Đường cong

Tôi vốn là người thẳng tính, không thích màu mè hoa lá, nên mới gặp và yêu ông xã, cũng là một người nổi tiếng “thẳng tưng”. Con trai, con gái sinh ra trong nhà phần nào ảnh hưởng tính cách cha mẹ. Khi các con còn nhỏ, thỉnh thoảng “đường thẳng ba” và “đường thẳng mẹ” cũng va chạm chát chúa. Bây giờ các cháu lớn lên, 15, 17, thêm hai đường thẳng nữa, nên trong nhà bắt đầu thiếu những đường cong.

 

Đường cong - Ảnh minh họa
Đường cong – Ảnh minh họa

Con trai, con gái đều thích K-pop (nhạc nhẹ Hàn Quốc), nên một bữa về nhà, tôi hoảng hồn thấy đầu tóc con trai bỗng nhuộm hung nâu, tỉa tót rất điệu đà. Câu chuyện về cái đầu Hàn Quốc của con trai nổ ra ngay trong bàn ăn tối hôm đó. Ông xã tôi lớn tiếng bài trừ cái đầu của thằng con: “Thứ đàn ông con trai tỉa tót đầu tóc là thứ không ra gì, quan trọng là cái có trong óc chứ không phải là cái mọc ngoài da đầu”. Con trai, con gái bỗng đứng về cùng một phe: “Ba mẹ không hiểu tụi con. Ba mẹ thứ gì cũng ngăn cấm, ba mẹ không có quyền…”. “Để rồi coi tao có quyền không, tao xách đầu mày ra gọt sạch ngay bây giờ!”. Chuyện lan đến cả việc học hành của hai đứa, đến cả đám ảnh thần tượng hai đứa dán đầy tường. Kết quả là nước mắt của con gái, cú đóng cửa phòng đánh sầm của con trai, gương mặt hằm hằm của ba và bản đơn ca buồn của mẹ.

Nhà căng thẳng cả tuần liền. Thằng con trai ra vô là đóng cửa, chắc hẳn nó sợ ba túm lấy nó cạo đầu thật. Con gái cũng đóng chặt cửa phòng, bảo vệ mấy tấm ảnh thần tượng của nó. Tôi dần dần nhận ra mình phải làm… một đường cong. Chỉ có những đường cong mới có khả năng tiếp xúc với nhiều điểm nhất.

Việc đầu tiên là ông con trai đi cùng mẹ ra tiệm để nhuộm lại tóc. Không ngờ việc này khi tôi nói một hai câu nhẹ nhàng, cháu đồng ý ngay: bản thân cháu cũng thấy mình kỳ cục với cái đầu nhuộm hung và bộ đồng phục đi học, khác hẳn các bạn, lại bị thầy giám thị gọi lên làm việc một hai lần. Khi tóc đã về màu nguyên thủy, cậu thợ cắt tóc (có xi nhan trước của mẹ) nịnh cháu vài câu, đề nghị cắt bớt những đuôi tỉa tót kỳ quái để gương mặt được sáng và “men-lỳ” hơn, cháu gật đầu cái rụp. Chiều hôm ấy về nhà, nhìn đầu tóc của con, gương mặt chồng tôi dịu hẳn. Sợ anh lại lỡ miệng nói câu gì khiến con tự ái, tôi giỡn: “Tóc ba muối tiêu rồi kìa, lại dài nữa, thôi đi ra tiệm tút lại luôn rồi về ăn cơm!”.

Bữa cơm tối ấy đã bớt căng thẳng đi nhiều. Anh xã từ tiệm hớt tóc về, tắm rửa sạch sẽ rồi ngồi vô mâm cơm, con gái lấy đôi đũa cho ba, sảng khoái sao đó mà anh khen con gái một câu: “Tóc bé Út giống tóc mẹ hồi xưa, thẳng tưng, bóng mướt!”. Út cười tủm tỉm, vuốt vuốt tóc mẹ: “Hồi đó mẹ có duỗi tóc không mẹ?”. Câu chuyện trở về ngày xưa, tôi thấy mình trong lời kể của chồng: cô nhỏ ngỗ ngược, lông mày rậm rì, tóc dày mượt, ngồi bàn trước túm tóc lên thả một cái rớt đầy vở của thằng con trai ngồi bàn sau, mực dính tèm lem vở, mới mở miệng than một câu, nhỏ trợn mắt làm thêm lần nữa, nổi tiếng trong lớp về sự nghịch ngợm và tính nói thẳng (bụm miệng cười thì thầm: y như một cây thước kẻ vậy đó!).

Cây thước kẻ đã mềm đi nhiều, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, qua những lần sinh nở, nuôi con. Tôi biết mình là người đầu tiên phải thay đổi, phải giữ được bình tĩnh để nuôi dạy và uốn nắn con. Ai chẳng muốn mình thẳng tưng cho khỏe, nhưng mình thẳng mà lỡ chồng con phải cong thì… nên tôi chủ động làm một đường cong của gia đình, để kết nối được các thành viên trong tròn vẹn yêu thương…

 

Yên Thảo / Theo PhuNu Online

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.