Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ đôi khi phải đứng trước sự chọn lựa: gia đình hay sự nghiệp. Và sự chọn lựa nào cũng có cái giá phải trả dù nhiều hay ít.
1. Trước kia vì hoàn cảnh gia đình, chị Bích Ngọc học hết cấp 3 rồi phải đi làm để phụ giúp gia đình. Anh Minh, chồng chị làm công nhân trong xưởng mộc, văn hoá chỉ tới cấp 2. Ðược cơ quan khuyến khích, chị thi vào đại học khi đứa con thứ ba tròn 5 tuổi.
Trong thời gian vừa học vừa làm, chị được sự giúp đỡ nhiệt tình của chồng vì theo anh “con cái ngày càng lớn, cha mẹ cần phải có văn hoá kha khá mới dạy được con”. Tưởng như thế là đã đủ cho một gia đình hạnh phúc, thế nhưng một năm sau ngày tốt nghiệp đại học, chị quyết định ra nước ngoài học lấy bằng cao hơn để “cống hiến được nhiều hơn cho xã hội”. Ngày tiễn vợ lên đường, anh Minh thở dài ngao ngán. Không phải anh là người ích kỷ nhưng theo anh, người phụ nữ dù giỏi giang đến đâu, dù có làm bà này bà nọ ngoài xã hội vẫn phải xem gia đình là trọng khi hai đứa con đang tuổi mới lớn rất cần bàn tay chăm sóc giáo dục của người mẹ.
Vì cha mẹ hai bên đều còn ở quê, thế nên anh vừa phải đi làm kiếm tiền vừa kiêm luôn việc dạy dỗ ba đứa trẻ. Anh nói: “Cực khổ vì mưu sinh tôi không ngại nhưng để dạy bọn trẻ nên người, theo tôi đó mới là chuyện “đại sự”. Tôi học ít, lo quần quật kiếm tiền, thời gian đâu có nhiều để theo sát mấy đứa nhỏ, nhất là hai đứa con gái đầu lòng. Ở tuổi này chuyện riêng tư gì nó đâu có nói với tôi”.
Hơn hai năm xa gia đình, ngày trở về cũng là ngày chị biết một sự thật đau lòng: hai đứa con gái bỏ học theo đám bạn ăn chơi lêu lổng, thằng con trai thì cứ hai năm một lớp. Chị trách móc anh không biết dạy dỗ con cái nên người, anh bảo hậu quả này do chị gây ra bởi chị chỉ nghĩ đến sự thành đạt của mình mà lơ là trách nhiệm làm mẹ. Không ai chịu ai, hai vợ chồng cãi nhau suốt ngày. Cuối cùng anh đành khăn gói ra đi bởi không “đấu lại trình độ lý luận sắc bén của vợ”, điều này đồng nghĩa với chuyện con cái không ra gì là tại anh.
2. Chị Thu Ba là người không nhanh nhẹn cũng không thông minh, nhưng cái cần mẫn, chăm chỉ đã giúp chị vượt qua 4 năm đại học một cách dễ dàng.
Trở về nhiệm sở cũ công tác thêm hai năm, chị được cơ quan ưu ái cho cái học bổng ở Thái Lan. Nhiều người trong cơ quan bàn tán, đa phần là phản đối. Không phải vì họ ghen tỵ mà vì chị “không có năng lực, học làm chi cho tốn tiền, phí thời gian” và “hai vợ chồng đang lục đục, chị cần ở nhà để củng cố tình cảm chứ đi vài năm e mất chồng”… Với mong muốn bằng chị bằng em, Thu Ba gạt bỏ mọi trở ngại quyết tâm lên đường du học.
Ðối với người ta, thời gian học hành ở xứ người cực một, còn chị phải cực tới… hai lần. Bởi vốn liếng tiếng Anh không khá, lên giảng đường nghe tiếng được tiếng mất. Ðể khắc phục, chị phải thu băng tất cả lời giảng của giáo viên, tối rã băng nghe lại, phải tra tự điển từng từ, ráp nối câu cú. Dù cố gắng cách mấy thì cũng câu được câu mất. Ðã thế lớp học không có người Việt nào cả, vì thế việc trao đổi thông tin bài vở với nhau cũng hạn chế. Ðêm nào cũng vậy chị thức đến 3 – 4 giờ sáng, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Ðầu óc chị lúc nào cũng chỉ có một chữ học. Nó ám ảnh đến nỗi năm học thứ nhất vừa chấm dứt thì chị mắc luôn chứng bệnh tâm thần nhẹ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn trong 6 tháng.
Tiếc công “gieo hạt gần tới ngày gặt hái”, chị vẫn tiếp tục học bất chấp lời khuyên của bác sĩ. Lần này còn dữ dội hơn bởi phải hoàn thành bài luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Căng thẳng quá, thế là chị “bứt” luôn, trở nên người ngớ ngẩn phải bỏ ngang việc học về nước. Ở nhà, chồng chị đã có người phụ nữ khác. Mất chồng, việc làm cũng chẳng còn, chị phải về sống nương tựa vào ba má và mấy đứa em.
3. Khi con trai Minh Nhật được 6 tháng tuổi, hai vợ chồng chị Ánh Hồng gửi con cho ông bà nội để lên đường du học, anh học tại Mỹ còn chị làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Bốn năm ở nước ngoài, hai lần về phép thăm gia đình vỏn vẹn 30 ngày. Ra trường, chồng chị trở về nước nhận công tác còn chị nhận lời mời cộng tác với một công ty tầm cỡ quốc tế bên đó ba năm. Thời gian xa cách đủ để chồng chị có vợ khác. Ðứa con trai sau bao nhiêu năm thiếu thốn tình mẫu tử nay được bù đắp từ bà mẹ kế.
Vì vậy khi chị trở về, đứa bé không gọi chị bằng mẹ, mà cái từ thiêng liêng này nó dành cho bà mẹ kế, người đã thương yêu chăm sóc nó trong những năm qua. Rất đau khổ nhưng chị không nỡ tách con mình ra khỏi cái nôi hạnh phúc mà nó đang hưởng.
4. Bạn tôi tháng trước nhận được học bổng nghiên cứu sinh ở Mỹ, chị đã mạnh dạn từ chối. Bởi theo chị, kiến thức có thể đến bằng nhiều con đường một khi mình có chí cầu tiến. Vả lại chị đang có hai cô con gái đang tuổi mới lớn cần có mẹ ở kế bên chăm sóc dạy dỗ. Không chút băn khoăn tiếc nuối về quyết định này, chị cho biết: “Mặc dù vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong xã hội, nhưng vai trò “nội tướng” vẫn được coi là nghĩa vụ quan trọng nhất của người phụ nữ. Vì vậy một khi mình thấy không thể chu toàn cả công việc xã hội lẫn gia đình một cách tốt nhất, là người phụ nữ, mình chấp nhận hy sinh cho gia đình.
Quyết định trên của chị bạn tôi chưa chắc đúng nhưng cũng có thể giúp bạn tham khảo, cân nhắc trước khi chọn lựa: sự nghiệp hay gia đình?
Ý HẢO
(*) Tên các nhân vật trong bài đã được đổi