Không một ai ở bản Gà (Bắc Giang) có thể giải thích được nguyên nhân tại sao mình lại bị bệnh. Ngày trước, người thì bảo căn bệnh là do bị “con ma rừng” bỏ thuốc, người thì đoán đây là căn bệnh thối lưỡi do bị trúng gió độc trên núi.
Những người dân ở bản Gà (xã Vân Sơn), huyện Sơn Động, Bắc Giang, từ thế hệ này sang thế hệ khác luôn bị ám ảnh bởi một căn bệnh lạ không rõ nguyên nhân, họ đặt cho nó một cái tên là bệnh “lưỡi đen”.
Đến nay, người dân Bắc Giang mới chỉ biết đến bản Gà là có nhiều trường hợp mắc căn bệnh “lưỡi đen”, khi chúng tôi quay trở lại đây phát hiện thêm, bệnh này đã xuất hiện cả tại bản Sản 3, xã Hữu Sản, huyện Sơn Động.
Bản Gà không yên
Bản Gà có 106 hộ đồng bào Kinh, Nùng, Tày, Cao Lan, Dao sinh sống san sát dưới thung lũng nằm cách trung tâm huyện Sơn Động gần 20km với đường đá vút lên lượn xuống theo các dãy núi.
Đưa chúng tôi đi thăm bản, ông Nguyễn Văn Nhâm cao niên nhất trong bản nhớ lại : “Từ khi tôi sinh ra thì căn bệnh lạ này đã có rồi. Nhưng ít lắm! khoảng 4 đến 5 năm mới có người bị bệnh. Vậy mà từ năm 1995 đến năm 2002 cả bản có gần 15 trường hợp mắc bệnh. Riêng gia đình anh Ma Văn Công có 3 người cùng bị”.
Căn nhà cấp bốn lụp sụp giữa bản là gia đình anh Ma Văn Công và chị Hoàng Thị Tằng, nhà đang “giữ kỷ lục” về số người mắc bệnh “lưỡi đen” nhiều nhất bản.
Người dân mỗi khi nhắc đến bệnh “lưỡi đen” đều cảm giác ghê rợn, rùng mình |
Dù đã 15 năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại câu chuyện trên nét mặt người phụ nữ gần bốn mươi tuổi vẫn không giấu được nét sợ hãi: “Đó là vào năm 1996 khi tôi mới sinh đứa con đầu lòng thì anh Công bị ốm người gầy sọp nằm li bì ở nhà. Sau đó gần một tuần thì tôi cũng xuất hiện những triệu chứng giống anh. Tôi cảm thấy khó thở, chóng mặt, chân tay bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt không thể đi lại hay cử động được, ăn uống thì mất vị giác. Ở cuống lưỡi mới đầu có vài chấm thâm đen sau đó loang ra cả lưỡi…”.
Chị Tằng đã dùng đủ thứ thuốc cũng không thấy bệnh tình thuyên giảm. Bệnh viện thì xa mà nhà tôi cũng không có tiền đi khám, vợ chồng tôi cứ tưởng chết chắc rồi đấy chứ. Sau đó có người trong bản bảo lấy hạt đỗ xanh nhai sống nếu thấy có mùi thơm thì là bị trúng độc. Khi hai vợ chồng tôi nhai thì đều cảm thấy ngon và thơm chứ không có mùi hăng hăng, tanh tanh. Lạ lắm! Tôi không hiểu sao khi ăn đỗ xanh sống lại có vị giác mà ăn các thứ khác thì chẳng có mùi vị gì cả”.
Khi đã xác định được nguyên nhân gây bệnh. Một thầy lang trong bản đã cho vợ chồng chị nhai sống một loại rễ cây rừng để “tẩy độc”. Sau đó một thời gian thì sức khỏe chị Tằng, anh Công dần dần bình phục, lưỡi cũng không còn thâm đen nữa.
