1000 tượng cổ “tình yêu”

Nổi tiếng với những nghiên cứu và sưu tập về truyện Kiều, ông lang Chọi đất Bắc Ninh – nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo còn sở hữu gần 1.000 pho tượng mang đậm văn hóa phồn thực mà đến nay vẫn chưa thể giải mã.Đang là giáo viên dạy toán, ông giáo Nguyễn Khắc Bảo xin nghỉ hưu non để chăm sóc cụ thân sinh và học để kế nghiệp hiệu thuốc “lang Chọi” đã truyền qua 5 đời. Việc ông lang Bảo mê Kiều, biết chữ Hán đã lan rộng khắp nơi, người dân tìm được đồ cổ có chữ Hán đều mang đến nhờ ông đọc giúp, từ tiền xu, bát đĩa, chum vại… Và cơ duyên với những pho tượng phồn thực cũng đến từ đó.

Những pho tượng bí ẩn đến từ hầm mộ

Ban đầu ông Bảo bị lôi cuốn bởi những bức tượng lạ mà những người bán rong ở Đại Bái (Gia Bình – Bắc Ninh) mang đến. Ông mua lại tất cả chúng với cái giá gần như cho không. Hữu xạ tự nhiên hương, dần dần những người dân ở Hải Dương, Hải Phòng đào được gì cũng mang đến cho ông. Những pho tượng kỳ quái, “vô dụng” ấy, họ muốn đổi lấy thuốc, hoặc lấy vài chục, vài trăm nghìn… Cứ thế, kho tượng nhà ông đầy lên từng ngày. Cho đến nay, ông đã có khoảng 1.000 bức tượng phồn thực, cao từ 20 đến 40 cm với rất nhiều nét biểu cảm và các tư thế “quan hệ” khác nhau. Qua tổng kết, ông Bảo nhận thấy hầu hết chúng đều có chung một nguồn gốc là do những người dân ở Kinh Môn, Chí Linh, Cẩm Giàng (Hải Dương) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) phát hiện khi đào móng nhà hay xấn đất nung gạch. Cùng với những pho tượng đất nung độc đáo này, người dân còn đào được những viên gạch thời Hán trong những hầm mộ có mái vòm.

Từ đó, ông Bảo phỏng đoán, có thể đây là đồ tùy táng của những gia đình có địa vị thời xưa. Họ làm ra để chôn theo thân nhân họ, cũng như thời Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc, người ta chôn theo những pho tượng đất nung để làm kẻ hầu người hạ ở kiếp sau. Và có thể niên đại cũng ngang với nhà Tần vì trong hầm mộ còn có những viên gạch đề chữ “Ngũ thù” – loại tiền thời Tần.


Những pho tượng phồn thực đã hàng nghìn năm tuổi

Tín ngưỡng phồn thực đã có từ xa xưa để duy trì và phát triển sự sống, với mong muốn mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở (phồn: nhiều; thực: sinh sôi nảy nở). Ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực thể hiện ở việc thờ sinh thực khí (sinh: đẻ, thực: nảy nở, khí: công cụ), tín ngưỡng này có thể thấy rõ ở tượng nhà mồ Tây Nguyên, thánh địa Mỹ Sơn – Quảng Nam, hay một số lễ hội vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay (Trò Trám – Phú Thọ; lễ hội ở làng Đồng Kỵ – Bắc Ninh…).

Khoảng một nghìn “cụ” mà ông Bảo sưu tập được đều có cách tạo hình khác lạ: cơ quan sinh dục và tư thế quan hệ đều được cách điệu, phóng đại. Nhà điêu khắc, họa sĩ Anh Vũ (tác giả của 3 trong tổng số 9 tượng đài ở Bắc Giang) đứng trước “các cụ” mà phải chắp tay lạy vì… kính phục. Ông xúc động nói: “Cách tạo hình “các cụ” hồn nhiên, ngộ nghĩnh lắm chứ không có gì là thô tục cả”.

Những phỏng đoán

Nói về “các cụ” trong bộ sưu tập của mình, ông Bảo suy đoán: “Tượng này lạ lắm, mặt dài, mũi to, sống mũi thẳng, mắt to, mặt mũi vêu vao như tượng ở đảo Phục Sinh (một hòn đảo ở phía Nam Thái Bình Dương thuộc Chile) chứ không hẳn là giống nét mặt người Việt. Có thể thời ấy mình đã có những giao lưu với họ và các cụ nặn theo những đường nét trên mặt những người đi từ biển vào chăng”.

Ông Bảo kể: Lúc sinh thời, nhà khảo cổ học, PGS.TS Trịnh Cao Tưởng (Viện Khảo cổ) đã về nhà ông để khảo sát các pho tượng. PGS.TS Trịnh Cao Tưởng cho rằng: “Chưa khi nào tôi gặp những pho tượng kì lạ như thế này, tôi không biết chính xác niên đại, nhưng chắc chắn là không thể dưới một nghìn năm được”.

Ông Bảo giải thích tiếp: “Tôi cho rằng không thể nằm trong giai đoạn Bắc thuộc được, ít nhất cũng phải trước cái thời “nam nữ thụ thụ bất thân”. Nhưng tất cả mới chỉ là phán đoán qua kinh nghiệm của giới chơi đồ cổ chứ chưa có một giám định khoa học nào”. Ông Bảo cũng không dám nghĩ đến việc đưa “các cụ” của mình đi giám định bởi có bao nhiêu tiền ông đã dồn cả vào cái bảo tàng rồi.  Khi chưa sửa nhà, ông Bảo bày “các cụ” lên giàn để bảo quản như là bảo quản khoai tây vậy. Ông đang tính đến chuyện phải bán bớt bộ sưu tập của mình: “Bao nhiêu năm qua đổ hết cả tiền vào đấy, đã đến lúc phải lo nhà cửa cho con cháu rồi” – ông ngậm ngùi.

Ông lại cho “các cụ” vào thùng các tông, giấy báo rơm rạ cẩn thận rồi cho vào góc ngôi nhà hơn 30m2 đang sửa của mình. Đêm đến ông lại nằm trông nom “các cụ”, mà gần 1.000 cụ ấy, qua cả ngàn năm lịch sử lúc nào cũng thấy vui tươi, hớn hở, căng tràn, phồn thực…

Uông Thị Bích Ngọc

Source: Báo Thể Thao Văn Hóa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.