Là em gái, tôi không thể chạnh lòng khi nhìn thấy anh tôi sang nhà tôi với mấy bọc quần áo cũ nát, không có nổi một cái vali hay túi xách gì đó cho lịch sự so với ngoại hình của anh. Tôi lặng người đi, nước mắt cứ giàn giụa.
Anh và tôi vốn là những người con sống thiếu thốn tình cảm vì cha mẹ ly hôn khi chúng tôi còn rất nhỏ. Cha tôi bỏ đi biền biệt, chẳng một lần về thăm con. Anh sống với mẹ, tôi sống với cô hai. Dù sống trong gia đình nghèo nhưng anh được mẹ cho học hành không thua kém bạn bè.
Khi còn là sinh viên, anh quen chị. Lúc anh ra trường và xin cưới vợ là lúc mẹ gặp nhiều khó khăn nhất. Việc buôn bán thất bại, mẹ không thể tổ chức lễ cưới. Họ hàng cũng ra sức ngăn cản mẹ cưới vợ cho anh vì nghĩ đến tương lai của cháu mình. Thương con, mẹ nghe theo sự lựa chọn của anh. Lúc đó tôi còn là một cô sinh viên năm thứ hai. Mẹ và anh phải cùng nuôi tôi ăn học.
Đám cưới anh, mẹ chỉ mua được đôi bông tai cho con dâu, các sính lễ khác anh phải tự lo. Không biết bằng cách nào, anh cũng xoay xở đầy đủ và đám cưới được tổ chức bên nhà gái. Nhà trai không tổ chức vì họ hàng không đồng ý nhưng do anh thuyết phục, mọi người đành phải tham dự. Mọi người đưa rể sang nhà gái. Gia đình nhà gái cũng không cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình nhà trai thế nào. Anh an ủi mọi người: “Cha mẹ vợ thương con lắm, đây sẽ là chỗ dựa tinh thần cho con, mẹ và mọi người hãy cầu phúc cho con”.
Sau khi cưới, anh chị thuê nhà trọ sống gần nhà cha mẹ vợ cho tiện qua lại. Một năm sau, anh chị dọn về sống chung nhà cha mẹ vợ, lúc này chị đã sinh được một bé gái xinh xắn. Sợ con mình lâm cảnh “chó chui gầm chạn”, mẹ tôi và mọi người thuyết phục anh nên sống độc lập, nhưng anh không nghe. Anh muốn vợ và con gái được sống thoải mái vì nhà vợ đầy đủ tiện nghi.
Từ khi sống bên nhà vợ, dường như anh không còn tự do. Hàng ngày anh phải đi chợ, nấu ăn rồi đi làm. Sáng sớm, anh thức dậy để lo tưới rau, giặt giũ quần áo và cơm nước. Chiều về anh ghé qua chợ mua thức ăn, về nhà phải lo bế con. Vợ anh không động gì đến việc nhà. Anh phải lo việc trong, việc ngoài nhưng vẫn không thể vừa ý cha mẹ vợ. Theo cách nói của mẹ vợ, anh là người sống nhờ, đã được miễn phí tiền nhà thì phải biết điều, phải phục dịch.
Khi vui vẻ, cha mẹ vợ còn trò chuyện, cười đùa. Khi không vừa ý (nhất là về chuyện tiền nong), ông bà nặng nhẹ xua đuổi. Hàng xóm ai cũng biết anh bị mẹ vợ đuổi mãi nhưng cứ ở lì. Bà nội lên thăm cháu, ông bà ngoại cũng chẳng để ý. Chưa kể, anh chị em của chị dâu luôn coi khinh chàng rể “củ chuối”. Lúc này, tình hình công việc của anh khá ổn định nhưng lương hàng tháng chỉ ở mức trung bình.
Sau ba năm chung sống, vì chị quá thờ ơ và vô tâm với anh, tự ái đàn ông đã buộc anh phải từ bỏ gia đình. Gia đình bên nội cố hàn gắn, vun đắp lại hạnh phúc cho anh chị nhưng mẹ vợ thì nhất định không. Ban đầu, bà viện nhiều lý do, về sau nói thẳng: “Nó làm không có nhiều tiền, trước đây tôi nghĩ nó giỏi lắm. Đã bốn năm cưới nhau mà nó không có nhà cao cửa rộng, xe cộ gì hết. Nó không lo được cho vợ thì cưới vợ làm gì. Người khác bằng tuổi nó, nhà cửa, xe hơi đều có đủ. Ngày xưa, nó van xin, gia đình tôi mới gả con gái, từ đầu tôi đã thấy nó không được chút nào”.
Một sự thật không thể phủ nhận là gia đình chúng tôi quá nghèo, mẹ cũng chẳng cho anh được tiền bạc hay tài sản khi anh cưới vợ. Ở tuổi 28, anh chưa có cơ hội để kiếm được nhiều tiền như gia đình vợ mong đợi. Ngoài việc lo cho mẹ ở dưới quê, anh còn phải lo cho tôi ăn học vì anh rất thương tôi. Dù bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng không bỏ rơi tôi và bây giờ anh cũng không thể bỏ rơi con gái anh. Anh bỏ vợ, gia đình vợ, bỏ luôn mảnh đất và tài khoản gửi tiết kiệm do vợ đứng tên sở hữu, chỉ giành quyền nuôi con.
Diễm Nguyễn