Giam cầm trong ký ức

TTCT – Chuyện xảy ra trong một đêm bão tuyết. Khi cô vợ Norah chuyển dạ, bác sĩ nha khoa David Henry đã phải tự tay đón con chào đời vì bác sĩ sản khoa chưa đến kịp.

Đọc sách cùng bạn

Giam cầm trong ký ức

Không phải một mà là hai. Cặp song sinh khác trứng không thể xem là hoàn hảo, bởi đôi mắt xếch lên như đang cười, nếp quạt chạy dài qua mí mắt và cái mũi tẹt trên gương mặt của bé gái ra đời sau. Niềm vui về đứa con trai đầu lòng đan cài với nỗi lo lắng và sự thất vọng vì đứa con gái.

Những xúc cảm chen lẫn với mối quan ngại về tinh thần của vợ đã khiến David đưa ra quyết định: cho người mang đứa con bị Down bẩm sinh ấy đến trại mồ côi rồi bảo với mọi người đứa trẻ bất hạnh ấy đã chết.

Giũ bỏ trách nhiệm với hình hài bé bỏng do chính mình tạo nên, David mong sẽ bảo vệ, gìn giữ niềm hạnh phúc tròn đầy anh gây dựng cùng Norah. Đáng tiếc, bí mật ấy cũng chính là tác nhân hình thành nên một khoảng cách giữa anh và vợ, người chẳng bao giờ ngừng nghĩ đến đứa con gái yểu mạng mà cô chưa từng được nhìn mặt.

Hồi ức của một ông bố đánh tráo tương lai của con mình càng trở nên nặng nề hơn khi Caroline, cô y tá phụ việc đỡ đẻ cho David, cứ thỉnh thoảng lại gửi cho anh những tấm ảnh và thông tin về cô con gái đáng thương đã bị cha rũ bỏ. Với Caroline, việc làm ấy đơn giản chỉ là nhắc nhớ và hi vọng vị bác sĩ mà cô thầm yêu sẽ có một ngày suy nghĩ lại về quyết định của mình.

Và rồi việc làm ám muội của David cũng không khác gì đứa trẻ bệnh Down cứ lớn lên từng ngày. Lớn đến mức dìm sâu David vào thế giới hối tiếc của riêng mình, khiến anh đánh mất dũng khí thú nhận tội lỗi với Norah.

Có một hình ảnh David khác, đó là khi anh cưu mang Rosemary từ ngày cô gái như một con mèo ướt, chửa hoang đến khi sinh con và tìm được bến đỗ mới. David đã dành cho Rosemary một tình yêu thương tinh khiết như thể để giúp vơi bớt nỗi đau và mặc cảm của người bố thiếu trách nhiệm với con. Nhưng vô ích – nỗi đau ấy không khác gì sợi dây trói, thít chặt từng ngày.

Không thể vượt thoát, David chỉ còn biết dồn cố gắng lẫn ước mơ của mình cho cô con gái bất hạnh Phoebe…

Con gái người giữ ký ức mang về cho nhà văn Mỹ Kim Edwards giải thưởng Kentucky Literary năm 2005 dành cho tiểu thuyết đầu tay. Trước đó bà đã sở hữu giải thưởng Nelson Algren dành cho truyện ngắn cùng giải thưởng văn học Whiting Writers. Xếp nội dung theo một trình tự song hành, cách kể chuyện của Kim Edwards lôi cuốn người đọc theo từng diễn tiến của câu chuyện.

Cái nhìn đồng cảm và nhiều ưu tư của Kim Edwards dành cho những ông bố, bà mẹ có con bị đột biến nhiễm sắc thể cũng là một yếu tố để tác phẩm này thuyết phục không chỉ hội đồng bình chọn mà tất cả những người từng đọc cuốn tiểu thuyết ấy. Kim Edwards đã thể hiện thật xuất sắc tâm trạng của từng nhân vật trong tác phẩm.

Con số thống kê gần đây cho thấy cứ mỗi 350 lần sinh con của những phụ nữ ở tuổi từ 35 trở lên, có một trẻ bị hội chứng Down. Với kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, không như những năm 1960, nay người ta đã có thể biết được sự đột biến gen của thai nhi còn trong bụng mẹ. Nhờ vậy số trẻ em bị thiểu năng hiện đã giảm rất nhiều.

Thế nhưng một bà mẹ mang thai hôm nay đối diện với kết quả xét nghiệm đáng buồn hay một David Henry của ngày xưa ẵm đứa con yêu quý không may bị Down trên tay sẽ đều có cùng tâm trạng. Chọn lựa lúc này mang tính quyết định cho tương lai không chỉ của đứa trẻ mà cho cả gia đình. Có thể sẽ có nhiều tiếng thở phào khi mầm sống mang bệnh Down không còn và hi vọng về một đứa trẻ khác khỏe mạnh, toàn vẹn lại được thắp lên.

Duy chỉ có nỗi đau của người làm cha, làm mẹ là ở lại.

PHƯƠNG QUYÊN

__________

Con gái người giữ ký ức, tác giả: Kim Edwards, dịch giả: Ngô Vũ Anh Tú, Nhà xuất bản Phụ Nữ liên kết với Công ty Nhã Nam xuất bản và phát hành.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.