– Tin tôi đậu đại học khoa Ngữ văn được lan khắp xóm. Tôi là đứa duy nhất trong xóm cùng khoá thi năm đó đậu đại học ngay năm đầu. Thế nhưng, một vài người trong xóm dè bỉu “học văn chỉ tổ tốn áo tốn quần, sau này lấy gì mà ăn, đủ sống là may lắm rồi, giàu không có”.
Nghe tin tôi đậu đại học, ba tôi mừng lắm, ba bỏ qua những lời xì xào của hàng xóm. Ba biết năng khiếu của tôi là học văn giỏi từ nhỏ nên ba ủng hộ tôi hết mình. Sáng hôm sau, ba bàn với má, vô chợ mua cho tôi cái vali để chuẩn bị khăn gói vào nhập học.
Ngày tôi đi, má gói ghém cho tôi đủ thứ. Vì là lần đầu tiên xa nhà nên má tôi cố gắng thu dọn hết tất cả vật dụng cần thiết của tôi từ quần áo, sách vở, xấp hình gia đình những lần đi chơi chung, cái quạt giấy của nội… Ba ngồi uống trà trước nhà, vừa uống vừa nhắc chừng má tôi lấy thêm cái này, cái kia bỏ vào vali cho tôi kẻo sót. Ba kêu tôi ra, đưa tôi mấy chai dầu gió, bảo bỏ vào vali để phòng trái gió trở trời, bụng tôi yếu nên phải mang vào mấy chai để phòng hờ, vào đó mua đồ gì cũng mắc. Trưa, ba và tôi đón được chiếc xe dù từ Bắc vào. Hai cha con chen chúc, tôi được ngồi phía ghế trên, ba ngồi ghế xúp. Cái va li to tướng nằm cạnh ba, thỉnh thoảng ba ngủ gật tựa đầu vào nó. Mỗi lần có khách, xe lại dừng, cố nhét người vào hết cả lối đi giữa. Mỗi lần lơ xe đi xuống thu tiền y như rằng họ “đạp trên đầu” những người ngồi hàng giữa như ba tôi để đi. Ngồi phía trên nhìn xuống thấy ba như vậy, tôi thấy thương ba vô cùng, tôi tự nhủ với lòng vào phải ráng học, không phụ lòng ba đã khổ cực vì tôi.
Vào đến Sài Gòn mới 3h sáng, chưa kiếm được nhà trọ, ba và tôi đi bộ tới Văn phòng Ban chỉ huy Quân đội quận 3, chỗ cậu tôi làm việc để nhờ tá túc mấy ngày đầu. Cậu ở tít tầng 5, ba phải xách chiếc va li nặng nề bước lên hết cầu thang bộ. Tôi đi sau, nhìn dáng ba khom khom, đội chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mắt sâu hoắm vì 1 đêm thức trắng với chuyến xe lắc lư không có chỗ ngồi. Chiếc vali trở nên nặng nề với ba hơn vì chứa trong đó bao nhiêu sách vở tôi cố nhét vào. Tôi định bụng “vừa học vừa ôn lại để năm sau thi tiếp, để hàng xóm không dè bỉu vì mình học văn chương chỉ giỏi lãng mạn mà không kiếm ra được tiền”. Lúc đó tôi không biết số sách vở mà tôi cố đem theo kia lại làm cho ba tôi thêm phần vất vả. Tôi thấy sống mũi mình cay cay.
Vào ở trọ, chiếc vali là “chiếc hộp bí mật” mà tôi để trong đó tất cả những tài sản quý giá mà mình có vì lúc đó tôi không có tiền mua tủ sắt. Ngăn lớn chiếc vali là dùng để quần áo 1 bên, chồng sách vở 1 bên, ngăn nhỏ tôi để viết, mấy chai dầu gió của ba và một lốc thư viết tay của người yêu thời trung học. Mỗi khi hết học kỳ về nhà tôi lại gói ghém trước tất cả vật dụng vào chiếc vali để sẵn đó, chờ thi xong môn cuối là tức tốc xách vali ra bến xe. Qua năm thứ 2, tôi đi dạy kèm, lần đầu tiên nhận quà ngày 20-11, phụ huynh cho tôi 1 gói bột ngọt, 1 bịch đường và 1 chai dầu ăn to tướng cùng với mấy bịch bánh tôi cũng chất đầy vào chiếc vali, vượt đường xa hơn 600 cây số để về khoe với mẹ.
Rồi những năm tháng sống ở Sài Gòn, mỗi lần chuyển nhà trọ, chiếc vali lại theo tôi hết chỗ ở này đến chỗ ở khác. Lớp vải bao phía ngoài của nó đã bắt đầu ngả màu, mấy chữ viết bằng bút lông ba viết tên tôi phía ngoài sợ lộn với những chiếc vali khác cũng nhạt dần theo. Phía trong chiếc vali, 1 phần vải đã bị rách lộ ra mấy tấm nhựa “xương sống” của nó, 1 bên nút bấm cũng bị hư, khoá dây kéo cũng bắt đầu rỉ sét, không trơn tru như trước. Tôi mang ra cho thợ sửa đồ cũ thay chiếc dây kéo mới dù cháu tôi đã bảo “cháu thấy cái vali này cũ quá rồi, hay dì bỏ đi”. Tôi gạt đi “nó cũ nhưng vẫn còn xài được, hơn nữa đó là cái vali mà ông ngoại mua cho dì, nên dì không bỏ được”. Chiếc vali gắn bó với tôi theo những năm tháng học đại học, theo chân tôi những ngày đi tình nguyện Mùa hè xanh ở vùng đất Trà Vinh và cùng tá túc ở đền thờ trước chợ An Giang những ngày thực tập. Chiếc vali trở thành người bạn thân thiết mà mỗi bước chân của tôi đi, mỗi nơi tôi đến, tôi ở đều có sự hiện diện của nó.
Ra trường, đi làm, rồi tôi gặp được một nửa yêu thương và cũng đến ngày tôi rời nhà trọ để dọn về nhà chồng. Trước ngày cưới, ông xã bảo tôi “cái vali cũ quá, hay em bỏ đi, anh mua cái khác”. Tôi cười bảo “Cái vali này nó đi theo em suốt mười mấy năm rồi, em quý nó như 1 người bạn thân thiết vậy, nó là cái vali mà ba mua cho em hồi em nhập học đó”. Ông xã hiểu ý tôi nên thôi không nói ý định mua cái vali mới nữa. Vậy là, ngày đám cưới, chiếc vali cũ kỹ nghiễm nhiên theo tôi về nhà chồng. Sau bao năm tháng khổ cực, oằn mình với những sách vở, quần áo… giờ đây, chiếc vali của tôi cũng được “nghỉ hưu” trên đầu tủ quần áo trong phòng vợ chồng tôi. Thỉnh thoảng tôi lại lôi nó ra giặt giũ phòng ngừa mấy bác nhà Tý chui vào tá túc.
Vậy đấy, gia tài ba tôi không có gì cao cả, chỉ là một cái “vi-la” di động, đi cùng tôi từ lúc mới bước chân vào Sài Gòn. Cái “vi-la” của ba không lớn nhưng đủ rộng để chở cả niềm ước mơ, hoài bão và cả tình thương ba dành cho tôi. Chiếc vali đã đi theo tôi cùng với những bước ngoặt của cuộc đời.
HUYỀN NGA / PhuNuOnline