Vở kịch hạnh phúc!

Dưỡng khí của con trẻ là tình yêu thương của bố mẹ (ảnh chỉ mang tính minh họa) – Ảnh: GIA TIẾN

Vở kịch hạnh phúc!

TT – Hạnh phúc gia đình liệu có thể được đem ra dàn dựng, biểu diễn như một vở kịch trong nhà hát? Từ lá thư của một cậu bé mở ra câu chuyện về “vở kịch hạnh phúc” trong nhiều gia đình với những vai diễn của các ông bố, bà mẹ…

Nghe đọc nội dung toàn bài:



“Bố mẹ cháu coi nhau như kẻ thù, nhưng trước mặt cháu và mọi người, bố mẹ lại làm ra vẻ yêu thương nhau. Bố mẹ nào có biết cháu đau đớn như thế nào khi phát hiện điều ấy. Nhưng cháu cũng vờ không biết gì, dù cháu hiểu gia đình cháu chẳng còn gì nữa… Tại sao người lớn phải làm như thế?”. Những dòng thư và câu hỏi nhức nhối này là của một cậu bé năm nay mới 14 tuổi nhưng đã chứng kiến trọn năm năm “vở kịch hạnh phúc” mà bố mẹ cậu đóng để che mắt thiên hạ và gia đình!

Chị bạn tôi tâm sự: “Cuộc sống vợ chồng mình giờ chỉ còn là nghĩa vụ. Tình yêu đã chết lâu rồi. Sống chung một nhà mà mỗi người một hướng. Chung mâm, chung bát mà không chung lòng. Nhưng mình chẳng bao giờ ly dị, vì thương hai đứa con lắm. Chúng cần có đủ cả bố lẫn mẹ”.

Liệu như thế là yêu thương, là hi sinh vì con chăng? Những đứa trẻ sẽ thụ hưởng ra sao tình yêu thương ấy khi chúng được gầy dựng từ cái nền “chịu đựng” lẫn “căm thù” của bố và mẹ? Có ai đếm được bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi của cậu bé kia khi chứng kiến những trận cãi nhau đầy thù hằn của bố mẹ trong phòng riêng?

Trẻ em cần nhiều mẫu mực hơn là những răn đe

Joubert

Nhưng thực tế có nhiều cặp vợ chồng đã sống “kịch” như thế, và vẫn an tâm về sự lựa chọn “vì thế hệ trẻ” ấy của mình. Sự lựa chọn của họ chứ không phải của những đứa trẻ. Và họ không biết rằng điều đó còn giết chết tình cảm của con trẻ nhiều hơn cả một cuộc chia tay sớm. Chúng cảm nhận về sự tan vỡ tình cảm được ngụy trang một cách khéo léo, những chịu đựng đầy uẩn ức kéo dài triền miên. Bi kịch gia đình với “vở kịch hạnh phúc” là vậy!

Mất lòng tin vào cha mẹ, khi lớn lên bọn trẻ sẽ mất lòng tin vào cuộc sống và mất cả lòng tin vào chính mình!

Tôi cũng là một đứa trẻ từng sống trong “vở kịch hạnh phúc” gia đình… Chỉ là quãng thời gian ngắn trước khi hai người ký vào đơn ly hôn, sau bao năm tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lạnh sống lưng trong bữa cơm với đủ cả mẹ và bố. Những ánh mắt lạnh lùng, những lời nói vô cảm. Cả hai như đang cố chứng minh cái tôi của mình mà quên đi những đứa bé như tôi lúc đó đang gánh trên vai tâm trạng nặng nề nhất.

Ngày đó, mẹ tôi nhất định không ký đơn ly dị. Bà bảo: “Mẹ thương các con tự dưng không có cha. Mẹ đang cố giữ lại hạnh phúc cho các con”. Nhưng sau đấy mẹ tôi cũng nhận ra những đêm mẹ khóc ròng rã cũng chính là những đêm mấy chị em tôi không thể ngủ được. Sự ám ảnh về tinh thần gây nên sự sa sút học hành của chúng tôi. Năm đó, chị tôi trượt đại học. Tôi ì ạch lên lớp. Mẹ đã quyết định ký đơn.

Chính tôi giờ cũng thầm cảm ơn bố mẹ đã có quyết định đúng đắn. Bởi càng lớn, tôi càng cảm nhận rõ: khi đã cạn tình với nhau, nên chia tay. Nếu trước đây bố mẹ tôi cố gắng kéo dài sự hấp hối của tình nghĩa thì có lẽ tới bây giờ tôi sẽ không cảm nhận được hạnh phúc gia đình riêng ngọt ngào đến thế. Tôi đã may mắn hơn những đứa trẻ khác là khán giả bất đắc dĩ của những “vở kịch hạnh phúc” vì không phải chịu đựng lâu dài những dằn vặt, đau khổ, giả tạo của tình cảm người lớn. Tôi mừng vì khi lớn lên không bị những yêu thương dối trá đó ám ảnh; biết đón nhận hạnh phúc thật sự và biết thông cảm, sẻ chia với những tan vỡ.

Dưỡng khí của con trẻ là tình yêu thương của bố mẹ, là không khí đầm ấm trong gia đình. Chúng sẽ sống như thế nào trong những ngôi nhà không còn ngọn lửa ấm tỏa ra từ sự thuận hòa của bố mẹ?

Nếu tôi phải sống với những màn kịch hạnh phúc, chắc chắn tôi sẽ như cậu bé 14 tuổi kia, nhìn mọi thứ trong cuộc sống bằng ánh mắt ngờ vực. Hiện tại, với cậu bé, hạnh phúc là điều hoàn toàn không tồn tại. Vì ngay cả những người thân yêu nhất còn lừa dối cậu thì làm gì còn điều chân thật nữa.

Người bạn tôi bảo có hàng trăm ngàn lý do để khi hết tình cảm mà vẫn phải “cắn răng” sống với nhau. Không chỉ vì con cái, mà còn vì sĩ diện, vì những toan tính riêng tư, vì những hình ảnh “tròn trịa”… mà nhiều bố mẹ đã gây tổn thương chính con mình.

Xin hãy gạt hết những cái tôi của người lớn để có những quyết định đúng đắn vì con trẻ. Tôi cũng chẳng vui vẻ gì khi bố mẹ chia tay. Nhưng tôi biết rõ cái cảm xúc ngơ ngác và sợ hãi của trẻ con khi phải sống trong một “vở kịch hạnh phúc”, trong đó bố mẹ chúng là nhân vật chính.

VÂN KHÁNH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.