Trong khi người lớn luôn lo lắng và tìm đủ mọi cách để “ngăn chặn” tình yêu mới chớm ở tuổi học trò thì “những người trong cuộc” cũng mong muốn được góp một phần “tiếng nói” của mình. Có thể những “chuyện tình” của họ sẽ kết thúc bằng một sự sai lầm hoặc để lại kinh nghiệm “xương máu” nhưng chắc chắn sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ con cái mình hơn.
Càng cấm càng yêu
Có thể nói, trường hợp càng cấm càng yêu khá phổ biến trong các gia đình có con ở độ tuổi bắt đầu yêu. Hồng Phương vừa mới học xong lớp 12 tiết lộ: “Năm ngoái, em có quen với một anh sinh viên trong lần đi xem ca nhạc. Tụi em thường trao đổi với nhau qua e-mail và điện thoại thỉnh thoảng có đi chơi với nhau, em nghĩ chuyện đó là bình thường”. Có lần Phương lén mẹ lên lầu gọi điện thoại cho bạn trai, đang nói chuyện, mẹ Phương đột ngột xuất hiện buộc Phương dừng ngay cuộc gọi, sau đó mẹ đánh Phương một trận. Trận đòn đó không đủ mạnh để Phương chia tay với bạn trai của mình theo như yêu cầu của mẹ mà nó còn khiến Phương oán trách gia đình nhiều hơn. Sau lần đó, thay vì anh bạn kia chủ động gọi điện thoại thì ngược lại Phương sẽ “canh” lúc không có ai ở nhà gọi cho anh ta rồi cả hai tha hồ tán gẫu, hẹn hò. Và thay vì đến lớp học thêm vào các buổi tối, Phương lén lút đi chơi với bạn trai. Phương tâm sự: “Phải chi mẹ hiểu em một chút thì tụi em đâu cần phải bỏ học lén lút hẹn hò như thế này”.
Năm học này, Minh Thành sẽ bước vào kỳ thi đại học nên bất cứ lúc nào Thành cũng bị người nhà thúc ép chuyện học hành, thi cử. Ðể bảo đảm cho cậu con trai an tâm vào chuyện học, chuyện vui chơi giải trí đều bị gạt ra khỏi thời khóa biểu. Trong một lần đi cắm trại với bạn bè (vì do nhà trường tổ chức nên gia đình phải miễn cưỡng cho đi), Thành quen được một cô bạn cùng tuổi học khác trường. Dĩ nhiên chuyện tình này của Minh bị gia đình phản đối và ngăn cấm quyết liệt. Từ đó Thành đâm ra ít nói, em tự nhốt mình trong phòng, không trò chuyện với ai. Nhưng theo Thành: “Em thấy mình không có lỗi gì trong chuyện này, có bạn gái là nhu cầu chính đáng miễn đừng lơ là chuyện học là được. Em muốn được giãi bày, được trao đổi thẳng thắn với gia đình, nhưng ba mẹ không dành cho em cơ hội”.
Bế tắc dẫn đến bỏ nhà, tự tử
Là con gái của một gia đình có tiếng trong giới kinh doanh xuất nhập khẩu, ngay từ nhỏ Hoàng Lan đã được cưng chiều hết mực. Khi Lan lên lớp 11, mẹ em đã “ôm ấp” hy vọng gả con gái mình cho người xứng đáng. Chính vì lẽ đó, Lan không được giao thiệp với những bạn trai cùng lớp mặc dù tình bạn của các em rất vô tư, trong sáng. Cuối năm 11, em kết bạn với Khánh cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ ngoại ngữ của trường. Lúc đầu, cả hai chỉ giúp nhau trong học tập, trao đổi kinh nghiệm nhưng vì thấy Khánh thường xuyên gửi quà tặng Lan, nên mẹ em đã có những lời xúc phạm đến bạn ấy. Một phần xấu hổ với Khánh vì cách cư xử của mẹ, một phần cảm động trước sự quan tâm, chịu đựng của “người ấy” nên trong một lần bị mẹ mắng trước mặt mọi người, Lan đã bỏ nhà ra đi. Không quen biết ai ngoài mấy người bạn gái cùng lớp, Lan đã đến tìm Khánh. “May là lúc đó em được mẹ của bạn Khánh đã thông cảm và khuyên nhủ em rất chân tình đồng thời ba má em cũng sẵn sàng bỏ qua hành động nông nổi kịp thời đón em về nhà. Chứ không thì hậu quả khó lường”, Lan hú hồn mỗi khi nhớ lại chuyện cũ.
Cũng là con một trong gia đình khá giả nhưng ba mẹ của Thanh Xuân thường xuyên có những trận cãi nhau. Trong suy nghĩ của Xuân, em phải tìm cho mình một người yêu để bù đắp những trống vắng ấy. Thế rồi, qua một người bạn, Xuân bắt đầu để ý đến một anh “đẹp trai, ga lăng lại giàu có”. Vì ba mẹ Xuân lúc nào cũng mải mê kiếm tiền nên không ai quan tâm đến giờ giấc đi lại bất thường của con gái. Xuân thường đi sớm về muộn, thậm chí có hôm đi cả đêm gia đình cũng không hay biết. Hậu quả là Xuân có mang, bạn trai chối bỏ trách nhiệm, mà cũng không thể đòi hỏi gì hơn bởi cậu ta cũng chỉ mới có 16 tuổi. Cùng đường, Xuân chọn cho mình cái chết, cũng may được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Sau cú sốc đó, Xuân sống khép kín, mặc cảm với gia đình bạn bè, “phải chi em được gia đình quan tâm nhiều hơn, thậm chí có thể “o ép” em vào kỷ luật nào đó, có lẽ quãng đời học sinh của em “bằng phẳng” ít chông gai hơn bây giờ”.
Có lẽ, chuyện tình yêu của tuổi học trò nói mãi cũng không bao giờ hết. Chỉ mong rằng, “người trong cuộc” luôn biết mình cần phải làm gì trước những rung động, biến đổi tình cảm của tuổi mới lớn để có cách ứng xử thật sáng suốt. Bên cạnh đó, “người ngoài cuộc” hãy dành thời gian cho con em của mình nhiều hơn nữa để “luôn lắng nghe và chia sẻ”…
NGUYÊN PHONG
One thought on “Tình yêu tuổi học trò Tiếng nói của người trong cuộc”