Đều là sinh viên và có người còn chưa qua tuổi 20 nhưng họ đã kiếm được trên 10 triệu đồng/tháng nhờ làm thêm. Bí quyết trở thành “đại gia sinh viên” của họ như thế nào?
Nguyễn Văn Hai: Kinh doanh… giáo dục
Sinh năm 1987, Hai là sinh viên ngành Kinh doanh Quốc tế, ĐH Ngoại thương (Hà Nội). Chàng trai Nam Định này còn là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hỗ trợ Phát triển doanh nghiệp Hà Nội nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc.
Công việc của Hai là cùng với Ban Giám đốc và giảng viên được công ty mời giảng thiết kế chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh, quản lý trực tiếp các lớp đào tạo kỹ năng kinh doanh, tư vấn cho các nhà quản lý doanh nghiệp cũng như nhân viên bán hàng.
Với mức lương cứng 4 triệu đồng + 40% doanh số báo cáo tài chính của công ty, đại gia này đang sở hữu mức thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng.
Hai tâm sự: “Công việc giúp mình thiết lập được nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp nổi tiếng. Vừa làm vừa học về cả đào tạo lẫn kinh doanh, công việc và ngành mình đang học bổ trợ cho nhau nên giúp ích mình rất nhiều”.
Trước khi theo học ngành Kinh doanh Quốc tế, Nguyễn Văn Hai đã từng học 2 năm ngành Công nghệ NANO của ĐH Công nghệ. Ở tuổi 20, Hai đã “cõng” trên lưng một món nợ “kếch sù” lên tới gần 200 triệu.
Hai bảo, chính cái khó đã ló cái trí lập nghiệp nơi cậu. Hai từng làm nhiều công việc và thay đổi liên tục với mục tiêu quẳng được gánh nợ xuống. Trong một lần cậu tổ chức sự kiện và tình cờ gặp Giám đốc Công ty Cổ phần Hỗ trợ Phát triển doanh nghiệp Hà Nội.
Nguyễn Văn Hai |
Phát hiện ra cái đầu “không bình thường” và khả năng của cậu, Giám đốc công ty này đã mời Hai về làm. Khi ấy, công ty cũng đang đứng trên bờ vực phá sản. Nhưng chỉ sau 6 tháng, “nhóc” Phó Giám đốc 21 tuổi Nguyễn Văn Hai đã từng bước vực công ty thoát khỏi cảnh túng quẫn và liên tiếp sinh lãi.
Hai nói: “Không mất thời gian thử việc nhưng mình phải thể hiện bằng chính hiệu quả công việc. Sau 3 tháng, mình đã thu về cho công ty khoản lợi nhuận vài trăm triệu bằng các dự án với chiến lược kinh doanh rõ ràng”.
Tới nay, Nguyễn Văn Hai không chỉ trả hết nợ mà tháng 3/2009, Hai còn đứng ra thành lập công ty riêng của mình chuyên về đào tạo kỹ năng bán hàng và quản lý bán hàng, mang tên Công ty TNHH đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp Pro Skills.
Nguyễn Văn Hai chia sẻ: “Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổng hợp, tiếng Anh tốt, sự tự tin… giúp mình có nhiều cơ hội kiếm việc tốt với mức thu nhập không đến nỗi nào. Công việc dạy mình biết cách quản lý thời gian, nắm bắt được xu hướng của những nghề hot trên thị trường lao động…
Thời gian đầu, mình kiếm việc thông qua các công cụ tìm kiếm việc làm quen trên mạng… Hai cho rằng “giá trị cốt lõi của bản thân được thể hiện trên thước đo công việc”. Quan điểm ấy là động lực trong mọi sự nỗ lực của cậu.
Theo khảo sát của CLB Nhà Kinh tế trẻ trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì Việt Nam có khoảng 65% sinh viên phải đi làm thêm nhưng có chưa đến 0,1% số sinh viên có thu nhập trên 10 triệu đồng.
Trần Quang Trung: Nghề… 4 nhất
Sinh năm 1987, Trung hiện là sinh viên năm thứ 2, khoá lập trình viên Quốc tế – Trung tâm Aprotrain Aptech. Trung đang làm part-time cho công ty phần mềm Vinasoftware trên đường Định Công. Công việc của bạn là thiết kế website và viết phần mềm cho các dự án của công ty.
Ngoài ra, Trần Quang Trung còn nhận nhiều dự án “riêng lẻ” qua mạng với tư cách một freelancer. Tổng thu nhập bình quân của Trung từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Trung bảo: “Nghề của tớ có 4 cái nhất: nhàm chán nhất, kiên trì nhất, khó nhất và giàu nhất trong các công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Nếu không có sự kiên trì nhẫn nại thì không thể nào sống được với hàng đống số liệu và các dòng code, các mã phần mềm khô khốc”.
