Vợ chồng “son”

Bà Nhàn cứ than ngắn thở dài, tựa như lỡ mua đắt mớ cá mớ tôm đâu ngoài chợ, miệng luôn lẩm bẩm “có hai mụn con mà giờ nhìn đi nhìn lại chẳng có đứa nào bên mình thế này”.

Vợ chồng son
Vợ chồng son – Ảnh minh họa

Hai ông bà chẳng phải là cán bộ công chức gì, chỉ là dân làm nông, buôn bán bình thường như bao người khác. Có điều, cả cái làng này, trong khi nhà ai cũng phải năm đứa con trở lên thì nhà ông bà hai đứa.

 

Ông Hựu bảo, ngày trước, cũng tại con gà mà tôi không muốn sinh đông đó chứ. Tình cờ sang chơi nhà ông anh thời chiến đấu, thấy nhà người ta ngồi ăn cơm mà chật bàn, đếm đi đếm lại thiếu hai người nữa là tròn mâm. Đĩa thịt gà lọt thỏm giữa sáu đứa con nom còn thòm thèm lắm. Ông chậc lưỡi, sau này mình có giàu cũng chả đẻ nhiều làm chi, đẻ ít thì của ít cũng hóa ra nhiều…

 

Rồi các con cũng lớn. Khi cô con gái đi học xa nhà, bà khóc rấm rứt mấy ngày liền. Đi vào đi ra lại than nhà cửa buồn hiu, chẳng ai bầu bạn. Thằng em nó ham chơi, suốt ngày ở ngoài đường nhiều hơn trong nhà. Ông Hựu lo cắm cúi ngoài đồng, về nhà lại bật tivi xem, chẳng để ý đến nỗi buồn của vợ.

 

Hoc xong, cô con gái ở lại thành phố làm, nói mấy nó cũng không chịu về quê. Thì ra, tình yêu của nó ở trong đó. Bà thở dài, ngẫm đời chua thật, mình yêu thương nó trước cả khi thằng đó yêu nó vậy mà giờ vì thằng đó, nó gạt mình ra.

 

Cho con gái lấy chồng xa, nó cứ tíu tít vui mà không thấy nước mắt mẹ đang chảy dài. Hôm đưa dâu, bà cứ sờ nắn tay nó, rồi ôm nó nức nở. Kể ra con bé cũng vô tư quá hay tại nó bản lĩnh không biết, thấy mẹ thế nó còn cười được, miệng líu lo mẹ cứ yên tâm, anh ý thương con lắm, con không khổ đâu. Ờ, thì cả đời này mẹ cũng chỉ mong vậy thôi.

 

Nhiều lúc nhớ con quay quắt, bà chỉ biết lấy áo quần con ôm ngủ. Thi thoảng vào phòng nó dọn dẹp vài ba thứ, để nó có về thăm đột xuất cũng có chỗ sạch sẽ mà ngủ.

 

Thằng em lận đận lắm cũng tốt nghiệp cấp ba xong rồi đòi vào tận Sài Gòn học nghề.

 

– “Nghề gì học gần đây cũng được, có nhất thiết phải đi xa không con”.

 

Nó ngắc ngứ: “Con chỉ thích học trong đó”.

 

Ờ, thì nó thích, mình đành chịu.

 

Ngoài làm nông, ông bà cũng buôn bán thóc lúa cho những mối lớn trên huyện nên có đồng ra đồng vào. Ngôi nhà bây giờ xây khang trang, rộng rãi mà trống huơ trống huếch. Hết ông đi lên lại gặp bà đi xuống, hai ông bà nhìn nhau mà thở dài thườn thượt.

 

Bà biết, ông không nói ra nhưng ông cũng nhớ chúng nó lắm. Cái hồi tới mùa gặt, nhìn mấy nhà trong xóm con cái đứa nấu ăn, đứa phụ gặt, đứa gánh lúa về, không khí đông đúc vui vẻ nom thèm làm sao. Bên ruộng này, mỗi hai ông bà già lụi hụi làm, có việc gì to tát lại đi thuê người.

 

Nghe tiếng trẻ nít từ nhà bên cạnh, bà bấm điện thoai gọi con gái, thôi mày mau có cháu đi, đẻ xong đem về đây tao nuôi cho. Con gái bà ậm ừ, bà nội để làm gì, việc gì mẹ phải nhọc như thế. Mẹ cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

 

Gọi vào cho thằng con trai, nó bảo ông đừng gọi chi nhiều, nó bận lắm. Hình như chỉ lần nào hết tiền, nó mới gọi để bảo ông chuyển tiền thì phải. Những lúc ấy, ông phấn khởi làm sao, cố khơi chuyện mà nói rồi lại chuyển máy cho bà. Nó tắt máy từ hồi lâu mà ông bà còn cầm cái máy áp vào tai tưởng như làm vậy là cảm nhận được hơi của thằng con. Hóa ra, thời đại bây giờ, gần con cũng trở nên xa xỉ đến thế.

 

Hôm ông ốm, bà bắt con gà làm thịt, hai ông bà đùn qua đẩy về, ăn mãi cũng không hết nửa con, phải chi có chúng nó ở nhà.

 

Lại nhắc chuyện ông bạn thời chiến đấu của ông, nhà có sáu đứa con. Mấy đứa trẻ nhà ấy cứ luân phiên nhau, đứa này đi học xa thì đứa kia ở nhà đỡ đần bố mẹ. Ngày Tết cũng vui, vợ chồng con cái trong nhà thôi mà y như có hội.

 

Hai ông bà cứ như vợ chồng son già cỗi, ngày ngày vào ra trông ngóng con. Chẳng mấy chốc lá rụng về cội, hai cái thân già rồi cũng dìu dắt tiễn nhau đi, không lẽ cứ sống mòn mỏi rồi chờ cái ngày ấy.

 

Diệu Ái

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.