Ngay trưởng bản Gà anh Nguyễn Văn Thuận cũng từng là nạn nhân của căn bệnh này vào năm 2002. “Tôi cảm thấy chân tay rã rời, ho khan, khó thở, cảm giác chán ăn, không ăn được, mà ăn uống thì mất dần vị giác, lưỡi xuất hiện những quầng thâm đen loang dần. Lúc đó tôi phải uống thuốc lá và rễ cây của người cậu họ mới khỏi”, anh Thuận kể.
Bệnh “lưỡi đen” và nỗi ghê sợ lan truyền
Đến nay, người dân Bắc Giang mới chỉ biết đến bản Gà là có nhiều trường hợp mắc căn bệnh “lưỡi đen”, khi chúng tôi quay trở lại đây phát hiện thêm, bệnh này đã xuất hiện thêm tại bản Sản 3.
Ông Quang là trường hợp bị phát hiện bệnh “lưỡi đen” đầu tiên ở bản Sản 3. |
Cách đây khoảng 5 năm, anh Nguyễn Văn Cường là người cuối cùng của bản Gà mắc căn bệnh “đen lưỡi” này. Nhưng cũng từ năm 2000 trở lại đây rất nhiều người dân ở xã láng giềng xã Hữu Sản, huyện Sơn Động mắc bệnh với các triệu chứng giống ở bản Gà, xã Vân Sơn, đặc biệt là bản Sản 3.
Người đầu tiên mắc bệnh ở đây là ông Vi Xuân Quang. “Người đang khỏe mạnh bình thường thì tôi cảm thấy trong người mệt mỏi, đi lại không đứng vững, họng nổi hạt đau rát, khi ăn thì mất dần mùi vị. Trong gần một tháng tôi sút hơn chục cân, lưỡi đen thâm tím quầng cả ra chân răng”, ông Quang nhớ lại trong cái rùng mình.
Sau khi ông Quang khai hỏa, bệnh “lưỡi đen” tìm đến từng nhà trong bản gõ cửa. Chị Hoàng Thị Thủy, chị Bùi Thị Gái lần lượt ngã bệnh. Giờ đây 83 hộ dân ở Sản 3 hễ có người thân bị đau họng, ho khan…thì điều đầu tiên họ nghĩ đến là bệnh “lưỡi đen”.
Ông Hà Xuân Thùy, ông Nguyễn Văn Nhâm cao niên nhất trong bản và trưởng bản Gà anh Nguyễn Văn Thuận cùng từng là nạn nhân của căn bệnh này. |
Ông Nông Văn Lại, trưởng bản cho biết: “Trung bình mỗi năm có 2 trường hợp mắc bệnh, riêng năm 2008 có 6 trường hợp trong đó đa số là phụ nữ. Bệnh thường phát vào từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Những người bị bệnh thường có các triệu chứng như ho khan, khó thở, đau họng ăn, uống mất vị giác, sút cân. Lưỡi hoặc chân răng thâm tím. Những trường hợp bị “lưỡi đen” ở Sản 3 đều được chữa khỏi nhờ lá thuốc và rễ cây trên rừng.
Mơ hồ về nguyên nhân
Khi chúng tôi hỏi những người từng mắc căn bệnh “lưỡi đen” về nguyên nhân thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Không một ai có thể giải thích được nguyên nhân tại sao mình lại bị bệnh. Ngày trước, người thì bảo căn bệnh là do bị “con ma rừng” bỏ thuốc, người thì đoán đây là căn bệnh thối lưỡi do bị trúng gió độc trên núi. Giờ đây khi trình độ dân trí cao lên thì đồng báo lại cho rằng căn bệnh đó là do người bệnh bị trúng một loại độc kỳ lạ nào đó.
“Nếu trúng độc thì đi bệnh viện khám phải biết bị trúng độc gì chứ. Ngày trước khi nhận thức của đồng bào còn thấp, chưa có thói quen đi bệnh viện khám khi bị ốm thì cho rằng bị trúng độc đã đành. Vậy mà cách đây 5 năm trong bản có anh Nguyễn Văn Cường (46 tuổi) cũng mắc bệnh với các triệu chứng như thế xuống bệnh viện khám mà chẳng ra bệnh gì. Về nhà uống thuốc lá và rễ cây của thầy lang thì khỏi. Vì thế mà bà con trong bản hoang mang lắm”, anh Nguyễn Văn Thuận giọng buồn rầu cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hưng (43 tuổi) ở bản Gà với bài thuốc giải độc nổi danh nhất vùng. |
Bản thân chúng tôi sau khi nghe chuyện của những người mắc bệnh “lưỡi đen” thì nhận ra một điều: Tất cả những người trước khi măc bệnh “lưỡi đen” đều có thể trạng kém, yếu, làm việc quá sức, ăn uống không đầy đủ và không đảm bảo vệ sinh.
