyền trưởng thời kỳ đầu của Bình Minh 02. Trước đó, ông đã cầm lái nhiều con tàu mang quốc kỳ VN trong suốt hơn 20 năm.

Riêng Khôi cũng có mặt trong đội khảo sát địa chấn trên tàu Bình Minh 02 gần ba năm kể từ khi nó được nhà thầu Nordic chuyển giao cho đối tác VN năm 2009 …

Hãy kiên cường!

Lên tàu Bình Minh 02 trong lúc nó đang được khẩn trương chuẩn bị cho chuyến hải trình tiếp theo ngay sau sự kiện bị tàu hải giám Trung Quốc cản trở, phá hoại, tôi đã được chứng kiến nhiều bạn trẻ Việt đang đảm nhận các trọng trách, công việc quan trọng trên tàu. Tuy tàu giống như một “hợp chủng quốc” trên biển với các kỹ thuật viên đến từ Mỹ, Nga, Canada, Anh, Hungary, Philippines, Malaysia, nhưng hơn 4/5 đội ngũ trên tàu là người VN. Họ có mặt ở tất cả vị trí từ thủy thủ, sĩ quan tàu, khảo sát địa chấn, xử lý số liệu, bảo vệ…

Ngay sau chuyến hải trình vừa kết thúc của thuyền trưởng người Nga Alexander Belov, lãnh đạo tàu trong chuyến ra khơi kế tiếp sẽ được chuyển giao cho Trần Anh Vũ, một thuyền trưởng người Việt có hơn 20 năm kinh nghiệm trên khắp vùng biển thế giới…

Cũng như thuyền trưởng Alexander Belov nhiều lần nói ông thích được làm việc với các bạn Việt, kỹ sư Phạm Khôi đến từ Canada tâm sự rất vui khi được làm việc với các bạn trẻ ở quê hương. Trước khi Khôi về làm việc ở VN, anh đã có 10 năm kinh nghiệm trong ngành khảo sát địa chấn Canada. Còn đa số bạn trẻ người Việt làm việc cùng anh trên con tàu treo quốc kỳ VN này đều ở độ tuổi 25-30 và có trình độ đại học, trên đại học. Trong đó, nhiều người mới ra trường và được trui rèn lần đầu ngay trên con tàu Bình Minh 02.

Ngoài chuyện chịu đựng sóng gió, vất vả trong hải trình dài ngày, những người mới đi biển còn phải làm quen với công việc chuyên môn. Thiết bị khảo sát địa chấn của tàu thuộc thế hệ hiện đại, đòi hỏi phải được tập huấn nhiều mới vận hành được. Đội địa chấn gồm 20 người của Khôi chia làm các bộ phận chuyên môn: súng hơi, thu nhận tín hiệu, định vị, xử lý kết quả ban đầu.

Các kỹ sư, kỹ thuật trẻ người Việt làm chủ thiết bị, công nghệ rất nhanh. Đội trưởng Khôi tâm sự anh rất vui và hoàn toàn yên tâm khi làm việc chung với đồng nghiệp quê hương. Hầu như chưa bao giờ anh phải xử lý một sự cố sai sót, trục trặc nào do người vận hành gây ra. Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ của các kỹ sư trẻ VN cũng rất tốt khi ngày ngày làm việc với cả “hợp chủng quốc” trên tàu.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia nước ngoài quý nhất khi cùng làm việc với đồng nghiệp VN là bản lĩnh vững vàng của họ. Kỹ sư Khôi kể hôm 26-5 xảy ra sự kiện bị tàu Trung Quốc đe dọa, phá hoại cũng là thời điểm chuyến khảo sát địa chấn 42 ngày trên thềm lục địa VN sắp kết thúc. Mọi người đã háo hức chuẩn bị kế hoạch lên bờ để giải trí, thăm gia đình sau gần sáu tuần lênh đênh trên biển. Bất ngờ ba tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện trong lúc đội địa chấn đang thả cáp làm việc bình thường trên biển.

“Nhiều người bất ngờ, phẫn nộ trước hành động quá ngang ngược, nhưng không ai mất bình tĩnh. Có lẽ chính vì vậy mà những con tàu phá hoại kia không dám gây hấn nghiêm trọng hơn”. Kỹ sư định vị Nguyễn Đức Toàn nhớ lại tuy sáng đó chỉ có một trong ba ca địa chấn đang làm việc, nhưng tất cả mọi người đều thức dậy và bình tĩnh vào vị trí sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp.

Lúc đó không ai nghĩ gì khác ngoài việc cố gắng bảo đảm an toàn cho con tàu cùng thiết bị làm việc. Và chỉ vài giờ sau khi bị phá hoại, cáp hư hỏng đã được họ nhanh chóng khắc phục để trở lại làm việc bình thường.

Đặc biệt, dù bị cản trở, phá hoại, nhưng kết quả chuyến khảo sát địa chấn này lại đạt kỷ lục rất cao. Khoảnh khắc những người vừa kết thúc chuyến hải trình khảo sát địa chấn bàn giao ca mới cho đội bạn với những cái bắt tay, lời nhắn nhủ ngắn gọn nhưng đầy xúc động: “Hãy kiên cường và thành công tốt đẹp nhé!”.

Cờ Tổ quốc phần phật tung bay trên đầu những người Việt tiếp bước ra khơi để tìm kiếm tài nguyên và giữ vững chủ quyền đất nước …

QUỐC VIỆT

>> Kỳ 1: Cờ Tổ quốc trên biển Đông
>> Kỳ 2: Những phát nổ địa chấn trên biển
>> Kỳ 3: Đạp sóng biển Đông

__________________

Không chỉ với tàu Bình Minh 02 và Viking 2 hiện nay, cách đây từ hàng chục năm, các nhà khảo sát địa chấn biển VN đã đồng hành chặt chẽ với bạn bè quốc tế. Sự có mặt của bạn bè các nước đã giúp thế giới hiểu rõ hơn chủ quyền biển đảo chính đáng của VN.

Kỳ tới: Những người bạn quốc tế giữa biển Đông

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.