Bên bờ chia cắt

Nghe điện thoại xong, chị ngồi phịch xuống, thở dài: “Sướng quá hóa rồ!”.

Từ khi Dung, em gái chị, nghỉ việc ở nhà sinh con, hai vợ chồng dăm bữa lại có một trận cãi vã. Năm lần bảy lượt, cô vợ xách đồ đến nhà chị ở lì, ông chồng bỏ việc đến năn nỉ.

Vợ chồng cãi nhau càng to, chị chỉ càng thấy thương cho em rể. Đạt vốn chiều vợ, từ khi có con thì càng cưng chiều hơn. Hết giờ làm, anh chạy thẳng về nhà, phụ vợ cơm nước, giữ con. Tối qua anh phá lệ, theo đồng nghiệp đi nhậu đến khuya mới về. Anh vừa bước vào nhà đã thấy Dung bồng con ngồi bên mâm cơm còn nguyên, trân trối nhìn anh, nước mắt lã chã. Đạt “đứng hình” mấy giây. Dung đay nghiến: “Sao anh không đi luôn đi?”. Anh chạy lại đưa tay ôm con, Dung đứng phắt dậy làm đứa bé đang ngủ giật mình, khóc thét lên. Sự tình càng thêm thống thiết. Dung làm ngơ trước mọi dỗ dành của chồng, ôm con bỏ vào phòng, thay cho lời tuyên bố “tuyệt thực”. Tối đó Đạt ngủ không yên, sáng sớm, anh vừa mở lời: “Anh có ra ngoài nhậu nhẹt giao tiếp với người ta cũng vì công việc, vì mẹ con em thôi!”, chỉ chờ có vậy, Dung chẳng nói chẳng rằng, đùng đùng lôi cái valy trên đầu tủ xuống, tuyên bố: “Từ nay anh không cần cực khổ vì mẹ con tôi nữa!”. Dung lại lôi con dậy, bỏ về nhà ngoại. Thấy vợ bốc đồng, con thì khóc thét, anh giận quá, chẳng buồn phản ứng.

Chị nghe điện thoại em rể xong, chưa kịp “tiêu hóa”, thì em gái gọi, báo tin sấm: “Em thảo đơn ly hôn rồi, không việc gì phải dựa vào người ta rồi cứ luồn cúi mãi”. Em còn khoe, từ mai sẽ đem Xuka gửi trẻ rồi đi làm. Lúc chưa chồng, em có thể tự nuôi mình sung túc, lại còn dư dả. Nay đem phần dư dả đó nuôi con, chả cần dựa vào ai. Em nói như chơi! Chị biết nói gì lúc này cũng bằng nước đổ lá môn, đành thôi, ráng chờ mai mốt. Chị còn lạ gì mấy cái kiểu “nóng lửa rơm” này!