Bí quyết trị “độc” của ông lang vườn
Có bệnh thì vái tứ phương, sau vụ của anh Cường thì đồng bào ở miền sơn cước này tuyệt đối tin vào thầy lang. Ở bản Gà và Sản 3 với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Nùng, Tày, Cao Lan, Dao và dân tộc nào cũng có các bài thuốc bí truyền của dân tộc mình.
Người có công hóa giải căn bệnh “lưỡi đen” truyền từ đời này sang đời khác là ông Nguyễn Văn Hưng (43 tuổi) ở bản Gà với bài thuốc giải độc nổi danh nhất vùng. Theo ông Hưng thì bệnh “lưỡi đen” được truyền theo nguồn nước, nguồn thức ăn và đường không khí. Nhưng cụ thể là gì thì chính ông cũng không giải thích được.
Những người tìm đến ông đều có các triệu chứng giống nhau như đau họng, mệt mỏi, sốt, ho khan, lưỡi thâm đen. “Để biết được người mắc bệnh lâu chưa và năng hay nhẹ chỉ có duy nhất một cách đó là bắt mạch, bấm vào móng tay hoặc yết hầu. Thông thường những người nào mới bị thì mới bị thâm đen ở chân lưỡi, còn những người bị nặng thì nan ra tận đầu lưỡi và chân răng. Bệnh này nó giết dần người dân, nhiều người do chủ quan không chữa trị kịp thời mà nguy hiểm đến tính mạng”, ông Hưng nói.
Bài thuốc của ông Hưng là lá và rễ cây được ông hái từ các vách đá trên núi cao mang về phơi khô tán nhỏ. Những bệnh nhân bị “lưỡi đen” đều được ông trực tiếp chữa trị. Người bị bệnh được ông sắc cho hai thang thuốc uống, một thang để “tháo ra” một thang để “cầm lại”.
Ông Hưng cho biết: “Tùy vào thể trạng của từng người, bị nặng hay nhẹ mà sắc thuốc với liều lượng thích hợp. Sau khi uống thuốc được một hai giờ người bệnh sẽ “miệng nôn, trôn tháo”, khoảng một tháng sau thì sức khỏe sẽ hồi phục lại bình thường”.
Ông Hà Xuân Thùy, cũng có nhưng bài thuốc gia truyền về xương khớp của dân tộc mình. |
Ở bản Gà cũng phải kể đến đến công lao của ông Hà Xuân Thùy – Nhà báo làng với “ Đài phát thanh bản Gà” gần 25 năm phát thanh phục vụ trong bản. “Đài” đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe y tế thôn bản, đó cũng có thế là nguyên nhân mà trong mấy năm gần đây bản Gà không có ai bị “lưỡi đen” nữa.
Ông tâm sự: “Cuộc sống của đồng bào ở đây con nhiều khó khăn, lạc hậu, nhận thức còn kém. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều đó để hành nghề mê tín, tuyên truyền gây chia rẽ mất đoàn kết các dân tộc trong bản. Những người khi bị bệnh đã không đi khám mà tự tìm thuốc chữa trị rất nguy hiểm đến tính mạng”.
Đã bao đời nay căn bệnh “lưỡi đen” làm hãi hùng thế hệ này sang thế hệ khác, đồng bào ở bản Gà và Sản 3 vẫn đau đáu một điều mong các cơ quan chức năng và ngành y tế sớm tìm ra nguyên nhân căn bệnh kỳ lạ này để đồng bào yên tâm sinh sống và sản xuất.
Nguyễn Khoát- Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Source: Zing