Của để dành

– Hồi đó, ba tôi làm phó một xưởng chế biến nông sản đông công nhân nhất huyện. Dịp lễ Tết, nhà tôi tấp nập khách khứa ra vào, đa phần là những công nhân muốn tỏ chút tình quý mến với sếp. Họ ghé vào rồi về ngay, gửi lại những món quà.

Của để dành
Của để dành

Tôi vẫn nhớ như in những món quà ngày đó. Dịp nào thức nấy. Mùa nào món đó. Từ cá mắm cho tới cá khô. Từ bánh in trắng đến kẹo chanh gói trong những miếng giấy bóng kiếng đủ màu. Từ những trái mận, trái bưởi đến mớ rau non mới hái trong vườn. Đối với chị em tôi, những gói giấy, bịch ni lông đó toàn là sơn hào hải vị. Không đói nghèo thiếu thốn, nhưng với chúng tôi, việc mở từng bịch đồ, từng túi quà luôn kèm theo sự háo hức, bất ngờ chờ đón. Rồi chúng tôi săm soi, bình phẩm. Nếu gần lễ Tết mà chưa thấy người ta ra vào là tôi trông ngóng, thắc mắc hỏi mẹ hỏi chị.

Chị lớn hơn tôi gần chục tuổi. Khi tôi còn là một con bé nhảy lò cò, chơi búng thun với lũ trẻ hàng xóm, thì chị đã được mẹ trao “tay hòm chìa khóa“ quán xuyến trong nhà.

Vào những ngày mưa gió bời bời, tôi hay đứng nhìn ra vườn, tiếc mớ khế rụng, cụm chuối đổ, đám mía lau gãy rạp. Khi ấy, thế nào chị cũng “nhờ” tôi và đám trẻ nhỏ trong xóm ra vườn, tìm xem cái gì còn dùng được thì “thu hoạch”. Sau đó, bao giờ chị cũng nói bọn trẻ mang “chiến lợi phẩm“ về nhà chúng. Khỏi phải nói, tôi tiếc của biết chừng nào, thường khư khư giữ lại, không muốn cho. Chị vừa thuyết phục vừa đe tôi, cái con bé trùm sò khư khư giữ của. Ánh mắt mừng rỡ của tụi con nít trong xóm làm chị vui thì phải. Chia bánh trái gì cho em, chị bao giờ cũng đưa phần cho mấy nhóc bạn của tôi, còn dành một ít để tụi nó mang về cho lũ em ở nhà. Đôi khi điều này khiến tôi ấm ức và hoang mang tự hỏi: “Chị thương mình hay thương tụi nó?”.

 

Tôi mãi không quên những lần chị đuổi theo người phụ nữ nào đấy vừa đến biếu quà, cương quyết dúi vào tay họ túi lớn túi nhỏ, thậm chí có vẻ còn nhiều và nặng hơn món họ mang đến nhà tôi. Tôi hậm hực về mách mẹ, thì nhận được một câu giải thích khó hiểu rằng, chị làm không sai đâu, cái gì mình mang cho đi thì chính là của để dành.

Mãi rồi tôi cũng lớn hơn, thấu hiểu lời mẹ và những việc làm của chị. Đó cũng là khi ba tôi, sau một tai nạn bất ngờ, bị mất sức phải nghỉ việc, loanh quanh trong nhà. Thế nhưng, vào những dịp lễ Tết, tôi ngạc nhiên thấy nhà mình vẫn tiếp tục có khách khứa qua lại, với những nhắc nhớ rằng, hồi trước bác gái và “cô Hai” thật dễ thương, tốt bụng…

Chị của tôi giờ nằm đây, giữa thênh thang gió. Căn bệnh bất ngờ đưa chị đi nhanh quá. Vườn nhà vẫn rộng, bọn trẻ con hàng xóm vẫn thường hay ra vô hái rau, hái trái. Mọi thứ dường như chẳng đổi thay gì.

Tôi đứng tần ngần bên rào, nhìn sang con ngõ nhỏ, như vẫn thấy đâu đây dáng chị bước nhanh, cố đuổi theo người khách vừa vào biếu quà, dúi vào tay họ cái này cái nọ “cho sắp nhỏ ở nhà”. Tôi tưởng chừng vẫn nhớ chị khẽ cười rưng rưng khi nói với mẹ: “Tội nghiệp, không chừng ở nhà vợ con không có, vậy mà bấm bụng mang đi biếu xén làm gì…”.

Mẹ bảo, lúc chị bệnh nằm một chỗ, bao người tới thăm, mang theo vô số thứ, y như ngày ba vẫn còn đương chức. Nhiều người cũng nhắc chuyện, hồi đó chị khăng khăng dúi cho họ cái này cái nọ…

Chị đi xa, nhưng “của” chị để dành, tôi được thừa hưởng dài lâu, mãi mãi.

Hạ Yên / Theo PhuNuOnline

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.