…Khi đèn vừa tắt, mẹ chồng tôi xông vào phòng đòi mắc màn cho “đỡ muỗi”. Mắc màn xong bà ở lại bật ti vi xem quan họ cả tối, rồi ngủ quên lúc nào không hay. Chồng tôi ra chỉ thị: “Em ngủ với mẹ, anh ra phòng khách vậy”.
Vợ chồng tôi sống với nhau được gần 2 năm. Chúng tôi vẫn đang lên kế hoạch chuyện con cái để chuyên tâm vào phát triển sự nghiệp. Bề ngoài, ai nhìn cũng tấm tắc khen tôi may mắn khi lấy chồng khá giả, chồng hiền, mẹ chồng tâm lý. Thế nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Khi mới yêu nhau, tôi rất hay được nghe những lời nói, câu chuyện của anh ấy kể về mẹ. Tôi cảm thấy anh yêu mẹ mình nhiều lắm. Và bà cũng rất đáng để cho con trai yêu thương thật.
Nghe nói, sau khi sinh anh ra đời, bố anh đã bỏ rơi mẹ con anh và đi theo tiếng gọi của tình yêu mới. Bỏ mặc những lời ong tiếng ve, lời tán tỉnh của người đàn ông khác, mẹ chồng tôi quyết ở vậy nuôi con trai mình khôn lớn. Bà khác hoàn toàn với những người đàn bà khác, bà vẫn cho phép anh gặp bố mỗi lúc anh muốn.
Cứ thế, dù chưa làm dâu nhà anh nhưng mẹ chồng tôi đã xuất hiện đều đặn với mật đồ dày đặc trong những câu chuyện của anh khiến tôi còn thấy cảm động, đồng cảm, xen chút ngưỡng mộ khi đối diện với bà. Lúc đó, tôi nghĩ thật đơn giản: chỉ cần mình biết điều, yêu thương bà chắc chắn bà sẽ yêu thương lại. Thêm vào đó, bà lại vô cùng hiền từ, dịu dàng thì chắc chắn bà cũng sẽ thương tôi như con thôi.
Trước khi cưới, tôi có đến nhà và dự tiệc sinh nhật của anh. Hôm đó tất cả mọi thứ đều tuyệt vời ấm cúng cho tới khi tôi tặng quà cho anh. Đó là một cái áo sơ mi màu hồng nhạt rất đơn giản mà nhẹ nhàng mà anh bảo thích.
Cầm trên tay món quà bạn gái tặng, anh tỏ vẻ thích món quà này lắm. Nhưng khi mẹ anh giật lấy, rồi nhận xét: “Mặc cái áo này ái lắm con ơi!” thì anh có vẻ cũng ủng hộ.
Có lẽ vì thế, đó là lần duy nhất tôi thấy cái áo đó xuất hiện trước mặt mình. Chẳng bao giờ tôi thấy anh mặc. Đến khi cưới nhau về, tôi mới thấy nó trở thành giẻ lau chân của mẹ anh.
Khi yêu, anh chẳng bao giờ chịu đi chơi tối quá 30 phút vì “sợ mẹ ở nhà buồn”. Anh chẳng bao giờ chịu ăn ở ngoài với lý do “đã quen ăn cơm mẹ nấu”. Tôi rủ anh đi mua sắm cùng, anh cũng từ chối bởi “anh quen để mẹ chọn”… Ngốc thật, thế mà ngày đó, tôi ngu muội không nhận ra anh đích thị là một thằng đàn ông bám váy mẹ?
Ngược lại, lúc đó trong mắt tôi anh là một người đàn ông hiền lành, đến con gián cũng chẳng dám giết, chỉ xua tay đuổi đi. Anh lại học rất giỏi, lớp anh là lớp cử nhân tài năng và chỉ có một mình anh được học bổng đi Mỹ. Tại đây, chúng tôi quen và yêu nhau. Tôi hiểu, với mẹ chồng, anh là của báu, là vật vô giá với bà.
Sau ngày về nước vài tháng, chúng tôi đã tổ chức đám cưới. Đêm tân hôn, khi cả hai sắp tắt đèn đi ngủ thì bỗng nghe tiếng mẹ anh khóc thút thít ngoài phòng khách.
Anh lo lắng phóng ra như bay. Thì ra, mẹ anh cảm động vì con trai của mẹ hôm nay đã chính thức trưởng thành và trở thành người đàn ông thực sự sau gần 30 năm mẹ nuôi không lớn. Tôi cười xòa, ôi đúng là mẹ tình cảm quá! Kết quả hôm đó, mẹ chồng nằm giữa hai vợ chồng tôi.
