Chốn nghỉ cuối cùng của giang hồ tứ chiếng

Trong những căn chòi lá tại cánh đồng hoang thuộc ấp 4 – xã Bình Mỹ – huyện Củ Chi, chúng tôi được dịp trò chuyện với những con người từng vào tù ra khám.

Với những con người bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối hay những căn bệnh vô phương cứu chữa bởi hậu quả của một thời lầm lỗi, những căn chòi lá này như là khách sạn cuối đời để họ tìm về nghỉ ngơi nằm chờ chết sau những tháng ngày tung hoành ngang dọc.

Ở đây, chúng tôi không nghĩ rằng mình lại được chứng kiến, được nghe thấy những dòng tâm sự đầy nước mắt được thốt ra từ những người đã từng một thời lầm lỗi và nay khó có cơ hội chuộc tội.

Chốn nghỉ cuối cùng của giang hồ tứ chiếng

Tình yêu thương cuối cuộc đời

Hầu hết những trường hợp “dạt” về sống ở “khách sạn chết” đều là những trường hợp nghiện quá nặng và tự bản thân họ đã biết cái chết đang kề cận trước mắt. Thế nhưng chính tình cảm ấm áp của những người đồng cảnh ngộ đã giúp những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối có được sự tự tin để cố gắng sống trong những ngày cuối đời.

Một ngày ở lại nơi đây, nhìn họ giúp nhau đấm lưng, cạo gió hay cùng nhau tưới nước cây, cho cá ăn rồi cười đùa, nói chuyện cho nhau nghe trong không khí ấm cúng, chan hòa, đầy tình yêu thương, chúng tôi chẳng thể ngờ rằng họ là những con người chẳng biết đêm nay, ngày mai hay một tuần nữa sẽ vĩnh viễn ra đi vì HIV.

“Chỉ là những căn chòi lá tạm bợ như thế này. Cuộc sống ở đây lại bình dị nhưng đủ để mỗi bệnh nhân vào đây cảm nhận được niềm vui trước lúc lìa đời” – ông D. trò chuyện.

“Đời một thằng giang hồ lưu manh, trộm cắp, cướp giật rồi hút chích xì ke ma túy như tôi thì đáng phải chết ở đầu đường xó chợ. Thế mà không ngờ trước lúc chết lại được ăn những bữa cơm no và ngon, ngủ những giấc ngủ bình yên, không phải lo lắng suy nghĩ tại chòi lá này. Đó quả thật là điều hạnh phúc” – một bệnh nhân tên Th. day dứt.

Anh Trần Ngọc V. (quê ở Quảng Bình), từng nhiều lần vào tù ra tội và mang trong mình căn bệnh thế kỷ cũng có cùng suy nghĩ tương tự. Anh bùi ngùi nhớ lại: “Ra tù, trở thành con người tự do nhưng chẳng biết đi đâu về đâu. Khi biết mình dính HIV/AIDS, cha mẹ quyết định từ bỏ, xa lánh vì sợ liên lụy, ảnh hưởng uy tín gia phong nên chẳng chấp nhận mình. May mắn được các chú ở đây nhận về cho tá túc để sống những ngày còn lại. Dẫu biết rằng chẳng còn cơ hội sống nữa vì đã ở giai đoạn cuối, nhưng tôi vẫn vui vì được sống trong không khí đầm ấm như gia đình tại đây”

Sống theo quy củ nốt cuộc đời

Nhìn những con người đang nằm chờ chết nơi đây, khó có ai tưởng tượng được họ từng là những kẻ mang trên mình biết bao chiến tích bất hảo, coi trời bằng vung. Thế nhưng khi về sống những ngày cuối đời tại căn chòi lá này, sự hung hăng, dữ tợn đã không còn nữa, mà thay vào đó họ trở nên hiền từ dễ bảo một cách kỳ lạ.

Ngày họ mới vào đây, vốn tính giang hồ kiêu ngạo, gặp điều trái ý là sẵn sàng giở thói côn đồ. Nhưng một thời gian sau, thói ngang ngược kia đã dần tiêu tan bởi không lâu, họ hiểu rằng “không cần biết lúc trước là ai, nhưng bây giờ đã là những con người trong một nhà, và có chung số phận, thì phải yêu thương và đùm bọc nhau.

Ở chòi lá này, dù để dành cho những người sắp chết, những cũng có “nội quy” của họ: “Chúng tôi luôn cưu mang, đùm bọc tất cả các bạn, mong muốn các bạn có sự cầu tiến hơn để quyết tâm phát triển cả phần hồn lẫn phần xác chứ nhất quyết không chấp những trường hợp vào chòi lá này sống mà vẫn cứ hút, chích”.

K. – một bệnh nhân đã sống ở đây gần 2 năm tâm sự: “Nhiều lúc lên cơn đói thuốc vật vã, chỉ muốn quay về con đường tội lỗi. Nhưng nghĩ đến tình thương của mọi người. Họ đã “nhặt” mình về đây để nuôi sống, khi mà mình đã cùng đường, thậm chí đã bị gia đình chối bỏ. Cuộc đời chỉ thấy quý những tình cảm, tình nghĩa lúc khó khăn như thế, nên dù có thế nào vẫn cố gắng không vi phạm nội quy chòi lá”.

Bởi lẽ “giờ đây mình đang nằm chờ chết, không lâu nữa mình sẽ là người phải ra đi, phải chia tay mọi người. Mình phải sống tiếp những tháng ngày ngắn ngủi trong tình yêu thương.”

…Và đâu đó, có những nụ cười không biết là mãn nguyện hay khổ đau của một cuộc đời trước lúc trở về với cát bụi?!

Theo Người đưa tin


Source: Zing

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.