Là người luôn có mặt trong top sinh viên xuất sắc của Trung tâm Aprotrain- Aptech với các môn học khó nhằn nhất, nhưng Trung đều đạt điểm tuyệt đối 100/100 như thực hành EJB (ngôn ngữ lập trình Java)…
Trần Quang Trung |
Trung không chỉ lọt vào “tầm ngắm” của nhiều công ty phần mềm mà còn chiếm được cảm tình của các thầy cô giáo trong trường. Thầy Lê Hồng Hải đã để ý tới cậu sinh viên năm nhất đặc biệt này và chính thầy giới thiệu Trung qua công ty Vinasoftware làm việc.
Khi tới công ty, Trung phải trải qua 3 tháng thử việc với các bài test về qui trình biểu mẫu của công ty cũng như test liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành.
Sau mỗi dự án, lãnh đạo lại trực tiếp nhận xét và đánh giá năng lực để điều chỉnh cấp bậc và mức lương. Trung chia sẻ: “Công việc đòi hỏi tớ phải nói tiếng Anh tốt. Cũng may, nhờ có hai năm học trường chuyên Anh bên Nga nên công việc cũng không khó khăn gì”.
Đó là quan điểm của Trung về bí quyết kiếm tiền triệu khi đang là sinh viên. Trung nói: “Tớ mê môn tin học từ hồi cấp 1 và đã từng ẵm 3 giải cấp quốc gia về công nghệ thông tin dành cho nhi đồng toàn quốc.
Tớ nghĩ công việc nào cũng có những kỹ năng riêng của nó, nhưng khi công việc đó là việc hoặc bạn thích hoặc bạn giỏi nhất thì tất nhiên bạn sẽ học và đúc rút được những kỹ năng chuyên nghiệp riêng cho mình.
Và các bạn không nên e dè và càng không được bỏ lỡ cơ hội khẳng định bản thân – chỉ có sự năng động, dám thể hiện mới đem đến cho bạn một công việc với mức thu nhập như bạn muốn”.
Hoàng Nam: Làm giàu từ thời trang
Sinh năm 1990, là sinh viên năm nhất cao đẳng CNTT thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàng Nam có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Được thừa hưởng gene di truyền con nhà “nòi” kinh doanh, anh chàng này đang đảm nhiệm công việc phát triển thương hiệu cho hãng thời trang BAB với các đầu việc: ngoại giao, PR, xây dựng hình ảnh cho hãng trên thị trường, phân phối sản phẩm tới khách hàng…
Việc tuy nhiều nhưng Nam làm như… đi chơi. Nam bảo: “Nam có kế hoạch tài chính rõ ràng, kế hoạch công việc theo sơ đồ và mục đích cần đạt được, sắp xếp nó hợp lý – có nghĩa là quản lý bản thân, quản lý con người, quản lý đồng tiền tốt nên Nam học vẫn ngon mà đi làm cũng không nhọc”.
Để có mức thu nhập hấp dẫn đó, công việc của Nam không bó hẹp trong lĩnh vực thời trang. Cậu còn phụ trách gần 250 con người và chuyên tư vấn khách hàng cho một công ty kinh doanh đồ gia dụng.
Hoàng Nam |
18 tuổi, Nam “cuỗm” về 2 giải đồng hạng cho Đề án Thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương tổ chức, năm 2008. Nam là con trai Hà Nội “xịn”, nhà đại gia nên ngay từ bé, cậu đã có “thói quen tiêu tiền”.
Chính thói quen ấy đã thôi thúc Nam bước chân vào lĩnh vực kinh doanh từ khi mới học lớp 10. Lúc đầu, cậu buôn bán điện thoại, đồ điện tử sau chuyển sang kinh doanh thời trang. Khi học lớp 12, Nam đã có mức thu nhập lên tới 600 USD/tháng.
Nam tự tin: “Nam luôn tìm tòi theo hướng tư duy mở, lại được thừa hưởng gene kinh doanh từ cha mẹ cộng với vốn công nghệ tin học – đây chính là bí quyết kiếm tiền của Nam. Hai công ty mà Nam đang làm việc hiện nay, Nam không trải qua một ngày thử việc nào vì đã mất 2 năm phổ thông chấp nhận những va vấp để nhận các bài học kinh doanh về cho mình. Nam nghĩ rằng, cái gì cũng phải có trải nghiệm”.
Đó là chia sẻ của Hoàng Nam về một công việc part time cho sinh viên có thu nhập cao. Nam nói: “Các bạn chỉ cần treo trên status (nick chat) hoặc blog của mình tên sản phẩm, giá tiền, xuất xứ, vài hình ảnh về nó và số điện thoại liên hệ … thông qua bạn bè, các bạn bán hàng nhanh mà không mất thời gian, thu nhập thì khỏi phải bàn. Theo Nam được biết thì hiện nay, công việc này đang hot nhất và thực sự phù hợp với điều kiện học tập của sinh viên”.
Theo Sinh Viên Việt Nam
Source: Zing