Đơn độc trong cuộc chiến giành lại chồng

Chị đừng đặt nhiều hy vọng về gia đình cô nhân tình cũng như gia đình chồng của chị, dù có biết họ cũng sẽ trách chị là người không biết khéo léo ăn ở, cũng chỉ khuyên chị “Đàn ông năm thê bảy thiếp”, rằng “Cưới gả xong rồi thì chuyện của gia đình bây, bây tự lo!”.
>Tôi chấp nhận chung chồng với tình nhân

From: J Nguyen
Sent: Wednesday, August 18, 2010 12:52 PM


Chị T.H. thắc mắc “Tại sao trên đời này lại có những người con gái láo xược đến như vậy, giật chồng người ta không biết xấu hổ, lại còn dám vênh mỏ lên dạy đời người khác” chẳng để làm gì cả chị ạ.

Bởi vì thực tế hiện nay rất nhiều quý cô (có công việc, có bằng cấp trên ĐH hẳn hòi) cũng hành xử như vậy chị ạ.
Họ cho rằng yêu người có vợ hay yêu người độc thân cũng như nhau, chẳng qua chỉ khác ở chỗ người thì có tờ giấy chứng nhận kết hôn, người chưa có thôi.


Chẳng những thế lúc này họ còn có được những lời yêu đương mùi mẫn của người đàn ông nọ trong khi người vợ thì đợi dài cổ cũng không có được một lời nào vừa tai vì vậy họ có quyền tự hào và dạy khôn người vợ chị ạ.

Tôi vẫn còn nhớ mãi lời nói rất hãnh diện nọ bên tai: “Tôi đã lớn rồi, tôi không phải con nít mới lớn, chị có giỏi thì tìm cách giữ chồng chị, đừng có tìm tôi. Là anh ấy tìm tôi, van xin tình yêu của tôi!”. (Mà thực ra cũng không chắc ai tìm ai, ai van xin ai, đừng vội tin nhé!).

Họ, những phụ nữ chưa chồng, chưa có một ngày trải nghiệm nào về vai trò người vợ, tưởng rằng chỉ cần có tình yêu là đủ để sống đến bạc đầu, đủ để cảm thấy hạnh phúc ngoài ra không cần gì khác, kể cả đạo đức, phẩm hạnh! Thật là những suy nghĩ băng hoại!

Họ, những phụ nữ “Thời đại mới” không thể hiểu được những suy nghĩ của chị, những người vợ. Với họ, yêu thì quan hệ, hết yêu thì chia tay! Sòng phẳng! Hôn nhân? Chỉ là trò chơi giúp hợp pháp hóa những đứa con, để chúng có đầy đủ tên cha mẹ trên giấy khai sinh, xong!


Còn tương lai của những đứa trẻ có gia đình bị họ làm tan vỡ? Không phải con của họ, họ đâu quan tâm. Họ chỉ cần biết, họ đang yêu người đó, và chị là trở ngại, cho nên họ căm thù chị. Họ bằng mọi cách phải đuổi chị đi trong khi không dụng tâm một giây, một phút nào suy nghĩ liệu họ có thể sống vượt trên dư luận không?


Họ có chịu đựng nổi quá khứ, có chấp nhận nổi sự thật anh ta sẽ gặp, ăn cơm chung, đi chơi chung với vợ cũ những khi đến thăm nom, chăm sóc con cái chung của họ không? Họ sẽ được gia đình anh ta chào đón như thế nào?

Thậm chí họ còn cho rằng hiện nay họ đang quá rộng lượng với chị và đang hy sinh cho hạnh phúc của chị vì vẫn còn để cho chị gặp gỡ, ăn uống, trao đổi với người đàn ông họ yêu.

Chị cần phải nhìn cho ra sự đanh đá, lố bịch và trơ trẽn được ngụy trang dưới lớp vỏ học thức, ngoan ngoãn, con nhà lành để đừng mất thời giờ vào việc chửi rủa hay đau buồn.

Bởi nếu họ thực sự hiểu biết, thực sự đàng hoàng, đoan chính thì họ đã chẳng bao giờ đếm xỉa đến những lời nói có cánh của những gã đàn ông có vợ, chứ đừng nói đến việc đồng ý yêu, đồng ý trao thân. Cho nên những người như vậy không đáng để quan tâm đâu chị ạ.

Chị T.H. đang nghĩ đến sự đau khổ của cha mẹ cô ấy? Chị nhân từ quá để làm gì, vì có khi họ đã biết từ lâu nhưng họ không có được một biện pháp hữu hiệu nào để dạy dỗ con, nếu không muốn nói là họ bất lực trong việc giáo dục con cái.

Chị có biết rằng, tôi đã chính tai nghe người mẹ nói rằng: “G
ia đình cô cũng gia giáo lắm cháu ạ, nhưng mà con cô nó bảo cháu và chồng cháu đang tiến hành thủ tục ly dị và chồng cháu sẽ cưới nó có đúng không?”.

Chị T.H ạ, con cái dù có lầm lỡ thì cũng là con cái, cha mẹ nào chẳng tìm cách làm cho con mình vui hở chị? Vì vậy cũng mong chị đừng đặt nhiều hy vọng về gia đình cô ấy cũng như gia đình chồng của chị, dù có biết họ cũng sẽ trách chị là người không biết khéo léo ăn ở, cũng chỉ khuyên chị “Đàn ông năm thê bảy thiếp”, rằng “Cưới gả xong rồi thì chuyện của gia đình bây, bây tự lo!”.

Cho nên cuối cùng chung quy trở lại, trong chuyện này chị, người vợ được cưới hỏi chính thức, tưởng sẽ có nhiều đồng minh thì lại là người lính đơn thân trong cuộc chiến này. Chỉ có bằng sự bình tĩnh, kiên cường, mưu trí chị mới có thể có hy vọng.

Xã hội VN hiện nay theo tôi là như thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.