Đến đêm hôm sau, khi đèn vừa tắt, mẹ chồng tôi lại xông vào phòng đòi mắc màn cho “đỡ muỗi”. Mắc màn xong bà ở lại bật ti vi xem chương trình quan họ cả tối rồi ngủ quên lúc nào không hay trong phòng con dâu mới cưới. Chồng tôi lại ra chỉ thị: “Em ngủ với mẹ, anh ra phòng khách vậy”.
Những ngày sau, lúc thì bà bảo “mẹ sợ ma, mẹ ngủ với”, lúc thì bà lại bảo người khó chịu. Bà chỉ yên tâm lên giường đi ngủ khi con dâu và con trai bà đã say giấc. Đến nỗi, ngày đó, vợ chồng tôi còn nhiều lần phải hẹn hò nhau ra nhà nghỉ buổi trưa để hâm nóng tình cảm vợ chồng.
Dù giấu kín nhưng chẳng hiểu sao điều này vẫn đến tai mẹ chồng. Bà tỏ thái độ bực mình, cáu kỉnh với con dâu và bảo tôi làm khổ chồng: “Con đừng hành nó nhiều, phải để nó có sức mà tính chuyện làm ăn chứ? Làm vợ mà chẳng tinh ý gì cả”.
Đến lúc này tôi mới bắt đầu cảm thấy mẹ chồng không “gà tơ” như tôi nghĩ. Dường như bà đang sợ con dâu “chiếm” mất anh con trai của bà. Đúng, anh giỏi giang, ngoài xã hội anh có địa vị làm Thạc sĩ này nọ nhưng khi về tới nhà, anh như con cún con sà vào lòng mẹ, để mẹ ôm ấp vỗ về.
Hàng ngày, khi thấy hai con đi làm về là bà lại lục tục ra lấy cốc nước cam mát, cùng khăn mặt ấm lau cho con trai. Đôi khi tôi thấy sống trong gia đình chồng, tôi thật lạc lõng.
Mâu thuẫn mẹ chồng và tôi lên tới đỉnh điểm khi bà gợi ý sẽ cầm hộ tiền lương của hai đứa. Thu nhập của chúng tôi cũng tương đối, khoảng 70 triệu/tháng. Với tôi, tiền nong cần sòng phẳng, tôi không phải là người ki bo nên mỗi tháng chúng tôi biếu mẹ ít nhất 10 triệu ngoài tiền ăn để bà tiêu pha. Bên cạnh đó, là một người phụ nữ, tôi cũng có nhu cầu tiết kiệm tiền cho tương lai.
Khi nghe mẹ nói vậy, chồng tôi hùa vào: “Đúng rồi, từ tháng sau em đưa cho mẹ nhé, mẹ mà giữ thì ngon lành rồi”.
Tôi chỉ cười không nói không rằng. Sau bữa ăn ở phòng riêng của hai vợ chồng, tôi có nói thẳng với chồng nhưng anh cự nự: “Là một gia đình rồi, em còn tính toán nỗi gì? Em không tin mẹ ư?”.
Dù anh nói gì tôi vẫn quyết định mọi thứ sẽ mãi mãi như cũ. Tiền của hai vợ chồng ngoài ăn uống, biếu mẹ thì cả hai cần có khoản riêng cho con cái sau này. Khi mẹ biết điều đó, mẹ khó chịu với tôi ra mặt, nói bóng gió cả ngày.
Tôi đang vô cùng mệt mỏi và không biết phải làm sao. Có lúc tôi nghĩ tới giải pháp ra ở riêng. Nhưng vừa mở miệng đến hai chữ này, anh chồng tôi đã giãy nảy lên: “Cái gì? Em điên à?”.
Thi thoảng, tôi cũng cố gắng tâm sự ngọt nhạt với mẹ để hai mẹ con có thể hiểu nhau hơn nhưng bà lúc nào cũng lo tôi làm khổ con trai bà. Có lúc bực mình quá, tôi có xin mẹ: “Hãy để chúng con có không gian sống riêng” thì bà trợn mắt lên bảo: “Nó là con trai mẹ, mẹ có quyền!”.
Thực sự dù mới kết hôn gần 2 năm nhưng tôi cũng đang nghĩ đến phương án ly hôn. Tôi chắc chắn chồng tôi không thay đổi, mẹ chồng tôi cũng không thay đổi thì tôi sẽ phải là người phải thay đổi.
(Theo Afamily)