Sau khi lửa rơm bùng cháy, mình ngồi bên đống tro tàn, ngây người ra thì cũng đã muộn. Hàng xóm của chị, có một cô tên Trang, đã thôi chồng mà cứ về ngôi nhà cũ, sang hàng xóm hỏi tin chồng, rồi thở than. Trang xinh đẹp, thông minh, lại lấy chồng doanh nhân, có cái nhà to đùng sát vách nhà chị. Vừa cưới nhau về, Trang đòi chồng đưa cho cô giữ sổ tiết kiệm. Nghĩ đã là vợ chồng, bao nhiêu tiền dành dụm trước ngày kết hôn, anh đưa hết cho vợ. Chẳng ngờ Trang còn đòi chồng đưa cả thẻ ATM, để cô… quản lý chi tiêu của anh. Anh chồng sốc trước nguy cơ trở thành người làm công ăn lương của vợ, nhất định giữ lại cái “thẻ danh dự” ấy. Trang “đình công”, làm việc xong thì về nhà mẹ đẻ ăn uống rồi mới về nhà, mặc cái bếp nguội ngắt, mặc chồng phải vác cái bụng rỗng không đi ăn tiệm mỗi ngày. Chiêu “vườn không nhà trống” bất thành, chồng ăn tiệm mà vẫn phây phây, không hề lung lay, một hôm, Trang chìa ra cái “tối hậu thư”, đề nghị chồng ký vào. Anh chồng sửng sốt. Trang lại bảo, “xem em với cái thẻ, anh quý ai hơn”. Anh chồng nhất quyết không thỏa hiệp, cất tờ đơn ly hôn vào ngăn bàn, đề nghị vợ suy nghĩ thêm vài ngày. Mấy ngày ấy, Trang cứ sang nhà chị để… tìm đồng minh. Cô lăm lăm cái lý lẽ rằng, đã làm vợ, phải lo liệu việc nhà, rồi sẽ phải một tay sinh con, chăm con, vậy mà không nắm tài chính trong tay, thì khác nào Ôsin! Rồi bị chính cái lý lẽ ấy tung hỏa mù, cô nhất quyết chia tay, vì “mới cưới đã vậy, mai này anh ta keo kiệt chịu sao thấu?”.

Bờ vực
Bờ vực – Ảnh minh họa

Chị chỉ lẳng lặng thở dài, chắc người ta “thức thời” nên nghĩ vậy. Còn chị, chị chịu cái lý lẽ ấy!

Hôn nhân của chị cũng đâu hoàn hảo gì, nhưng chị tin, mình đã không tự tay khơi sâu vào cái chỗ bất toàn ấy. Anh vốn là người chồng tuyệt vời. Bỗng dưng gần đây, anh sinh tật cờ bạc. Nhà có hai chiếc xe máy, chị phải tự tay bán đi để trả nợ cho chồng. Quay về từ sai lầm, anh thành tâm hối lỗi, nhưng mỗi khi “tái phát”, bệnh càng thêm nặng. Xót con, ba mẹ hết lời khuyên chị chia tay, trút bớt gánh khổ. Nhiều khi muốn dứt để yên ổn nuôi con, nhưng thấy anh thất thểu trở về, chị lại dặn lòng, có đánh thì đánh kẻ chạy đi…

Anh hối lỗi, hai vợ chồng lại cùng nhau cố gắng kiếm tiền trả nợ, những lúc ấy, lòng chị tràn đầy tin tưởng. Nhưng anh lại sa chân, lần này, món nợ quá lớn, không còn mặt mũi nào nhìn chị, anh không về. Anh đi, tối nào con gái cũng nhắc: “Đừng khóa cửa mẹ ơi! Để cửa cho ba về!”. Chị rớt nước mắt. Còn thương nhau, thương con thế, bỏ sao đặng? Anh chưa bao giờ lớn tiếng với vợ. Ăn gì ngon, thấy người ta có thứ gì cũng muốn mua về cho vợ con. Những gì khiến chị yêu thương mà đến với anh, giờ vẫn còn đấy, làm sao dứt bỏ? Mỗi lần anh gây nợ, người ta lại giục chị ly hôn, kẻo mai mốt nguôi ngoai, khó dứt. Nhưng đến bây giờ, chị vẫn thấy biết ơn những lần nguôi ngoai, đã cho chị những khoảng lặng để lắng nghe lòng mình.

Chuyện mình vậy, chị chẳng biết nói gì để khuyên em. Phải chi em có thể bước ra khỏi cơn giận mà bình tâm suy nghĩ, đừng để nó thay mình định đoạt. Vợ chồng sống với nhau cả đời, tiếc làm gì vài ngày dừng lại, để nghe mình, nghe nhau? Hơn thế, tiếng khóc của Xuka, và sự hồn nhiên mong ngóng của con gái, cứ làm chị thấy xót xa nhớ đến bài thơ của Vương Trọng mà chùng lòng, “Những bố mẹ bên bờ chia cắt/Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình”.

Minh Trâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.