Vì em là Nguyệt…

Lãnh tháng lương đầu tiên, thay vì đưa hết cho mẹ như cách người khác hay làm, tôi lại đưa cho Nguyệt. Tôi bảo em: “Thích gì thì cứ mua sắm thoải mái đi”. Nhưng em lắc đầu: “Em không cần đâu, anh cứ giữ đó, sau này có chuyện gì thì có mà xài”.

Và em vẫn ngày ngày đẩy chiếc xe đi bán trái cây dạo kiếm những đồng tiền lời nhỏ nhoi để lo cho người cha già bị bệnh nằm một chỗ mấy năm nay. Những đồng tiền nhỏ nhoi ấy mấy năm qua cũng đã cho tôi cơm áo no đủ để hoàn thành tâm nguyện học hành. Tôi thấy mình thật may mắn khi gặp được Nguyệt giữa cuộc sống đầy bon chen, tranh giành này. Lòng tự nhủ, bao giờ ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định, tôi sẽ bù đắp cho em.

Tôi đã thực hiện tâm nguyện ấy bằng cách đưa cho em tháng lương đầu tiên của mình. Nhưng em đã từ chối. Em bảo rằng, làm con, trước tiên phải lo cho cha mẹ. Em biết gia đình tôi ở quê còn rất khó khăn. Mẹ tôi lại nay đau, mai yếu. Em bảo những gì em làm cho tôi bao nhiêu năm qua chẳng qua chỉ là tình cảm giữa những con người nghèo khó với nhau chứ em không dám nghĩ đến việc sẽ lấy tôi làm chồng bởi em dốt nát, thấp hèn.

Lần đầu tiên khi nghe em nói đến mấy từ “dốt nát, thấp hèn” tôi đã cười trong bụng cho rằng em nghĩ quẫn. Thế mà sau này, khi đã đi làm, sống trong môi trường mới toàn những người học cao, hiểu rộng, tôi thấy đúng là giữa tôi và em có một khoảng cách vô hình. Tôi thuê nhà ở riêng, dần dần ít lui tới xóm trọ của em, không còn hứng thú với những món ăn em nấu vào những ngày cuối tuần… Và rồi tôi quên em lúc nào không hay…

Giờ nghĩ lại, có lẽ tôi quên Nguyệt từ khi Lan xuất hiện. Cô bạn đồng nghiệp xinh đẹp, duyên dáng kề cận hằng ngày đã làm lu mờ hình ảnh cô gái nghèo lam lũ đã đi cạnh tôi suốt 4 năm ở mái trường đại học và gần 2 năm sau khi ra trường. Tôi không gặp, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn của em. Tôi muốn Nguyệt mặc nhiên chấp nhận một sự lãng quên khi tôi đã bước vào môi trường mới. Những tin nhắn của em thưa thớt dần rồi thôi hẳn. Thú thật, khi thấy tin nhắn của em, tôi không hề mở ra đọc mà vội vàng bấm xóa. Tôi không muốn có bất cứ một vướng bận nào về khoảng thời gian có em trong đời…
Vì em là Nguyệt
Vì em là Nguyệt – Hình minh họa
Rồi tôi cưới vợ. Tất nhiên là tôi cưới cô đồng nghiệp xinh đẹp đang kề cận mỗi ngày. Vợ tôi là người rất biết ăn ngon, mặc đẹp, biết tận hưởng những thú vui của cuộc sống, biết chiều chồng.
 Điều duy nhất nàng không biết là vào bếp nấu những bữa ăn ngon hoặc giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng. Tất cả những thứ ấy tôi đều phải làm. Tôi vui vẻ làm và thấy hạnh phúc khi vợ tôi hài lòng. Đổi lại, tôi chỉ mong nàng sinh cho tôi một đứa con vì mẹ tôi tuổi ngày càng cao, bà cụ muốn thấy cháu nội đích tôn trước khi nhắm mắt lìa đời… Thế nhưng Lan từ chối thẳng thừng: “Em chưa muốn vướng bận”. Tôi hết năn nỉ lại giận hờn nhưng cũng chẳng làm vợ tôi xiêu lòng. Riết rồi tôi không dám về quê vì sợ mẹ tôi lại hỏi han, thúc giục.

