Giang hồ tuổi teen – Kỳ 3: Sát thủ vị thành niên

TT – Nhà trường xa lánh, gia đình khắt khe, nhiều đứa trẻ đã quyết định “chơi tới” để trả thù bằng nghiệp sát thủ. Tân “sô” bộc bạch: “Bạn bè trong giới gọi em là Hắc Chu Quy vì người em đen như cột nhà cháy và trên lưng xăm hình quỷ, kẻ canh giữ linh hồn. Sống bằng nghề đâm thuê chém mướn này hên xui lắm anh ơi. Nếu thành công nhiều vụ, có số má thì sau này sẽ đỡ khổ hơn”.

Giang hồ tuổi teen – Kỳ 3: Sát thủ vị thành niên


Nói đoạn, nó kéo áo lên để lộ những vết sẹo sau nhiều trận đổ máu. Nhìn thân hình cao lêu nghêu, nét mặt già sạm, không ai ngờ Tân chỉ mới 17 tuổi. Nhà Tân ở Q.4 (TP.HCM), mồ côi mẹ từ bé, cha cưới vợ khác. Tân buồn bã vì mẹ kế bạc đãi, cha ruột thờ ơ, sang nhà cậu nương nhờ. Từ đó, nó bỏ bê việc học theo nhóm bạn “Nicolai” tung hoành ở khu Xóm Chiếu.

Một giang hồ nhí bị công an bắt ngay sau khi giết người ở Q.10, TP.HCM – Ảnh: CTV

>> Kỳ 1: Giang hồ tuổi teen
>> Kỳ 2: Đêm đi hoang

“Nghiệp”

Sau một hồi lưỡng lự, Tân kể lại lần chém người đầu tiên: “Lúc đó em 14 tuổi, đại ca ra lệnh “xử” một thằng ở Q.2 vì tội thiếu tiền mà đòi làm cha. Em cùng ba người bạn phóng xe vào khu nhà trọ ở đường Trần Não. Một người rú ga đợi sẵn, một người gõ cửa kêu ra, còn em thì chém. Vừa thấy đối tượng là xả mã tấu tới tấp”.

Sau lần đó, Tân cắn môi nhớ lại: “Em bắt đầu tập làm quen với cảm giác gan lì bằng cách chặt ngón tay và nằm im không khóc. Em tự thề với lòng rằng sẽ trở thành sát thủ để rửa nhục”. Rồi những lần “phê” thuốc lắc, những buổi nhậu thác loạn, Tân lấy con dao bấm luôn mang theo người để rạch tay, rạch ngực cho máu chảy ròng ròng trước mắt bạn bè để chứng tỏ. Tiếng dữ đồn xa, Tân được giới anh chị tin dùng, sẵn sàng trao nhiều “hợp đồng” đâm thuê chém mướn nặng ký để mưu sinh. Bốn năm qua, Tân đã đụng độ trên dưới 50 lần, nhiều đứa bạn bị chết trẻ, tù tội, còn Tân sứt đầu mẻ trán, lủi thủi hết quận này sang quận khác để tránh thù oán giang hồ.

Cũng theo Tân “sô”, trong những tháng ngày theo “nghiệp”, Tân đã qua lại với nhiều tay anh chị mua bán “hàng nóng”, “hàng trắng” và am tường mọi ngõ ngách của chúng.

Tân kể: “Năm ngoái, em đã cắt gân chân một người trên đường Tú Xương. Vài ngày sau mới biết bị nhầm, người bị hại chỉ là anh bán vé số dạo hiền lành, chị vợ sinh con trong bệnh viện. Sau vụ đó em bỏ trốn về Đồng Tháp tính làm lại cuộc đời, nhưng liên tục nhận được lời nhắn nhủ từ các đàn anh: chết là lối thoát cho mày!”.

Không quen cuộc sống khó khổ, không bỏ được cơn nghiện, Tân trở lại Sài Gòn tiếp tục sống qua ngày đoạn tháng. Lần cuối gặp Tân cũng là lúc nó thu xếp mấy bộ đồ ra đi, nó chỉ nói: “Em không biết về đâu, nhưng phải đi thôi. Đêm đến gặp toàn ác mộng bị đuổi giết, sợ lắm. Nếu có thể quay lại tuổi thơ, em sẽ cố gắng học hành để có cuộc sống đơn giản như bao người khác. Bây giờ không còn kịp nữa rồi, anh ơi!”.

“Có nhiều giải pháp để phần nào giải quyết vấn đề này, nhưng trước hết các gia đình cần quan tâm đến con cháu mình. Nuôi dạy con cái trưởng thành là nhiệm vụ đương nhiên của các bậc cha mẹ, mỗi bậc cha mẹ phải nhận thức một cách khá đầy đủ và sáng suốt rằng con cái trưởng thành là nhiệm vụ số một trong cuộc đời. Ngoài sự quan tâm của gia đình, nhà trường…, ta nên tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, giáo dưỡng và giáo dục”

Tiến sĩ tâm lý HUỲNH VĂN SƠN

Không bơ vơ bụi đời như Tân, N.V.H. xuất thân trong một gia đình có “máu mặt” và khá giả ở ngoại ô Sài Gòn. Chị gái là một hoa khôi trong làng chơi, buôn bán “hàng trắng” và kết thân với rất nhiều tay anh chị. Mẹ H. là thầu đề, trùm chơi hụi và cho vay nặng lãi. Một người bạn của H. tiết lộ: “Nó sinh năm 1994 với ẩn danh là Hero vì được giang hồ nhí tôn xưng làm anh hùng, và cũng là trung gian điều phối heroin trong giới trẻ. Nó bỏ học từ năm lớp 7 để lao vào con đường phạm pháp. Hero đình đám với nhiều vụ xử nhau cỡ bự ở Q.Tân Bình, Gò Vấp. Dù có tiếng là sát thủ nhí máu lạnh, nhưng thật ra bên cạnh H. có nhiều đàn anh trợ giúp nên không ai dám đụng vào”.

Gần đây hai chị em của H. đã bị công an truy nã vì tội tàng trữ, buôn bán heroin và hiện giờ không ai biết họ trôi dạt về đâu.

“Đại ca 007”

Đêm nọ, tại một quán nhậu trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3), hai giang hồ nhí lao vào chém một người khách nhỏ tuổi. Nhanh như điện giật, nạn nhân hất văng chiếc bàn lên đỡ, xoay người tung hai cước thật mạnh vào hạ bộ đối phương rồi cầm chai bia vỗ tiếp vào đầu. Thấy đối phương gục ngã, cậu bé khoác lên người chiếc áo sơmi đen, lấy trái cà chua trong túi quần ra nhai bỏm bẻm, ung dung bước ra đường Nguyễn Đình Chiểu đón taxi trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người.

Ngồi bàn kề bên là một nữ sinh của một trường THPT ở Q.3 tỏ ra hiểu biết khi kể lại: “Thằng đó năm nay 16 tuổi, bị nhiễm phim Nhiệm vụ bất khả thi của Hollywood, sát thủ ngậm củ cà rốt trong phim là thần tượng của nó. Nếu trong phim sát thủ luôn mang theo củ cà rốt thì nó biết tạo “phong cách” riêng bằng cách ít nói, mặt lạnh và nhai cà chua. Nó siêng năng luyện tập võ thuật, suốt ngày lang thang xem có ai bị ăn hiếp để ra tay như chàng sát thủ trong phim. Nó tự xưng là “sát thủ Tomato”. Vì tính chơi ngông nên nó bị nhiều băng nhóm nhí trùm bao bố đánh cho tơi tả. Nhưng nhờ biết lấy tiền gia đình chung chi hào phóng nên vẫn nghêu ngao lòng vòng các trường THPT ở Q.3 để lấy uy”.

Cũng theo cô nữ sinh này, Tomato bị đuổi học từ năm lớp 8, khắp trường ai cũng biết. Mới đây, giới giang hồ nhí lại biết đến Tomato với nickname mới là “Gà con“, cắt tóc ba phân, mỗi tháng nhuộm một màu theo một nhân vật trong phim Người trong giang hồ của Hong Kong. Một thời gian dài “Gà con” làm sát thủ ở học đường và cầm đầu một nhóm giang hồ, qua lại với nhiều tay chơi nhí khác ở chợ Bà Chiểu. Suốt ngày “đại ca 007” này tụ tập đàn em vào bar, đua xe, đánh lộn rồi nghĩ ra nhiều trò quái đản ở các khu vực lân cận trường học.

Ông Hoàng Ngọc Ẩn, nhà ở Q.4, là người đã nhiều lần chứng kiến, ra tay ngăn cản những vụ thanh toán giữa đám giang hồ nhí, tâm sự: “Chứng kiến cảnh giang hồ nhí “lấy số”, đâm chém nhau mà tôi rợn người bởi sự tàn bạo, mạnh tay của bọn nhỏ”. Ít ai biết ông Ẩn là người từng có số má trong giới anh chị với biệt danh “đại ca Teo”, sống giang hồ từ năm 11 tuổi. Nhưng sau những ngày tháng u tối, ông đã “gác kiếm”, tìm vui trong hoạt động xã hội.