Tôi cưới vợ 10 năm nhưng căn nhà vẫn lạnh lẽo vì không có tiếng bi bô của con trẻ. Tôi và Lan như hai người bạn, trừ khi lên giường thì chúng tôi là vợ chồng, còn những lúc khác thì mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy làm… Đôi lúc tôi tự nhủ, vợ chồng như thế này thì thật chẳng ra làm sao…

Chẳng biết từ bao giờ tôi lại nhớ đến vầng trăng nhỏ của mình ngày xưa. Tên em là Nguyệt và lòng em cũng trong trẻo như ánh trăng rằm. Không biết bây giờ em sống ra sao…

Như một kẻ mộng du, một người mất phương hướng, tôi dò tìm trong ký ức những kỷ niệm về em. Tôi tìm về khu trọ cũ. Chẳng ai biết em vì mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Tôi nhớ mang máng đường về nhà em vì có lần đã theo em về thăm ba khi ông trở bệnh nặng. Tôi nhớ không sai. Nhưng con đường đất đỏ ngày xưa giờ đã là con đường trải nhựa. Ngôi nhà lá lụp xụp ngày xưa giờ thành ngôi biệt thự khang trang có hàng rào bao bọc… Tôi ngập ngừng gọi cửa.

Ra mở cửa cho tôi là một người phụ nữ mà thoạt nhìn tôi biết ngay đó là Nguyệt. 10 năm chưa đủ để làm đổi thay những nét thân quen của một thời yêu dấu. Chỉ có khác là bây giờ Nguyệt đẹp đằm thắm, sang trọng. Em ngỡ ngàng khi nhận ra tôi…

“Ba mất, anh thì biệt tăm, em đành phải về đây để chăm sóc mộ phần và nhang khói cho ba… Rồi người ta quy hoạch, giải tỏa, đền bù. Tự dưng có một số tiền lớn, em xây lại nhà, mua thêm mấy căn ở thành phố rồi tổ chức lại công việc làm ăn. Cũng chỉ quẩn quanh với chuyện buôn bán trái cây thôi anh à…”- em nhẹ nhàng kể.

Chúng tôi đang nói chuyện thì có tiếng gọi cửa. Em hơi sựng lại một chút rồi đứng bật dậy bước nhanh ra cổng. Khi quay trở vào, em đi cùng một đứa bé khoảng 9-10 tuổi. Thằng bé khoanh tay chào tôi trong khi Nguyệt giới thiệu: “Đây là chú Minh, bạn của mẹ. Thôi, con vô rửa tay ăn cơm đi, để mẹ nói chuyện với chú”.

Thằng bé đi rồi, Nguyệt nói luôn: “… Ngày biết có nó, em đã nhắn cho anh nhưng không thấy anh trả lời…”. Nói đến đây, giọng Nguyệt nghẹn lại.

Tôi ngó Nguyệt trừng trừng, không tin vào tai mình. Nguyệt không giấu giếm, không úp mở mà nói thẳng với tôi lai lịch của thằng bé. Tôi không ngờ lần gặp lại sau 10 năm xa cách tôi lại đón nhận một điều khủng khiếp như vậy…

… “Anh sao thế?”- vợ tôi dò hỏi khi thấy tôi cứ bần thần sau chuyến đi ấy. Tôi không biết trả lời sao, nửa muốn nói thật, nửa muốn che đậy.

Sau khi nói rõ mọi chuyện, Nguyệt cũng nói thẳng là không cho phép tôi nhìn con, không cho phép tôi làm xáo trộn cuộc sống của nó. “Anh đừng quên rằng em là Nguyệt. Em dám làm những chuyện mà người khác không dám làm. Nếu anh lộn xộn, em sẽ nói hết mọi chuyện với vợ anh. Khi đó thì anh đừng trách sao em lại chen vào hạnh phúc gia đình anh”- Nguyệt đe tôi.

Thật sự là tôi không hề sợ chuyện đó. Nhưng tôi là người có lỗi trong mọi chuyện. Tôi chỉ sợ cả Nguyệt và thằng bé sẽ không tha thứ cho tôi. Và như thế thì mọi chuyện sẽ càng trở nên tồi tệ…

Hiếu Minh

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.