Ông thở dài: “Tôi đã bị nhiễm HIV/AIDS và không còn sống được bao lâu. Tuổi trẻ suy nghĩ chưa tới đã cuốn tôi theo lối sống thích chứng tỏ, thích ra oai, cái gì tôi cũng làm, trò gì tôi cũng biết, lúc hối hận thì đã muộn màng. Tôi sắp chết nhưng vẫn lạc quan yêu đời, làm những điều có ích cho xã hội. Tại sao các cháu còn trẻ không biết quý trọng cuộc sống? Là một người từng lầm lỗi, tôi chỉ muốn nói với các cháu rằng hãy dừng lại khi chưa quá muộn, đừng làm đau buồn người khác và hủy hoại cuộc đời mình nữa”.

THẾ ANH – SƠN BÌNH

_____________________

Sau những tháng ngày thả rệu đời mình, phải sống dở chết dở giữa chốn giang hồ, không ít giang hồ nhí đã rũ bỏ mọi thứ để tìm lại con đường xưa. Nhưng đường về không hề đơn giản.

Kỳ tới: Chênh vênh lối về 

—————————————————————————————————————————————-

Ý kiến bạn đọc

* Đây cũng là mặt trái của cuộc sống hiện đại. Nhiều người cứ nhào vào lo chuyện cơm áo gạo tiền, không còn thời gian dành cho những đứa con của mình và vô hình trung tạo điều kiện cho chúng càng gần đến con đường tội lỗi nếu có cơ hội.

Đây không còn đơn thuần là trách nhiệm cùa gia đình nữa. Tất cả mọi người, xã hội, cùng chung tay vào cuộc để dẫn lối đưa đường cho chúng được đến trường và được dạy dỗ một cách tốt nhất, hạn chế đến mức thấp nhất những việc đáng tiếc xảy ra.

Neoly68@…

* Tôi xin nêu ra đây lý do mà tôi cho là quan trọng nhất dẫn đến hậu quả này: vì chúng ta không hiểu con em mình. Đến việc chúng sa ngã khi nào chúng ta cũng không hề biết.

Từ khi có kinh tế thị trường, nhiều người đua nhau làm giàu, lo làm kinh tế mà sao nhãng đi những việc quan trọng khác, trong đó có nhiệm vụ giáo dục các em. Trong khi đó, xã hội đang thay đổi với tốc độ ngày một nhanh hơn, mang theo vô số những nguy cơ mà hầu hết người lớn không hiểu hoặc không để ý đến (ví dụ như việc các em dùng Internet). Các em học theo những cái mới từ đây khá nhanh và sống trong những quan niệm, tiêu chí hầu như khác hẳn chúng ta.

Nhiều bậc cha mẹ hầu như không để ý đến điều này, trong khi lẽ ra chúng ta cần phải hiểu những gì đang xảy ra cho giới trẻ ở xung quanh, trong đó có con em mình. Chúng ta phải hiểu những thay đổi của xã hội, để biết được ưu, nhược, lợi, nguy của những cái mới đó mới hướng con em vào con đường đi đúng.

Nếu các vị phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái, tôi tin tằng xã hội sẽ giảm được nhiều mối nguy. Qua đó chúng ta cũng biết rằng chúng ta phải làm gương cho các em, đồng thời uốn nắn các em ngay từ nhỏ.

Thiện Phước

* Phải công nhận là những giang hồ tuổi teen rất đáng lên án. Nhưng nếu suy xét cho kỹ thì gia đình và nhà trường cũng có một phần không nhỏ trách nhiệm khiến họ trở nên ngông cuồng như vậy. Học hành căng thẳng, thầy cô cùng gia đình thường xuyên trách mắng và không quan tâm đúng mực khiến họ cảm thấy bản thân mình không được xã hội chào đón. Cộng thêm tác động bởi những thanh niên lêu lổng bên ngoài sẽ khiến họ dễ sa ngã.

Ngọc Quyên

* Sau khi đọc xong bài báo này, tôi rất căm phẫn khi nghe phản ánh những hành động của những “đại ca nhí” đó. Nhưng chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao một số thành phần tuổi teen trong xã hội lại có những hành động như vậy?

Thử hỏi trong số những đứa trẻ đó có được bao nhiêu đứa được dạy dỗ đàng hoàng? Sao chúng ta không nghĩ tại sao mà chúng lại làm như thế?

Chúng ta làm như vậy phải suy nghĩ lúc nào nên chiều con, lúc nào cứng rắn, một số gia đình thì “thương con cho roi cho vọt”, một số cha mẹ khác thì dạy con như là chăm một báu vật, cưng như trứng… Mỗi người khi sinh ra một đứa con thì phải có trách nhiệm, dạy con cho đàng hoàng, không nên phó thác mọi chuyện cho thầy cô, cho xã hội.

Viết Cường

* Tôi là tổ trưởng một tổ quản lý học sinh của một trường THPT tại TP.HCM. Bản thân tôi đã gặp và giải quyết rất nhiều học sinh vi phạm nội quy kỷ luật của trường.

Nhưng nói thật nhiều lúc tôi rất sợ, vì nếu có gì thì không biết ai sẽ là người bảo vệ mình? Thấy băng nhóm tụ tập trước cổng trường, tôi gọi cho công an phường thì công an xuống trễ, hoặc khi xuống thì hỏi ai đánh nhau đâu, thấy công an xuống thì chúng đã chạy mất rồi…

Nhiều khi các em đánh nhau, chúng tôi mời phụ huynh lên, ít ngày nữa lại tiếp tục. Tôi đã từng kiến nghị đưa ra hội đồng kỷ luật để đình chỉ học, nhưng khi tôi ra khỏi cổng trường thấy chúng ngồi cùng một đám đầu xanh đỏ ngó mình lom lom mà sợ.

Trong lòng luôn tâm niệm cái xấu phải sợ cái tốt, phải vững bước. Nhưng…

Hùng

* Năm nay tôi 20 tuổi và quãng đời học sinh của tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu chuyện còn kinh hồn hơn như thế này nhiều: những nữ sinh “pặc co” (đánh tay đôi) dùng dao lam kẹp tay rạch nát mặt đối thủ, bạn tôi học lớp 8 dùng mã tấu chém một chú lớn hơn nó cả chục tuổi chỉ vì thấy ghét, và những học sinh hiền lành như tôi nếu muốn yên thân học hành thì phải làm quen, chi tiền cho mấy “đại ca” trong trường thì sẽ yên ổn học hành…

Theo tôi, nhiều người nói do hoàn cảnh gia đình, do điều kiện xã hội, nhưng đó chỉ mới là một phần thôi. Nhiều đứa gia đình hạnh phúc, cha me đầy đủ vật chất, tiền bạc đầy đủ vẫn hư hỏng. Tôi nghĩ để có thể tác động cho họ nhận ra sự sai lầm chính là bản thân những em này sẽ dần tự ngộ ra con đường cho mình chứ không phải bất cứ ai khác.

Nguyễn Huỳnh Nghĩa

* Tôi nghĩ rằng các em như vậy một phần lớn là do lỗi của gia đình. Đa số các em lao vào con đường hư hỏng đều thiếu sự quan tâm đúng mức của gia đình, có thể về mặt này hay mặt khác, chủ quan hay khách quan…

Vì thế xét nghĩ mọi người trong xã hội nên chú ý đến việc giữ gìn đạo đức, văn hóa, lối sống gia đình vì gia đình là cái gốc của xã hội. Về phía xã hội thì nhà trường đừng quá xa rời các em. Chúng hãy còn nhỏ lắm, nếu lớn chúng đã không suy nghĩ và hành động như vậy.

Trung Nguyên

* Vì đâu mà các cậu học trò nhí lại gan như thế? Có quá nhiều lý do để chúng ta cần bàn tới:

– Lỗi lớn nhất là do gia đình đã không quan tâm đến các em. Đây là tuổi mới lớn có rất nhiều tâm sự, gia đình cần quan tâm, tâm sự, lo lắng cho các em hơn nữa mới đúng…

– Thứ hai, theo tôi, pháp luật quá nhẹ tay với những cậu học trò, giang hồ nhí này khi vi phạm pháp luật. Tại sao cứ dưới tuổi vị thành niên là phải đưa về phường về gia đình giáo dục? Nhà nước cần mở các trường học dành riêng cho các đối tượng này giống như trong quân đội và không cho về nhà giống như đang trong tù, có như thế các đối tượng này mới biết quý cuộc sống và biết sửa lỗi.

– Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn các đối tượng này…

Cảnh Chính

* Tôi thấy trẻ em hiện nay có xu hướng hư hỏng rất cao, trở thành những giang hồ thứ thiệt do nhiều nguyên nhân: không được uốn nắng dạy dỗ tốt từ gia đình và nhà trường cùng với sự thay đổi tâm sinh lý rất nhanh. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh đã góp phần hình thành những tính cách xấu trong trẻ em…

Tôi nghĩ cần phải có tiếng nói mạnh hơn để gia đình và nhà trường quan tâm tới trẻ nhiều hơn.

Nguyễn Trung Hiếu

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.